Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung

Thứ năm - 21/10/2021 03:24
Trong nền văn thơ cổ điển Việt Nam đầu thế kỉ XV, bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung xưa nay vẫn được xem là những vần điệu bi hùng nhất. Còn nhớ Đặng Dung là một danh tướng đời hậu Trần theo Trần Trùng Quang đánh đuổi giặc Minh, từng lập được nhiều chiến công lớn. Nhưng về sau thất thế, bị bọn chúng bắt được giải về Yên Kinh, Trung Quốc. Dọc đường để giữ tròn khí tiết, viên bại tướng anh hùng này đã nhảy xuống sông tự vẫn. Văn nghiệp của ông chỉ còn lại cho đời sau duy nhất một bài thơ: Cảm hoài.
Nguyên văn:
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa, nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu, thành công dị,
Vận khứ anh hùng, ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục;
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt mai. 

Dịch thơ:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng, một cuộc say.
Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước, ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm, mài bóng nguyệt biết bao rày!

Đây là một bài thơ, đúng như nhận xét của nhiều người, tuy được sáng tác vào cuối đời Trần, lúc triều đại này đã suy vong nhưng vẫn còn mang trọn hào khí Đông A của dân tộc trong những năm tháng đầu dựng nước và giữ nước. Tác giả bài thơ, tuy là viên đại tướng ôm hận vì đã bất lực trước thời thế, nhưng rõ ràng trong bài thơ Cảm hoài này đâu chỉ riêng có nỗi buồn. Mà đặc biệt ở đây, lòng yêu nước thiết tha của một tráng sĩ vì nước quên mình mài gươm bóng nguyệt biết bao phen đã toát lên trong từng câu chữ. Tình cảm cao quý nhất ấy tưởng tràn ngập cả đất trời cao rộng.

Hai câu đầu bài thơ là một tấm bi kịch của kẻ anh hùng với một tấm lòng bối rối Việc đời thì dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm thế nào. Đây là lời cảm thán trước bức tranh thời cuộc khá đen tối của lúc bấy giờ: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa... bọn gian tà bán nước cầu vinh” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). Bọn giặc thù khác nào sóng dữ tràn vào đất nước gieo rắc tai ương, nhà thơ phải chạnh nỗi Cảm hoài đầy bi phẫn:

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa, nhập hàm ca.
(Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng, một cuộc say)

Hai câu thực tiếp theo là sự chiêm nghiệm lịch sử nhiều cay đắng của nhà thơ:
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”.
(Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước, ngẫm càng cay.

Đồ điếu, đồ là mổ thịt, điếu là câu cá, ám chỉ thuở hàn vi, Phàn Khoái bán thịt, Hàn Tín câu cá, thời cơ đến, họ theo giúp Lưu Bang làm nên sự nghiệp lớn. Gặp thời, những kẻ bần tiện cũng dễ dàng lập nên công trạng to Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ là như thế. Trái lại, kẻ anh hùng khi thất thế (vận khó), phải nuốt hận đắng cay. Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay. Hai câu thơ là một lời oán trách con tạo bất công làm nhức nhối cả lòng người bao thế hệ. Từng câu chữ ở đây như ngấm đầy nước mắt, những giọt nước mắt không chảy ra ngoài mà lặn sâu vào trong lòng tác giả.

Nối tiếp mạch thơ là hai câu luận:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
(Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây).

Hai câu thơ chợt bừng lên khí độ của kẻ anh hùng nặng mang hoài bão lớn. Hình tượng thơ không những rất đẹp mà còn tráng lệ và kì vĩ biết bao. Hai hình ảnh phò địa trục (mong nâng trái đất) và vãn thiên hà (lôi sông Ngân Hà xuống) có kích thước và tầm vóc vũ trụ, thể hiện một chí khí và một khát vọng anh hùng ngút trời đậm chất anh hùng ca mang âm hưởng chung của hào khí Đông A, âm điệu hùng tráng của dòng thơ văn chiến đấu chống ngoại xâm từ thế kỉ X đến thế kỉ XV của nước ta.
Cuối cùng là một hình ảnh đầy bi tráng của người anh hùng, tuy thất thế mà vẫn hiên ngang rất mực: 

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma.
(Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày!)
Đã mấy độ mài gươm dưới ánh trăng, trải qua nhiều tháng, nay mái tóc người anh hùng đã bạc. Trăng cũng đã tàn. đời đã xế, nhưng mối quốc thù còn canh cánh mãi đè nặng hồn nhà thơ.

Chỉ vì mối quốc thù Đặng Dung mới sôi sục tâm hồn đến như vậy. Cái đáng quý ở đây không nghe nhà thơ nhắc gì đến mối thù riêng, cha bị giết oan (còn nhớ ông đã cùng với cha mình là Đặng Tất, một tướng giỏi theo Giản Định Đế Trần Quỹ (1407- 1409) chống quân xâm lược Minh lập được nhiều chiến công hiển hách.
 
Hành động này đâu khác chi Trần Quốc Tuấn xưa, sẵn sàng bỏ thù nhà để lo thù nước.

Long tuyền trong câu thơ cuối cùng là tên một thanh gươm báu, thanh gươm để giết giặc cứu nước, đem lại cuộc sống yên bình cho muôn vạn sinh linh. Ai cũng cho rằng đây là hai câu thơ đẹp nhất trong thơ văn Lí Trần chói ngời hào khí Đông A. Đúng như Lí Tử Tấn, một danh sĩ đầu đời hậu Lê, đã viết: “Phi hào kiệt chi sĩ bất năng” nghĩa là nếu không phải kẻ ẩn sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi.

Cái đẹp của bài thơ Cảm hoài là cái đẹp bi tráng, cái đẹp người anh hùng khi thất bại. Bài thơ khiến ta không khỏi liên tưởng đến những vần điệu tâm huyết của Ngu Cơ viết về Hạng Vũ, hai nhân vật thời xưa bên Trung Hoa:

Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Đại Vương chí khí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh
(Quân Hán cướp đất hết
Khúc Sở vang bốn bề
Đại Vương chí khí cạn
Tiện thiếp sống làm chi)

Điểm gặp nhau của hai bài thơ này là tầm nhìn hào hùng và tâm trạng bất lực vì trời chẳng chiều người. Như đã nói, đây chính là cái bi kịch của viên bại tướng anh hùng ôm hận vì với hết sức mình đã không xoay đổi được thời thế.

Như vậy, chỉ với Cảm hoài bài thơ duy nhất còn để lại cho đời sau, nhưng tên tuổi của Đặng Dung và tên của bài thơ, những vần điệu bi hùng ấy cũng đã đủ đi vào cõi bất tử trong tâm của người Việt Nam muôn thế hệ. Có thể khẳng định đây là bài thơ đặc sắc nhất trong dòng thơ yêu nước chống xâm lược của văn thơ Việt Nam vào đầu thế kỉ XV.​
 

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây