Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Tố Hữu và tác phẩm: Bác ơi!

Thứ năm - 07/09/2017 10:44
Bài thơ Bác ơi! được Tố Hữu viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn đó, nhà thơ càng nhận rõ những phẩm chất đẹp tuyệt vời của Bác để ghi lại trong tiếng khóc tiễn biệt Người.
I. TÁC GIẢ (xem bài Việt Bắc)
II. TÁC PHẨM: Bác ơi!
1. Hoàn cảnh ra đời
Bài thơ Bác ơi! được Tố Hữu viết ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Trong niềm đau xót, tiếc thương vô hạn đó, nhà thơ càng nhận rõ những phẩm chất đẹp tuyệt vời của Bác để ghi lại trong tiếng khóc tiễn biệt Người.
 
Bác ơi! không chỉ là một “điếu văn bi hùng bằng thơ” (Xuân Diệu) mà còn được xem như bức tượng đài Hồ Chí Minh bằng thơ, khắc hoạ sâu sắc chân dung của một trong những con người đẹp nhất của thời đại ngày nay.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Bốn khổ thơ đầu: Nỗi đau xót lớn lao trước sự kiện Bác Hồ qua đời.
Từ nơi điều trị, khi nghe tin Bác mất, Tố Hữu tìm về ngôi nhà sàn thân yêu của Bác. Nhà thơ “lần” từng bước trong nỗi đau đớn, bàng hoàng đến tột bực. Không gian thiên nhiên dường như cũng hoà điệu với tâm trạng của con người “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Mọi vật xung quanh trở nên hoang vắng: vườn rau ướt lạnh, gian phòng lặng yên, chuông không reo, rèm không cuốn, đèn không sáng.
 
Không còn dáng Bác hôm sớm dạo bước bên hồ, mặt hồ cũng trở nên thành ra cô đơn, côi cút. Cả trái bưởi vàng kia còn ngọt với ai nữa, mùi bông hoa nhài cũng không muốn toả hương. Tất cả chìm lắng trong nỗi đau, nỗi mất mát khôn tả.
 
Sự ra đi của Bác càng xót xa hơn nữa khi miền Nam đang thắng lớn. Nhân dân miền Nam mơ ngày mở hội toàn thắng để được đón Bác vào thăm. Ý thức về điều này, nỗi đau càng trào dâng.
 
b. Sáu khổ thơ giữa: Hình tượng Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Trước hết, đó là lòng yêu nước sâu xa và lòng yêu thương con người rộng lớn của Bác. Suốt cả cuộc đời mình, lòng Bác không lúc nào thảnh thơi vì nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước, lo cho quần chúng lao khổ. Nỗi lo lắng của Bác đã vượt lên nỗi lo bình thường và trở thành nỗi quán xuyến có quy mô lịch sử: “Nỗi đau dân nước nỗi năm châu”.
 
Trong những ngày chống Mĩ cứu nước quyết liệt của dân tộc, trái tim Bác Hồ hướng về nửa nước đau thương, dành tình cảm của mình cho miền Nam thân yêu và lạc quan, tin tưởng vào tiền tuyến lớn anh hùng: Nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những câu thơ đẹp để ca ngợi mối tình ruột thịt đó.
 
Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha.
 
Con người có trái tim lớn ấy lại là con người có một lẽ sống giản dị tự nhiên “như trời đất của ta”. Bác yêu thiên nhiên và con người cũng tự nhiên và tha thiết như lòng Bác vậy. Niềm vui của Bác cũng giản dị, tự nhiên như con người của Bác, một niềm vui cao cả, luôn trân trọng hướng về mọi người trên cả thế giới, ở đây, Tố Hữu đã nhìn thấy sâu sắc, thấm thía vẻ đẹp tuyệt vời Hồ Chí Minh.
 
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển
Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.
 
Và chính vì thế, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần quý giá nhất: một tình thương mênh mông, sâu sắc và một cuộc đời thanh bạch, giản dị. Nhà thơ nhìn thấy ở cuộc đời ấy một vẻ đẹp riêng của Bác: vẻ dẹp nằm ở phía tâm hồn, tinh thần con người:
 
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
 
Đó là vẻ đẹp của một con người hết sức giản dị nhưng lại vô cùng vĩ đại.
 
Hình tượng Bác Hồ hiện lên qua bài thơ thật thân quen, gần gũi bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha già dân tộc, người Bác kính yêu của tất cả chúng ta. Bác sống như trời đất của ta, như mọi con người gần gũi với mọi con người, ở Bác, mối quan tâm không chỉ dừng lại ở những cái lớn lao mà Người còn dành tình yêu thương cho từng số phận, từng hoàn cảnh, từng con người cụ thể. Ngay niềm vui của Bác cũng đi từ những cái nhỏ bé, bình thường đến cái lớn lao, cao cả:
 
Vui mỗi mần nom trái chín cành
Vui tiếng ca chung hoà bốn biển.
 
Bác mãi mãi ở giữa chúng ta, chan hoà vào cuộc đời, hoà nhập trong dân tộc.
 
c. Ba khổ cuối: Cảm nghĩ của con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
Thời gian tưởng niệm Người đã hoá thành thời gian lịch sử. Cả cộng đồng dân tộc đều hướng về Người với niềm thương nhớ thiêng liêng. Bác đã hoá thân thành đất nước. Bác đã hoà nhập vào hàng ngũ những người bất tử, những vị anh hùng dân tộc, nghìn năm sau và nghìn năm sau nữa, hình ảnh của Người vẫn toả rạng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của non sông đất nước.
 
Từ sự ra đi của Bác, từ di sản vô cùng lớn lao Bác để lại, Tố Hữu đã thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam hứa với Người rằng:
 
Yêu bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn
 
Thực tế lịch sử đã chứng minh lời hứa ấy, sáu năm sau, ước mơ cháy bỏng của Bác đã trở thành hiện thực. Đất nước hoàn toàn thống nhất. Tinh thần cao cả, tư tưởng vĩ đại của người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam tiếp tục bước đến những chân trời mới.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây