Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Từ một số bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh mà anh/chị đã học, đọc thêm, bàn về lòng vị tha

Thứ sáu - 05/02/2021 08:43
Trong truyện ngắn Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã viết như thế này: Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Thực vậy, khi ở trong một tình thế nguy nan nhất, không phải ai cũng có thể quên đi cảnh ngộ của riêng mình để nghĩ được những việc khác. Thế nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa là trong cuộc sống này không có những người biết quên đi cảnh ngộ của riêng mình để nghĩ, để sống cho người khác. Và có một tấm gương đạo đức, có một nhân cách cao thượng tuyệt vời đã luôn luôn lựa chọn cách sống đó: Hồ Chí Minh. Tập thơ Nhật kí trong tù của Người là một bằng chứng hùng hồn nhất về tấm lòng vị tha vô bờ bến. 
Vị tha, hiểu theo lối chiết tự là “vì người khác”. Nghĩ cho người khác, sống vì người khác, ấy là vị tha. Vị tha đối lập với ích kỉ, vị kỉ (vì bản thân mình). Thế giới mà lòng vị tha mang đến là một thế giới đầy ắp tình cảm mến thương giữa người với người, trong khi đó thế giới của vị kỉ chỉ tồn tại duy nhát một “cái tôi” cô độc mà thôi.

Đang là một cánh chim bằng bay giữa bể khơi đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc, mùa thu năm 1942, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Trung Quốc. Người bị giam cầm suốt mười ba tháng ròng, phải chịu bao sự đày đọa về thân xác và bị thiêu đốt đến cháy lòng bởi những lo lắng khi công việc của cách mạng đang bề bộn. Nhưng quên đi hoàn cảnh riêng, quên đi nỗi khổ rất lớn của mình, Người luôn nhạy cảm và sẵn sàng chia sẻ với mọi vui buồn sướng khổ dù nhỏ nhặt của thế giới xung quanh, dẫu đó chỉ là một bông hoa nở - rụng theo quy luật thông thường, một cánh chim, một chòm mây nhỏ bé:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
(Chiều tối)

Chiều tối nơi sơn cước đã buông xuống cái giá lạnh tê tái mà hành trình lao giải của người tù cộng sản vẫn chưa chấm dứt. Những tưởng trong hoàn cảnh “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” (Nguyễn Tuân), trong trạng thái tinh thần hết sức mệt mỏi, tù nhân chẳng để mắt đến thế giới xung quanh. Thế nhưng, Người vẫn hướng đôi mắt mình ra không gian thiên nhiên để tìm sự đồng cảm trong những sự vật tưởng như vô tri vô giác, một “cánh chim mỏi” về rừng tìm chốn ngủ, một “chòm mây cô đơn lững lờ trôi” trên thinh không, tất cả đều mang chứa tâm trạng của con người. Hình ảnh thơ cho thấy cái nhìn trìu mến, ăm ắp lòng cảm thông, yêu thương của thi nhân đối với thiên nhiên tạo vật.

Trong hoàn cảnh lao tù, tấm lòng thương yêu, vị tha của Hồ Chí Minh còn hướng đến những tù nhân như người bạn tù thổi sáo, vợ người bạn tù đến thăm chồng, người tù bồi giấy làm chăn, một người tù trốn bị bắt trở lại, một người tù chết... Đặc biệt, sự việc một cháu bé bị bắt giam thay cha do cha trốn lính đã có sức lay động lớn tâm hồn Người, khắc sâu trong Người nỗi bất bình, niềm căm phẫn trước hiện thực bất công, mỉa mai, cay đắng và sự đồng cảm, thương xót khôn cùng trước tình cảnh đáng thương của cháu bé. Mỗi tiếng khóc của cháu vang lên như tiếng kêu xé lòng nhà thơ:

Oa...! Oa...! Oaa...!
Cha sợ sung quân cứu nước nhà;
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong ngục Tân Dương, 22 - 11)

Trong Hồ Chí Minh, yêu thương là một niềm hạnh phúc bất tuyệt mà ở bất kì nơi đâu, trước bất kì hình ảnh, cảnh tượng nào cũng dâng trào thác lũ, không phân biệt màu da, giai cấp, địa vị... Tình cảm ấy, Người còn dành cho biết bao người lao động nghèo gặp trên đường chuyển lao: nông dân được mùa hay hạn hán, một hàng cháo bên đường... Tình cảm ấy, Người còn dành cho những người “cùng hội cùng thuyền” với mình:

Cùng hội cùng thuyền nên phải giúp,
Viết thay báo cáo dám từ nan.

(Viết hộ báo cáo cho các bạn tù) thậm chí với cả những người trong hàng ngũ của kẻ thù như sở trưởng Long An họ Lưu, tiên sinh họ Quách, trưởng ban họ Mạc... nếu như họ vẫn giữ được đôi chút ánh sáng trong tâm hồn:

Trưởng ban họ Mạc người hào hiệp,
Dốc túi mua cơm giúp phạm nhân;
Đêm đến cởi thừng cho họ ngủ,
Chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân.
(Trưởng ban họ Mạc)

Và đó còn là nỗi nhớ đau đáu về đồng bào, đồng chí, về Tổ quốc thân yêu:

Ngày đi bạn tiễn bên sông,
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng.
Nay gặt đã xong, cày đã khắp,
Quê người tôi vẫn chốn nao nung.
(Nhớ bạn)

Ngợi ca tấm lòng vị tha trời biển của Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu viết:

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Bác ơi!)

Những vần thơ ấy cũng chính là tiếng lòng của tất thảy chúng ta trước Hồ Chí Minh - một trái tim suốt đời đập những nhịp đập yêu thương cho cuộc đời.

Từ tấm lòng vị tha của Hồ Chí Minh được biểu hiện trong tập thơ Nhật kí trong tù, có thể thấy vị tha là một tình cảm cao đẹp, đầy nhân ái. Vị tha chính là nguồn sức mạnh đưa con người vượt lên sự ích kỉ, hẹp hòi của bản thân, bước qua ranh giới của “cái tôi” cá nhân để đến với “cái ta” chung của cộng đồng, tập thể, gắn kết người với người bất kể không gian, thời gian, màu da, sắc tộc... Tình cảm này cũng chính là một trong những đức tính quan trọng làm nên truyền thống nhân đạo, nhân văn của văn học và của đời sống dân tộc Việt Nam ở mọi thời đại.

Hiển nhiên, không phải sinh ra ai cũng sẵn có một lòng vị tha hào hiệp nhưng đúng như Hồ Chí Minh, trong một bài thơ của mình đã nói:

Hiền dữ đâu phải do tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
(Nửa đêm)

thế nên mỗi chúng ta cần ý thức đây là tình cảm nhân ái cao đẹp, cần được xây đắp, gìn giữ trong mỗi người. Để vị tha, tôi nghĩ rằng thực không khó. Hãy quan tâm đến thế giới xung quanh mình, hãy yêu thương nhiều hơn thay vì hằn học, hận thù, hãy sẻ chia với mọi người tất cả những gì chúng ta có thể làm... Như thế, ta đang sống vị tha hơn.

Ngợi ca tấm lòng vị tha yêu thương của con người, chứng ta cũng cần phê phán những tư tưởng vị kỉ, ích kỉ, hẹp hòi, sự thờ ơ, vô cảm trong đời sống xã hội hiện nay. Bởi nếu ai cũng chỉ biết sống cho riêng mình, sống vì chính bản thân mình thì không biết thế giới này sẽ tồn tại được bao lâu nữa.
 
Lê Yến Linh Đan
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2014

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây