Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Bài thơ Tiếng hát con tàu được trích từ tập thơ Ánh sáng và phù sa xuất bản năm 1960. Đây là một tác phẩm quan trọng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời và trong thơ Chế Lan Viên trên hành trình đi từ “thung lũng đau thương” ra “cánh đồng vui”, đi từ “chân trời của một người đến chân trời của tất cả”.
- Bài thơ được viết nhân một sự kiện kinh tế xã hội: cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới trên miền núi vào những năm 1958 - 1960. Tuy nhiên, sự kiện này chỉ có ý nghĩa gợi ý, là điểm xuất phát để tác giả thể hiện khát vọng đến với đất nước, với nhân dân, với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Điều này khiến Tiếng hát con tàu vượt qua sự kiện một thời để sống lâu dài với thời gian.
- Sau những tiếng gọi lên đường đầy tha thiết, Chế Lan Viên đã hồi tưởng lại kỉ niệm về những tháng năm kháng chiến gian khổ mà sâu nặng nghĩa tình để từ đó hiểu và rung động thấm thía về mối quan hệ gắn bó giữa nông dân và người nghệ sĩ. Những hiểu biết và rung động ấy đã được thể hiện khá đầy đủ trong một khổ thơ vừa giàu chất trữ tình lại vừa đầy ắp ý vị triết lí, vừa chứa chan cảm xúc, suy tư lại vừa phong phú sinh động những hình ảnh.
2. Cảm nhận về đoạn thơ
a. Nội dung: Đoạn thơ nói lên ý nghĩa và niềm vui lớn lao khi được trở về gặp lại nhân dân.
- Về với nhân dân là về với những gì gần gũi, thân thiết, quen thuộc nhất. Trong quan niệm của Chế Lan Viên, nhân dân là người Mẹ vĩ đại của tâm hồn nghệ sĩ. Khát vọng trở về với nhân dân là khát vọng chân chính, tất yếu và thường trực. Việc đến với nhân dân không bao giờ là đủ vì nhân dân là suối ngầm vô tận tưới mát tâm hồn nghệ sĩ, tiếp thêm sức sống và bảo toàn sự sống cho hồn thơ ông. Những hình ảnh được đặt trong quan hệ so sánh tương đồng để diễn đạt niềm hạnh phúc được trở về với nhân dân.
+ “Nai về suối cũ” là một hình ảnh mang vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng diễn tả niềm vui tìm lại được chính mình. Suối cũ là môi trường quen thuộc, nơi con nai có thể bước đi những bước thật tự tin. Hình ảnh này còn gợi nhớ một câu chuyện cổ: người em bị phù thuỷ biến thành con nai khi uống phải nước suối độc nên quên mất đường về. Sau khi uống ngụm nước suối trong lành quen thuộc thì từ kiếp nai người em trở lại làm người. Hình ảnh nai về suối cũ đã thể hiện sâu sắc tư tưởng: về với nhân dân là tìm lại chính mình trong sự hoá thân kì diệu.
+ “Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa”: gợi niềm vui của sự hồi sinh. Mùa đông cỏ héo úa, chim bay đi tránh rét,. Mùa xuân về cỏ đâm chồi nảy lộc, chim én chao liệng, tung bay. Nhân dân cùng như mùa xuân làm sự sống hồi sinh mạnh mẽ.
+ Về với nhân dân là về với cội nguồn sự sống, về với nguồn nuôi dưỡng sự sống: đứa trẻ thơ non nớt, yếu đuối. Nguồn sữa mẹ là nguồn sống tốt lành cần thiết cho sự trưởng thành của đứa trẻ. Khi “đói lòng” là khi nhu cầu về nguồn sống trở nên bức xúc nhất bởi lúc đó nguồn sống sẽ quyết định sự sống còn của đứa trẻ. Nguồn sữa lúc đó sẽ đảm bảo cho sự sống tiếp tục tồn tại và phát triển vững vàng.
+ Về với nhân dân là về vói sự đùm bọc, che chở, cưu mang: Chiếc nôi là nơi đứa trẻ thơ ngon giấc. Chiếc nôi êm là sự chăm sóc, cưu mang, bàn tay đưa nôi là nguồn yêu thương, là tấm lòng của người mẹ. Trong tình yêu thương ấy, đứa trẻ sẽ trưởng thành khoẻ mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần.
- Ba hình ảnh so sánh đầu gợi mối quan hệ giữa điều kiện sống với bản thân sự sống. Sự sống sẽ phát triển thuận lợi khi gặp điều kiện tốt lành. Nghệ sĩ trở về với nhân dân là về với môi trường quen thuộc. Hai hình ảnh sau gợi một mối quan hệ mật thiết hơn, thiêng liêng hơn: mối quan hệ giữa nguồn sống vói bản thân sự sống. Không có điều kiện thuận lợi, sự sống vẫn có thể tồn tại. Song nếu thiếu đi nguồn sống, sự sống sẽ lập tức chấm dứt. Thủ pháp bồi thân, tăng cấp này có ý nghĩa nhấn mạnh sự gắn bó sinh tử, không thể tách rời giữa nhân dân và người nghệ sĩ.
- Hình ảnh trong đoạn thơ không chỉ là cách nói hoa mĩ, trau chuốt mà là sự đúc kết chắt lọc từ chính những trải nghiệm cuộc đời Chế Lan Viên. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, tuy Chế Lan Viên chưa từng sống ở mảnh đất Tây Bắc song dù sống ở đâu trên đất nước cũng đều dựa vào sự đùm bọc chở che của nhân dân. Dù ở nơi nào thì trong những năm kháng chiến gian khổ, những người cán bộ cách mạng cũng đều nhận dược tình yêu thương, sự cưu mang giúp đõ, thậm chí cả những hi sinh thầm lặng của nhân dân.
b) Nghệ thuật: 4 câu thơ thể hiện những đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên - đó là sự sáng tạo hình ảnh để diễn đạt cảm xúc, suy tư.
- Tác giả dùng một loạt so sánh tương đồng để nói lên ý nghĩa, niềm vui lớn lao khi được trở về gặp lại nhân dân. Trong khổ thơ có những cặp hình ảnh sóng đôi như nai – suối cũ, cỏ - giêng hai, chim én - mùa xuân, cơn khát trẻ thơ - dòng sữa, chiếc nôi ngừng - cánh tay đưa... Một loạt những so sánh sóng đôi này diễn tả sự gắn bó máu thịt giữa cá nhân với nhân dân, đất nước.
- Những so sánh của Chế Lan Viên không đơn điệu mà rất đa dạng phong phú: có hình ảnh gắn với thiên nhiên, mang vẻ đẹp thơ mộng, tươi tắn, có hình ảnh gắn với cuộc sống con người, mang ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Những hình ảnh so sánh này rất quen thuộc gần gũi mà cũng sâu sắc, mới mẻ trong ý tưởng bởi cách liên tưởng đầy bất ngờ, sáng tạo của nhà thơ.
- Hình ảnh trong thơ Chế Lan Viên kết thành chùm, thành chuỗi hết sức độc đáo, nó đem đến cho thơ Chế Lan Viên một vẻ đẹp kì ảo, lung linh, khiến cho những suy nghiệm của Chế Lan Viên không khô khan mà tươi tắn và dễ đi vào lòng người.
3. Đánh giá
- Tiếng hát con tàu là tiếng hát của niềm vui, là tiếng hát ân nghĩa, tiếng hát tri ân với công lao của nhân dân với nghệ sĩ. Đoạn thơ là một khúc nhạc mang chứa âm hưởng chủ đạo của toàn bài.
- Đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa nhân dân và người nghệ sĩ, Chế Lan Viên đã đặt ra một vấn đề muôn thủa của văn chương - vấn đề về cội nguồn sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ đã chọn cho mình một cách nói mới mẻ và sâu sắc khiến cho những vấn đề quen thuộc ấy vẫn gợi lên những cảm xúc và suy nghĩ mới cho người đọc.