Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

P. Ê-luy-a và tác phẩm: Tự do

Thứ sáu - 08/09/2017 02:15
Pôn Ê-luy-a (Paul Eluard, 1895 - 1952), bút danh của ơ-gien Granh-đen (Eugcnc Grindel), nhà thơ Pháp, tác giả của bài thơ Tự do nổi tiếng. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Ê-luy-a phục vụ trong lực lượng quân đội Pháp và sau đó trong hàng ngũ chiến sĩ Cộng sản. Bài thơ Tự do của ông được sáng tác trong thời kì này (1942). Tác phẩm nổi tiếng đến mức được in và được máy bay đồng minh thả xuống khắp nước Pháp để động viên tinh thần kháng chiến chống phát xít Đức.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Pôn Ê-luy-a (Paul Eluard, 1895 - 1952), bút danh của ơ-gien Granh-đen (Eugcnc Grindel), nhà thơ Pháp, tác giả của bài thơ Tự do nổi tiếng. Ông là con của một chủ hiệu sách. Mẹ ông làm nghề thợ may. Ông sinh ở Xanh Đơ-ni, ngoại ô Pa-ri. Thời thư ấu ông trải qua những năm tháng êm đềm.
 
Năm 16 tuổi, Ê-luy-a mắc bệnh lao, việc học đành gián đoạn. Ông được gia đình đưa sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh. Tại đó, ông gặp và yêu Hê-lê-na I-va- nốp-na Đi-a-cô-nô-va (Helena Ivanovna Diakonova). Hai người kết hôn vào năm 1917 và sinh được cô con gái Xê-xin. Năm 1918, Giăng Pôn-an (Jean Paulhan) phát hiện ra tài năng thi ca của Ê-luy-a và giới thiệu ông với Ăng-đrê Bre-tông (André Breton) và A-ra-gông - những nhân vật chủ chốt của phong trào Siêu thực. Ê-luy-a gia nhập nhóm thơ này.
 
Ông gặp khủng hoảng trong đời sống gia đình nên đi du lịch và trở về Pháp vào năm 1924. Năm này, ông bỗng nhiên biến mất suốt chừng bảy tháng. Mọi người tưởng ông đã chết, nhưng sau đó ông xuất hiện và kể cho mọi người nghe chuyến hành trình đến Ta-hi-ti, In-đô-nê-xi-a và Xây-lông. Nguyên nhân của chuyến đi là do vợ ông Hê-lê-na đã yêu và sau này lấy danh hoạ Tây Ban Nha Xan-va-đo Đa-li (Salvador Dali). Thơ ông phản ánh mất mát này và ông lại bị bệnh lao giày vò.
 
Năm 1934, Ê-luy-a kết hôn vói Nu-sơ, tên thật là Ma-ri-a Ben (Maria Benz), nữ nghệ sĩ, người mẫu của bạn ông là Man Ray và Pa-blô Pi-cát-xô (Pablo Picasso), những nghệ sĩ nhóm Siêu thực.
 
Cuộc nội chiến Tây Ban Nha tác động mạnh đến Ê-luy-a. Điều này được phản ánh trong tập thơ Đoàn kết (Solidarité, 1938). Thái độ sống của ông đã thay dổi. Ông quan tâm đến đòi sống chính trị và ủng hộ tư tưởng cộng sản.
 
Sau cái chết của Nu-sơ, Ê-luy-a gặp và yêu người tình cuối cùng là Đô-mi-ních và đề tặng tác phẩm Phượng hoàng (The Phoenix) cho nàng. Tháng 11 năm 1952, Ê-luy-a qua đời vì bệnh tim. Thi hài ông được mai táng tại nghĩa trang Cha La-se-dơ.
 
2. Văn nghiệp
Ê-luy-a sáng tác và cho in nhiều tập thơ theo phong cách Siêu thực, tiêu biểu là các tập Những hài thơ đầu tiên (1914), Thủ đô của niềm đau (1921 - 1926). Những tập thơ được in sau năm 1930 cho thấy khát vọng nhập cuộc và cống hiến của thơ Ê-luy-a, bao gồm Quyển sách để mở (1940 - 1942), Thơ và sự thật (1942), Nơi hẹn quân Đức (1944)...
 
