Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhân được học một số bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, anh/chị hãy viết bài văn bàn về ý chí, nghị lực của con người

Thứ sáu - 05/02/2021 08:38
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn thanh niên Việt Nam:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Không chỉ ở lời nói mà trong hành động, bản thân Người đã là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực, về sức mạnh vượt mọi khó khăn, thử thách. Chỉ đọc những vần thơ trong Nhật kí trong tù, chúng ta đã cảm nhận được một cách sâu sắc ý chí “thép” ở con người bình thường mà hết sức vĩ đại này.

Cuộc đời người cộng sản cũng có khi thật là sang, thật nên thơ nhưng cũng khó có thể kể cho hết gian khổ phải trải qua. Chỉ tính quãng thời gian Hồ Chí Minh bị quản thúc trong nhà lao Tưởng Giới Thạch cũng đủ thấm thía bao khốn khó, nhọc nhằn Người phải chịu đựng. Nhưng thép càng tôi luyện càng bền, càng qua gian lao, người chiến sĩ ấy càng kiên gan, bền chí hơn. Ngay khi bị bắt vào nhà ngục Túc Vinh, Người đã tự đặt quyết tâm: Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao, Muốn nên sự nghiệp lớn, Tinh thần càng phải cao. Sự giam hãm chỉ có thể trói buộc thân thể chứ không thể cầm tù tinh thần, ý chí người chiến sĩ cách mạng. Người luôn quên đi nỗi đau, sự gò bó, tù túng về thân thể để lựa chọn cho mình tâm thế của một chinh nhân, một hành nhân, một thi nhân.

Nếu không biết đến hoàn cảnh sáng tác Nhật kí trong tù, có lẽ ít người hiểu tác giả đang chịu sư quản thúc dưới chế độ nhà lao Tưởng Giới Thạch. Hồ Chí Minh luôn quên đi hoàn cảnh của riêng mình, hướng cái nhìn ra vạn vật, để rồi ánh trăng cũng trở thành bạn hữu (Vọng nguyệt), một nhành hoa cũng tìm đến Người bày tỏ lòng tri ân (Vãn cảnh), một cánh chim, một chòm mây cũng được Người nhìn bằng đôi mắt yêu thương, trìu mến (Mộ). Quên đi thời gian, quên đi không gian, quên cả bước chân lê nặng xiềng xích... đó chẳng phải là biểu hiện cao độ của ý chí, nghị lực phi thường?

Bao nhiêu bài thơ trong Nhật kí trong tù là bấy nhiêu ngọn đuốc sáng rực tinh thần kiên dũng của người chiến sĩ cách mạng. Hầu như đọc bài nào ta cũng bắt gặp ý chí “thép” cuồn cuộn. Không mang ý chí đó, làm sao người chiến sĩ có thể đi qua chặng đường gian khổ một cách nhẹ nhàng?

Bác Hồ kính yêu đã rời xa chúng ta nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Người luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt Nam. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vẫn không ngừng được hưởng ứng. Điều đó cho thấy ý chí, nghị lực là một trong những di sản quý giá nhất mà Người đã di chúc lại cho dân tộc ta. Việc rèn giũa ý chí, nghị lực là điều thiết thực mà chúng ta nên thực hiện trong cuộc sống.

Vấn đề đặt ra là tại sao con người lại phải rèn luyện ý chí, nghị lực? Có phải chỉ trong hoàn cảnh bị giam cầm, tù hãm, con người mới cần có ý chí, nghị lực? Và có phải chỉ những người chiến sĩ cách mạng, được vũ trang bằng tư tưởng Mác - Lê nin mới có ý chí, nghị lực phi thường như thế?

Người xưa nói: Ai nắm tay qua ngày đến sáng. Cuộc đời con người không phải lúc nào cũng yên bình, hạnh phúc. Không ai nói trước được tương lai của mình. Chỉ có ý chí, nghị lực là tấm bảo hiểm duy nhất cho cuộc sống của mỗi cá nhân. Cô Tấm trong câu chuyện cổ tích xưa không thể mãi ngồi khóc và chờ Bụt đến giúp.

Nhân dân vùng bị thiên tai bão lụt không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của đồng bào. Nếu không gạt nước mắt, không tự mình bước lên trên những mất mát, đau thương, không chủ động gây dựng cuộc sống mới, họ sẽ không bao giờ có tương lai sáng sủa.

Dân gian có câu: Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Muốn có ý chí, nghị lực, đừng bao giờ nói “không” trước hoàn cảnh. Kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó, ngại khổ là phương thức thứ nhất để chúng ta rèn luyện. Hôm nay chưa giải được bài toán, ngày mai ta giải lại. Năm nay chưa đỗ đại học, chúng ta có thể tiếp tục ôn tập để củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kì thi sang năm... Việc đặt ra cho mình những mục tiêu, đích đến nhất định để phấn đấu cho bằng được cũng là một cách chúng ta rèn luyện ý chí. Đơn giản nhất là chúng ta vạch ra kế hoạch cho mỗi ngày và phấn đấu thực hiện hết phần việc ngay trong ngày. Tất nhiên, nhiều lúc chúng ta phải chịu áp lực lớn từ công việc. Cách tốt nhất là luôn giữ cho mình tâm thế thoải mái, lạc quan, chủ động khi làm việc, không để hoàn cảnh trấn áp tinh thần. Đó chính là cách Hồ Chí Minh luôn thực hiện trên mọi con đường bị áp tải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta có quyền buông lỏng bản thân. Ý chí, nghị lực của con người phải đi liền với lòng quyết tâm cao độ. Nếu không có quyết tâm, chúng ta không bao giờ hoàn thành được công việc của mình, không bao giờ đi qua khó khăn trong cuộc sống.

Bài học về ý chí, nghị lực là bài học cần được rèn luyện mọi lúc, mọi nơi. Sẽ có lúc chúng ta mệt mỏi nhưng đừng bao giờ chán nản bởi có ý chí, nghị lực là chúng ta đã đủ hành trang để tự tin bước vào đời.
Nguyễn Thị Thương
Trường THPT Hai Bà Trưng, Huế
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm 2012

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây