Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau: Ta về mình có nhớ ta ... Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung

Thứ năm - 02/01/2020 10:31
Trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc – Tố Hữu)
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Bài thơ Việt Bắc được Tố Hữu viết nhân một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử: Sau khi kháng chiến kết thúc thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời thủ đô kháng chiến về Hà Nội. Trong cuộc chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến về xuôi, Tố Hữu đã xúc động làm bài thơ này.
- Mượn hình thức đối đáp của hai nhân vật là người đi - kẻ ở song thực chất Việt Bắc là lời độc thoại của chính tác giả trong niềm yêu mến tự hào đối vói mảnh đất quê hương cách mạng, trong sự gắn bó nghĩa tình giữa nhân dân và cách mạng, kháng chiến.
- Đoạn thơ nằm ở phần đầu, là một trong những đoạn hay nhất của bài Việt Bắc. Mười câu thơ vừa là bộ phận hữu cơ của bài thơ vừa là một ý thơ hoàn chỉnh, nếu tách ra có thể trở thành một bài thơ độc lập bởi tính hoàn chỉnh của nó.
2. Cảm nhận về đoạn thơ
a. Nét đặc sắc nghệ thuật bao trùm toàn bộ đoạn thơ là hình thức đối đáp trong ca dao giao duyên và nghệ thuật vẽ tranh tứ bình bằng ngôn ngữ thi ca:
- Hình thức đối đáp: được sử dụng trong những cuộc trao đổi tâm tình giữa nam và nữ - ở đây là lời tâm tình của ta với mình để bày tỏ nỗi nhớ nhung lưu luyến trong giây phút chia tay. Hai dòng thơ đầu vừa là câu hỏi gợi mở “mình có nhớ ta” rất gần với ca dao (Mình về có nhớ ta chăng /Ta về ta nhớ hàm răng mình cười) lại vừa là lời khẳng định: ta nhớ mình. Sự uyển chuyển của ngôn ngữ càng góp phần làm bật sự quyến luyến trong tình cảm: điệp từ “ta” cùng với hành động “về” và tâm trạng “nhớ” có ý nghĩa khẳng định mạnh mẽ. Cùng với bước chân lên đường nổi nhớ cũng dâng đầy trong tâm trí và lan toả cùng cái nhìn cảnh vật. Nhớ là cuộc hành trình của kí ức đang trở về, đó là kí ức về “hoa” (thiên nhiên) và người Việt Bắc. Đây vốn là một tình cảm công dân, tình cảm chính trị song trong hình thức trữ tình này nó dường như đã trở thành một tình cảm rất riêng tư trong lòng người.
- Nghệ thuật vẽ tranh tứ bình bằng ngôn ngữ thi ca: Tranh tứ bình là một “đặc sản” của hội hoạ cổ điển phương Đông, nó mang đậm màu sắc cổ điển với những hình ảnh ước lệ, mang tính cách điệu hoá cao để thể hiện những quan niệm, cảm xúc, suy tưởng, chiêm nghiệm của hoạ sĩ về một quy luật tự nhiên hay một vấn đề của đời sôống. Bức tranh tứ bình bằng thơ này của Tố Hữu vẫn gợi ra sự tuần hoàn luân chuyên của bốn mùa song lại thấy những chất liệu bình dị, thắm tươi và vô cùng chân thực của đời sống và không gian kháng chiến. Và trong khi gợi ra cái hồn của sự sống, nhà thơ cũng giúp người đọc tiếp xúc trực tiếp với cảnh để cùng rung động với những trạng thái, những vẻ đẹp của cả thiên nhiên và con người Việt Bắc. Và cũng khác với tranh tứ bình truyền thống chỉ vẽ cảnh hoặc người, Tố Hữu đã kết hợp hoàn hảo vẻ đẹp của cảnh vật và con người trong bức tranh thơ.
b. Nét đặc sắc trong nội dung của đoạn thơ là tái hiện lại vẻ đẹp của con người trong sự hài hòa với vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc ở cả bốn mùa:
- Cảnh mùa đông: rất cổ điển trong nghệ thuật phối màu - nền xanh của rừng đại ngàn Việt Bắc vốn gợi cảm giác về sự thâm nghiêm, trầm tĩnh được điểm thấp thoáng những chấm “đỏ tươi” của hoa chuối rừng khiến bức tranh sáng hơn, ấm hơn. Bức tranh vừa có diện, vừa có điểm. Có thể liên hệ với câu thơ của Nguyễn Du “Cỏ non xanh tận chân trời! Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Nguyễn Du trải cảnh ra trong 14 chữ còn Tố Hữu chỉ dùng 6 chữ tạo độ nén tối đa về ngôn ngữ mà cảnh hiện lên vẫn bình dị, tự nhiên. Hình ảnh hoa chuối đỏ lại được bổ sung, tô điểm bằng ánh nắng ở câu thơ thứ 2 làm cho không gian vốn trầm mặc trở nên tươi sáng, sinh động. Trên nền cảnh ấy, con người xuất hiện là những người lao động trong công việc hàng ngày: đi rừng làm nương rẫy. Giữa thiên nhiên bao la, hình ảnh con người trở nên lộng lẫy, kì vì như chính con người làm chủ thiên nhiên: người đứng trên đỉnh đèo cao, ánh mặt trời chiếu trên cán dao gài thắt lưng, loé sáng. Hình ảnh này gợi tư thế tự tin, vững chãi của con người làm chủ núi rừng. Tác giả không cần miêu tả tỉ mỉ, cụ thể, chỉ cần dùng thủ pháp gợi cũng làm bật lên hình ảnh con người Việt Bắc.
- Cảnh mùa xuân: Mùa xuân vốn là thời điểm để sự sống sinh sôi nảy nở, màu sắc tươi tắn, rực rỡ. Màu trắng của hoa gợi vẻ đẹp tinh khiết. Song không phải là chấm trắng trên nền xanh của cỏ cây mà là cả một rừng mơ đang bừng nở - một sắc trắng mênh mông dào dạt, đang vận động để ôm trùm khắp cả không gian. Màu trắng hoa mơ vừa tinh khiết, trong sáng, tươi tắn, vừa gợi ra vẻ dào dạt, xôn xao của sự sống. Nếu vài chấm trắng sẽ chỉ gợi được phút chớm đến của mùa xuân, song cả một rừng mơ đang nở trắng thì phải là mùa xuân đang ở độ chín, viên mãn nhất, tràn đầy nhất. Trên cái nên xôn xao của thiên nhiên là vẻ lặng lẽ của con người trong công việc lao động. Hình ảnh đôi tay “chuốt từng sợi giang” vừa gợi sự khéo léo tài hoa, vừa gợi sự cần mẫn, cẩn trọng như thể có bao nhiêu tình cảm yêu thương gửi trong từng sợi giang kết thành vành nón.
- Cảnh mùa hè: được gợi ra bằng cả màu sắc và âm thanh. Màu vàng của rừng phách chan hoà trong ánh náng hè rực rỡ. Màu vàng của hoa và màu vàng của nắng hát bóng vào nhau, phản chiếu lên nhau làm không gian rực sáng - đó là cái rực sáng của cảnh hoà quyện những xúc cảm yêu mến đang xao xuyến trong giây phút chia tay. Âm thanh tiếng ve làm không gan xao động: tiếng ve trong rừng rộn rã, rạo rực, râm ran như khúc nhạc của rừng trong mỗi vòm lá. Âm thanh như đánh thức màu sắc tạo nên chuyển động dây chuyền. Tiếng ve kêu báo hè sang, mùa hè đến rừng phách chuyển sang màu vàng. Sự đổi thay ấy thật kì diệu: những ngày cuối xuân cây phách vẫn còn là màu xanh bởi nụ hoa còn náu kín trong kẽ lá. Khi tiếng ve đầu tiên của ngày hè cất lên thì rừng phách nhất loạt bung nở hoa vàng. Dường như chỉ trong khoảnh khắc mà cả rừng phách đã lênh láng sắc vàng. Chữ “đổ” tinh tế vì nó vừa gợi sự ăm ắp tràn trề vừa gợi nguồn sống đang rạo rực, phập phồng trong màu sắc. Sắc vàng không tĩnh tại trong một khuôn hình của bông hoa mà sóng sánh trào dâng khắp cánh rừng. Với sự tinh giản tối đa của ngôn ngữ, câu thơ đã gợi nhiều liên tưởng: có thể tiếng ve kêu gọi về sắc vàng cho rừng phách và cũng có thể chính màu vàng của rừng phách đã làm rộn lên những tiếng ve kêu. Cũng có thể rừng phách chuyển màu thật mau lẹ khi tiếng ve cất lên, cũng có thể là những trận mưa hoa vàng đổ trong rừng phách khi có gió đi qua. Trên nền cảnh ấy là hình ảnh con người: dáng “một mình” của con người trong không gian rừng núi dễ gợi sự nhỏ bé, cô đơn. Nhưng ở đây không phải là sự tồn tại khách quan của một mình con người trong không gian rừng núi mà đó là bóng dáng thân thương trong không gian kí ức của Tố Hữu nên chỉ gợi niềm mến thương. “Cô em gái” khác “cô gái” ở chỗ nó gợi tình cản thân thiết. Tố Hữu là nhà thơ của tình thương mến nên những tình cảm thương mến luôn đầy ắp trong thơ ông.
- Bức tranh mùa thu: cảnh đêm trăng phù hợp với hình thức của khúc hát giao duyên ở thời điểm chia tay, thời điểm giã bạn. Cảnh đẹp vì vừa khoẻ khoắn, vừa huyền ảo lung linh: từ “rọi” gợi luồng ánh sáng khoẻ khoắn mạnh mẽ - nó khác với ánh trăng mờ ảo lung linh trong thơ ca truyền thống vốn là sản phẩm của cảm hứng thiên nhiên thuần tuý, song nó cũng gợi liên tưởng tới ánh trăng rọi qua vòm lá để dệt trên mặt đất một thảm họa - trăng như trong câu thơ của Hồ Chí Minh “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” (“Cảnh khuya”). Theo trật tự thông thường, một năm bắt đầu bằng mùa xuân và kết thúc với mùa đông. Ở đây, cảm nhận về mùa thu đọng lại sau cùng như một ấn tượng đậm nét trong tâm hồn Tố Hữu vì mùa thu có phút chia tay với Việt Bắc, có cuộc chia tay với lịch sử. Có lẽ vì thế mà bức tranh này không được gợi ra bằng những đường nét, màu sắc thông thường mà rất đặc biệt - đó là màu sắc của suy tưởng, cảm xúc. Trong thơ ca, trăng thường toả ánh vàng ánh bạc, còn với Tố Hữu, trăng rọi ánh hoà bình. Đây là kết quả của sự hoà quyện giữa cảm hứng thiên nhiên với cảm hứng lịch sử vì mùa thu gắn liền với chiến thắng, với độc lập. Từ góc nhìn lịch sử, Tó Hữu đã cảm nhận được những vẻ đẹp thiêng liêng của ánh trăng. Trong không khí thiêng liêng của ánh trăng thu, con người hiện diện không phải với gương mặt, dáng hình mà với tiếng hát. Trong bài thơ, tiếng hát được nhắc tới nhiều lần và ở đây nó gắn với một nét đẹp trong cốt cách tâm hồn con người Việt Nam: ân tình thuỷ chung. Tố Hữu không gợi ra, không miêu tả cái cụ thể của lời ca mà gợi ra nét tính cách, tâm hồn con người qua lời ca ấy. Gắn với giờ phút chia tay, tiễn đưa là giây phút bừng sáng của kỉ niệm mà đọng lại sau cùng là sắc trời hoà bình và âm thanh tiếng hát ân tình thuỷ chung - những nét đẹp nhất của đất nước và con người. Lời thơ bình dị mà rất đẹp - cái đẹp của tình người toả bóng trong lời thơ ấy: tình yêu với thiên nhiên, với không gian, cảnh vật và hơn hết là với con người Việt Bắc.
3. Tổng kết - đánh giá
- Đoạn thơ tập trung những vẻ đẹp của cả nội dung và nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc: với lối hát đối đáp quen thuộc trong ca dao dân ca, với nỗi nhớ cảnh nhớ người đằm thắm da diết, với sự đan quyện của màu sắc - âm thanh - hình ảnh và cảm xúc, đoạn thơ vừa như một bức hoạ, vừa như một bản nhạc tấu lên để ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc.
- Đoạn thơ có kết cấu hô ứng: Mở đầu là một câu hỏi “Ta về mình có nhớ ta”, kết thúc bằng một câu trả lòi kín đáo: cả ta và mình cùng chung “tiếng hát ân tình thuỷ chung”. Chính điều đó đã tạo nên chất trữ tình đậm nét cho đoạn thơ - cũng là một nét đặc sắc của bài thơ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây