Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Làm sáng tỏ tư tưởng nhân nghĩa thân dân của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo

Thứ bảy - 23/10/2021 04:19
Ức trai tâm thượng quang khuê tảo
Lê Thánh Tông đã ca ngợi Nguyễn Trãi bằng một câu thơ hay nổi tiếng như thế. Quả thật, con người Nguyễn Trãi cao thượng lắm. Nó sáng và lung linh như viên ngọc trăm màu. Ánh sáng áy đã vượt qua thời gian, không gian đến tận ngày nay! Rực rỡ hơn hết, đó là tư tưởng nhân nghĩa thân dân của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo.
Nguyễn Trãi và Nguyễn Du là hai cây cột khổng lồ chống đỡ lâu đài văn học Việt Nam. Trong tác phẩm của hai ông, chủ nghĩa nhân đạo thật cao cả. Với Nguyễn Trãi, ở thế kỉ XV, lòng nhân đạo ấy, cái nhân nghĩa ấy có cái gì rất mới mẻ, sâu xa! Đó là nhận thức tình cảm, hành động tiến bộ tích cực đối với nhân dân, đối với tầng lớp bần cùng nhất của xã hội. Mở đầu bài Cáo Bình Ngô là hai câu sang sảng của Nguyễn Trãi:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Hai câu văn là hai tiếng chuông gióng giả ngân dài trong trí óc mỗi con người. Điều mà Nguyễn Trãi đặt ra ở đây vô cùng lớn lao, nó bao trùm lên tất cả: nhân nghĩa là yên dân. Qua hai câu văn, ta hiểu thêm về Nguyễn Trãi, một nhà thơ, một nhà tư tưởng của dân tộc. Nhân nghĩa với ông không chỉ đơn thuần là những nghĩa cử đẹp, mà sự nhân nghĩa ấy, việc trừ bạo ấy là vì dân. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, nhân dân là cao hơn tất cả, dù cho đó là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Ngày xưa, Trần Quốc Tuấn thảo hịch kêu gọi “trừ bạo” trước hết là vì ruộng đất, vì quyền lợi của riêng mình và tướng sĩ, còn Nguyễn Trãi đi một bước tiến xa hơn, ông yêu đất nước, ông thương những người dân điêu linh trước ngoại xâm.

Đại nghĩa và hung tàn. Chí nhân và cường bạo. Một bên là chiến tranh xâm lược hung ác, có máu chảy, đầu rơi, có nỗi đau ngàn năm không dứt. Một bên là nhân nghĩa, là sức mạnh quật khởi vô song của một dân tộc dù nhỏ bé nhưng lại giàu có về trí tuệ và tình cảm. Nước Việt Nam là thế, con người Nguyễn Trãi là thế, luôn gắn bó với dân, với đại nghĩa, bởi đó là hơi thở của sự sống.
 
Nhân nghĩa thân dân trong Bỉnh Ngô đại cáo là đuốc thiêng rực sáng chân lí. Vì thương dân, vì đại nghĩa, quân ta đã vùng lên chiến đấu, tạo nên sức mạnh lớn lao, dành được chiến thắng quyết định:

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận sạch không kinh ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.

Nhưng cũng chính trong những trận chiến đấu ấy, Nguyễn Trãi càng bộc lộ rõ hơn là một người nhân ái khi ông miêu tả thất bại thảm hại của quân địch:

Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.

Tiếng khóc của nước sông hay tiếng nghẹn ngào trong trái tim của ức Trai? Dường như đứng trước phong cảnh hoang tàn chết chóc của chiến trường lòng Nguyễn Trãi gợi lên bao đau xót Trong mỗi lời ông đều toát lên nỗi đau đớn, xót xa như những lần ông từng xót xa vì sự khốn cùng của người dân đen. Lời văn gợi cho ta bóng hình Nguyễn Trãi với mái tóc bạc phơ, râu cước bay trong gió, uy nghi đang lặng mình nhìn về phía sa trường, nơi đó sắc phong vân phải đổi, ánh nhật nguyệt phải mờ.

Chiến thắng đến với quân dân ta, đến với Nguyễn Trãi rất huy hoàng. Trong chiến thắng vẻ vang ấy, ông vẫn nhớ:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo

Nguyễn Trãi thương hại cho sự khôn cùng của bọn địch:

Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.

Và tha cho bại tướng trở về.

Dường như việc yêu dân gắn liền với hồn suốt cuộc đời. Phải có lòng nhân nghĩa thật cao cả, phải có tình thương đối với dân thật bao la, Nguyễn Trãi mới có thể thốt lên những lời đau xót là thế để tô cáo quân cuồng Minh:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.

Lời thơ có máu và nước mắt. Nỗi đau trong ông hoàn toàn có thật. Nó quằn quại như chính số phận của người “dân đen”. Không có gì tàn bạo, hung ác hơn những hành động của bọn xâm lược ngoại bang, những kẻ bấy nay máu mỡ no nê. Cả hai câu đều xuất hiện bóng dáng của người dân: dân đen và con đỏ. Điều đó chứng tỏ một cách sâu sắc tinh thần của ông đối với dân, tấm lòng quảng đại của tình thương đang xót xa trước dân lành quằn quại dưới ách đô hộ bạo tàn. Quả thật, phải có lòng nhân nghĩa sâu sắc mới có thể xót thương, căm thù sâu đẫm như thế:

Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống

Ở đâu rồi Nguyễn Trãi, một tâm hồn thanh thoát nhẹ nhàng "biển lùa gió bấc thổi băng băng, nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng”. Bây giờ hiện ra trước mắt ta là bóng dáng của một vị quân sư thao lược, trái tim đang rung lên vì thù lớn. Chiều sâu của mối thù lớn chính là lòng nhân nghĩa, là tinh thần yêu nước thương dân, là tư tưởng “yên dân-trừ bạo” và đó cũng là động lực thúc đẩy Nguyễn Trãi đến cùng Lê Lợi dấy nghĩa:

Ta đây
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình

Các vị tập hợp nghĩa binh để nổi dậy là vì ai? Chỉ vì một mục đích duy nhất: “yên nước, yên dân”.

Tư tưởng nhân nghĩa ấy như một dòng suối ngọt ngào thấm vào hồn dân tộc, thấm vào lòng người dân, thấm vào từng dòng chữ bài Bình Ngô đại cáo: 

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

Ôi! Nguyễn Trãi! Ôi tâm hồn thơ nhân ái bất diệt! Người la nắng, là gió, là hoa, là tất cả để tạo dựng nên một vườn hoa nhân nghĩa rực rỡ muôn đời! Mỗi câu vốn đều đối nhau chan chát, càng làm tăng sức mạnh nhân nghĩa trong toàn bài.

... Cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc
... phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Từng chữ, từng lời đều chứa đựng sự giễu cợt, mỉa mai nhưng vẫn âm vang lòng nhân nghĩa, nhân đạo. Quả thật, phải có trái tim rộng mở yêu thương nhiều lắm, Nguyễn Trãi mới mở đường hiếu sinh, cứu sống cho bọn xâm lược, lòng khoan hồng vì đại nghĩa của ông không phân chia ranh giới, đẳng cấp! Ông thương hại bọn quân giặc như ông thương cây cỏ và các sinh linh nhỏ bé. Ông tha cho giặc để ta giữ lấy toàn quân và nhân dân nghỉ sức.

Thật đáng quý biết bao con người và tâm hồn Nguyễn Trãi! Suốt cuộc đời ông chiến đấu và hi sinh theo lý tưởng cao quý vì dân. Mục đích duy nhất của ông là:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Cảnh mùa hè)

Nguyễn Trãi góp tay vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược vì yên dân và quyết định kết thúc cuộc kháng chiến cũng vì để nhân dân nghỉ sức. Lần đầu tiên, lòng nhân nghĩa thân dân cao đẹp như thế thấm nhuần áng thiên cổ hùng văn trong văn học cổ Việt Nam.

Lòng nhân nghĩa thân dân cao quý ấy của Nguyễn Trãi còn sống mãi với thời gian, vẫn thơm mát như cánh đồng mùa thu, vẫn ngời sáng ánh “quang khuê tảo”. Thời đại mới của chúng ta đã và đang đưa tư tưởng nhân nghĩa thân dân lên đỉnh cao mới.​​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây