Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chứng minh ba tác phẩm Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ văn (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) đã phản ánh tư tưởng yêu nước của dân tộc ta qua những kì lịch sử khác nhau.

Thứ sáu - 15/10/2021 10:28
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
BÀI THAM KHẢO
Có thể nói lịch sử nước Việt Nam từ khi lập quốc đến nay là những trang hào hùng về truyền thông tiêu diệt bọn xâm lăng để bảo vệ Tổ quốc, trong đó tư tưởng yêu nước như một ngọn đuốc sáng ngời luôn cháy sáng trong từng thế hệ. Đi đôi với việc bảo vệ đất nước, nền văn học cũng đã phát triển mạnh mẽ. Ta có thế nhận thấy rằng văn học nước ta từ thế kỷ X đến thế kỷ XV đả phản ánh rõ nét đặc điểm cũng như hoàn cảnh lịch sử của nước ta lúc bấy giờ với chiến thắng vang dội của quân dân thời Lí chống lại quân Tống, quân dân đời Trần ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông, quân Lê Lợi quét sạch giặc Minh... Trong số các tác phẩm văn học đó, Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là ba tác phẩm lớn trong kho tàng văn học yêu nước, chúng đã nêu bật được những tư tưởng lớn qua từng thời đại.

Bài thơ Nam quốc sơn hà được Lí Thường Kiệt sáng tác khi quân ta đang trên đà tiêu diệt quân Nam Tống trên sông Như Nguyệt. Trong đêm khuya thanh vắng, bên bờ sông êm đềm bỗng vang lên tiếng ngâm thơ sang sảng đầy hào hứng từ ngôi đền Trương Hống, Trương Hát linh thiêng: 

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Mở đầu, bài thơ đã khẳng định: “Núi sông nước Nam thì vua Nam ở”. Có cái gì đó thật tự hào khi nói lên câu thơ đó. Nhưng tại sao “núi sông nước Nam thì vua Nam ở” chứ không phải là “núi sông nước Nam dân Nam ở”? Trong giai đoạn lịch sử này, vua là người đứng đầu một nước, nên nói đến vua cũng là nói đến nước. So với các tác phẩm ra đời vào các thế kỉ sau thì tư tưởng trung quân ái quốc ở đây có phần hạn hẹp, gò bó, nhưng trong giai đoạn bài thơ ra đời thì quyền lợi của giai cấp phong kiến đứng đầu là nhà vua còn gắn bó với nhân dân, thêm vào đó vua cũng là người chủ trì cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của đất nước, nên theo quan điểm thời này, vua chính là hình ảnh tượng trưng cho một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Điều này được khẳng định lại một lần nữa ở câu tiếp theo: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, cương giới nước Việt đã ghi rành rành trên sách trời, không thể nào chối cãi được. Đây chính là tiền đề để đi tiếp đến hai câu cuối:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Nước Việt Nam là một nước có chủ quyền, có biên giới rõ ràng, vì vậy bất cứ một thế lực nào đến xâm phạm đều phải chuốc lấy bại vong, đó là điều tất yếu. Lòng tin vào sự thắng lợi mới mạnh mẽ làm sao, mặc dù nó được biểu hiện dưới một màu sắc
thần bí. Lòng tin ấy đã là một động lực để giúp quân dân ta vượt qua mọi gian lao để chiến thắng quân thù, bảo vệ nền độc lập của đất nước.

Bài thơ Nam quốc sơn hà trở thành bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta và mang một giá trị cổ vũ rất to lớn. Mặc dù còn hạn chế trong khuôn khổ thần quyền, nhưng không phải vì vậy mà làm mờ đi tư tưởng yêu nước sáng ngời trong bài thơ mà trái lại, nó còn nâng tư tưởng yêu nước lên một bước ngang với trời đất, thần linh, từ đó cho ta thấy sự thắng lợi của quân dân ta là điều tất yếu.

Ba thế kỉ sau, dưới thờ vua Trần Nhân Tông, khi quân Mông Cổ lăm le tràn qua xâm lược nước ta, Trần Quốc Tuấn, vị tướng thống lĩnh binh quyền đã soạn thảo cuốn Binh thư yếu lược để ổn định tinh thần tướng sĩ, và sau đó, bài Hịch tướng sĩ đã ra đời. So với Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ đã có những bước tiến đáng kể về cả hai mặt nội dung và tư tưởng.

Dựa trên tư tưởng chủ đạo là lòng yêu nước, Hịch tướng sĩ đã mở đầu bằng một loạt các gương trung thần nghĩa sĩ trong Bắc sử với “Kỉ Tín đem mình chết thay cứu thoát cho Cao Đế, Do Vu chìa lưng chịu đáo che chở cho Chiêu Vương, Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ, Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước...” Trần Quốc Tuấn không hề dùng yếu tố thần linh nào như trong bà: Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt. Dẫn ra những chiến tích anh hùng của các vị tướng thời xưa, Trần Quốc Tuấn đã gợi lên trong lòng tướng sĩ đối tượng của bài Hịch - một hoài bão, mong muốn được lập công “bỏ mình vì nước” để được lưu danh trong sách sử. Qua đó, ông đã khẳng định: “con nhà võ tướng” cần phải chiến đấu để báo đền ơn vua nợ nước. Tư tưởng yêu nước được thể hiện trong bài hịch này chính là tư tưởng trung nghĩa. Mặc dù các gương anh hùng Kỉ Tín, Do Vu... phương Bắc, vẫn còn có mặt hạn chế vì mục đích của hành động hi sinh của họ chỉ vì một cá nhân nào đó, nhưng việc nêu gương sáng đã có tác dụng sâu sắc đối vớ: tinh thần quân sĩ, giúp dẹp bỏ những mong muôn tầm thường để vươn tới những ước muốn tốt đẹp hơn: sẵn sàng chết vì chủ.

Sau đó, Trần Quốc Tuấn đã phản ánh bức tranh hiện thực sống động đang diễn ra trên đất nước, đó là “sứ giặc nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ...”. Bức tranh ấy ngày ngày lại đập vào mắt ông, làm lòng ông luôn nhức nhối: “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” để rồi có ước muốn tột cùng được “xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng”. Tư tưởng yêu nước trong những câu văn này tựa như dòng thác chảy cuồn cuộn. Ai bảo rằng sự căm thù không phải là biểu hiện của lòng yêu nước? Mỗi thái độ, mỗi tình cảm của ông đều chứa đựng một lòng căm thù sâu sắc, nên đã truyền cho tướng sĩ một tấm lòng nhiệt tình giết giặc hừng hực, để biến căm thù thành hành động cứu nước nhà.

Khắc sâu trong lòng tướng sĩ nỗi nhục của người quân tử, nỗi nhục mất nước, Hịch tướng sĩ cũng đã phê phán gay gắt những biểu hiện của thói cầu an hưởng lạc xuất hiện trong hàng ngũ quân sĩ. Đây là lối sống “lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con...” mà hậu quả trước mắt sẽ là “tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai” và hơn nữa, quyền lợi giai cấp của cả chủ lẫn quân sẽ về tay kẻ địch “chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác”... Sự thống nhất về quyền lợi của chủ tướng và quân sĩ đã giúp cho quân sĩ thêm khắc sâu quyết tâm diệt giặc, tuy vậy, qua đó cũng biểu hiện rõ một nhược điểm lớn trong tư tưởng trung nghĩa, vì nó chỉ đề cập đến quyền lợi của mỗi cá nhân mà không nói đến quyền lợi của toàn nhân dân. Có thể hiểu rằng do tầm nhìn còn bị bó hẹp trên cương vị của tầng lớp cầm quyền mà bài Hịch tướng sĩ còn thiếu vắng hình bóng của nhân dân. Sự thiếu vắng đó đã làm cho Hịch tướng sĩ không đạt đến tầm cao chói lọi về tư tưởng yêu nước như bài Bình Ngô đại cáo sau này.

Hịch tướng sĩ là lời hiệu triệu tướng sĩ cùng đứng lên để vung gươm diệt giặc bảo vệ nước nhà, trong đó tư tưởng yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài văn thành một tư tưởng nhất quán. Ngoài nhược điểm còn thiếu vắng sự hiện diện của nhân dân, với sự phân tích đúng đắn, chặt chẽ Nam quốc sơn hà còn lôi cuốn người đọc bằng lòng yêu nước thiết tha của người cầm quân, từ đó giúp cho người đọc có một thái độ và hành động đúng đắn trong thời kì đất nước đang lâm nguy. Có thể nói bài Hịch tướng sĩ là một trong những bài văn vừa chính luận vừa trữ tình mẫu mực nhất trong nền văn học đương thời.

Hai trăm năm sau, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, quân dân ta đã đồng loạt khởi nghĩa đập tan ách thống trị của nhà Minh, giành lại nền tự chủ của nước nhà. Trong sự phấn khởi của thắng lợi, Nguyễn Trãi, một nhà chính trị kiệt xuất đã thảo ra Bình Ngô đại cáo, đánh dấu một bước tiến nhảy vọt về tầm nhìn trong tư tưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam thời bấy giờ.

Mở đầu bài cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điểu phạt trước lo trừ bạo.

Từ những thế hệ trước Nguyễn Trãi, từ “nhân, nghĩa” được nói đến như “sự thương yêu” một cách chung chung, không cụ thể. Nhưng đến bài Bình Ngô đại cáo thì Nguyễn Trãi đã nâng nó lên một tầm mới mẻ khác: tư tưởng yên dân. Yên dân là cốt lõi lòng yêu nước của Nguyễn Trãi, ở đây, nhân dân là yếu tố tạo thành một nội dung tư tưởng nhất quán trong toàn bài cáo. Đó là lòng căm thù rực cháy trước những cảnh bạo tàn mà bọn giặc đã gây ra cho nhân dân:

Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
... Người xuống biển còng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.

Những dòng chữ xuất phát từ đâu, nếu không phải là từ một trái tim sâu nặng nỗi yêu nước, thương dân? Từng lời, từng chữ là những hình ảnh rướm máu, đầy đau khổ của nhân dân quằn quại dưới ách thống trị của bọn xâm lược. Thái độ căm thù ấy chắc chắn sẽ đi đôi với quyết tâm “trừ bạo” để đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, mà điển hình là cuộc kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa dấy lên từ những ngày hết sức gian khổ “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Khi Khôi Huyện quân không một đội” và từ những tâm trạng lo lắng, trăn trở vì nước vì dân “Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời. Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối...” và kết quả là những chiến thắng vang dội “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật. Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay...” Phải chăng những chiến công rực rỡ ấy đã được lập nên nhờ sức mạnh chính nghĩa sáng ngời: “yên dân trừ bạo” ấy?

Thần Vũ chẳng giết hại
Thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh

Tư tưởng nhân nghĩa ở đây đã thật sự đạt đến chiều sâu và chiều rộng của nó.

Bên cạnh tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời, tư tưởng yêu nước trong bài báo còn được thể hiện rõ nét trong việc khẳng định tư cách độc lập của dân tộc. Khác với Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt chỉ đề cập đến “vua” mà không hề nhắc tới “nước” hay Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn chỉ đề cập đến quyền lợi của giai cấp cầm quyền, chỉ chiến đấu vì quyền lợi giai cấp mà không phải “vì nước vì dân”, “Bình Ngô đại cáo” đã đề cập một cách đầy đủ nhất, chủ quyền. Trước hết, đó là một quốc gia có bờ cõi, có biên giới rõ ràng:
Núi sông bờ cõi đã chia

và là nước có một nền văn hiến có cội rễ từ lâu đời:
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,

có phong tục, tập quán:
Phong tục Bắc Nam cũng khác

và có đủ một đội ngũ những người tài giỏi:
hào kiệt đời nào cũng có

Ta tự hào về tư cách độc lập của nước Việt Nam làm sao khi đọc đến những dòng chữ này! Hơn nữa, tác giả đã mạnh bạo sánh nước Đại Việt ngang hàng với Trung Quốc: “mỗi bên xưng đế một phương”. Nền độc lập của nước Đại Việt như vậy là quá rõ ràng nên những kẻ “thích lớn”, “tham công” với tham vọng xâm lược, hay đặt gót giày ngoại bang lên đất nước Việt Nam sẽ bị trừng trị đích đáng bằng những thất bại thảm hại. Điều này đã được chứng minh qua những trang sử hào hùng của thuở trước:

Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã...

Những sự kiện này có sức thuyết phục hết sức mạnh mẽ bởi đó là những sự kiện của chính dân tộc chứ không phải là những sự kiện của Bắc sử trong Hịch tướng sĩ. Lòng tự hào dân tộc của ta được lay động sâu sắc, ta cảm thấy tự hào và sung sướng làm sao!

Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt và Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn. Ở đây tư tưởng yêu nước, đã nâng lên một tầm mới mẻ: đó là “tư tưởng nhân nghĩa” mà trong đó yếu tố “nhân dân” đóng vai trò cực kì quan trọng. Nguyễn Trãi đã nhắc đến từ dân đen, manh lệ. Tư tưởng này đã vượt xa tư tưởng của những thời đại trước đó, và hơn nữa còn vượt lên trên cả những tư tưởng yêu nước khác nhau xuất hiện ở mấy thế kỉ sau. Bình Ngô đại cáo xứng đáng là “thiên cổ hùng văn” rực rỡ tinh thần yêu nước - thần dân xa dân tộc Việt Nam.

Ba tác phẩm Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã phản ánh rõ nét tư tưởng yêu nước của dân tộc ta qua những thời kì khác nhau. Những tư tưởng ấy được thể hiện với những đặc điểm và những nhược điểm riêng, nhưng nói chung, đó là lòng yêu nước cao cả thiết tha và căm thù giặc sâu sắc. Ngày nay, tư tưởng yêu nước đã thể hiện một cách cụ thể nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm thực hiện những ước mong mà bậc tiền bối trọn đời dâng hiến.

TRẦN HỒNG PHƯƠNG

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây