Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tâm trạng của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt của Kim Lân.

Thứ bảy - 02/05/2020 13:12
DÀN Ý
- Hoàn cảnh sáng tác
+ Bối cảnh câu chuyện: như để trên
+ Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ:
+ Giới thiệu: bà cụ Tứ là một bà mẹ nông dân nghèo và rất mực thương con. Bà xuất hiện trong tấc phẩm muộn hơn các nhân vật khác nhưng lại được Kim Lân tập trung khắc họa diễn biến tâm trạng sâu sắc nhất.
+ Tâm trạng bà cụ Tứ:
* Ngạc nhiên sững sờ - vừa mừng vừa tủi - khóc - nỗi lo - niềm tin, sự lạc quan (thể hiện qua bữa ăn sáng hôm sau)
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật: tập trung miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ. Nếu Tràng có diễn biến nội tâm đơn giản, một chiều thì tâm lý bà cụ Tứ lại được kể ra theo chiều “gấp khúc”.
-  Giá trị, ý nghĩa: như phần I.

BÀI LÀM
Bà cụ Tứ vốn là một nông dân từng trải, trung hậu. Cụ xuất hiện, muộn nhất trong tác phẩm nhưng lại là nhân vật kết đọng những giá trị về tình người, về đạo lý. Thiếu nhân vật này, tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân sẽ thiếu hẳn sức nặng.

Mở đầu, hình ảnh bà cụ Tứ xuất hiện với cái dáng “lọng khọng”, với tiếng ho “húng hắng” từ ngõ vọng vào. Hai từ láy, một từ tượng hình và một từ tượng thanh, đã phần nào khắc họa hình ảnh một người mẹ nghèo khổ, lam lũ, cơ cực, bị gánh nặng cuộc đời đè nặng thêm mãi tưởng chừng không bao giờ dứt. Tâm trạng của bà cụ Tứ là vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn bà ở đầu giường con trai mình: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà nhỉ? (...) Sao lại chào mình bằng u (...) Ai thế nhỉ? (...) ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Cái đói đã đánh mất sự nhạy cảm vốn có của người mẹ này. Thậm chí Tràng đã phải nhắc đi nhắc lại thì bà cụ Tứ “im lặng”. Cái im lặng của một người đã trải qua biết bao cái đau khổ túng quẫn của đời, cái thấm thía cho cảnh ngộ, cái chấp nhận cho người đàn bà xa lạ kia và cả nỗi xúc động đến nghẹn lời.

Nếu tâm trạng cua Tràng chỉ phát triển theo đường thẳng, từ đầu đến cuối tác phẩm chỉ là những cung bậc cảm xúc thì ở bà cụ Tứ, tâm trạng phức tạp hơn. Khi nghĩ đến cảnh túng thiếu, đói khát của gia đình mình, cụ Tứ thấy tủi thân, tủi phận. Làm người mẹ, cụ biết trách nhiệm của mình đối với con: “người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì...”. Riêng suy nghĩ đó đã gợi ra cả một kiếp người và cả một hoàn cảnh éo le mà bà cụ Tứ đã và đang trải qua. Cụ tủi phận mình rồi thương con đẻ, thương đến cả con dâu, Lòng bao dung đã khiến cụ nhận ra cảnh ngộ và duyên cớ mà người đàn bà kia đến với con mình: “Người ta có gặp lúc khó khăn, đói khổ này, người ta mới theo đến con mình”. Nếu người dân xóm ngụ cư thấy thị là món nợ đèo bòng, bà cụ Tứ cũng có giây phút nghĩ đến nhà thêm một miếng ăn nhưng cảm xúc chủ đạo mà bà dành cho người vợ của Tràng là Sự “thương xót”, thông cảm, và không hề xa lánh. Câu nói của bà vang lên là tiếng lòng của một người mẹ: “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Những dòng nước mắt xót xa cứ lăn dài trên gương mặt người mẹ ấy: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt chảy xuống ròng ròng”. Bởi bà cụ nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghỉ đến cuộc đời khổ cực của mình, nghĩ đến tương lai của con trai và con dâu... và chẳng thể thoát ra khỏi không khí chết khốc đang bủa vây xung quanh. Hoàn cảnh bất ngờ đã khiến bà cố giấu đi giọt nước mắt của mình một cách vụng về. Nếu trong hoàn cảnh đói khát, có lẽ người đàn bà nghèo khổ ấy không khóc và cố giấu nước mắt đến thế, bởi cái đói chỉ khiến con người chai lì đi chứ không thể đau khổ hơn được nữa. Nhưng đây là hạnh phúc hiện hình từ cái đói nên giọt nước mắt ấy là sự tủi hờn, cảm động không kìm nén được. Người mẹ ấy nhận tất cả vào mình để nói với “chúng mày” những lời lẽ ôn tồn, những lời lẽ như chứa đựng cả triết lý sống ngàn đời của nhân dân ta: “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, “vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông trời cho khá”. Đó cũng là sự hi sinh của người mẹ rất mực thương con. Bà không chỉ cảm thấy có lỗi với con, không lo được cho con mà còn cảm thấy có lỗi với hàng xóm khi không làm được mâm cơm cho tử tế để mời “Kể có ra là được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt cái lúc này”. Nói như Kim Lân: “Những người đói ngày ấy cũng có đạo lý riêng của họ” và cái đói không thể tiêu diệt được cái mầm lễ nghĩa trong chính những con người đang tối sầm lại vì đói khát kia.

Việc Tràng “nhặt” được vợ vừa là nỗi buồn rầu lo lắng, vùa là niềm vui mừng của bà lão tội nghiệp này. Hạnh phúc cũng hồi sinh nơi bà cụ Tứ, gương mặt “tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn quét tước nhà cửa”. Sự hớn hở và ý thức về một cuộc sống mới không chỉ có ở đôi vợ chồng trẻ mà nó cũng hiện diện trên gương mặt và điệu bộ xăm xắn của bà. Đến bữa ăn, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Cụ cố giấu cái lo, động viên các con “nhà ta thì còn nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông trời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì con cái chúng mày về sau”. Bà cụ cố khơi lên niềm vui từ nồi cháo cám. Nồi cháo cám là sự gắng gỏi của người mẹ phụ thêm vào xuất ăn ít ỏi của mỗi người, là biểu hiện của tình yêu thương ở người mẹ đối với những đứa con. Hãy nghe người mẹ nói: “chè đây -Bà lão múc ra một bát - chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Chữ “ngon” này cần phải cảm thụ một cách đặc biệt: niềm tin về hạnh phúc của con biến đắng chát thành ngọt ngào. Chi tiết nồi cháo cám là điều mà nhà văn Kim Lân muốn gửi gắm đến người đọc một thông điệp: dù đói khát khốn cùng đến đâu, con người cũng sẽ không bao giờ đánh mất cái chất người của mình. Họ muốn sống cho ra sống, và còn sống là còn lạc quan, như dân tộc ta ngàn đời nay luôn lạc quan mà bước tiếp vậy: “Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống”. Chỉ đến khi tiếng trống thúc thuế vang vọng vào bữa ăn, bà cụ Tứ mới thốt lên tâm trạng thực của minh: "Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”.

Qua diễn biên tâm trạng của bà cụ Tứ. Chúng ta có thể nhận thấy biệt tài phát hiện và miêu tả tâm lí một cách chân thật và sắc sảo của Kim Lân. Nhà văn không chỉ khắc họa tâm trạng ấy thông qua hành động, lời lẽ, cử chỉ bề ngoài mà còn nhập thân vào nhân vật. Nhờ vậy, hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên chân thực hơn. Quá trình tâm lí ở cụ Tứ có phần phức tạp hơn nhân vật Tràng, tâm lí vận động theo kiểu gấp khúc hợp với những nỗi niềm trắc ẩn trong chiều sâu riêng của người già từng trải và nhân hậu.

Thể hiện thành công diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ, Kim Lân đã bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc trước cuộc đời những con người bất hạnh. Nhà văn cũng trân trọng nâng niu từng vẻ đẹp tâm hồn của họ. Điều này có tác dụng to lớn, khắc hoạ rõ nét chủ đề của tác phẩm: cho dù phải sống trong một tình thế hết sức bi đát, bà cụ Tứ nói riêng và những người lao động nói chung vẫn hướng tới tương lai, vẫn khao khát một mái ấm gia đình. Giá trị nhân đạo toát lên từ tình người gắn bó bao bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh khốn cùng ấy.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây