Vào năm học, bạn lo lắng không biết mình có nên học thêm không? Học thêm ai? Học bao nhiêu môn? Nào Toán, nào Hóa, rồi Lý, Sinh, Anh văn, Tin học, thậm chí cả môn Văn. Thời gian đâu mà học cho hết, còn bài vở ở lớp? Bài tập ở nhà? Không học thì không biết làm mà “học thêm” rồi không làm thì cũng không biết! Có bao giờ bạn thắc mắc học thêm là gì mà học sinh chúng mình cứ đổ xô đi học thêm?
Trên cơ sở những điều đã biết, bạn cảm thấy chưa đủ, chưa thỏa mãn, bạn mới “học thêm”. Ngay cả những điều bạn chưa biết bạn cũng có thể học thêm, nhưng quan trọng là những gì bạn học thêm phải trở thành tài sản riêng của bạn.
Tại sao bạn phải học thêm trong khi có khối kiến thức ở lớp cần phải học, mà bạn không học? Đến giờ trả bài bạn đứng câm như “hến”, Bạn quá khổ sở vì thời gian học thêm đã lấn át giờ học bài. Một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ, chúng ta phải mất một buổi sáng đến trường, buổi chiều học thêm, buổi tối ngủ nghỉ. Xen vào đó là những giờ ăn vội vã. Còn giờ chơi, giờ học bài... ở đâu?
Học thêm chỉ có lợi khi nó làm đúng chức năng của hai chữ “học thêm”.
Những kiến thức cơ bản cần nắm, bạn phải thuộc, phải biết. Và chỉ khi muốn thỏa mãn những điều chưa biết như: Tại sao bài toán lại giải như thế này mà không giải như thế khác? Tại sao a xít làm đỏ giấy quì còn bazơ làm xanh giấy quì ?... Tại sao và tại sao? Lúc ấy bạn mới phải học thêm.
Cũng do ở trong lớp học, không đủ thời gian để thầy cô giảng giải mọi thắc mắc của chúng ta, giảng giải mọi bài tập, cho nên mới có việc học thêm, khi đến nơi học thêm, bạn phải thấy rằng mình cần phải học, cần phải lắng nghe và ghi nhớ những gì thầy cô nói, thầy giảng vào trong trí óc của bạn thì học thêm mới có ích.
Đối với những học sinh yếu kém, việc học thêm cũng rất cần, vì có người kèm cặp, quản thúc thì chúng ta khó lòng mà lười biếng và bắt buộc phải học thôi. Nhờ đó mà việc học ngày càng khá lên.
Nói chung việc học thêm có lợi khi ta thật sự thấy học thêm là cần thiết. Thấy rằng nó đáp ứng yêu cầu hiểu biết cần có ở chúng ta.
Theo thuyết tương đối: mọi sự đè nén đều có ngày nổ tung. Đầu óc của chúng ta cũng vậy, nếu bạn nhồi nhét cho nó quá nhiều nó sẽ tự động trào ra.
Nếu ở mức độ cao hơn bạn có thể bị “rối loạn thần kinh”. Bạn có thừa nhận rằng: có đôi khi bạn ngồi học, căng mắt nhìn thấy, tay thì viết, nhưng đầu thì “ngủ”, tay viết đấy nhưng chẳng biết viết chi? Chúng ta cưỡng bức trí óc làm việc quá mức cho nên nó phản lại bằng việc “ngừng tiếp nhận”. Đó cũng là một cách điều chỉnh sự mất cân bằng trong việc ăn ngủ học hành mà cơ thể đặt ra cho bộ não của bạn, nếu không bạn sẽ điên lên mất.
Thế nên bạn đừng hỏi: “Tại sao tôi đi học thêm hoài mà chẳng làm được bài giỏi lên gì cả?”. Bạn đi học chứ bạn có học đâu!
Đi học là chuyện dễ, học mới là chuyện khó. Phần lớn chúng ta đến với “học thêm” bằng tư thế bị động chỉ chờ đợi thầy giảng giải sẵn rồi chép. Cho nên, thầy thì giảng thông nói thạo, còn trò thì chỉ trông chờ vào quyển vở như một “bửu bối”. Đến với “học thêm” mà lười biếng, đinh ninh rằng thầy cho viết nhiêu đây là đủ rồi, có gì giở ra chép là xong, mình khỏi cần phải học thì hỏng bét, đến lúc thi cử sẽ ra sao? Học với cách thức trên chỉ như “nước đổ lá khoai”, chi phí tiền bạc và thời gian.
Học thêm vừa có lợi vừa có hại. Điều đó tùy thuộc vào cách thức học tập và nhận thức của mình về việc học thêm.
Chúng ta đi học thêm để có thêm kiến thức. Khi có kiến thức rồi phải dùng nó chứ! Mỗi bài, mỗi chữ đều phải ghi nhớ vào đầu, làm đi, làm lại cho đến khi nhuần nhuyễn cách làm. Học bài ở lớp, làm bài tập ở nhà phối hợp với những gì “học thêm” để hoàn thành yêu cầu học tập mà thầy cô đề ra trên lớp. Như vậy bạn mới có thể trở thành học sinh giỏi, không phí công sức, tiền của và thời gian của bạn. Nhưng bạn phải biết sắp xếp thời gian biểu cho phù hợp với sức khỏe, có thể và điều kiện riêng của bản thân, cần có suy nghĩ đúng đắn trước khi học thêm, nếu không bạn có thể tự học ở nhà..
Có không ít người, lấy việc học thêm là cái cớ để được rời khỏi nhà đi chơi, tụ tập bạn bè, long nhong, quậy phá. Dùng tiền cha mẹ cho học thêm để ăn chơi, lêu lổng, đôi khi còn sa vào tệ nạn xã hội do một phút bồng bột, hiếu kỳ gây nên mối bận tâm lo ngại cho gia đình, nhà trường và xã hội. Kết quả là chẳng giỏi, khá gì mà còn thảm hại hơn. Các bậc cha mẹ thường than phiền “thời buổi này học hành sao tốn kém quá, con tôi cứ đi học suốt ngày, chẳng giúp được gì, lại còn tiền bạc liền liền, mà nó học vẫn yếu. Có thấy nó học bài đâu!”. Chúng ta là những con người hiểu biết đừng hành động như thế.
Hiện nay, việc “học thêm” đã trở nên phổ biến, vấn đề này rất cần sự quan tâm, chú ý khắc phục những sai sót trong quá trình giảng dạy thêm, cách học thêm của người dạy lẫn người học để việc “học thêm” thật sự có ý nghĩa. Chúng ta học thêm để giỏi thêm cơ mà!
Lê Thị Thúy An
Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2015