Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài.

Thứ năm - 02/01/2020 07:29
Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài.
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu

- Tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài xuất bản năm 1953 là một thành công đột xuất của văn xuôi kháng chiến chống Pháp. Đây là tập truyện đã được tặng giải nhất của hội văn nghệ Việt Nam 1951 - 1955 về truyện kí cùng với tác phẩm Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc. Trong đó Vợ chồng A Phủ có thể coi là truyện ngắn xuất sắc hơn cả.
- Tô Hoài coi Tây Bắc như quê hương thứ hai của mình. Sau chuyến đi công tác dài 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Tô Hoài đã tâm sự rằng miền Tây đã “để nhớ để thương cho tôi nhiều quá”. Tập Truyện Tây Bắc nói chung và truyện ngắn Vợ chồng A Phủ nói riêng là kết quả đẹp đẽ của mối duyên may gặp gỡ giữa nhà văn Tô Hoài với miền đất đau thương mà tràn đầy sức sống ấy. Nhân vật chính trong truyện Vợ chồng A Phủ là Mị - một cô gái có những phẩm chất và số phận tiêu biểu cho những người dân miền núi dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến. Điểm nổi bật ở nhân vật này là một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, mãnh liệt mà hoàn cảnh đen tối không thể nào huỷ diệt nổi. Sức sống ấy đặc biệt thể hiện trong cảnh ngộ từ khi cò bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá tra đến khi cô trốn thoát khỏi Hồng Ngài.
2. Phân tích
a. Khái niệm sức sống tiềm tàng: “Sức sống” là khả năng tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ. Trong một số trường hợp, đó là khả năng chịu đựng, sức vươn lên trỗi dậy, phản ứng lại hoàn cảnh đang dập vùi mình để giành quyền sống. Sức sống thường biểu hiện ở hai phương diện vật chất và tinh thần, trong đó kì diệu và đẹp đẽ nhất chính là sức sống tinh thần. Nó biểu hiện rõ ràng khi con người dù bị dập vùi trong đau khổ vẫn đủ sức chịu đựng, vẫn khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn và có khả năng biến ước mơ thành hiện thực. “Sức sống tiềm tàng” là sức sống ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn con người đến mức người ngoài khó nhận ra. Thậm chí, nhìn từ bên ngoài họ có vẻ mệt mỏi, chán nản, cạn kiệt niềm ham sống, song nhìn từ bên trong vẫn có thể thấy những mầm sống xanh tươi và những mầm sống ấy sẽ vươn lên mạnh mẽ khi có điều kiện thích hợp.
b. Giới thiệu về nhân vật Mị
- Trước khi về nhà thống lí Pá tra, Mị là một cô gái có sức sống mạnh mẽ, sức sống ấy luôn thể hiện tràn trề ở cả ngoại hình và tâm hồn cô. Là một cô gái trẻ, xinh đẹp và khoẻ mạnh, Mị rất yêu đời, khao khát sống. Cô có nhiều chàng trai theo đuổi và đã được sống những đêm tình mùa xuân say mê. Những cảm xúc dào dạt trong tâm hồn cô đã ngân vang theo tiếng sáo tài hoa khiến nhiều trai bản đã sẵn sàng theo cô hết núi này qua núi khác.
- Từ khi về làm dâu nhà thống lí, đời Mị chuyển sang những trạng thái khổ đau, tủi nhục, nỗi đau khổ về thể xác và tinh thần đè nặng lên cuộc đời cô. Những núi công việc nối tiếp nhau quanh năm suốt tháng không đáng sợ bằng cuộc sống tinh thần như địa ngục: Mị khao khát tự do mà không được tự do, khao khát sống bình thường lại phải sống kiếp trâu ngựa, muốn chết mà không được chết, phải sống câm lặng như “con rùa nuôi trong xó cửa”, giam cuộc đời mình trong căn buồng tối với một cái cửa sổ lỗ vuông nhìn ra ngoài trời chỉ thấy “mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Sự đọa đày dần khiến Mị trở nên tê liệt, vô cảm và cam chịu. Nguy hiểm nhất là ở lâu trong cái khổ, Mị quen dần và không còn ý định phản kháng. Tuy nhiên đó chỉ là vẻ ngoài, đằng sau cái vẻ lầm lũi câm lặng ấy thực ra vẫn tiềm ẩn một sức sống âm ỉ chỉ chờ cơ hội là sẽ bộc lộ ra ngoài. Nhà văn Tô Hoài đã miêu tả những biểu hiện của sức sống ấy trong một quá trình từ thấp đến cao, từ cảm xúc đến ý thức, hành động.
c. Biểu hiện của sức sống tiềm tàng ở Mị
c. l. Định tự tử: Bất ngờ bị bắt về làm dâu nhà Pá Tra, mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc. Vốn là một con người tự do, bị đẩy vào một cuộc sống như con vật, Mị không thể nào chịu nổi. Một hôm Mị trốn vào rừng lấy lá ngón về chào bố để đi chết. Đây thực chất là một biểu hiện của sự phản ứng lại với hình ảnh đang dập vùi mình. Mị là một con người thì không thể sống kiếp của một con vật. Định tự tử là Mị có ý thức về bản thân mình. Mị thà chết như một con người chứ không muốn sống như con vật. Dù là hành động tiêu cực và bế tắc song nó cũng báo hiệu cho người đọc về một sức phản kháng mãnh liệt, quyết liệt của nhân vật.
c.2. Định đi chơi đêm tình mùa xuân
- Tác động của ngoại cảnh: Thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp tạo một không khí rạo rực, rộn rã. Men rượu đưa Mị chập chờn giữa hiện tại và quá khứ ngày xưa. Tiếng sáo là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất đến tâm hồn Mị. Nó gợi nhớ quãng đời thiếu nữ tươi đẹp tràn đầy hạnh phúc. Nó thức dậy những khao khát tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Sự dịch chuyển của nơi xuất phát âm thanh tiếng sáo từ không gian khách quan đến không gian tâm trạng cho thấy rõ sức tác dộng của tiếng sáo đến cõi lòng tưởng như đã chết của Mị để làm hồi sinh những khát khao được sống.
- Diễn biến tâm trạng: Trước những tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh, mầm sống trong Mị trỗi dậy mãnh liệt. Từ chỗ dửng dưng vô cảm Mị đã say sưa đắm mình vào những cảm xúc và khát vọng. Sự hồi sinh của sức sống khao khát sống của Mị được thể hiện qua những giằng xé, đấu tranh giữa thói quen và nhu cầu, giữa ám ảnh bất hạnh và khát khao hạnh phúc, giữa con người nô lệ, công cụ với con người của những nhu cầu, ham muốn rất thiêng liêng. Cuối cùng, trong Mị sức sống đã chiến thắng, cảm giác, cảm xúc và ý thức con người đã trỗi dậy trong Mị, thôi thúc Mị uống rượu, xui khiến Mị muốn chết, giục Mị thắp đèn, nhắc Mị quấn tóc, lấy áo váy chuẩn bị đi chơi mùa xuân. Ngay cả lúc thân thể bị trói nghiến bằng cả một thúng sợi đay, lòng Mị vẫn chập chờn lâng lâng theo tiếng sáo. Và cho dù sợi dây trói của A Sử đã chiến thắng khi ngăn cản bước chân vùng dậy đi theo sự vẫy gọi của tiếng sáo thì nó cũng không ngăn được lòng ham sống trong tâm hồn cô. Mị nhớ lại có người đàn bà bị trói đến chết trong nhà Pá Tra và hoảng sợ, cô cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Sợ chết là một dấu hiệu của năng lực sống, nhu cầu sống đã hồi sinh. Chỉ đáng tiếc là Mị đơn độc nên không thể tự cứu mình. Khi Mị được cởi trói cũng là khi một sợi dây trói vô hình thắt lại, trói lại những ước mơ vừa nhen lên trong Mị - Người chị dâu lưng còng rạp - hiện thân của kiểu người nô lệ công cụ đã cởi trói cho Mị với một mệnh lệnh “Đi hái thuốc cho chồng mày”.
- Như vậy, chỉ có sức sống thôi chưa đủ, chỉ có khao khát sống cũng chưa đủ, cho dù mầm sống có khoẻ khoắn, cho dù khao khát sống có mạnh mẽ cũng chưa thể giúp con người bảo toàn sự sống. Tuy vậy, đây vẫn là dấu hiệu để nhận biết rằng hoàn cảnh dù tàn nhẫn cùng không thể huỷ diệt sức sống tiềm tàng của con người.
c.3. Cứu A Phủ và chạy trốn khỏi Hồng Ngài
- Cơ sở của việc Mị cứu A Phủ trước hết là vì A Phủ có cuộc đời giống Mị: vì nghèo mà bị ức hiếp, bị dồn đẩy đến chỗ trở thành người ở trừ nợ của nhà Pá Tra. Chỉ vì để hổ ăn mất một con bò mà A Phủ bị Pá Tra trói vào cái cọc để đợi chết khô.
- Diễn biến tâm trạng của Mị: Lúc đầu, Mị hoàn toàn vô cảm vì Mị quen với cái khổ và việc người bị trói đến chết ở nhà Pá Tra không phải là chuyện lạ. Đêm cuối cùng, qua ngọn lửa bập bùng, Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ. Giọt nước mắt A Phủ đã đánh thức trong Mị những năng lực của con người: xâu chuỗi những nỗi khổ của mình và của người khác để nhận thức được rằng đó là tội ác của cha con thống lí, để phẫn nộ trước tội ác ấy; ý thức về cái chết đang dần đến với A Phủ và nhận thức được rằng đó đều phi lí, bất công, nghĩ đến cảnh mình có thể bị trói thay A Phủ nếu A Phủ trốn đi nhưng Mị không thấy sợ. Vậy là sự phẫn nộ, những nhận thức đúng đắn và lòng thương người hơn cả thương thân đã tiếp cho Mị sức mạnh để khiến cô trở nên can đảm. Mị đã cắt dây cởi trói cứu A Phủ. Sợi dây trói là sức mạnh cường quyền dùng để trừng phạt, cắt dây trói là Mị đã chống lại cường quyền để giải phóng cho người cùng cảnh ngộ. Sau một thoáng đứng lặng trong bóng tối, Mị đã vụt chạy theo A Phủ. Chấp nhận chết thay A Phủ là bởi vẫn thừa nhận sức mạnh của ma nhà thống lí “đã bị cùng trình ma ... chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Chạy theo A Phủ là tự giải thoát khỏi sợi dây trói vô hình của thần quyền. Sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng lần này đã giúp Mị đập tan cả nhà tù của cường quyền và thần quyền để tự giải phóng.
- Khác với hoàn cảnh trong đêm tình mùa xuân, lần này Mị không chỉ có một mình đơn độc. cả A Phủ và Mị đều là những con người giàu sức sống, khi sức sống tiềm tàng trong mỗi cá nhân toả sáng và kết hợp với nhau sẽ tạo thành sức mạnh giải phóng cho con người, khi sự đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ kết hợp với ý thức phản kháng, đấu tranh, tạo thành sức mạnh đấu tranh giai cấp thì sức sống trong mỗi cá nhân sẽ được nhân lên bội phần tạo ra những kết quả bất ngờ mà tất yếu.
3. Kết luận
- Phát hiện và miêu tả sức sống tiềm tàng trong Mị, Tô Hoài đã thể hiện một khả năng nắm bắt mới đối với hiện thực đời sống của người lao động trong xã hội cũ: Nhà văn không chỉ còn thấy con người là nạn nhân đau khổ của chế độ xã hội tàn bạo mà còn thấy ở họ sức mạnh và khả năng làm chủ cuộc sống của chính mình. Đó là một thực tế không thể phủ nhận và đã được chứng minh bằng quá trình đấu tranh cách mạng của cả dân tộc, đất nước trong những năm tháng đó.
- Khi Tô Hoài tin tưởng, khẳng định và ngợi ca sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, nhà văn đã thể hiện được một chiều sâu mới của tinh thần nhân đạo. Đây là sự tiến bộ của chính nhà văn song cũng là một tất yếu của tinh thần thời đại.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây