Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Xuân Quỳnh và tác phẩm: Sóng

Thứ ba - 05/09/2017 03:23
Bài thơ Sóng được viết vào ngày 29 - 12 - 1967 tại Quảng Bình, in trong tập Hoa dọc chiến hào. Cùng với Thuyền và biển, Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh và cũng là của thơ hiện đại Việt Nam.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây.
 
Bà xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội. Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa.
 
Từ năm 1962 đến 1964, bà học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá 1) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam.
 
Bà là hội viên từ năm 1967, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, bà kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.
 
Từ năm 1978 đến lúc mất bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thành phố Hải Dương.
 
Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
 
2. Văn nghiệp
Tác phẩm tiêu biểu: Tơ tằm - Chồi biếc (in chung với Cẩm Lai, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Sân ga chiều em đi (1984), Hoa cỏ may (1989)...
 
3. Phong cách
Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau nhưng bao giờ cũng trọn vẹn cảm xúc như chính tính cách luôn hết mình của bà.
 
Thơ Xuân Quỳnh khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, đầy suy tư, triết lí. Ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh dịu dàng, đằm thắm, nồng nàn của một trái tim phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.
 
II. TÁC PHẨM: Sóng
1. Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ Sóng được viết vào ngày 29 - 12 - 1967 tại Quảng Bình, in trong tập Hoa dọc chiến hào. Cùng với Thuyền và biển, Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh và cũng là của thơ hiện đại Việt Nam.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Bài thơ được kết cấu trên cơ sở nhận thức tương đồng, hoà hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em. Cô gái đang yêu trong bài thơ đối diện với tình yêu như đối diện với biển cả bao la, cô tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và con sóng. Ở mỗi khổ thơ, sóng hiện lên một diện mạo, một ý nghĩa. Qua mỗi khám phá về sóng, em lại thấy mình trong đó.
 
- Khổ 1 - 2: Tự bạch về những trạng thái tâm lí phức tạp của lòng mình, nhân vật trữ tình cảm nhận được nét tương đồng giữa sóng và khát vọng tình yêu của tuổi trẻ. Sóng - Tình yêu luôn tồn tại trong trạng thái đối cực: dữ dội, ồn ào/ dịu êm, lặng lẽ nhưng trạng thái lặng dịu êm, lặng lẽ mới là điểm hội tụ của mọi xao động tâm tư. Sóng - tình yêu không chấp nhận giới hạn chật hẹp, luôn khao khát vươn tới cái lớn lao, đồng cảm, đồng điệu để thoát khỏi sự tầm thường nhỏ hẹp: “Sóng không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể”.
 
- Khổ 3 - 4: Đối diện với biển, nhân vật trữ lình suy tư về điểm khởi nguồn của sóng: “Từ nơi nào sóng lên?”. Đây là suy tư muôn đời của con người - nhận thức, lí giải về sóng: “Sóng bắt đầu từ gió - Gió bắt đầu từ đâu?”. Nhưng cái đích là muốn xác định thật rành rọt điểm bắt đầu của tình yêu trong chính bản thân mình để rồi bất ngờ thú nhận sự bất lực của mình: “Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau”. Hai câu thơ xuất hiện thật bất ngờ, giọng điệu như bối rối khi nghĩ về khởi điểm, khởi nguồn tình yêu của chính mình. Vị trí của các câu thơ dường như có sự xáo trộn. Nội dung và cách nói ấy đã góp phần kì ảo hoá tình yêu.
 
- Khổ 5 - 6 - 7: Âm hưởng đoạn thơ là âm hưởng khẳng định, âm hưởng của niềm tin. Nỗi nhớ được diễn tả thật mãnh liệt, da diết hiển hiện trong mọi chiều kích của không gian, thời gian, trạng thái của cuộc sống. Hàng loạt các từ ngữ trái nghĩa hiện diện trong khổ thơ:
 
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được”.
 
Giữa bốn câu đầu khổ và hai câu cuối khổ là một sự so sánh, đối chiếu dạn dĩ: Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức.
 
Sự khao khát hướng về nhau, có nhau và sự bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào lòng chung thuỷ được thể hiện thật dứt khoát qua các câu khẳng định tuyệt đối (Dẫu..., dẫu..., cũng... chẳng..., dù...). Điều đáng nói là niềm tin ấy không hề dễ dãi mà phải qua phấn đấu gian nan. Các từ trái nghĩa được huy động để thể hiện cảm quan hiện thực sắc sảo ấy (xuôi / ngược; phương Bắc / phương Nam; đại dương / bờ). Nhân vật trữ tình tự bạch chân thành mà mãnh liệt nỗi nhớ, khát vọng thuỷ chung; nỗi khao khát hướng về nhau, có nhau. Trạng thái tâm hồn ấy vừa mạnh mẽ vừa sâu lắng quyện hoà trong những quan sát và suy tư từ con sóng.
 
- Khổ 8 + 9: Suy tư về cuộc đời hữu hạn trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung, nhà thơ mơ ước được sống vĩnh hằng khi hoá thân thành sóng. Khát vọng ấy mang một giá trị văn hoá lớn, tạo nên sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa hữu hạn và vĩnh hằng.
 
Xét về phương diện cấu tứ: vẻ đẹp của bài thơ là sự đan xen cộng hưởng của hai hình tượng sóng và em. Mượn con sóng biển, nhà thơ đã diễn đạt được những lớp sóng lòng nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc nên âm điệu bài thơ là sự hoà trộn âm thanh, nhịp điệu của sóng với những trăn trở, khát khao, nhớ thương, hờn giận... trong lòng người con gái đang yêu.
 
Về âm hưởng: sử dụng thể thơ 5 chữ, Xuân Quỳnh đã rất linh hoạt, phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm, nhất là “tạo ra các cặp từ, các vế câu, các cặp câu, thậm chí ngay cả các khổ thơ cũng hình thành các cặp đi liền kề, kế tiếp luân phiên đắp đổi nhau về bằng trắc” (Chu Văn Sơn), nên đã khắc hoạ được nhịp sóng khi dịu êm, khoan thai, khi dồn dập, dữ dội.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây