- Truyện được kể bằng ngôi thứ ba, người viết tưởng tượng rồi kể lại truyện. Khi xây dựng các sự việc trong truyện, chú ý đến sự định hướng của đề bài: Sơn Tinh tự hào, ngạo nghễ - điều ấy hàm ẩn một thái độ chủ quan, khinh địch; Thủy Tinh thì hậm hực nuôi chí báo thù - chi tiết này hứa hẹn một cuộc chiến quyết liệt mới.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Nhắc lại kết quả cuộc chiến trong truyền thuyết giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
+ Thái độ của hai vị thần sau cuộc chiến ấy.
Thân bài:
+ Sơn Tinh vô cùng ngạo nghễ, chủ quan: lơi là việc phòng bị, tập luyện.
+ Thủy Tinh: gấp gáp chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tấn công mới.
+ Cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh mới:
• Sơn Tinh lúng túng, quân đội nhốn nháo lộn xộn.
• Thủy Tinh tấn công dữ dội.
-> Kết quả: Sơn Tinh để mất thành về tay Thủy Tinh.
(Có thể tưởng tượng khác đi:
• Có một vị tướng già nhắc nhở Sơn Tinh không được bèn bí mật chuẩn bị lực lượng;
• Khi Thủy Tinh tấn công, quân đội của Sơn Tinh bị vỡ thì vị tướng già đưa quân đến hỗ trợ;
• Thủy Tinh bị đẩy lui, Sơn Tinh rút ra bài học cho mình)
Kết bài:
- Ý nghĩa và bài học rút ra từ cuộc chiến mới giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
B. Bài văn mẫu
Cuộc chiến giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh đã kết thúc. Trong khi Sơn Tinh vô cùng tự hào, ngạo nghễ thì Thủy Tinh bị tổn thương nặng nề. Thần vô cùng tức giận, lúc nào cũng hậm hực nuôi chí báo thù.
Ròng rã suốt mấy tháng trời giao tranh, cuối cùng quân của Sơn Tinh cũng chiến thắng. Chiến thắng của thần thật giòn giã và vang dội khắp nơi. Hùng Vương rất tự hào vì chàng rể tài ba của mình. Ngay sau chiến thắng, Sơn Tinh về vùng núi Tản mở hội ăn mừng. Hội mở lớn lắm, có hàng trăm hàng nghìn người đến chúc mừng, dự tiệc. Khắp núi đều được trang hoàng rực rỡ, những bàn tiệc sang trọng được bày ra, ... chim muông, vạn vật dường như vui nhộn hơn, vang lên những khúc ca chúc mừng cho chiến công và hạnh phúc của đôi uyên ương. Tiệc mừng diễn ra mấy ngày liền, Sơn Tinh đang ngây ngất trong niềm vui, hạnh phúc...
Trong lúc đó, ở miền biển đông, Thủy Tinh đang ôm mối hận thù sâu sắc. Vốn là một vị thần oai hùng nên phải chấp nhận thất bại này Thủy Tinh không thể chịu đựng được. Thần ngày đêm hậm hực nuôi chí báo thù.
Biết tin ở vùng núi Tản, Sơn Tinh và Mị Nương đang vui vẻ mở tiệc linh đình, lòng căm hận trong Thủy Tinh càng bốc lên dữ dội. Mối hận lớn với Sơn Tinh, Thủy Tinh quyết phải trả cho bằng được.
Nghĩ là hành dộng, Thủy Tinh đi tìm vua Thủy Tề nhờ sự trợ giúp. Thần dự tính, nhân cơ hội Sơn Tinh đang mải mê với chiến thắng, thần bất ngờ tấn công và Sơn Tinh sẽ không kịp trở tay. Và nếu may mắn, thần còn có thể mang Mị Nương về lại bên mình. Tính toán như thế, Thủy Tinh càng ra sức tập hợp lực lương, xin sự trợ giúp từ các vị thần khác nơi biển cả. Ngày cũng như đêm, đội quân ủa thần miệt mài luyện tập. Ý chí căm thù của thần nước đã biến thành sức mạnh vô song.
Một tháng trôi qua nhanh chóng. Thủy Tinh thấy cơ hội tốt của mình đã đến ở vùng núi Ba Vì, vợ chồng Sơn Tinh chủ quan không lo phòng bị gì, đội quân của họ cũng đang được nghỉ ngơi sau những tháng ngày vất vả. Thế là Thủy Tinh hạ lệnh xuất quân.
Ngày hôm đó, Thủy Tinh lên đường từ rất sớm. Bình minh chưa lên, họ đã có mặt ở chân núi Tản. Thủy Tinh cho lính bao vây khắp xung quanh, rồi lan tỏa ra nhanh chóng. Bất ngờ, tiếng hò reo vang lên khiến cho núi Tản không còn sự bình yên như thường ngày. Đến lúc đó, Sơn Tinh mới giật mình hoảng hốt thì đã muộn mất rồi. Lính Thủy Tinh đà tràn lên đông như kiến cỏ. Sơn Tinh vội vã điều binh khiển tướng nhưng cũng khó lòng địch lại với sức mạnh của Thủy Tinh. Hai bên giao tranh, giằng co một hồi lâu nhưng Thủy Tinh cũng chưa tìm được cách bắt Mị Nương. Sơn Tinh lo lắng vô cùng vì sức quân dường như đã yếu, không biết có thể chống đỡ đến lúc nào. Cuộc chiến diễn ra mỗi lúc một căng thẳng...
Trong lúc đó, quân đội của vua Hùng đang trên đường đến núi Tản. Nhà vua lo lắng cho con gái lấy chồng nơi xa nên gửi quân lính và thị nữ đến bảo vệ nàng. Vừa kịp lúc cuộc chiến đang vào giai đoạn quyết định thì đội quân của vua Hùng đến nơi. Sơn Tinh thấy thế thêm vững lòng. Chàng nhanh chóng lấy lại thế trận vốn đang yếu của mình. Cuộc chiến lại đi về điểm xuất phát, ròng rã thêm mấy ngày trời. Cuối cùng, vì thiếu sự trợ giúp, lương thực không được đảm bảo, quân của thần Thủy Tinh yếu dần, không còn đủ sức giao tranh với thần Sơn Tinh nữa. Thủy Tinh đành hạ lệnh rút quân trong tủi nhục. Chẳng những không đánh bại được Sơn Tinh, không mang được Mị Nương về mà một lần nữa thần lại thất bại ê chề, đau đớn.
Chiến thắng lần này không làm cho Sơn Tinh hả hê như trước nừa. Thần nhận ra sự hận thù của Thủy Tinh thật khủng khiếp, nếu không được vua Hùng tiếp thêm sức mạnh thì có lẽ giờ đây người thất bại là thần chứ không phải Thủy Tinh. Mặt khác, nhờ có sự đoàn kết vững mạnh và một sức mạnh lớn hơn tất cả là lòng khao khát đánh thắng, khát khao muốn đẩy lùi Thủy Tinh mãi mãi của nhân dân mà Sơn Tinh mới có thể chiến thắng.Từ đó, thần luôn luôn chủ động phòng bị, nhắc nhở nhân dân khắp vùng đắp đê, làm kè thật vững chãi, xây những ngôi nhà trên cao thật kiên cố, tập luyện võ nghệ thường xuyên... để bất kì lúc nào Thủy Tinh đến nhân dân cũng có thể chống đỡ được. Còn về Thủy Tinh, mối hận trong lòng không thể nguôi ngoai, ngày một lớn dần. Hận thù mù quáng nên năm nào Thủy Tinh cũng phải kéo quân lên đánh Sơn Tinh. Nhưng mệt mỏi hết năm nay qua năm khác mà chẳng bao giờ thần nước thắng được thần núi, đành uất ức kéo quân về.
Cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh dường như chưa bao giờ kết thúc. Nó còn kéo dài đến tận ngày nay. Ròng rã bao nhiêu năm, Thủy Tinh không hề nguôi cơn giận. Mỗi lần nhớ lại chuyện xưa, thần lại dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng nhân dân cũng không còn nao núng, đánh trả vị thần nước rất dũng mãnh. Cho nên mãi mãi thần nước cũng không thắng nổi thần núi Sơn Tinh.