Mở bài:
+ Nhân vật Lạc Long Quân tự giới thiệu về mình.
+ Giới thiệu về câu chuyên dẫn đến sự ra đời của tên gọi “Hồ Gươm” hay “Hồ Hoàn Kiếm”.
Thân bài:
+ Việc giặc Minh xâm lược nước ta, nỗi lòng của Long Quân.
+ Việc Lê Lợi khởi binh, quyết định của Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm cách thức cho mượn -> nêu rõ mục đích của cách thức cho mượn gươm ấy.
+ Đất nước sạch bóng quân thù -> suy nghĩ về việc lấy lại gươm của Long Quân.
+ Việc Rùa Vàng hiện lên lấy lại gươm và thái độ của Lê Lợi -> suy nghĩ của Long Quán về việc này.
Kết bài:
+ Sự ra đời của tên gọi Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.
+ Suy nghĩ, lời dặn dò của Đức Long Quân đối với nhân dân Việt Nam.
B. Bài văn mẫu
Thần Long Nữ mẹ ta có một thanh gươm thần rất quý, tuổi đã tới hàng nghìn năm. Trước đây, vào thời lập nước, mẹ ta đã luyện ngọc dưới Long Hải thành thanh gươm báu như ngày nay. Bởi vậy nên thân gươm lúc nào cùng xanh biếc, toả sáng lấp lánh. Bên ngoài bọc một chiếc chuôi nạm ngọc.
Khi ta lớn, người tặng cho ta để phòng thân. Cùng với ta, thanh gươm đã tiêu diệt biết bao nhiều yêu quái: Ngư Tinh, Hồ Tinh và cả Mộc Tinh. Gươm báu cũng là người chứng kiến cuộc gặp gỡ và chia tay của Lạc Long Quân ta và nàng Âu Cơ. Thanh gươm giờ trở thành vật tín ước giữa ta và Âu Cơ. Lưỡi gươm theo ta xuống biển, chiếc chuôi nạm ngọc theo nàng Âu Cơ lên non. Chúng ta hẹn nhau, khi nào có khó khăn thì để lưỡi hoặc chuôi gươm phát sáng. Có như vậy mới biết mà giúp nhau.
Trải qua mấy mươi thể kỉ, lời ước hẹn đó vẫn không phai mờ. Đầu thế kỉ XV, giặc Minh đặt ách đô hộ nước Nam. Chúng coi người dân như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, cả người và thần đều vô cùng căm hận. Đau đớn và xót thương con dân, ta sai gươm thần đi tìm người tài giúp nước. Nhìn khắp nhân gian, có anh chàng Lê Thận, tính tình thật thà, lại có duyên cơ, có thể giúp gươm gặp được minh chủ xứng đáng. Đoán biết vậy, ta đã sai gươm thần tìm cách chui vào lưới đánh cá của chàng. Phải đến ba lần mới thành công. Khi đã được Lê Thận tiến cử với Lê Lợi, gươm vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng của mình. Bởi còn thiếu chiếc chuôi nạm ngọc. Ta bèn ra lệnh cho gươm thần phát sáng trong gian nhà tối của Lê Thận. Đoán biết được ý ta, Âu Cơ ở chốn non cao đã khéo léo cho người gửi tới tay Lê Lợi chiếc chuôi nạm ngọc trong một lần tình cờ Lê Lợi lạc trong rừng sâu.
Khi lắp chuôi vào gươm, gươm thần phát sáng rực rỡ, sáng bừng hai chữ Thuận Thiên. Gươm thần làm cho nghĩa quân thêm khí thế chiến đấu. Theo thời gian, nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Đánh đến đâu thắng đến đấy, quân Minh kinh sợ vô cùng. Chúng phải trốn chạy về nước. Non sông giờ đã sạch bóng quân giặc, nhà nhà yên ấm hưởng thái bình. Ngồi dưới Long cung quan sát mọi chuyện, ta vỏ cùng hài lòng khi gươm thần đã hoàn thành nhiệm vụ giúp người anh hùng Lê Lợi thu phục lòng tin, tinh thần đoàn kết của toàn dân đánh tan giặc Minh xâm lược.
Nhiệm vụ của gươm thần đã kết thúc, ta liền phái tả thần Kim Quy đến triệu gươm về Long cung. Thấy thần Kim Quy hiện lên ở hồ Tả Vọng, Lê Lợi biết nhiệm vụ của gươm đã hết nên trao trả lại gươm thân. Gặp lại gươm thần, ta lớn tiếng ngợi ca tài trí và công lao của gươm:
- Hỡi gươm thần, khanh quả không phụ lòng mong mỏi của trẫm. Nay trẫm phong khanh làm Vương, đứng đầu trong muôn loài gươm báu. Ta cho phép nhân dân đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm để mãi mãi nhớ tới công lao dẹp giặc cứu nước của khanh. Còn bây giờ, ngươi ở lại bên cạnh ta dưới Thuỷ cung, còn chuôi ngọc ta sẽ sai người lên núi gửi lại nàng Âu Cơ, để mãi mãi lưu giữ lời ước hẹn giữa ta và nàng từ ngày dựng nước. Ngươi có đồng ý không?
Gươm thần vui vẻ tuân mệnh. Bởi gươm biết sứ mệnh mà mình phải gánh vác, sứ mệnh đánh giặc, đem đến hạnh phúc cho muôn dân và đặc biệt là sợi dây gán bó ngàn đời giữa những con dân của đất Việt ở khắp mọi miền đất nước.