3. Phong cách
Ê-luy-a là bậc thầy của thơ Siêu thực. Chủ nghĩa siêu thực là trào lưu nghệ thuật được hình thành ở Pa-ri vào năm 1924 với việc xuất bản tuyên ngôn của nhóm siêu thực của Bre-tông. Phong trào này được xem như là một cuộc cách mạng về tư tưởng và hành động có liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, triết học, tâm lí, văn học nghệ thuật. Bản tuyên ngôn của nhóm siêu thực công kích chủ nghĩa duy lí, phê phán phương thức tư duy lô gích tỉ mỉ, chính xác.
 
Dựa trên lí thuyết của Phrớt về vô thức và mối quan hệ của vô thức với giấc mơ, các nhà siêu thực chủ trương khai phá những vùng còn bị che giấu hay bị khuất lấp trong tâm lí của con người mà không nhất thiết phải tuân theo trật tự suy lí hay phân tích tâm lí. Nhiều nhà văn và nghệ sĩ tập hợp xung quanh Bre-tông. Họ thể nghiệm lối viết tự động hoá, được xem là phương thức tối ưu để thể hiện những hình ảnh văn chương siêu thực, bằng cách đặt ngẫu hứng các sự vật hiện tượng chẳng có mối liên hệ nào liền kề nhau.
 
Chủ nghĩa siêu thực thực sự tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong nhận thức, tư duy và sáng tạo của nghệ sĩ, trí thức trong khoảng thời gian giữa hai cuộc thế chiến. Các đại diện tiêu biểu của trào lưu này là A-ra-gông, Ê-luy-a, Đa-li,... Vào cuối thập niên 1930, dấu ấn siêu thực in đậm hơn trong hội hoạ. Trong giai đoạn này, nhiều nhà Siêu thực gia nhập Đảng Cộng sản và cố gắng dung hoà các quan điểm của Phrớt với quan điểm của Mác.
 
II. TÁC PHẨM: Tự do
1. Xuất xứ
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Ê-luy-a phục vụ trong lực lượng quân đội Pháp và sau đó trong hàng ngũ chiến sĩ Cộng sản. Bài thơ Tự do của ông được sáng tác trong thời kì này (1942). Tác phẩm nổi tiếng đến mức được in và được máy bay đồng minh thả xuống khắp nước Pháp để động viên tinh thần kháng chiến chống phát xít Đức. Thơ của ông giai đoạn này hừng hực sức chiến đấu nhưng nghệ thuật thơ thì lại đơn giản.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Ê-luy-a là nhà thơ thiên tài của người Pháp. Ông nổi tiếng với những vần thơ dung dị, mang đậm hơi thở cuộc sống, nhưng cũng thật kiêu kì và huyền bí. Cảm nhận thơ ông không khó, nhưng hiểu, cắt nghĩa rõ ràng thơ ông thật không dễ. Bởi thơ ông đề xuất một cách nhìn mới về cuộc đời, cũng như một cách cắt nghĩa mới về nó.
 
Ca ngợi tự do là chủ đề của bài thơ Tự do. Không cầu kì, kiểu cách, nhà thơ hào hứng bày tỏ tình yêu dành cho quê hương, đất nước, con người. Xuất phát từ cái nhìn của một nhà thơ Siêu thực - cái nhìn không phân biệt ranh giới giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cao cả và cái thấp hèn,... Ê-luy-a dc mặc tâm hồn thoải mái bay đến những vùng miền mơ ước. Với cảm quan nghệ thuật này, tự do với Ê-luy-a trước hết là tự do trong nghệ thuật thể hiện thế giới nội tâm và hiện thực bằng ngôn từ. Ngôn từ thơ ca ông vô cùng phóng khoáng. Chúng có sức sống nội tại riêng, không hề phụ thuộc vào bất kì một định kiến hay sự áp đặt nào từ bên ngoài. Như thế ngợi ca tự do cũng đồng nghĩa với việc ca ngợi sự không giới hạn trong tư duy và cảm xúc của con người.
 
Tâm hồn nghệ sĩ vốn yêu chuộng tự do. Người ta thường ví thi nhân như những cánh chim phiêu lưu vĩnh hằng trên bầu trời của ước mơ, sáng tạo. Trước Ê-luy-a, Huy-gô từng cho rằng nếu không có tự do thì không có sáng tạo nghệ thuật. Pu-skin dành những vần thơ đằm thắm nhất để ngợi ca tự do:
 
Bay, bay đi, ta loài chim tự do,
Bay về miền núi ngời sau mây xám.
Bay về vùng nước biển xanh phẳng lặng,
Bay về nơi chỉ có gió và ta.
 
Bai-rơn thì làm thơ kêu gọi tranh đấu cho tự do:
 
Hãy giương cờ tự do dù ở nơi đâu
Bởi gì hơn hiến đời cho nhân loại
Nếu chẳng may tim ăn đạn rơi đầu
Anh chết đấy nhưng để rồi sống mãi
 
Ê-luy-a thì viết tên tự do trên bất kì vật thể nào có thể: Trên sa mạc trên rừng hoang - Trên tổ chim trên hoa trái - Trên thời thơ ấu âm vang - Tôi viết tên em.
 
Văn bản trích trong SGK bao gồm 12 khổ. Tất cả đều được kết thúc bằng điệp khúc: “Tôi viết tên em”. Sở dĩ, Tôi viết tên em chứ không phải 1à Ta viết tên em hay Anh viết tên em,... là vì nếu thay tôi bằng một đại từ khác thì nó hoặc là quá gần gũi (anh), quá kiểu cách, trịch thượng (ta), phải là tôi để điều đó vừa là trân trọng vừa là gần gũi nhưng lại không kém phần thiêng liêng. Hơn nữa, tôi ấy còn ẩn dụ cho cái tôi, cái cá thể của con người. Mặt khác, bất kì ai cũng có thể đứng vào cái tôi ấy để ngợi ca tự do. Trong trường hợp này, tôi ấy cũng chính là chúng tôi, chúng ta. Những thực thể tự do ngợi ca tự do.
 
Xác định cho cái tôi - tự do sự mênh mông không giới hạn, Ê-luy-a thênh thang thể hiện cảm xúc của mình: trên trang vở, trên bàn học, trên cây xanh, trên trang sách, trên đá, máu, giấy, trên tro tàn,... Có nghĩa bất cứ vật thể nào có thể viết, nhà thơ đều ghi lên hai chữ Tự do. Ngay cả những nơi theo suy nghĩ thông thường của chúng ta là không thể, thì nhà thơ vẫn cứ viết. Bằng cách đó, Ê-luy-a sáng tạo nên chất liệu viết của mình. Và cũng bằng cách đó, nhà thơ khai sinh ra một thế hệ độc giả mới - những người có thể thưởng thức thơ ông và đòi hỏi ở nghệ sĩ đương thời lối viết mới như thơ ông hoặc là mới theo cách khác:
 
Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em
Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hằng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
Tôi viết tên em
 
Các khổ thơ, các câu thơ, và thậm chí là cả từ ngữ nữa cũng có thể tự do kết hợp với nhau. Việc đổi khổ hay chuyển câu giữa các khổ cũng đều mang lại nghĩa như nhau cho văn bản. Chẳng hạn ở khổ thơ trên ta có thể đổi vị trí các câu như sau: Trên các mùa cùng gắn bó / Trên điều huyền diệu đêm đêm / Trên khoanh bánh trắng hằng ngày / Tôi viết tên em. Nghĩa của khổ thơ chẳng có gì thay đổi.
 
Thực hiện được điều phi thường này chỉ có ở thơ Siêu thực. Khi trật tự tuyến tính, khi các lằn ranh giữa các sự vật hiện tượng bị xoá bỏ, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc đồng hiện dựa trên lôgíc của cảm xúc tâm lí, nhà thơ hồn nhiên bày tỏ ý tưởng chủ quan của mình.
 
Bên cạnh đó việc xoá bỏ phạm vi đặc trưng từ loại cũng góp phần tạo nên tính siêu thực này. Từ “trên” có lúc được dùng như từ “khi”. Với cách sử dụng ngôn từ ấy, những mệnh đề, từ ngữ đi với “khi” hầu hết được chuyển hoá thành danh từ (Trên hiểm nguy đã tan biến - Trên hi vọng chẳng vấn vương,...).
 
Phải nói cảm xúc thơ Siêu thực thật phi thường. Nhà thơ trộn lẫn mọi cái thiêng liêng (vua quan, trang sách,...), mọi cái bình thường (khoanh bánh trắng,...), mọi hình ảnh ẩn dụ (đá, máu, giấy, tro tàn,...), mọi nét nghĩa thô kệch (núi non điên dại, nhễ nhại bão dông,...) xáp nhập vào với nhau. Tất cả nhằm tạo nên một không gian mênh mông, không có giới hạn cả trong vũ trụ lẫn thẳm sâu hồn người.
 
Để làm được điều này bất cứ vật ngăn cản hoặc chí ít gợn lên sự ngăn cản cũng đều bị nhà thơ xoá sổ: nơi trú ẩn tan hoang, ngọn hải đăng đổ nát, mấy bức tường ngao ngán,... Chỉ còn lại trong hình tượng thơ là khoảng bao la bát ngát: Trên sa mạc trên rừng hoang - Trên hồ vầng trăng lung linh - Trên hi vọng chẳng vấn vương.
 
Với cảm hứng nồng nhiệt với tự do - cảm hứng thể hiện lòng yêu nước trong lúc Tổ quốc của nhà thơ đang bị phát xít Đức chiếm đóng, toàn bộ bài thơ không có một chút ngôn từ nào gợi cảm giác u buồn, mặc dù không ít lần Ê-luy-a sử dụng các tính từ, các từ ngữ mang sắc thái buồn: tro tàn, ẩm mốc, lụi dần,... Tất cả nội hàm biểu ý, biểu tình vốn có của các từ ngữ này đều được lọc trong cái bể tinh thần lạc quan vô cùng tận của thi nhân. Như thế đóng góp lớn nữa của thơ Siêu thực được ghi nhận ở ngay chính việc chuyển hoá nội hàm ngữ nghĩa của từ.
 
Làm thơ bao giờ cũng sử dụng biện pháp nhân hoá cho dù nhà thơ thuộc bất kì thời đại hay phong cách nào đi nữa. Ê-luy-a không phải ngoại lệ. Thông thường thi nhân nhân cách hoá các sự vật hiện tượng tự nhiên (Xuân Diệu viết về liễu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang...) chứ hiếm khi nhân cách hoá các khái niệm xã hội mang tính trừu tượng. Ê-luy-a làm ngược lại. Ông nhân cách hoá tự do.
 
Tự do vốn là khái niệm trừu tượng, được khai sinh từ xã hội, nhằm khẳng định yếu tố cá nhân hoặc cộng đồng khỏi những ràng buộc bất lợi hoặc mang lại thua thiệt cho cá nhân hoặc cộng đồng đó. Kể từ khi gọi tự do là em, với hàm ý là cô gái, thậm chí là tình nhân, Ê-luy-a khoác cho cái vỏ âm thanh ấy một hình hài, người đọc có thể hình dung được.
 
Bài thơ Tự do được viết theo lối liệt kê sự việc. Mỗi khổ có bốn câu và có cùng một điệp khúc cuối Tôi viết tên em. Các câu thơ còn lại mỗi câu chí ít cũng chứa đựng một sự việc. Nhờ vậy, các hình tượng thơ liên tiếp thay nhau xuất hiện, khiến bài thơ là cả sự phô diễn các hình ảnh, sắc màu. Sự huy hoàng và hùng tráng của âm hưởng thơ được đặt cả trên bốn từ tôi viết tên em ấy. Nhờ nghệ thuật nhân hoá này nên các hình ảnh thơ vốn thuộc nhiều địa hạt khác nhau, vốn chẳng mấy tương hợp nhau lại có thể đứng cạnh nhau và toả sáng.
 
Đương nhiên, Ê-luy-a cũng ao ước - ước được tái sinh một lần nữa trên đời:
 
Và hằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
TỰ DO
 
Chỉ có yêu đời, khao khát và tha thiết sống thì con người ta mới muốn được tái sinh trên cõi đời. Bài thơ vì thế ngập tràn niềm tin yêu cuộc sống. Mơ ước tái sinh, đồng nghĩa với ước mơ luân hồi một sự sống. Sự sống có được là nhờ được tắm trong bầu tự do: Tôi sinh ra để biết em - Để gọi tên em. Không có tự do, sự sống sẽ không còn ý nghĩa. Lúc đó sống cũng như đã chết. Sống không đáng sống. Tôi và em - tự do đã hoà làm một. Không thể gì chia tách.
 
Sự tái sinh của cá thể ấy làm tiền đề để tái sinh hình tượng thơ. Đúng hơn là để tái sinh tự do, như cái kết cấu vòng tròn của nó. Người đọc có thể đọc mãi vẫn không hết bài thơ. Cũng như tự do, biên giới của nó là vô biên. Hàm nghĩa của nó là vô tận. Khi ta nói tên tự do, thì tự do đã hiện diện lên khắp mọi nơi mọi chốn mà tri giác con người có thể nhận thức. Tự do ấy chính là lẽ sống, là ý nghĩa tồn tại cho cuộc đời.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây