Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung (Bài 2)

Thứ bảy - 23/10/2021 03:17
Nói đến mảng văn học Lí-Trần, ta phải nói đến nội dung chủ đạo của nó là chủ nghĩa yêu nước. Nội dung này đã bao trùm văn học suốt năm thế kỉ và trở thành chủ đề lớn nhất, nguồn cảm hứng trữ tình lớn nhất của văn học. Bên cạnh rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về chủ đề yêu nước, ta phải nhớ đến Đặng Dung với một bài thơ hay nhất nhưng đã làm rung động tâm hồn độc giả bao thế kỉ, đó là bài Cảm hoài.
Bài thơ bộc lộ nỗi lòng của tác giả. Nỗi lòng ấy là nỗi lòng của một con người yêu nước, lo đời, muốn giúp nước m thời vận để thỏa sức vẫy vùng, thực hiện chí lớn. Chính vì vậy bài thơ thấm đượm cảm xúc trữ tình bi tráng ngay ở hau câu thơ đầu:

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa, nhập hàm ca.

Thấm trong từng ý từng lời của câu thơ là nỗi buồn về cuộc đời của tác giả: Việc đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây. Câu thơ như một lời than, một câu hỏi đầy xót xa, cay đắng. Thế gian đã không ủng hộ nhà thơ. Ông đã già rồi, mà việc đời, việc nước cứ đằng đẵng trôi đi, chẳng chờ đợi ai. Tuổi già đã làm bất lực trước thế sự, có lẽ chính nỗi buồn đó đã đưa tác giả vào những cuộc hát nghêu ngao. Nhưng nhà thơ làm như vậy không phải để lãng quên tất cả và không phải muốn mặc sự đời. Ông lao vào các cuộc rượu hát chẳng qua vì ông uất hận khi thấy mình bất lực không giúp gì được cho đời. Hơn nữa, lời ca của ông không mang cái tầm thường mà trong đó có cả cái mênh mông vô tận của trời đất. Điều đó cho ta thấy được chí khí lớn lao của tác giả. Từ nỗi buồn đau của chính mình, nhà thơ đã rút ra một triết lí nhận xét về sự thành, bại trong cuộc đời:

Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

Lời thơ đầy tràn nỗi đắng cay, uất hận. “Đã gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ làm nên công lớn. Chứ vận đã hết thì anh hùng cũng chỉ uống nhiều hận mà thôi”, một triết lí thật đau xót nhưng có lẽ nó vẫn đúng đến đời nay. Và ở đây, chính tác giả là người anh hùng lỡ vận ấy: Người anh hùng đã không may mắn gặp thời vận để có cơ hội mang sức mạnh, tài trí của mình ra cứu nước, giúp đời. Nay thời vận đã qua, tuổi già cũng vừa đến, cứu người anh hùng (tác giả) chỉ còn biết nuốt hận, bó tay trước thời cuộc mà thôi. Đặng Dung đã từng có những ước mong thật lớn lao:

Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Người ôm mộng lớn đã những muốn giúp chúa nâng trục trái đất, muốn rửa giáp binh nhưng không có lối để kéo tuột sóng ngân hà xuống. Hình ảnh thơ kì vĩ làm sao. Tác giả mong muốn được mang sức mình xoay chuyển thời thế, giúp chúa đánh giặc góp phần đem lại nền thái bình cho nhân dân, đất nước. Ước mong lập công ấy thật cao quý và nó cũng là mục đích của những nam nhi thời bấy giờ. Lập công chính là làm nên sự nghiệp lớn với đời, giúp ích cho đất nước. Có như vậy, người nam tử mới được lưu danh sử sách. Ước muốn lập nên sự nghiệp lớn, có được công danh là khao khát muôn đời của biết bao nam nhi. Biết bao lời thơ đã bày tỏ khát vọng đó. Ca dao đã có câu:

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài an.

Người anh hùng Phạm Ngũ Lão trong bài thơ Thuật hoài cũng đã viết:
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Như bao người nam nhi, Đặng Dung cũng có những khát vọng lớn lao muốn cứu nước nhưng ông đã không thể thực hiện được:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma

Câu thơ là nỗi xót xa vô tận của tác giả vì lực bất tòng tâm, sự nghiệp lớn mà sức không làm nổi. Ông buồn vì thù nước chưa báo xong mà đầu tóc đã sớm bạc. Ông dường như cảm thấy mình có lỗi vì chưa trả xong nợ công danh mà sự nghiệp cứu nước cũng lỡ dở. Ông như trách mình vì đã không làm tròn sứ mệnh của một người nam nhi đối với đất nước đang bị lâm nguy. Có được tấm lòng như vậy đã là quý lắm rồi nhưng tuy lực bất tòng tâm mà người anh hùng vẫn không chịu bó tay thì điều ấy còn đáng khâm phục hơn rất nhiều. Chí khí của người anh hùng muốn chống lại quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Ông không bi lụy trước hoàn cảnh mà vẫn nuôi hùng tâm tráng chí, vẫn có khát vọng thực hiện ý nguyện diệt thù cứu nước. Câu thơ cuối đã khắc họa nên hình ảnh đẹp đẽ xiết bao. Người anh hùng bao đêm không ngủ, mài gươm dưới bóng nguyệt. Người anh hùng luôn trăn trở nghĩ về việc nước dù đã bạc mái đầu. Hình ảnh con người ấy lồng lộng giữa trời khuya bao la, dưới ánh trăng vằng vặc. Thanh gươm báu hay chí khí lớn lao của người ngày càng được tôi luyện sắc bén hơn, vững vàng hơn. Hình ảnh người anh hùng xiết bao cao đẹp ấy sẽ khắc sâu vào tâm hồn những người đã đọc Cảm hoài.

Về bài thơ này, Lí Tử Tấn đã nhận xét: Phi hào kiệt chi sĩ bất năng (không phải là kẻ sĩ, là hào kiệt thì không làm nổi). Với giọng điệu bi tráng, bài thơ đã bày tỏ tấm lòng cao quý của tác giả với đất nước và cũng chỉ con người anh hùng như vậy mới thà nhảy xuống sông tự vẫn chứ không chịu đầu hàng giặc Minh xâm lược. Con người ấy hùng vĩ biết bao, cao đẹp biết bao dù đang lâm cảnh mạt vận, thất thế.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây