b. Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài:
- Bề ngoài:
+ Trạc ngoài 40 tuổi, thô kệch, lúc nào cũng xuất hiện với khuôn mặt mệt mỏi, gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ.
+ Là một người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu (bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập; thầm lặng chịu đựng khi bị chồng đánh; nhất quyết xin tòa không cho bỏ chồng, tiếp tục gắn bó với lão đàn ông vũ phu).
- Bên trong:
+ Là một người mẹ. thương con vô bờ, giàu đức hi sinh; trong khổ đau triền miên, vẫn biết chắt lọc những hạnh phúc nhỏ nhoi.
+ Có tấm lòng bao dung, chia sẻ, thấu hiểu và thông cảm với chồng (khi ở tòa án, bà lí giải việc lão đàn ông đánh vợ chỉ là một cách để lão giải tỏa nỗi tức tối, buồn phiền về cuộc sống).
c. Đánh giá nhận xét
+ Người đàn bà hàng chài được miêu tả từ dáng vẻ đến ngôn ngữ đối thoại, rất linh hoạt và phù hợp với tính cách.
+ Nhân vật người đàn bà hàng chài được thể hiện qua quá trình thay đổi nhận thức của nhân vật Phùng, cũng đồng thời là cái nhìn khám phá, phát hiện về đời sống. Người đàn bà và câu chuyện của bà là câu chuyện về sự thật cuộc đời, giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lí, hiểu được những con người mà mới chỉ nhìn bên ngoải, sẽ không thể nào đánh giá chính xác được.
Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả thể hiện cái nhìn thông cảm, thấu hiểu và trăn trở về cuộc đời, con người và hơn hết đặt vấn đề: hãy nhìn cuộc sống bằng cái nhìn đa điện, nhiều chiều để phát hiện và khám phá cuộc sống.
BÀI LÀM:
Người đàn bà hàng chài là người mang thân phận nhỏ bé, vô danh. Nguyễn Minh Châu đã gọi một cách phiếm định bằng nhiều tên gọi khác nhau: người đàn bà hàng chài, mụ, chị ta... Cũng giống như Kim Lân gọi người vợ nhặt trong tác phẩm của mình là “thị”, cách gội của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hé mở một cuộc đời éo le, nhọc nhằn, một số phận bị vùi dập giữa cuộc sống bộn bề lo toan. Không có tên tuổi tụ thể, một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, người đàn bà này là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam lam lũ, cực nhọc từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, văn học lúc bấy giờ đang được hâm nóng bởi đề tài “hậu chiến”, mở ra hình tượng người đàn bà hàng chài là bước tiên phong của Nguyễn Minh Châu trong việc khai thác đề tài đời tư, thế sự.
Cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, đau khổ làm cho diện mạo chị đã xấu giờ trở nên thô kệch. “Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt. Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Đây là nhân vật tiêu biểu cho dạng "nhân vật tính cách - số phận” trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Ngoại hình của chị mang dấu ấn của cuộc đời khốn khổ, đặc biệt là chi tiết “Khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Không cáu gắt, chị âm thầm chịu đựng những trận đòn từ người chồng, đó là dấu hiệu của sự tê liệt về ý thức hay nhấn mạnh sức cam chịu của người đàn bà trước những đắng cay tủi hờn mà người chồng vũ phu gây ra?
Qua câu chuyện ở tòa án huyện người đọc hiểu hơn sự bất hạnh trong cuộc đời chị: Cái xấu đã đeo đuổi chị như định mệnh, suốt từ khi còn nhỏ; có mang với một anh hàng chài, đến mua bả về đan lưới, rồi thành vợ chồng; cuộc sống mưu sinh trên biển cực nhọc, vắt vả, lam lũ, bấp bênh, gia đình nghèo lại còn đông con, chồng thường xuyên bạo hành bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết “ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn”. Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng một chi tiết giàu ý nghĩa: “Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên cổ lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân”. Ngước mắt quay lại nhìn là để thêm một lần xác thực không có đứa con nào của bà trên chiếc thuyền ấy nhìn thấy cảnh cha chứng hành hạ mẹ chúng. Và sau khi chắc chắn không có ai, chị đã phải chịu một trận đòn dữ dội từ người chồng độc dữ. Người đàn bà ấy vẫn “cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Chị bị đòn nhiều đến mức quen rồi, không thấy đau nữa, hay là sự lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đã được suy tính kĩ lưỡng? Cảnh bạo
hành diễn ra sau chiếc xe tăng hỏng. Phải chăng tác giả dùng hình ảnh đó với dụng ý, cuộc chiến đấu đói nghèo tăm tối còn gian nan hơn cả cuộc chiến đấu chống ngoại xâm?
Một chi tiết bất ngờ, thằng Phác đã chạy sổ đến giật chiếc thắt lưng từ tay của cha mình. Đó là cách mà thằng bé bảo vệ mẹ mình nhưng nó cũng làm người mẹ khổ đau ấy bị giày vò: “Miệng mếu máo gọi, người đàn bà ngồi xệp xuống trước mặt thằng bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy”. Những trận đòn roi của người bố không thể che mắt được thằng bé dù người mẹ đã hết sức che chắn (xin chồng đừng đánh mình trên thuyền, trước mặt con cái). Cái kết cục kia khiến chị “vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Người đàn bà ấy nhẫn nhục, cam chịu, thầm lặng chịu đựng mọi đau đớn tất cả vì những đứa con. Chị không muốn đàn con phải nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ, không muốn đem lại cho đứa con những rạn vỡ trong tâm hồn.
Người đàn bà ấy không chỉ cam chịu, nhẫn nhục mà còn là người sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Chị chấp nhận, không kêu van, không trốn chạy. Khi được đề nghị giúp đỡ thì “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Chị ý thức được thiên chức của người phụ nữ: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn”. Trong cuộc mưu sinh đầy cam go: thuyền ở xa biển, cần một người đàn ông khỏe mạnh, biết nghề. Sự cần thiết của việc có người đàn. ông làm chỗ dựa, để chèo chống khi phong ba bão táp, cùng nuôi dạy các con: "Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con, không thể sống cho mình như trên đất được”. Chị “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Nguyên nhân sâu xa của sự cam chịu chính là tình thương con vô bờ bến của chị. Hãy quan sát cách nói chuyện ta sẽ hiểu hơn về người phụ nữ khổ đau ấy. Lúc đầu người đàn bà xưng con, thưa quý toà, giọng van xin thảm hại (Con lạy quý toà...; chú ý không chỉ nói, mà còn làm: chắp tay lại vái lia lịa). Nhưng sau đó cách nói năng và cử chỉ thay đổi: không cúi gục xuống nữa, mà ngẩng lên và nhìn thẳng vào quý toà, với cách của một người tự chủ (lần lượt từng người một); đổi xưng hô thành chị với các chú.
Người đàn bà ấy còn là người giàu lòng vị tha. Chị hiểu được trước đây chồng vốn là anh con trai cục tính nhưng hiền lành, cũng nghĩ cho vợ con nhưng rồi cuộc sống mưu sinh khổ nhọc làm cho anh tha hóa. Trong thâm tâm chị, những nỗi đau đớn mà mình gánh chịu xứng đáng như thế vì bởi chị... đẻ nhiều con quá. Điều đó đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo khó còn bám riết lấy gia đình này. Trong lời thú tội ngậm ngùi, chân thật và tê tái của chị, có những câu hỏi không dễ trả lời, những mâu thuẫn khó giải thích: để yêu thương và sống qua muôn nỗi khó khăn, cơ cực, đôi khi người ta phải chấp nhận sự tàn nhẫn, tha hóa, phi đạo đức. Chị cho rằng chồng cũng không hẳn hoàn toàn xấu. Có lẽ cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh bao nhiêu lo toan, cực nhọc đã biến “anh cọn trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền.
Đặc biệt ở người đàn bà là chị cũng đã vẫn giữ trong tâm hồn mình ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin để thắp lên hạnh phúc mỏng manh: Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: “...vui nhất là lúc ngồi nhìn con tôi chúng nó được ăn no”; "trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”.
Đằng sau sự nhẫn nhục ấy là bản nằng sinh tồn mãnh liệt và một tấm lòng yêu thương đáng thương. Người đàn bà hàng chài vừa lam lũ, chất phác, có tình thương con vô bờ hến, vừa luôn mang nỗi đau, vừa có cái thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng hình tượng người đàn bà hàng chài ở nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Do đó nhân vật này cùng thân phận, vẻ đẹp tâm hồn hiện lên dần dần.
Qua hình ảnh người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu không chỉ kín đáo thể hiện mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời mà còn đặt ra vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống một cách đúng đắn. Cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phải “cố tìm mà hiểu” để phát hiện ra bản chất tốt đẹp của con người, phát hiện ra những uẩn khúc và nghịch lí của cuộc đời. Nhà văn trân trọng nâng niu những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của người dân lao động, nhất là vẻ đẹp của tình yêu thương và đức hi sinh. Nhà văn cũng phê phán mạnh mẽ sự ngu muội của con người khi hành hạ người thân một cách vũ phu tàn nhẫn. Tất cả làm nên tư tưởng nhân đạo thâm trâm, sâu sắc và mới mẻ của truyện ngắn này.