- Sự kết hợp của yêu cầu chính trị với yêu cầu của phương pháp sáng tác mới đã đem đến cho các nhà văn những khám phá phát hiện mới về con người. Khác với các nhà văn thuộc trào lưu hiện thực phê phán dừng lại ở kết thúc bế tắc, tăm tối thì các nhà văn thời kì này lại dõi theo bước chân người lao động trong cuộc hành trình từ bóng tối ra ánh sáng - đó là con đường giác ngộ của nhân dân nhờ cách mạng, là khát vọng đổi đời và chân trời mới đầy hi vọng mà Đảng mở ra trước mắt người dân. Tiêu biểu cho khuynh hướng khai thác đó phải kể đến Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và Vợ nhặt (Kim Lân).
2. Phân tích
2.1. Điểm giống nhau
- Dù tương quan và mức độ có khác nhau song cả hai tác phẩm đều đề cập đến một đề tài chung là cuộc đổi đời của nhân dân nhờ cách mạng: vợ chồng A Phủ khi đến du kích Phiềng Sa, trở thành du kích thì không còn bị áp bức bóc lột như trước đây nữa. Anh Tràng (Vợ nhặt) trong bữa ăn ngày đói đã hình dung về đoàn người đi phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo với một tâm trạng bâng khuâng.
- Ở cả hai tác phẩm, các tác giả đều hướng tới một nội dung thống nhất: dưới ách thực dân phong kiến, dưới chế độ xã hội mà mỗi con người chỉ biết phận mình thì người lao động vô cùng cực khổ, không hạnh phúc, không tương lai, Mị và A Phủ chỉ là con trâu con ngựa cho nhà thống lí; Tràng bị bủa vây bởi cái đói, cái chết. Song nhờ cách mạng họ đã và sẽ được giải phóng. Cách mạng đã và sẽ đem lại cho họ tự do, hạnh phúc.
- Về bút pháp, tuy mức độ có khác nhau song cả hai tác phẩm đều có sự kết hợp bút pháp hiện thực và lãng mạn theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa - không nhìn phiến diện một chiều mà thấy tương quan cả hai chiều của hoàn cảnh và tính cách: hoàn canh tác dộng lên tính cách và ngược lại tính cách cùng góp phần cải tạo hoàn cảnh.
2,2. Nét khác nhau
a. Phát hiện về thân phận: Do các nhà văn nhìn nhận, khai thác khám phá số phận con người ở những hoàn cảnh cụ thể khác nhau nên các nhân vật cũng bộc lộ những nét khác nhau trong số phận.
- Ở Vợ nhặt: Nạn đói khủng khiếp do Nhật - Pháp gây ra khiến cho cái giá của con người rẻ như cái rơm cái rác, cái đói, cái chết bao bọc, bủa vây khiến con người chỉ còn là những xác chết hoặc người sắp chết vật vờ như những bóng ma. Người đàn bà rách rưới, gầy xọp trong truyện thậm chí không có một cái tên vì cái tên sẽ chẳng có nghĩa lí gì khi có thể nay mai chị ta cũng là một cái xác nằm cong queo bên vệ đường. Và anh Tràng chỉ cần mời thị ăn 4 bát bánh đúc và đùa mấy câu vu vơ là đã khiến người đàn bà ấy bằng lòng theo không anh về làm vợ. Ngay chính bản thân cái danh nghĩa Vợ nhặt cũng đã đủ để gợi ra cái mức độ rẻ rúng của thân phận con người.
- Ở Vợ chồng A Phủ: Dưới ách thống trị của bọn địa chủ phong kiến - tay sai của thực dân Pháp, thân phận con người không bằng kiếp ngựa trâu, nó muôn đày đoạ thế nào cũng được, muốn trói muốn đánh, muốn giết cũng dược. Mị trẻ trung xinh đẹp là thế mà trở thành người đàn bà câm lặng, suốt ngày “lùi lủi như con rùa nuôi trong xó cửa”, sống âm thầm trong một căn buồng tối, chỉ có một cái cửa sổ lỗ vuông nhìn ra ngoài chỉ thấy “mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Mị không chỉ phải lao động khổ sai mà còn bị chà đạp, bị tước đoạt quyền được sống như một con người. Khi muốn đi chơi mùa xuân thì bị trói lại bằng cả một thúng sợi đay. Xoa thuốc cho chồng cô mệt quá mà gục xuống thì bị chồng đạp chân vào mặt. Ngồi sưởi lửa hơ tay bên bếp thì bị vô cớ đạp ngã lăn xuống cửa bếp. Còn A Phủ chỉ vì đánh nhau vói con quan làng mà bị trói, bị đánh, bị phạt 100 đồng bạc trắng và khi không có tiền trả nợ thì phải trở thành người ở không công cho cha con thống lí. Dù A Phủ có lao động giỏi, chăm chỉ cần cù thì sinh mạng của anh cũng không được coi ngang với con vật. Chỉ vì để hổ ăn mất bò mà A Phủ phải bị trói đứng chờ chết bên cái cọc ở giữa sân, mà chính tay A Phủ phải đi đóng cọc, lấy dây mây để Pá Tra trói mình. Những người như Mị, như A Phủ bất kì lúc nào cũng có thể bị trói đến chết như một người đàn bà trong nhà Pá Tra đã từng chết héo, chết khô vì bị trói.
b. Khẳng định khát vọng và vẻ đẹp tâm hồn: Trong ánh sáng của một quan niệm mới về con người, các nhà văn thời kì này đều nhận thấy rằng con người không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội mà trong họ luôn tiềm ẩn những năng lực vươn lên cải tạo cuộc sống, thay đổi số phận của chính mình.
- Ở Vợ nhặt, con người trước cái chết vẫn ham được sống. Song cái đáng quý nhất ở họ là cuộc sống thảm đạm không làm mất đi vẻ đẹp của tình người: tình mẹ con, tình thương yêu, cảm thông giữa những người cùng cảnh ngộ, tình nghĩa vợ chồng... Chính tình người đã thắp sáng trong họ niềm tin và khát vọng: tin vào sự sống và khao khát có cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Chính tình người đã nâng cao giá trị con người, khiến cho họ trong cái vẻ ngoài nhếch nhác thảm hại vẫn đáng trân trọng, vẫn là con người với cái nghĩa thiêng liêng nhất của từ này.
- Ở Vợ chồng A Phủ, cái đáng ca ngợi là tình cha con, là đức tính cần cù và dũng cảm trong lao động, là tài hoa và lòng yêu đời, ham sống, là tinh thần phản kháng kiên cường đối với bọn thực dân phong kiến áp bức bóc lột nhân dân, là niềm khao khát được tự do, tự chủ trong cuộc sống lứa đôi... Tất cả tạo nên một sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong con người, khiến cho con người mạnh mẽ hơn, gắn bó với nhau chống lại cả thần quyền và cường quyền để bảo vệ sự sống của chính mình.
3. Kết luận
- Cho dù có những điểm giống và khác nhau trong phát hiện về số phận người lao động, khát vọng và vẻ dẹp tâm hồn họ song Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài và Vợ nhặt của Kim Lân đều là kết quả của những năng lực khám phá, phân tích và lí giải hiện thực đòi sống, có khả năng cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và con người trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.
- Trong khi mô tả, tái hiện cuộc sống và số phận con người, các nhà văn luôn cố gắng làm bật lên những nét đẹp của tâm hồn, tính cách và tin tưởng vào năng lực, sức sống tiềm ẩn trong họ. Đó là biểu hiện của một chủ nghĩa nhân đạo mới, kết tinh tầm nhìn của thời đại. Điều đó khiến cho tác phẩm của họ có thể vẫn nói về những cuộc đời, con người trong xã hội cũ song so với những tác phẩm hiện thực của giai đoạn trước, các tác phẩm thời kì này đã có những nét mới hơn về chất để làm phong phú thêm nên văn học dân tộc.