Mở bài:
+ Giới thiệu câu chuyện và nhân vật mình yêu thích trong câu chuyện ấy.
+ Khái quát những cảm nghĩ về nhân vật.
Thân bài:
+ Chỉ ra những đặc điểm của nhân vật, nêu những dẫn chứng thể hiện các đặt điểm dó (mỗi đặc điểm là một ý).
+ Trên cơ sở các đặc điểm của nhân vật, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
+ Rút ra bài học cho mình từ nhân vật đó.
(Chẳng hạn, lấy ví dụ là nhân vật Sọ Dừa, phần thân bài ta có các ý sau:
• Thương cảm cho Sọ Dừa vì sinh ra đã bị dị dạng, nhiều người coi thường.
• Yêu mến, cảm phục vì Sọ Dừa chăm chỉ làm việc, có ý thức làm việc giúp đỡ mẹ - là người con có hiếu, thông minh, học giỏi,...
• Rút ra bài học về cách đánh giá con người, về sự cố gắng, nỗ lực học tập và rèn luyện).
Kết bài:
Khẳng định giá trị của nhân vật.
B. Bài văn mẫu
Truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm đã thể hiện niềm tự hào vô bờ về lòng yêu nước, yêu hoà bình của dân lộc Việt Nam ta. Góp phần khẳng định truyền thống quý báu đó của dân tộc là “nhân vật” gươm thần trong tác phẩm.
Gươm thần nguyên là của Đức Long Quân. Ngài đã cho nghĩa quân mượn vì muốn nghĩa quân đánh thắng giặc. Long Quân là một trong những nhân vật thần kì do nhân dân sáng tạo ra. Bằng chi tiết Long Quân cho nghĩa quân Lê Lợi mượn gươm thần, tác giả dân gian đã chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn hợp chính nghĩa, lòng người; được nhân dân hết lòng ủng hộ. Khi đó, gươm thần trở thành hiện thân cho sự đồng thuận của thần và người đối với sự nghiệp đánh dẹp giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn (trên thanh gươm còn nêu lên hai chữ “Thuận Thiên”).
Cách thức gươm thần đến với Lê Lợi cũng rất đặc biệt. Vị chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn không trực tiếp nhận gươm. Người đánh cá Lê Thận sau ba lần quăng lưới vất vả mới nhận được lưỡi gươm dưới nước. Có thể nói chi tiết này hàm ý nhắn nhủ: kháng chiến muốn thắng lợi phải biết kiên trì, nhẫn nại. Lê Lợi nhận được chuôi gươm trên rừng, đem khớp với lưỡi gươm nhận được ở vùng biển của Thận thì “vừa như in”. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của gươm thần thực chất là sức mạnh đoàn kết, thống nhất nguyện vọng, ý chí chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc, từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ đồng bằng cho đến miền rừng núi. Hai chữ “Thuận Thiên” (hợp lòng trời) trên lưỡi gươm thần nhấn mạnh tính chất chính nghĩa, hợp lòng người, lòng trời của nghĩa quân Lam Sơn.
Đến với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, gươm thần đã phát huy sức mạnh thần kì của mình. Từ khi có gươm thần, nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng cao. Sức mạnh của gươm thần làm cho quân Minh bạt vía. Từ bị động và nhiều lần thua trận, nghĩa quân chủ động đi tìm giặc đánh và đã chiến thắng giòn giã, đuổi hẳn quân Minh về nước.
Đất nước đã thanh bình, Long Quân cho Rùa Vàng lên đòi lại gươm. Khi ấy Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Rùa Vàng nhô lên, lưỡi gươm đeo bên mình Lê Lợi động đậy. Rùa Vàng nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Vua rút gươm nâng về phía Rùa Vàng, Rùa Vàng ngậm lấy và lặn xuống nước.
Là một “nhân vật” đặc biệt trong truyền thuyết nổi tiếng của văn học nước nhà song gươm thần thực sự mang những ý nghĩa sâu sắc, thấm thía.