I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam.
Thanh thảo thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mĩ có thành tựu, có tiếng nói thơ riêng được công chúng chú ý, kể cả thơ viết về chiến tranh và thời hậu chiến.
Đàn ghi ta của Lor-ca rất tiêu biểu cho nỗ lực cách tân thơ Việt của Thanh Thảo, mặc dầu bài thơ còn khó hiểu vì ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng và siêu thực mà ông chịu ảnh hưởng ở chính nhà thơ hiện đại Tây Ban Nha Gar-xi-a Lor-ca mà ông hết lòng ngợi ca.
2. Văn nghiệp
Thanh Thảo làm thơ, viết báo, viết tiểu luận phê bình và nhiều thể loại văn học khác, nhưng thành công hơn cả trong sự nghiệp cầm bút của ông là thơ ca. Những tác phẩm thơ tiêu biểu của ông: Những người đi tới hiển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1982), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988)...
3. Phong cách
Thơ Thanh Thảo mang đậm chất suy tư của một trí thức có trách nhiệm với thời cuộc, với đất nước. Ông khước từ lối biểu đạt đơn giản, dễ dãi để đi vào chiều sâu của bản chất sự vật hiện tượng. Thơ ông là một sự nỗ lực tìm tòi đổi mới không ngừng, giàu chất suy tư nhưng phóng khoáng về cách biểu đạt.
II. TÁC PHẨM: Đàn Ghi Ta của Lor-Ca
1. Bố cục
Bài thơ có thể chia làm bốn đoạn:
Đoạn 1 (6 câu đầu): Hình ảnh Lor-ca, con người của tự do.
Đoạn 2 (12 câu tiếp): Lor-ca bị sát hại và nỗi xót xa về sự dang dở của khát vọng cách tân.
Đoạn 3 (4 câu tiếp): Niềm xót thương Lor-ca và những tiếc nuối về sự dang dở của những cách tân nghệ thuật không ai tiếp tục.
Đoạn 4 (9 câu cuối): Suy nghĩ về cuộc giải thoát và cách giã từ của Lor-ca.
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
Do chịu ảnh hưởng của chính Lor-ca, vì thế để giải mã bài thơ, cần phải nắm bắt được ý nghĩa tượng trưng qua hệ thống hình ảnh. Tiếng đàn ghi ta của Lor-ca trở thành hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ của ông.
Bởi Lor-ca là một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn, và cái biểu trưng cho người nghệ sĩ ấy không gì đúng hơn là chính tiếng đàn của Lor-ca, tiếng đàn ghi ta truyền thống của dân tộc Tây Ban Nha. Tiếng đàn ghi ta là gương mặt, là cuộc đời, là tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của Lor-ca, in đậm dấu ấn riêng của người nghệ sĩ tài hoa và khí phách, nhưng cũng phảng phất hồn dân tộc Tây Ban Nha trong đó. Hình tượng tiếng đàn được Thanh Thảo xây dựng rất độc đáo, công phu và sáng tạo, tuy ít nhiều có nhuốm màu sắc tượng trưng và siêu thực mà ông học tập ở chính nhà thơ Lor-ca. Bài thơ được cấu trúc theo diễn biến của tiếng đàn, cũng là của cuộc đời nhà thơ lớn Tây Ban Nha.
a. Đoạn 1
Chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, hình ảnh Lor-ca hiện lên bằng những nét chấm phá, đó là: những tiếng đàn..., áo choàng đỏ gắt, đi lang thang về miền đơn độc, vầng trăng chuếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn.
Những hình ảnh tương phản giúp ta hình dung về Lor-ca, vừa gợi lên liên tưởng của một đấu trường. Nhưng đó là đấu trường của một bên là khát vọng dân chủ của Lor-ca, một bên là nền chính trị độc tài; một bên là khát vọng cách tân nghệ thuật, một bên là một nền nghệ thuật bảo thủ, già nua. Trong cuộc đấu này, hình ảnh Lor-ca hiện lên khá đơn độc, cô lẻ.
b. Đoạn 2
Lor-ca luôn bị ám ảnh bởi cái chết, nhưng không ngờ nó lại đến một cách đột ngột đến vậy. Cảnh Lor-ca bị hành hình cũng là những cảnh vừa thực vừa được diễn tả theo lối tượng trưng.
Hình ảnh thực đó là “bỗng kinh hoàng - áo choàng bê bết đỏ”. Thế lực bạo tàn đã kết liễu một con người mà suốt đời sống vì yêu thương, vì Tổ quốc của mình. Miêu tả dáng đi của Lor-ca, Thanh Thảo vừa bộc lộ niềm ngưỡng mộ, cảm thông, xót thương đồng thời cũng ngợi ca con người chiến sĩ không biết sống quỳ này.
Nhưng ám ảnh hơn là lối diễn đạt biểu trưng với những chi tiết rất đắt, đó là: “tiếng ghi ta nâu - tiếng ghi ta lá xanh - tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan - tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy”. Âm thanh tiếng đàn đã vỡ ra thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy. Sự ra đi của Lor-ca là một nỗi đau không diễn tả được thành lời.
c. Đoạn 3
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng.
Hình ảnh hoán dụ không ai chôn cất tiếng đàn, hình ảnh so sánh tiếng đàn như cỏ mọc hoang, gợi thương cảm về cái chết thê thảm của nhà thơ đồng thời là nỗi xót tiếc hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Nhà cách tân nghệ thuật đã chết, nghệ thuật thiếu kẻ dẫn đường. Đặc biệt hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng là một hình tượng thơ siêu thực đa nghĩa được viết theo lối sắp đặt, dựa trên nguyên lí cốt lõi của cấu trúc gián đoạn. Vì thế nó tạo thành một hệ hình ảnh trùng phức, giao thoa ánh xạ vào nhau, gợi những suy tư đa chiều. Nếu sử dụng bút pháp hiện thực thì chỉ diễn tả được đau thương và tội ác nhưng Thanh Thảo còn muốn nói nhiều hơn: tình thương, sự cao khiết, sự toả sáng, sự tôn vinh. Và đó là chiến thắng, là sự bất tử của người anh hùng.
d. Đoạn 4
“đường chỉ tay đã đứt - dòng sông rộng vô cùng - Lor-ca hơi sang ngang - trên chiếc ghi ta màu bạc”. Hãy để cho Lor-ca một sự giải thoát, phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì rộng vô cùng. Các hành động ném lá bùa, ném trái tim vào xoáy nước, vào cõi lặng yên đều mang nghĩa biểu trưng cho sự giải thoát, chia tay thật sự với những hệ luỵ trần gian.
Kết thúc bài thơ, chuỗi âm “li - la, li - la, li - la” được lặp lại để tiếp tục gợi lên tiếng vang. Bản hoà âm mãi ngân nga không dứt trong lòng người.