Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ về tình cảm gia đình, đạo đức của xã hội Việt Nam đương thời và hiện nay trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Chủ nhật - 07/02/2021 10:07
Từ niềm hạnh phúc của đám con cháu cụ cố tổ trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích số đỏ - Vũ Trọng Phụng) suy nghĩ về tình cảm gia đình, đạo đức của xã hội Việt Nam đương thời và hiện nay.
BÀI LÀM:
Có lẽ với hầu hết mọi người đọc Số đỏ, khi đọc đến chương XV của tiểu thuyết, đều giật mình thảng thốt khi nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt tên chương là Hạnh phúc của một tang gia - Văn Mình nữa cũng nói vào - Một đám ma gương mẫu. Phải chăng là một sự nhầm lẫn, hay là ngụ ý châm biếm của tác giả? Tất cả đều không chính xác. Hạnh phúc của một tang gia - đó chính là một hiện thực đang diễn ra tại nhà cụ cố Hồng khi cụ cố tổ nằm xuống.

Đọc tiểu thuyết, độc giả đã được biết đến niềm mong mỏi đợi chờ đến sốt ruột cụ cố tổ qua đời ở đám con cháu của cụ. Rồi cũng đến lúc, cụ cố tổ chết thật. Và sự kiện cụ cố tổ chết đã mang lại niềm vui cho mọi thành viên trong gia đình cụ cố Hồng bởi đã đến lúc gia tài kếch xù của cụ cố tổ được chia cho con cháu chứ không còn là lí thuyết viễn vông nữa. Đó là một niềm vui chung, niềm hạnh phúc lớn lao của đại gia đình họ. Nhưng không chỉ có vậy, chất chứa trong mỗi thành viên còn là những niềm hân hoan, sung sướng khác nữa khi đám tang sẽ là cơ hội để họ được phô diễn ý thích, sở trường của mình.

Với cụ cố Hồng - người con trai cả của cụ cố tổ - đám ma của cụ cố tổ là dịp may để cụ được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa mếu máo diễn trò già nua ôm yếu giữa phố đông người, để thiên hạ phải trầm trồ, khen là gia đình có phúc. Với ông Vãn Minh - gã cháu đích tôn của cụ cố tổ - đám ma là dịp để nhà cải cách y phục Âu hoá này được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất, có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kể chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Với vợ ông, bà Văn Minh, đám ma sẽ là dịp để mặc đồ tang tân thời. Cô Tuyết, đứa cháu gái xinh đẹp của cụ cố tổ sẽ được mặc bộ y phục Ngây thơ - cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú. 

Cậu Tú Tân thì sướng điên người vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua. Trong đám tang, cậu Tú Tân có thể chứng tỏ tài nghệ chụp ảnh của mình. Ông Phán mọc sừng lại sung sướng vì không ngờ cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và ông tin chắc mình cũng được trả công xứng đáng. Bởi lẽ cụ cố tổ sở dĩ lăn đùng ra cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng. Mỗi kẻ trong đám con cháu đó mãi hoan hỉ với niềm vui của mình đến nỗi nhiều kẻ lại mang bộ mặt đau đớn đúng cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối. Ông Văn Minh phân vân, vò đầu rứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm chiêu chiêu bởi không biết xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao cho phải... (Xuân phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết). Bọn con cháu thì cứ điên người lên, sốt cả ruột vì mãi không được dùng đến cái máy ảnh, mãi không được mặc đồ xô gai tân thời. Tuyết thì đau khổ một cách rất chính đáng bởi không hiểu vì lẽ gì người tình (Xuân Tóc Đỏ) mất mặt.

Đó chẳng phải những gương mặt ấy - những đứa con cháu chí hiếu của cụ cố tổ - đang vui sướng, hạnh phúc tột bậc khi cụ chết đấy sao? Người đọc buồn thương vì cái chết của cụ cố tổ bao nhiêu thì lại đau đớn, xót xa bấy nhiêu trước cái chết của nhân tính, của đạo đức xã hội. Vũ Trọng Phụng quả thật dũng cảm khi vạch trần bản chất vô nhân tính của xã hội tư sản Việt Nam đương thời.

Nhưng câu chuyện nhà văn Vũ Trọng Phụng kể lại đâu phải là chuyện của một thời và đâu còn là chuyện ở một tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Câu chuyện đau lòng còn được đối chứng trong chính thời đại của chúng ta - thời đại ngày nay. Ngay trong làng, trong xã, trong khu phố nơi ta ở vẫn còn kia những nhà kia lỗi phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng (Tú Xương); vẫn còn những đứa con đã ăn trộm tiền của cha mẹ để lấy tiền ăn chơi; vẫn còn những đứa cháu đang tâm giết ông ngoại để cướp tiền chơi điện tử; vẫn còn những đứa con có cháu gọi bằng ông bà rồi mà không nuôi nổi cha mẹ, để cha mẹ phải đón Tết ngoài đường... Những câu chuyện đó hoàn toàn có thực và nó khiến cho chúng ta - những người luôn băn khoăn, trăn trở trước sự suy thoái của đạo đức xã hội có lúc phải rơi nước mắt. Tất thảy những con người ấy, sao chẳng ngượng ngùng, xấu hổ, sao chẳng thẹn khi miệng vanh vách đọc những câu Kiều:

Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Với những người thân yêu nhất trong gia đình, những con người ấy còn nhẫn tâm, vô sỉ thì với người ngoài không cùng huyết thống, chúng còn táng tận lương tâm đến mức nào? Vậy thì điều gì đã đẩy họ - đám con cháu “đại bất hiếu” của gia đình cụ cố tổ, của xã hội nỡ lòng đối xử với người thân của mình như thế? 

Từ phía khách quan, có thể nói chính xã hội với sự xâm lấn ồ ạt của những luồng văn hóa ngoại lai - không được kiểm duyệt kĩ càng và sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế tư bản... đã khiến cho nhiều người dễ dàng quay lưng lại với bao truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tất nhiên, đó là những kẻ có bản lĩnh quá kém cỏi, không đủ năng lực chống đỡ, miền nhiễm trước sự xâm lấn của cái xấu, cái ác... Còn bạn và tôi – thế hệ trẻ hôm nay - liệu rằng chúng ta có sống như họ? Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đủ khôn lớn để nhận thức được mỗi lời nói, hành động của mình. Vậy thì đúng hay sai, tốt đẹp hay xấu xa..., ai cũng có thể phân biệt được. Và để có thể lựa chọn, hành động đúng đắn, còn gì đáng làm hơn là yêu thương nhiều hơn, tích cực vun đắp yêu thương trong chính mình hơn? Tình yêu thương không giới hạn sẽ là ngọn hải đăng không để ta lầm đường lạc lối. Cộng với yêu thương, thái độ vững vàng, bản lĩnh trước những cám dỗ, đổi thay của cuộc sống sẽ là số hạng thứ hai để chúng ta thêm khôn lớn, trưởng thành.

Cuộc sống sẽ vẫn chảy trôi như những dòng sông không bao giờ ngừng trôi chảy. Nhưng tôi tin chắc rằng những người trẻ hôm nay sẽ luôn ngạo nghễ, ngẩng cao đầu bởi chẳng bao giờ chúng ta trở lại quá khứ để sống bất hiếu, vô đạo như đám người tư sản những năm đầu thế kỉ.
 
Trần Thuý Lan Thi
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2012

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây