Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Chủ nhật - 03/05/2020 08:41
- Hoàn cảnh sáng tác.
- Giới thiệu nhân vật Phùng.
- Phân tích:
+ Nghệ sĩ Phùng là người thiết tha săn tìm cái đẹp trong cuộc đời.
* Phùng đã phục kích hàng tuần bên bờ biển để thu được một “cảnh đắt trời cho”: hình ảnh chiếc thuyền ngư phủ in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù, một vẻ đẹp đơn giản mà toàn bích.
* Tâm trạng của Phùng: hạnh phúc, chìm đắm, có được cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Phùng nhận ra “bản thân cái đẹp là đạo đức”.
-> Phùng là một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, say mê cái đẹp của cảnh vật.
+ Phùng luôn trăn trở, lo âu về số phận con người.
Phùng buộc phải chứng kiến cảnh bạo hành của gia đình hàng chài nọ: một người đàn ông độc dữ đánh vợ tới tấp, một người đàn bà nhẫn nhục cam chịu những, trận đòn thù của chồng. Cảnh bạo hành đó diễn ra thường xuyên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.
*Thái độ của Phùng kinh ngạc, chạy nhào tới. Lần thứ hai chứng kiến: anh xông vào đánh lão đàn ông và xót xa khi nghe câu chuyện của người đàn bà tại tòa án: Phùng đã hiểu được những uẩn khúc, những mặt xấu của cuộc đời luôn tồn tại mà con người phải chấp nhận.
* Bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa ở cuối tác phẩm: Mỗi lần ngắm nhìn nó, Phùng lại thấy xót xa khi nghĩ về gia đình người hàng chài ấy.
-> Người nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm trước cuộc đời.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: như phần I
- Giá trị, ý nghĩa: như phần I.

BÀI LÀM
Giới thiệu nhân vật Phùng: “Chiếc thuyền ngoài xa” được trần thuật từ ngôi thứ nhất, người kể chuyện là Phùng - xuất hiện trực tiếp qua lời xưng “tôi” trong tác phẩm. Đó là câu chuyện mà Phùng đã chứng kiến ở 1 vùng biển cách Hà Nội hơn 600 cây số, khi tìm chụp ảnh biển buổi sáng có sương để bổ sung cho tờ lịch tháng 7 trong bộ lịch năm sau. Nguyễn Minh Châu đã trao ngòi bút cho Phùng để nhân vật này tự kể lại những gì mình từng chứng kiến về con người và cuộc sống.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng là người luôn thiết tha săn tìm cái đẹp, biết rung động mạnh mẽ trước vẻ đẹp kì diệu có thực của cuộc đời. Nền văn học thời kì hậu chiến hay lấy hình tượng người lính để ngợi ca, Nguyễn Minh Châu xây dựng Phùng là một người lính năm xưa, giờ là phóng viên ảnh, đi “săn” một tấm hình chụp cảnh bình minh trên biển.

Nét nổi bật ở nhân vật này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật. Niềm đam mê đó khiến anh phục kích hàng tuần liền ở bãi biển để “săn lùng” cái đẹp. Và rồi thì anh cũng có một cảnh đắt trời cho: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời, chiếu vào … Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Có những người nghệ sĩ dành cả đời để tìm kiếm cái đẹp mà không thấy, Phùng lại có cái may mắn khi gặp được khoảnh khắc đó. Nghệ thuật với Phùng là sự đơn giản, hài hòa mà toàn bích, nó có thể khiến con người quên đi những phiền não của cuộc sống. Phùng tưởng tượng ra cuộc sống tươi đẹp, đáng yêu, khỏe khoắn của những người dân chài vùng biển từ khoảnh khắc mà anh bắt gặp đó. Giây phút nhìn thấy chiếc thuyền ngư phủ như trong mơ đó cũng là lúc Phùng chạm vào nghệ thuật, nó khiến anh xúc động: “trong giây phút bối rối ấy, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Cái đẹp chính là thiên nhiên và cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, cái đẹp chính là đạo đức. Phùng hân hoan trong niềm vui sướng ngập tràn về sự tận thiện, tận Mỹ của cái đẹp trong cuộc sống. Anh vồ vập bấm máy ghi hình, liên thanh hết 1/4 cuốn phim và chắc mẩm mình đã đi đến cùng của giới hạn nghệ thuật.

Vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kì diệu của cuộc đời, người nghệ sĩ này lại đã kinh ngạc khi nhận thấy bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy là 1 người đàn bà xấu xí, lam lũ mệt mỏi, 1 người đàn ông cục cằn, đánh vợ 1 cách tàn nhẫn, vũ phu, còn người đàn bà cam chịu nhẫn nhục. Sau giây phút kính ngạc “đứng há mồm ra mà nhìn”, Phùng đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất và chạy nhào tới”. Trong giây phút ngỡ ngàng, kinh ngạc, nghệ sĩ Phùng như đã nhận ra, cái đẹp của cuộc sống không phải là hoàn thiện toàn mỹ, và cái đẹp không phải bao giờ cũng là đạo đức. Vẻ đẹp của Phùng còn hiện lên là một người đầy lòng trắc ẩn, lo âu về thân phận con người.

Lần thứ hai chứng kiến, Phùng đã đánh quật gã đàn ông vũ phu bằng cú đánh của người “không cho phép hắn đánh một người đàn bà, cho dù đó là vợ và tự nguyện rúc vào xó bãi xe tăng kín đáo cho hắn đánh.. ” Phùng nhân danh một người lính - những người đã đổ máu để giành lại bình yên cho đồng bào mình chăng hay hành động tấn công gã đàn ông khiến anh ngộ nhận mình là anh hùng? Hay ở anh còn có một động cơ “đạo đức” của người nghệ sĩ - người biết thưởng thức và giữ gìn vẻ đẹp toàn thiện chứ không phải là toàn ác, thá hóa? Lần thứ 2 khi chứng kiến cảnh gã đàn ông hành hạ vợ vũ phu, Phùng đã “nện cho hắn một trận ra trò”. Sau câu nói của người đàn bà hàng chài “Quý tòa đừng bắt con phải bỏ nó”, Phùng đã “cảm thấy gian phòng ngủ lồng lồng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá”, Phùng đã lắng nghe và nhận ra đằng sau vẻ ngoài thô kệch của người đàn bà lam lũ kia là một tấm lòng cao thượng thấu hiểu lẽ đời, và luôn lạc quan hi vọng. Bà sống vì chồng vì con mà sẵn sàng nhẫn nhục, cam chịu và bao dung cho người đàn ông sống bên mình. Cái thiên chức của người đàn bà là sinh con và sống cho con - đó là hạt ngọc lấp lánh mà những con người nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn như Phùng phải cố tìm mà hiểu, mà trân trọng. Người đàn bà đó cũng khiến Phùng hiểu được một sự thật khắc nghiệt trong cuộc sống: trong hạnh phúc luôn tiềm ẩn sự bất hạnh, trong cái đẹp luôn tiềm ẩn cái xấu cái ác. Cái đẹp không chỉ là đạo đức, nó là sự phản tỉnh.

Nghệ thuật mà nhân vật Phùng nhận ra là những éo le, nghịch cảnh, là lẽ đời. Trong lòng Phùng trĩu nặng nỗi đau về thân phận con người. Những dự cảm tăm tối như đang bủa vây lấy Phùng khi cái đói cái nghèo vẫn còn đó, người đàn ông đó vẫn đánh đập vợ sau chiếc xe tăng, thằng Phát vẫn mang trong lòng nó tình yêu thương mẹ mà sẵn sàng đánh cả bố. Mỗi lần Phùng ngắm nhìn tấm ảnh thuyền và biển, trước mắt anh lại nhận ra hình ảnh một người đàn bà lam lũ, nghèo khổ như nhắc nhở anh về "cuộc sống đa đoan, con người đa sự”, người nghệ sĩ không chỉ biết nắm bắt vẻ ngoài của nghệ thuật mà phải rút ngắn khoảng cách, phải thấu hiểu lẽ đời. Không phải ngẫu nhiên, sau câu chuyện người đàn bà nơi toà án huyện, hình ảnh “chiếc thuyền vó bè” đậu ở giữa phá, giữa lúc “biển bắt đầu gào thét” đã xuất hiện tới 3 lần trong cái nhìn đây lo lắng của ông lão sơn trang và của nghệ sĩ Phùng. Như vậy vẫn là chiếc thuyền ấy, vẫn được cảm nhận từ khoảng cách “ngoài xa”, nhưng sau khi đã thấu hiểu được những uẩn khúc, nghịch lí của cuộc đời nghệ sĩ Phùng đã thấy nó không còn bình yên, thi vị thơ mộng nữa, mà là con thuyền của vật lộn chống chọi với phong ba của biển cả, với sóng gió của cuộc đời để tồn tại và mưu sinh.

Dù đều có lòng tốt, có thiện chí, có sự ủng hộ của luật pháp công minh nhưng người lính ấy vẫn không thể giải phóng cho người đàn bà và những đứa trẻ hàng chài khỏi những đau khổ và bất hạnh. Với Nguyễn Minh Châu, để giải phóng con người khỏi tình trạng đói nghèo, túng quẫn và lạc hậu, chỉ có lòng tốt và lẽ phải công minh vẫn còn chưa đủ. Sự bất lực của Phùng trong việc giải phóng cho người đàn bà hàng chài khỏi tình trạng bạo lực gia đình, cùng với việc người đàn bà ấy bị hành hạ 1 cách vũ phu, thường xuyên lên bãi xe tăng hỏng mà quân nguy đã bỏ lại khi rút chạy cũng cho thấy cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi đói nghèo túng quẫn còn nhiều trở ngại, gian nan hơn cả cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Nếu các nhân vật người đàn bà hàng chài, người đàn ông vùng biển và cậu bé Phát là các nhân vật tính cách Phùng lại là những nhân vật tư tưởng. Qua nhân vật Phùng, Nguyễn Minh Châu đã bộc lộ cái tâm và cái tài của 1 ngòi bút thâm trầm, sâu sắc, đầy bản lĩnh, luôn tiên phong trong cốông cuộc đổi mới văn hoá, đồng thời cũng chứng tỏ văn học và cuộc sống luôn luôn gắn bó với nhau.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây