- Phân tích
+ Nghệ sĩ Phùng đang ở trong giây phút thăng hoa của cảm xúc vì phát hiện ra “cảnh đắt trời cho”: Cảnh một chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm mờ sương thì một cảnh tượng phi thẩm mỹ (một người đàn bà xấu xí mệt mỏi; một gã đàn ông to lớn, độc dữ) phi nhân tính (gã chồng đánh đập người vợ một cách thô bạo; đứa con vì thương mẹ đã đánh lại cha). Trước cảnh tượng ấy người nghệ sĩ trào lên một cảm xúc ngỡ ngàng từ đó anh đã có một cách nhìn đời khác hẳn.
+ Đây là tình huống độc đáo, mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Tình huống bất ngờ, chứa đựng những nghịch lí của đời sống (cộng với câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện) đã khiến cho Phùng thay đổi nhận thức về cuộc sống.
+ Thấy rõ nghệ thuật phải gắn chặt với đời sống. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Tình huống nhận thức trong Chiếc thuyền ngoài xa vì thế như một gợi ý về yêu cầu đối với nghệ sĩ: phải biết rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống. Người nghệ sĩ nếu đã có tình yêu sâu nặng với con người, phải biết trung thực, dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực cho dù hiện thực ấy có khắc nghiệt đến đâu chăng nữa.
+ Qua tình huống nhận thức trong truyện, tác giả gởi gắm thông điệp: không được đơn giản, dễ dãi trong cách nhìn cuộc sống, mà con người phải có một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của hiện tượng.
BÀI LÀM:
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói: “Tình huống là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại”. Trong Chiếc thuyền ngoài xa đó là tình huống nhận thức bởi nó hướng tới bộc lộ sự nhận thức của nhà văn về cuộc dời và nghệ thuật. Đó là tình huống mà nhân vật Phùng trải qua hai phát hiện độc đáo: Anh phát hiện ra sự tàn nhẫn của cuộc đời khi chứng kiến cảnh bạo hành trong một gia đình thuyền chài. Đến tòa án huyện; nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài anh lại phát hiện ra vẻ đẹp của chị và nhận thức về bản chất con người, về sự phức tạp của đời sống.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng luôn thiết tha săn tìm cái đẹp, biết rung mạnh mẽ trước vẻ đẹp kì diệu có thực của cuộc đời. Nguyễn Minh Châu miêu tả bối cảnh câu chuyện không phải là mảnh đất hoành tráng của chiến trường xưa, cũng không phải những người chiến sĩ kiên trung vì lịch sử vốn là đề tài “nóng” của văn học bấy giờ. Phùng là một người lính năm xưa, giờ là phóng viên ảnh, ,đi “săn” một tấm hình chụp cảnh bình minh trên biển. Và như một cơ duyên, Phùng đã bắt gặp một cảnh đất trời cho khi bắt gặp một chiếc thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào... Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Có những người nghệ sĩ dành cả đời để tìm kiếm cái đẹp mà không thấy, Phùng lại có cái may mắn khi gặp được khoảnh khắc đó. Nghệ thuật với Phùng là sự đơn giản, hài hòa mà toàn bích, nó có thể khiến con người quên đi những phiền não của cuộc sống. Phùng tưởng tượng ra cuộc sống tươi đẹp, dáng yêu, khỏe khoắn của những người dân chài vùng biển từ khoảnh khắc mà anh bắt gặp đó. Giây phút nhìn thấy chiếc thuyền ngư phủ như trong mơ đó cũng là lúc Phùng chạm vào nghệ thuật, nó khiến anh xúc động: "trong giây phút bối rối ấy, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Cái đẹp chính là thiên nhiên và cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, cái đẹp chính là đạo đức. Phùng hân hoan trong niềm vui sướng ngập tràn về sự tận thiện, tận mĩ của cái đẹp trong cuộc sống.
Vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì diệu của cuộc đời, người nghệ sĩ này lại đã kinh ngạc khi nhận thấy bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy là 1 người đàn bà xấu xí, lam lũ mệt mỏi, một người đàn ông cục cằn, và càng kinh ngạc hơn khi chứng kiến cảnh gã đàn ông đánh vợ một cách tàn nhẫn, vũ phu, còn người đàn bà cam chịu nhẫn nhục. Sau giây phút kinh ngạc "đứng há mồm ra mà nhìn”, Phùng đã "vứt chiếc máy ảnh xuống đất và chạy nhào tới”. Trong giây phút ngỡ ngàng, kinh ngạc, nghệ sĩ Phừng như đã nhận ra, cái đẹp của cuộc sống không phải là hoàn thiện toàn mĩ, và cái đẹp không phải bao giờ cũng là đạo đức.
Lần thứ hai chứng kiến, Phùng trở thành người hùng, anh đánh quật gã đàn ông vũ phu bằng cú đánh của người "không cho phép hắn đánh một người đàn bà, cho dù đó là vợ và tự nguyện rúc vào xó bãi xe tăng kín đáo cho hắn đánh...”. Phùng nhân danh một người lính - những người đã đổ máu để giành lại bình yên cho đồng bào mình chăng hay hành động tấn công gã đàn ông khiến anh ngộ nhận mình là anh hùng? Trong phút chốc, Phùng xót xa nhận ra cái xấu, cái ác, cái bi kịch trong gia đình hàng chài kia giống như một câu chuyện cổ quái đản và chiếc thuyền vó thơ mộng kia phút chốc cũng biến mất. Cái phát hiện thứ hai của Phùng xuất phát từ câu chuyện của người đàn bà hàng chài: "Quý toà đừng bắt con phải bỏ nó”, "lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được việc làm ăn của các người lam lũ, khó nhọc”, “Các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết được như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông. Cả Đẩu và Phùng đều thốt lên: "Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được”. Họ không thể hiểu tại sao hai con người nhỏ bé kia lại chấp nhận sống và hy sinh đến như vậy. Dần dần họ đã hiểu được những nguyên cớ sâu xa hơn “vả lại ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi vui vẻ”. Nó khiến Phùng vỡ lẽ được sự khắc nghiệt của cuộc sống khi nhận ra rằng trong cuộc đời, để có thể tồn tại và mưu sinh, có những nghịch lí mà người ta buộc phải chấp nhận. Người đàn bà nhẫn nhục cam chịu vì những đứa con và những khoảnh khắc hạnh phúc gia đình, người đàn ông độc ác vì cuộc sống mưu sinh khó khăn mà đánh vợ như một cách giải tỏa những ẩn ức, một đứa con vì bảo vệ mẹ mà lao vào đánh cả bố. Cái tận thiện, tận mĩ chẳng phải là đạo đức, là chân lý mà người nghệ sĩ vẫn ôm ấp. Cái đẹp, cái thiện lại luôn tiềm ẩn cái xấu, cái ác, hạnh phúc luôn tiềm ẩn những bất hạnh. Phùng đã hiểu được cái đa sự của cuộc sống mà đôi khi, con người ta phải chấp nhận.
Những gì đã diễn ra ở cái phố huyện vùng biển ấy đã giúp Phùng có cách nhìn nhận đánh giá con người và cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh này cũng có nhiều nhận thức mới mẻ về "Chiếc thuyền ngoài xa”. Vẫn là chiếc thuyền ấy, vẫn được cảm nhận từ khoảng cách "ngoài xa”, nghệ sĩ Phùng đã thấy nó không còn bình yên, thi vị thơ mộng nữa, mà là con thuyền của vật lộn chống chọi với phong ba của biển cả, với sóng gió của cuộc đời để tồn tại và mưu sinh. Ngay cả bức ảnh chụp “Chiếc thuyền ngoài xa” trong sương sớm đẹp như mơ, cũng được Phùng cảm nhận với nhiều ý nghĩa mới mẻ. "Cái màu hồng hồng” mà Phùng cứ thấy ngời lên ở bức ảnh đen trắng ấy chính là hiện thân cho vẻ đẹp kì diệu của cuộc sống, cũng là vẻ đẹp mà nghệ thuật đã nắm bắt và thể hiện được, như màn sương, làm “mờ hóa” khả năng tri nhân ở chúng ta. Còn hình ảnh người đàn bà xấu xí, lam lũ, nghèo khổ, mệt mỏi như đang bước ra từ tấm ảnh chính là hiện thân cho cái lam lũ khó nhọc, cho cái uẩn khúc của cuộc đời.
Tình huống trong truyện tạo bước ngoặt trong nhận thức, Với người nghệ sĩ, thiên chức là ngưỡng vọng và sáng tạo một vẻ đẹp toàn thiện nhưng sẽ là kẻ tội đồ nếu vẻ đẹp ấy làm che khuất và quên đi những bất hạnh trong đời. Cái đẹp không chỉ là đạo đức, nó là sự thức tỉnh. Với Nguyễn Minh Châu, nghệ thuật chân chính phải phục vụ con người, phải nắm bắt được mọi uẩn khúc trong cuộc sống và người nghệ sĩ chân chính phải biết rung động trước mọi lẽ đời. Nhà văn cũng đưa ra một thông điệp: không thể nhìn cuộc sống một cách giản đơn, không thể đánh giá con người ở vẻ bề ngoài, phải có cái nhìn thấu đáo về con người để đánh giá đúng không suy xét một phía... từ đó phát hiện vẻ đẹp tâm hồn ẩn chứa sau vẻ ngoài lam lũ thô kệch của người đàn bà hàng chài.
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được tình huống mà ở đó bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm và cả trong cuộc đời nhân vật. Tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống. Qua đó ta thấy được những tìm tòi, đổi mới của Nguyễn Minh Châu trên con đường đổi mới nghệ thuật.