BÀI LÀM:
Tiêu chuẩn để chúng ta luận về một anh hùng là dựa trên cơ sở việc làm, hành động cụ thể. Ở mỗi tác phẩm, người anh hùng có thể là vô danh hay hữu danh, nhưng đều phải có hành động xuất sắc, gắn với chính nghĩa và lí tưởng. Quả là phụ bạc khi nói về các anh hùng mà không nhắc đến các anh hùng đời Trần, cụ thể lấy ba tác phẩm của ba nhà thơ anh hùng để hiểu thêm về mẫu người anh hùng trong giai đoạn ấy.
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí khôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
(Thuật Hoài - Phạm Ngũ Lão)
Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.
(Tụng giá hoàn kinh sư - Trần Quang Kha)
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phú địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma.
(Cảm hoài - Đặng Dung)
Mới đọc ta đã nhận thấy, Thuật hoài ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang nguy ngập trước nạn ngoại xâm, đòi hỏi rất nhiều ở người nam tử; Tụng giá hoàn kinh sư được viết sau những chiến công lẫy lừng của dân tộc; còn Cảm hoài thì khắc họa hình ảnh người anh hùng chiến bại. Từ ba đặc điểm của ba bài thơ, có thể nói rằng, hình ảnh người anh hùng đời Trần là hình ảnh người anh hùng chiến trận, người anh hùng cứu quốc. Điều đó cũng phản ánh đôi nét về sinh hoạt và con người trong thời đại này.
Ngay câu đầu của bài Thuật hoài, ta đã bắt gặp một hình ảnh choáng ngợp và kỳ vĩ:
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
“Hoành sóc”! Ta chú ý đến từ này vì nó mang một sức gợi rất lớn, giúp ta hình dung đến một hình ảnh. Ngọn giáo trấn ngang, dáng người đứng thẳng, tung hoành, một hình ảnh hết sức vững chãi và phóng khoáng, vẫn chưa diễn đạt hết ý thơ, nếu không đặt nó vào vũ trụ. Trong không gian bao la ấy, ngọn giáo phải to lớn như thế nào mới có thể trấn giữ cả đất trời; con người phải dũng mãnh đến đâu để cầm ngọn giáo ấy mà bảo vệ non sông?
Một hình dáng oai phong, lẫm liệt, gây ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng vẫn chưa thể đủ để coi đó là một anh hùng. Rất nhiều nhân vật trong sử sách, to lớn khoẻ mạnh, lập nhiều chiến tích, song, vẫn không được coi là anh hùng khi đánh giá về mục đích và lí tưởng. Nói như vậy, không phải là người viết muốn phủ định cái hình thức mà chỉ muốn chứng minh, hình thức không thể quyết định được tính chất một con người, càng không thể quyết định anh hùng.
Nối tiếp là những tâm sự cháy bỏng, những khát khao chính đáng:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Đó là cái chí của nam nhi, cái khát vọng của anh hùng thời loạn, chỉ muốn ra tay trả nợ cho đời mà ghi danh với núi sông, trời đất. Khi nợ chưa được trả, bầu nhiệt huyết chưa được chia sẻ thì còn sẽ thẹn nhiều.
Một cái thẹn rất đáng trọng mà mỗi con người cần phải có. Nó không phải là cái xấu hổ tầm thường, phi mĩ học mà đó là cái thẹn mĩ học, cái thẹn nâng cao con người lên, sang trọng hơn, lịch lãm hơn. Điều đáng nói, người nam tử lại thẹn với Vũ Hầu, một kẻ sĩ oai thế trùm thiên hạ, tài ba lỗi lạc, nổi danh muôn đời. “Trời anh hỡi, thù này bao giờ mới trả” - lời than thở đó, thốt ra từ miệng một nhân vật như vậy, khiến ta nghĩ, cái nợ của người tráng sĩ là tất nhiên.
Cái khát khao lập công, cái nôn nóng muốn ra sức trên rất chính đáng, vì nó phục vụ đất nước. Người tráng sĩ cầm giáo đứng suốt bao thu, hăm hở như vậy, không phải chỉ muốn khoe với đời cái võ dũng của mình mà còn có một nhiệm vụ, một mục đích quan trọng: Bảo vệ giang sơn. Nói tóm lại, Phạm Ngũ Lão muốn cho ta thấy một mẫu người anh hùng và muốn nói: Người anh hùng trong tác phẩm của ông chính là kết tinh từ tinh thần yêu nước và tinh thần dũng cảm.
Công danh chưa có thì hăm hở như vậy, nhưng vinh quang rồi, thái độ người đó sẽ ra sao? Thắc mắc ấy cũng là thắc mắc của nhiều thê hệ. Và, vấn đề đó cũng là nội dung mà Trần Quang Khải đề cập trong bài Tụng giá hoàn kinh. Dưới đây là những chiến công oanh liệt hào hùng tác giả ghi theo sự hồi tưởng:
Đoạt sóc Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Niềm vui xâm chiếm và lan tỏa khắp tâm hồn nhà thơ khi ng nhắc lại những chiến công làm rạng rỡ non sông, ghi danh với thiên cổ. Rõ ràng thế chủ động đã hoàn toàn thuộc về ta, sinh mệnh của địch là do ta quyết định, cần phải nhớ, quân Nguyên Mông lúc này đã đạt đến tuyệt đỉnh của sự hùng cường, chinh chiến Bắc Nam, tung hoành Đông Tây, bách chiến bách thắng. Từ bờ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, từ Nga đến Ấn Độ, vó ngựa Mông cổ đi đến đâu cỏ không mọc được ở đấy. Dẫu hùng lường và tàn bạo đến đâu thì chúng vẫn thất bại mà thất bại đến lần thứ hai trước quân dân nhà Trần.
Tuy vui chung với cái vui thiên hạ nhưng người anh hùng phải biết lo trước cái lo của thiên hạ. Nhiệm vụ mới được đặt ra, ngay sau thành công mĩ mãn đó:
Thái bình tu trí lực
Qua việc xác định nhiệm vụ đó, phần nào ta thấy được phẩm chất của người anh hùng. Đối với người anh hùng, “trí” và “lực” không thể tách rời nhau. Thiếu trí, đó chính là kẻ dũng phu; thiếu lực đó chỉ là kẻ hủ nho nhút nhát, sao gọi là anh hùng cho được? Bỏ Thăng Long, vườn không nhà trông, mưu đó đã cao nhưng không chỉ có vậy bởi kẻ thù còn lắm mưu mô xảo quyệt. Bắt sống Ô Mã Nhi, chém đầu Toa Đô, buộc Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy trốn. Chiến công đó tưởng đã oanh liệt nhưng chưa phải là vô địch, bởi kẻ thù đang còn nhiều hùng binh mãnh tướng. Cho nên, việc “tu trí lực” là rất quan trọng, chẳng bao giờ thừa. Hành động đó, lí tưởng đó tạo nên con người đầy phẩm chất, thể hiện long yêu nước nồng nàn và ý thức trách nhiệm lớn lao. Lòng yêu ước, khi phát triển đến mức độ nào đấy sẽ sản sinh anh hùng: vì yêu nước chính là mảnh đất để cho anh hùng phát sinh.
Ý thức được nhiệm vụ sau chiến tranh là một thái độ đáng quý của một con người đáng trọng. Từ thái độ đối với đất nước như vậy, thấy: Hình ảnh anh hùng còn được bổ sung một giá trị nữa, “trí”, “lực” không đơn thuần chỉ phục vụ cho chiến tranh. Trí và lực còn phục vụ cho việc xây dựng nước nhà.
Bài Cảm hoài của Đặng Dung, “Phi hào kiệt chí sĩ bất năng” (Lí Tử Tấn). Toàn bài là nỗi căm giận triền miên về thời thế. Trước hết là lời than thở, ngậm ngùi:
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
và một lời oán trời đất:
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Suy cho cùng, sự căm thù, uất ức đó cũng tương tự mọi mối thù khác, nhưng ở đây thấy nỗi đau của kẻ thất cơ lỡ vận:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma.
Chỉ vì “quốc thù” thì Đặng Dung mới sôi sục như vậy. Thù cha bị giết oan không thấy tác giả đả động. Một hành động chẳng khác gì Trần Quốc Tuấn khi xưa, quên thù riêng để lo thù nước. Kẻ sĩ trong thiên hạ, thù nào thì có thể bỏ qua chứ quốc thù mà bỏ thì là tội bất trung. Vì vậy, nó mãnh liệt hơn, sôi sục hơn và đau đớn hơn. Máu muôn trào ra theo dòng thơ bi tráng đó. Để lại bài thơ này trước khi tìm về với Lạc Long Quân, Đặng Dung đã bước qua cái chết để còn sống mãi trong tâm hồn bao thê hệ người Việt Nam yêu nước.
Cái hào khí của thời đại và cái hào khí của cá nhân khi đã kết hợp với nhau thì hành động anh hùng là tất yếu. Hùng tâm, tráng khí của Đặng Dung, chỉ vì vận nhà Trần đã hết mà phải chịu. Cũng không phải “lực bất tòng tâm” mà vì “thiên bất tựa nhân”. Trai đời loạn mà đều như Đặng Dung thì không thể nào thẹn khi nhìn thanh gươm, mũi giáo, càng không thể nhìn trời than thở mà chịu bạc đầu. Từ cái thật của mình, Đặng Dung đã nâng hình ảnh người tráng sĩ lên thành người anh hùng thời đại.
Bài thơ có nét tráng ca, nhưng không còn cái hùng tráng như ở hai bài trước. Nét bi tráng đã là nét chính của bài thơ. Hình ảnh người anh hùng trong bài vẫn đẹp, vẫn hiên ngang, bất khuất, khí khái, nhưng đó chỉ là cái đẹp trong sự gắng gượng, trong nỗi hận: Cái đẹp của người hùng khi thất bại. Bài thơ giúp ta liên tưởng tới bài thơ của Ngu Cơ viết về Hạng Vũ:
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh.
Đại vương chí khí tận,
Tiện thiếp hà liêu sinh.
(Quân Hán cướp hết đất
Khúc Sở vang bốn bề.
Đại vương chí khí cạn,
Tiện thiếp sống làm chi.)
Hai bài thơ có nét giống nhau, đó là cái nhìn hào hùng và bất lực. Cái đẹp của kẻ sĩ, cái hùng tâm tráng chí của kẻ trượng phu, cái hiên ngang, bất khuất của người anh hùng chỉ còn đọng lại trong hình ảnh cuối cùng:
Kỉ lộ long tuyền đái nguyệt ma.
Thời điểm sáng tác của ba nhà thơ đời Trần tuy có khác nhau nhưng mục đích thì không khác nhau gì: Cùng khắc họa hình ảnh người anh hùng thời đại, người anh hùng chiến trận. Thời Trần, quyền lợi giữa hai giai cấp trong xã hội khá ổn định, không có mâu thuẫn gì sâu sắc. Cho nên, sức mạnh của người tráng sĩ, chính là sức mạnh của toàn dân. Ngay sau câu thơ hoành tráng mở đầu bài Thuật hoài, ta bắt gặp:
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Rõ ràng là sức mạnh của ba quân. Sức mạnh đó được biểu hiện trong thành hình ảnh người anh hùng, mẫu người đẹp nhất, kể cả người anh hùng thất bại, người anh hùng của xã hội phong kiến, của hào khí Đông A.