Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Em hãy chỉ ra và phân tích ý nghĩa của những yếu tố kì ảo trong truyền thuyết “Thánh Gióng”.

Thứ ba - 10/09/2019 05:27
A. Hướng dẫn làm bài
- Đề bài yêu cầu chỉ ra và phân tích ý nghĩa của những yếu tố kì ảo trong truyền thuyết Thánh Gióng.
- Lấy dẫn chứng từ truyền thuyết Thánh Gióng.
- Bài làm cần đủ những ý chính sau:
Mở bài:
+ Khái quát về thể loại truyền thuyết và vai trò của yếu tố kì ảo trong truyền thuyết.
+ Giới thiệu truyện Thánh Gióng - một tác phẩm tiêu biểu của thể loại truyền thuyết, có nhiều yếu tố kì ảo giàu ý nghĩa.
Thân bài:
+ Khái niệm về yếu tố kì ảo trong truyền thuyết.
+ Tóm tắt truyền thuyết Thánh Gióng.
+ Những yếu tố kì ảo trong truyện và ý nghĩa của chúng:
• Gióng được sinh ra một cách kì lạ từ một bà mẹ nông dân: sức mạnh của dân tộc nằm ở nhân dân, do nhân dân tạo ra.
• Gióng sinh ra ba năm chưa biết nói biết cười: lòng yêu nước của nhân dân - ý thức chống ngoại xâm được giấu kín, ngủ yên, chưa bộc lộ.
• Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc: nhân dân ta luôn có ý thức chống giặc ngoại xâm. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sẵn đánh giặc cứu nước.
• Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc: Gióng sinh ra đà là một anh hùng và điều quan tâm duy nhất của, vị anh hùng đó là đánh giặc.
• Gióng được dân làng góp gạo nuôi, chàng lớn nhanh như thổi: thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tình đoàn kết.
• Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng lên trời: nhân dân đánh giặc vì lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng hi sinh thân mình mà không đòi hỏi được khen thưởng hay ban cho danh lợi, sự dâng hiến sức lực cho tổ quốc một cách tự nguyện và vô tư.
+ Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng: ý thức chống ngoại xâm, lòng yêu nước, sức mạnh của nhân dân.
Kết bài:
Khẳng định vai trò của yếu tố thần kì trong truyền thuyết nói chung và trong truyện Thánh Gióng nói riêng.

B. Bài văn mẫu
Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ để qua đó thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể. Trong truyền thuyết, yếu tố kì ảo đóng vai trò khá quan trọng. Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo trong truyền thuyết “Thánh Gióng” đã thể hiện điều đó.

Các chi tiết thần thoại, kì ảo vốn là đặc trưng của thần thoại được sử dụng trong truyền thuyết làm chức năng “huyền ảo hoá” các nhân vật, sự kiện; thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ của nhân dân đối với các nhân vật đã đi vào truyền thuyết.

Truyền thuyết Thánh Gióng kể về Thánh Gióng. Vào đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Nghe tiếng loa của sứ giả cần tìm người tài giỏi đánh giặc, cậu bé ba tuổi mà không biết nói, biết cười làng Gióng bỗng ngồi dậy, gọi sứ giả vào và bảo ông ta về tâu vua sắm ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt cho Gióng đi đánh giặc. Nhận được ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt, Gióng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt ra trận đánh tan giặc. Đến chân núi Sóc, Gióng bỏ lại áo giáp sát rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời. Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà.

Hình tượng Thánh Gióng với nhiều chi tiết thần kì là biểu tượng của ý thức, tinh thần và sức mạnh bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm. Hình tượng đó cũng thế hiện niềm mong ước của nhân dân ta từ xa xưa về người anh hùng cứu nước.

Chi tiết thần kì đầu tiên là sự ra đời của Gióng. Chàng được sinh ra một cách kì lạ từ một bà mẹ nông dân: bà ra đồng làm ruộng, ướm bàn chân mình trên một vết trên chân to. Điều đó khẳng định rằng súc mạnh của dân tộc nằm ở nhân dân, do nhân dân tạo ra.

Đủ ngày đủ tháng, Gióng được sinh ra. Sau ba năm không nói không cười vậy mà tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Thật kì lạ! Chưa hề biết nói, biết cười, ngay lần nói đầu tiên, chú bé đã nói rất rõ ràng về một việc hệ trọng của đất nước. Chi tiết này chứng tỏ nhân dân ta luôn có ý thức chống giặc ngoại xâm. Khi có giặc, từ người già đến trẻ con đều sẵn sàng đánh giặc cứu nước.

Sau khi mời được sứ giả vào, Gióng xin ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh giặc. Chú không đòi đồ chơi như những đứa trẻ khác mà đòi vũ khí, những vật dụng để đánh giặc. Điều này khẳng định rất rõ rằng Gióng sinh ra đã là một anh hùng và điều quan tầm duy nhất của vị anh hùng đó là đánh giặc.

Đánh giặc là sự nghiệp chung của cả nước. Gióng lên tiếng xin đi đánh giặc, bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé. Như vậy, Gióng là đứa con của nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ. Sức mạnh của Gióng là sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của tinh thần đồng sức, đồng lòng.

Chi tiết kì ảo ấn tượng nhất trong truyền thuyết là chi tiết Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ. Hình ảnh ấy thể hiện sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của dân tộc. Khi hoà bình là những người lao động rất bình thường, nhưng khi chiến tranh xảy ra, sự đoàn kết đã hoá thành sức mạnh bão tố, phi thường, vùi chôn quân giặc. Điều đó giống như lời khẳng định của Bác Hổ: Mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy (lòng yêu nước) lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước va cướp nước .

Đánh tan giặc, Gióng cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng lên trời. Chàng cũng như nhân dân luôn mang trong mình khát vọng hòa bình. Từ khi sinh ra đến lúc đánh tan giặc, Gióng chỉ có một nhiệm vụ đó là đánh giặc cứu nước, Gióng đã trở thành biểu tượng của sức mạnh chiến đấu. Khi giặc đã tan, Gióng bay về trời cũng là để thể hiện ước mơ hòa bình, không phải cần đến sức mạnh ấy nữa. Cũng có thể hiểu rằng Gióng nói riêng và nhân dân nói chung đánh giặc vì lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng hi sinh thân mình mà không đòi hỏi được khen thưởng hay ban cho danh lợi.

Truyền thuyết Thánh Gióng sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo độc đáo. Những chi tiết thần kì ấy là biểu tượng của ý thức, tinh thần và sức mạnh bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm. Hình tượng Thánh Gióng cũng thể hiện niềm mong ước của nhân dân ta từ xa xưa về người anh hùng cứu nước.

Những chi tiết tưởng tượng kì ảo đóng một vai trò quan trọng trong thể loại truyền thuyết. Chúng chẳng những tạo nên sức hấp dẫn cho truyện mà còn thể hiện những ý nghĩ sâu sắc của dân gian về con người và lịch sử. Trong truyền thuyết Thánh Gióng, những chi tiết tưởng tượng kì ảo là yếu tố không thể thiếu. Những chi tiết ấy đã góp phần quan trọng để thể hiện lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân ta ngàn đời.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây