Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Thứ năm - 21/10/2021 03:21
Trong các tác phẩm viết về đề tài sông Bạch Đằng có lẽ chưa có bài nào hay bằng bài phú của Trương Hán Siêu.
Phú là một thể văn cổ, có nghĩa là trình bày, mô tả, thường kết cấu theo dạng đối thoại giữa hai hay ba nhân vật. Trong Phú sông Bạch Đằng, khách là nhân vật thứ nhất và cũng chính là tác giả. Các bô lão dưới hình thức tập thể là nhân vật thứ hai.

Mở đầu, tác giả ca ngợi thú tiểu dao, giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng theo kiểu Tử Trường-tức Tư Mã Thiên, nhà sử học nổi tiếng
 
đất nước. Đó là một tâm thế tích cực, rất cần thiết trước khi tiếp cận với địa danh lịch sử nổi tiếng này.

Cảnh sông Bạch Đằng hiện lên trước mắt khách thật hùng vĩ:
Đến sông Bạch Đằng bồng bềnh mái chèo,
Bát ngát sóng kình muôn dặm

Sóng kình là sóng to như cá kình, trùng trùng điệp điệp đệp đến tận chân trời. Và cũng thật thơ mộng:
Thướt tha đuôi trĩ một màu,
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu.

Đây là cảnh những đoàn thuyền có bánh lái xòe như đuôi chim trĩ thật thanh tú. Cảnh càng đẹp khi nước và trời hòa cùng một sắc. Cảnh thu xưa nay thường khiến thi nhân hoài cổ. Vì vậy Trương Hán Siêu nghĩ đến chiến trường xưa “sông chìm giáo gây. gò đầy xương khô” và tiếc thương bao anh hùng đã đổ máu bảo vệ non sông gấm vóc.

Mở đầu, hai bên ra quân đầy khí thế:
Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới,
Tì hổ ba quân, giáo gươm sáng chói.

Tiếp đó là một cuộc giao tranh long trời, lở đất:
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ
Bầu trời đất chừ sắp đổi.

Không chỉ con người mà hình như cả vũ trụ cũng hồi hộp dè theo, chờ đợi sự kiện ghê gớm sắp xảy ra: Đó là trận đánh thư hùng-trận đánh vô cùng ác liệt trên dòng sông. Quân giặc rất kiêu ngạo, quyết phen này “quét sạch Nam bang bốn cõi”. Vận mệnh Tổ quốc như ngàn cân treo trên sợi tóc! Căng thẳng biết bao nhiêu! Nhưng rồi “trận đánh thư hùng” đã kết thúc với sự toàn thắng của quân ta:

Trời cũng chiều người
Hung đồ hết lối

Khác nào như khi xưa “Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay-Bến Hợp Phì giặc Bồ Kiên lát giây chết rụi”. Lời phú đến đây đọc lên mới sảng khoái làm sao!

Không giấu nổi xúc động, các bô lão đã có những lời bình luận thật xác đáng:

Đối với giặc là sự mỉa mai sâu cay:
Đến nay nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi.

Đối với ta là niềm tự hào cao cả:
Tái tạo công lao nghìn xưa ca ngợi.

Tiếp lời các bô lão, khách cũng có lời bình luận:
Quả là trời đất cho nơi hiểm trở
Cũng nhờ nhân tài giữ cuộc điện an
... Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng
Bởi Đại Vương coi thế giặc nhàn.

Như vậy là hai bên (khách, bô lão) đã bàn đến nguyên nhân chiến thắng.

Trên kia, các bô lão đã nói đến thiên thời (Trời cũng chiều người). Còn khách bổ sung thêm hai yếu tố: địa lợi (nơi hiểm trở-tức vùng sông núi Bạch Đằng) và nhân hòa (nhân tài giữ cuộc điện an). Nhân tài ở đây là Đại vương Trần Hưng Đạo, vị Tiết chế thống lĩnh tài ba của quân đội ta. Sử sách còn ghi rõ: ngày 14/11/1287, quân Nguyên đã xâm phạm sông Hồng ở vùng Phú Lương. Vua Trần Nhân Tông hỏi Trần Hưng Đạo: Giặc đến thì làm sao?. Hưng Đạo nói: Năm nay thế giặc nhàn-nghĩa là dễ đánh. Nhờ tài thao lược của Đại vương nên quân ta đã chiến thắng vẻ vang.

Tác phẩm kết thúc bằng hai bài ca.

Bài của các bô lão nhấn mạnh sự đối lập giữa bọn bất nghĩa và người anh hùng:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh.

Bất nghĩa là bọn xâm lược, bọn bán nước. Nước sông Bạch Đằng tuôn ra biển Đông cuốn trôi tất cả bọn chúng. Anh hùng là những người yêu nước, chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc thì lưu danh-để lại tiếng thơm đến muôn đời.

Anh minh hai vị Thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan, muôn thuở thăng bình,
Tại đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.

Hai vị Thánh quân là Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đoàn kết toàn dân, nghe theo lời Trần Hưng Đạo mà kiên quyết kháng chiến đến toàn thắng. Thật sáng suốt, đáng ca ngợi muôn đời. Cấu kết nhấn mạnh con người. Đó là một chân lý lịch sử sáng ngời.

Tâm trạng của khách đã có sự chuyển biến: Mở đầu hoài cổ buồn thương, đến đây hân hoan, phấn khởi.

Qua bài phú, Trương Hán Siêu đã tái hiện một cách tài tình trận quyết chiến chiến lược trên dòng sông lịch sử. Bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu đã hòa quyện tính chất trữ tình và tính chất anh hùng ca, có sức ngân vang đến muôn đời lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây