Chuyện kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, cả khu vực hồ Ba Bể ngày nay là một vùng trù phú... Rồi bỗng một đêm trời nổi cơn thịnh nộ, mưa đổ ầm ầm, nước sông dâng lên, mặt đất nứt nẻ và sụp xuống làm cho cả vùng dân cư đều bị cuốn theo dòng nước. Duy chỉ có một người đàn bà sống cô đơn, hiền lành, chân thật và thoát nạn, vì bà đã được báo trước trận hồng thủy sẽ xảy ra. Theo lời dặn, bà góa đã lấy tro rắc quanh nhà và lấy hạt thóc bà tiên để lại cắn đôi thả xuống hồ, vỏ thóc biến thành những chiếc thuyền để cứu người gặp nạn. Cả vùng thung lũng trù phú đã trở thành biển nước mênh mông. Chỉ còn một mảnh đất nhỏ nhoi là khu nhà của người đàn bà sống hiền lành đức độ, người ta gọi đó là Pò giá mải (Đảo bà góa) ngày nay... Mảnh đất cuối cùng còn sót lại nằm giữa hồ Hai đất đai màu mỡ là nơi an nghỉ của những người xấu số nơi xảy ra trận hồng thủy năm xưa. Nhân dân trong vùng đã lập một đền thờ ở đảo này để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Vì vậy hòn đảo có tên là An Mạ (Nơi an nghỉ của dân làng)”.
Đó là những sự tích, những truyền thuyết gắn liền với sự hình thành hồ Ba Bể theo cách lí giải của người xưa. Không hiểu trận hồng thủy có diễn ra thật không, nhưng sự thật về một vùng đất sụp để biến thành hồ nước được các nhà khoa học xác minh và khẳng định: Hồ Ba Bể nằm trong vùng địa hình các-xtơ Chợ Rã - Ba Bể - Chợ Đồn, thuộc vùng trũng của khối nâng Việt Bắc. Khối nâng này hình thành trong khoảng thời gian từ 200 triệu năm về trước: Do có cấu tạo địa chất đặc biệt, Hội nghị Quốc tế về hồ nước ngọt tại Mĩ tháng 3-1995 đã đưa hồ Ba Bể vào danh sách một trong số 20 hồ nước ngọt của thế giới cần được bảo vệ. Khi di sản thiên nhiên đã được Nhà nước quan tâm đầu tư bảo vệ... [...]
Hồ Ba Bể là trung tâm của Vườn Quốc gia Ba Bể, có cấu tạo khá đặc biệt: thắt giữa và phình ra ở hai đầu, quanh hồ là những vách đá, chỗ thì dựng đứng cho hình dáng mặt hồ độc đáo, hoang sơ. Nhà thơ Hoàng Trung Thông một lần đến thăm hồ Ba Bể đã phải thốt lên: “Muốn ở đây thôi chẳng muốn về”...
Nhà sử học Trần Huy Liệu đã cảm nhận:
Rằng đây lưu thủy cao sơn
Vách phô nhan sắc động vờn hình dung
Đưa người vào chốn mông lung
Đưa người vào chốn mơ màng thần tiên.
[...] Theo tài liệu điều tra ban đầu thì chỉ riêng các loài cây thân gỗ đã xác định được 417 loài, bao gồm 300 chi, 114 họ. Trong đó có các loài đặc trưng, điển hình của vùng núi đá vôi khu Đông Bắc như nghiến, đinh, trai, lát. Ngoài ra còn hàng trăm loài phong lan, địa lan, dược liệu... Khu hệ động vật của Ba Bể cũng rất đa dạng và phong phú, nó gồm cả ba nhóm động vật: trên cạn, dưới nước, và biết bay. Chính vì thế mà Hội nghị chương trình đa dạng sinh học Quốc gia đã xếp hạng Vườn Quốc gia Ba Bể là loại A về đa dạng sinh học...
Khu hệ động vật Ba Bể, theo số liệu điều tra còn chưa đầy đủ, đã có 319 loài động vật thuộc 27 bộ, 85 họ, có 42 loài được ghi trong danh sách đỏ Việt Nam.
[...] Độc đáo và đặc biệt hơn cả là Vườn Quốc gia Ba Bể có hồ Ba Bể, một hồ nước tự nhiên lớn nhất Việt Nam giữa núi rừng Việt Bắc thơ mộng và đầy huyền thoại. Có người nói: “Hạ Long có núi trên biển, thì ở đây Ba Bể có biển nằm trên núi”. Quả là hiện tượng đặc biệt đối với các hồ nước ngọt tự nhiên nằm trên địa hình cát-xtơ. Trên thế giới, các hồ cát-xtơ đều bị cạn nước hoặc chỉ có nước một mùa, nhưng ở đây Ba Bể bốn mùa đầy nước...
Hồ Ba Bể là trung tâm của Vườn Quốc gia Ba Bể, đã quy hoạch được 21 điểm và tuyến tham quan cho khách du lịch, bao gồm các điểm có cảnh quan tự nhiên, giá trị về văn hóa, xã hội... Tất cả đang tạo thành một quần thể quy hoạch đón khách trong tương lai...
(Theo Bùi Văn Định, trong
Bán nguyệt san Nhìn ra thế giới, số 101)