Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)

Thứ bảy - 02/05/2020 13:28
Phân tích vẻ đẹp của các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) . Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
BÀI LÀM:
Nhưng quan tâm chính của nhà văn là tạo ra một chất thơ đặc biệt của hồn người. Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm... Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Tràng là một thanh niên nghèo, xấu xí “2 con mắt nhỏ tí’ “hai bên quai hàm bạnh ra”, cái đầu cạo trọc nhẵn. Anh lại là người ngớ ngẩn “có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm, than thở những điều hắn nghĩ”. Khi bị bọn trẻ con trêu chọc, Tràng “ngửa mặt lên cười hểnh hệch”. Tràng lại là dân ngụ cư - loại người bị coi khinh trong xã hội lúc bấy giờ. Đó là những lí do để Tràng không thể lấy được vợ. Tràng, một con người - một thân xác vạm vỡ, lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch thô kệch và xấu xí ấy lại mang trong mình một tình thương không phải ai cũng có được. Tràng liều lĩnh gặp thị cũng thế, “hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình”. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều ấy cũng hé mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ. Anh nóng lòng sốt ruột khi không thấy mẹ về, rồi cử chỉ thiết tha mời mẹ ngồi: “thì u cứ ngồi lên giường lên giếc chĩnh chiện cái nào” đã nói cho ta nhiều phẩm chất của con người, tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính. Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc của gia đình. Hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ “ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến “trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua”. Không còn là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thay cho những bước chân ngật ngưỡng là những bước đi lững thững ra sân rồi sau đó là “xăm xăm chạy”. Thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm , muốn một cảnh gia đình hạnh phúc. “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng và hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Hắn cũng xăm xắn ra sân dọn dẹp nhà cửa. Hành động cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn. Từ ngây dại, Tràng đã trở nên có ý thức, từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hòa thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.

Người vợ nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác, u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên trong một chốc lát. Từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là một quá trình biến đổi nhờ tình người, tình thương yêu của gia đình Tràng. Thị xuất hiện không tên tuổi, quê quán, trong thư thế “vân vê tà áo đã rách bợt”, điệu bộ trông thật thảm hại nhưng thị lại gieo mầm sống cho cái lều lụp xụp nơi gia đình Tràng ở. Thiếu thị, Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng thầm trong đau khổ, cùng cực. Có thị, Tràng đã biết chăm lo vun vén, bà cụ Tứ thì nói toàn những chuyện sung sướng về sau. Ta hoàn toàn có thể hy vọng về sự đổi thay số phận của thị cùng gia đình Tràng sau này.

Bà cụ Tứ với diễn biến tâm trạng phức tạp nhưng sâu sắc. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà xa lạ. Làm người mẹ, cụ biết trách nhiệm của mình đối với con; “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nỗi, còn mình thì...”. Riêng suy nghĩ đó đã gợi ra cả một kiếp người và cả một hoàn cảnh éo le mà bà cụ Tứ đã và đang trải qua. Cụ tủi phận mình rồi thương con đẻ, thương đến cả con dâu. Lòng bao dung đã khiến cụ nhận ra cảnh ngộ và duyên cớ mà người đàn bà kia đến với con mình: "Người ta có gặp lúc khó khăn, đói khổ này, người ta mới theo đến con mình”. Nếu người dân xóm ngụ cư thấy thị là món nợ đèo bòng, bà cụ Tứ cũng có giây phút nghĩ đến nhà thêm một miếng ăn nhưng cảm xúc chủ đạo mà bà dành cho người vợ của Tràng là sự “thương xót”, thông cảm, và không hề xa lánh. Câu nói của bà vang lên là tiếng lòng của một người mẹ: “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Những dòng nước mắt xót xa cứ lăn dài trên gương mặt người mẹ ấy: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt chảy xuống ròng ròng”. Bởi bà cụ nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghĩ đến cuộc đời khổ cực của mình, nghĩ đến tương lai của con trai và con dâu... và chẳng thể thoát ra khỏi không khí chết chóc đang bủa vây xung quanh. Hoàn cảnh bất ngờ đã khiến bà cố giấu đi giọt nước mắt của mình một cách vụng về. Nếu trong hoàn cảnh đói khát, có lẽ người đàn bà nghèo khổ ấy không khóc và cố giấu nước mắt đến thế, bởi cái đói chỉ khiến con người chai lì đi chứ không thể đau khổ hơn được nữa. Nhưng đây là hạnh phúc hiện hình từ cái đói nên giọt nước mắt ấy là sự tủi hờn, cảm động không kìm nén được. Người mẹ ấy nhận tất cả vào mình để nói với “chúng mày” những lời lẽ ôn tồn, những lời lẽ như chứa đựng cả triết lý sống ngàn đời của nhân dân ta: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, “vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông trời cho khá”. Đó cũng là sự hi sinh của người mẹ rất mực thương con. Bà không chỉ cảm thấy có lỗi với con, không lo được cho con mà còn cảm thấy có lỗi với hàng xóm khi không làm được mâm cơm cho tử tế để mời “Kể có ra là được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt cái lúc này”. Nói như Kim Lân: “Những người đói ngày ấy cũng có đạo lý riêng của họ” và cái đói không thể tiêu diệt được cái mầm lễ nghĩa trong chính những con người đang tối sầm lại vì đói khát kia.

Kết thúc tác phẩm là hình ảnh lá cờ bay phấp phới và đoàn người kéo nhau đi trên đê Sộp hiện lên trong óc Tràng. Nó như dự báo một tương lai tươi sáng đến những con người nghèo khổ, tương lai đến từ cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà thiên truyện mở đầu bằng hình ảnh chiều tà, kết thúc bằng hình ảnh buổi sáng sớm bình minh, nó tượng trưng cho sự lạc quan của chính tác giả. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 -1945 không nhìn thấy được.

Miêu tả nạn đói năm 1945, Kim Lân đã phê phán chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đẩy nhân dân ta đến nạn đói khủng khiếp và thê thảm nhất. Bằng những trăng văn thấm đẫm tình người, nhà văn đã ngợi ca khát vọng sống mãnh liệt ở những thần phận nghèo đói, thảm hại kia.
Vợ nhặt trước hết là thiên truyện về cái đói. Hình ảnh cái đói hiện về qua hai chi tiết: con người năm đói và không gian năm đói. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỷ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây