Mở bài:
+ Nêu khái niệm thể loại truyền thuyết.
+ Giới thiệu truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm và ước mơ về hòa bình của cha ông.
Thân bài:
+ Tóm tắt truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.
+ Ý nghĩa của hình tượng gươm thần: sức mạnh trong chiến tranh (khi đất nước có giặc ngoại xâm. Đức Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm; gươm thần là hiện thân của tình đoàn kết nhân dân cả nước; từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đó).
+ Ước mơ hòa bình:
• Giặc ngoại xâm bị dẹp yên, Đức Long Quân sai Rùa Vàng lên lấy lại thanh gươm.
• Lê Lợi dù vô cùng yêu quý gươm thần song vẫn sẵn lòng trả lại gươm cho Long Quân.
-> Đất nước ta, cả thần và người đều đồng thuận rời gươm đao để được sống trong hòa bình, thịnh trị.
Kết bài:
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về ước mơ, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
B. Bài văn mẫu
Truyền thuyết về Hồ Gươm xoay quanh việc Lê Lợi được Lạc Long Quân cho mượn thanh gươm báu ở đất Lam Sơn Thanh Hóa để đánh đuổi giặc Minh và chuyện Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi gươm báu khi nước nhà giành được độc lập. Giống như đặc trưng của thể loại truyền thuyết, truyện được kể bằng những chi tiết hoang đường kì lạ nhưng vẫn mang trong mình cốt lõi lịch sử. Đó là người anh hùng áo vải Lê Lợi, là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là hồ Tả Vọng sau được đổi tên thành hồ Gươm... Cái thực và ảo như hoà quyện vào nhau, tạo nên ý nghĩa sâu sắc và tính hấp dẫn của truyện.
Truyện kể về việc Lê Thận và Lê Lợi được gươm thần không phải ở một thế giới siêu nhiên, kì ảo mà ở địa điểm rất thực, ngay trên quê hương của họ. Lê Thận nhặt được lưỡi gươm khi kéo lưới. Lê Lợi nhặt được chuôi gươm trên đường chạy giặc trong rừng. Chi tiết này cho chúng ta biết gươm thần là biểu trưng cho sức mạnh cứu nước của nhân dân ta. Lưỡi gươm thì ở dưới nước, chuôi gươm thì ở trong rừng. Điều đó có nghĩa là khả năng cứu nước có ở khắp nơi, từ miền sông nước đến vùng rừng núi đều một lòng cứu nước. Như vậy, một thanh gươm hay cũng chính là sự kết hợp của các chiều không gian, của sức mạnh của con cháu Rồng Tiên trên cạn, dưới nước.
Đoạn kể về việc Lê Thận được lưỡi gươm rất hấp dẫn. Chàng đã hai lần vứt đi mà cuối cùng gươm vẫn chui vào lưới. Chỉ có gươm thần mới có sự lạ kì như vậy. Gươm đã chọn người, tìm đến đúng người mà trao, chọn người dâng gươm cũng như chọn minh chủ sau này.
Chuyện được gươm đã là kì lạ, chuyện khớp gươm lại còn kì lạ hơn. Lưỡi gươm dưới nước, chuôi gươm trong rừng, hai vật xa nhau là vậy, tưởng không gì liên quan vậy mà khi khớp lại thì vừa như in. Chi tiết này nói lên nguyện vọng của dân tộc là nhất trí. Sự giúp đỡ của Trời “Thuận Thiên”, của Lạc Long Quân và của Rùa Vàng càng khẳng định chắc chắn hơn sự nhất trí đó. Các bộ phận của gươm khớp lại với nhau như hình tượng các dân ta trên rừng, dưới biển đồng lòng, nhất trí tập hợp với nhau tạo nên sức mạnh thần kì.
Đọc truyện chúng ta thấy rằng các bộ phận của gươm thần trước khi đến với Lê Lợi đều đã qua tay thần linh. Gươm lấy từ Đất và Nước. Đất nước, dân tộc đã rèn ra thanh gươm đó, cất giấu nó đi và khi cần thì trao cho người anh hùng, người có khả năng thay trời diệt trừ giặc cỏ. Người có khả năng “Thuận Thiên” - Lê Lợi. Chẳng biết có phải ý trời hay không nhưng chắc chắn đó là ý của muôn dân trăm họ muốn lựa chọn Lê Lợi làm “minh chủ”, lãnh đạo nhân dân đánh giặc cứu nước.
Từ đầu chí cuối, thanh gươm luôn toả ánh sáng rực rỡ. Bởi đây đâu phải là gươm thường mà là gươm thần, là kết tinh, là khí thiêng của đất trời, sông núi, là khát vọng, niềm tin, sự đoàn kết trên dưới một lòng của nhân dân khắp mọi miền đất nước kết thành. Gươm thần chỉ núi, núi tan, chỉ sông, sông cạn. Sức mạnh của nó là vô địch. Vì vậy nó toả sáng khác thường.
Lúc ở nhà Lê Thận, gươm toả sáng ở góc nhà tối. Như hình ảnh nghĩa quân Lam Sơn cũng xuất phát từ chốn thôn cùng, ngõ hẻm, từ núi rừng Thanh Hoá. Thanh gươm toả sáng như thúc giục đoàn quân lên đường ra trận.
Ánh sáng của thanh gươm là ánh sáng của chính nghĩa. Gặp Lê Lợi gươm sáng ngời hai chữ “Thuận Thiên”. Khi tra gươm vào vỏ, gươm lại càng sáng rực rỡ. Ánh sáng của gươm đã lôi kéo biết bao người theo Lê Lợi, theo chính nghĩa.
Lúc chiến đấu, gươm cũng rực sáng biểu hiện khí thế, sức mạnh của nghĩa quân. Gươm thần cùng với nghĩa quân tung hoành ngang dọc, dẹp sạch quân thù khỏi bờ cõi nước nhà.
Đến lúc về với Rùa Vàng, gươm thần vẫn sáng le lói như ánh sáng của chính nghĩa luôn còn mãi cho đến muôn đời.
Ánh sáng từ thanh gươm được coi là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc làm ngời sáng hình tượng người anh hùng áo vải Lam Sơn.
Thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, thế hiện tinh thần chính nghĩa cũng là một mặt trong tư tưởng yêu chuộng hoà bình trong nhân dân ta. Ngoài ra, tác giả dân gian còn xây dựng chi tiết trả gươm thần ở hồ Tả Vọng như càng khẳng định tình cảm, tư tưởng mang tính truyền thống của dân tộc yêu chuộng hoà bình như dân tộc Đại Việt ta.
Rùa Vàng theo lệnh Long Quân đòi lại gươm báu vì nhiệm vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm đã hoàn thành, và nhà vua trả lại gươm thần cũng vì lẽ đó. Đất nước đã hết chiến tranh, không cần gươm nữa mà cần dụng cụ sản xuất. Lê Lợi vẫn là hoàng đế, tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước Gươm tuy trở về với Long Quân nhưng vẫn còn le lói ánh sáng như khẳng định khí thế sẵn sàng xung trận khi có giặc ngoại xâm. Cảnh trả gươm được miêu tả trang nghiêm, lộng lẫy cũng chỉ nhằm mục đích khắc sâu tí tưởng yêu chuộng hoà bình của nhân dân ta.
Truyền thuyết “Sự tích hồ Gươm” là truyền thuyết ca ngợi người anh hùng áo vải Lê Lợi, ca ngợi dân tộc anh hùng Đại Việt. Đồng thời truyện cũng khẳng định chắc chắn một dân tộc anh hùng cũng là một dân tộc yêu chuộng hoà bình.