Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nguyễn Tuân và tác phẩm: Người lái đò sông Đà

Thứ sáu - 08/09/2017 06:36
Nguyễn Tuân sinh ngày 10 - 7 - 1910, mất ngày 28 - 7 - 1987, là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Người lái đò sông Đà là một trong số 15 bài được in trong tập tuỳ bút Sông Đà, xuất bản năm 1960. Đây là kết quả của nhiều dịp Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958.
I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Nguyễn Tuân sinh ngày 10 - 7 - 1910, mất ngày 28 - 7 - 1987, là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt.
 
Ông quê ở xã Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.
 
Năm 1929, khi đang học đến cuối bậc trung học cơ sở thì Nguyễn Tuân bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khoá phản đối các giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì “xê dịch” qua biên giới không có giấy phép. Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.
 
Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Ông còn là một diễn viên kịch nói và là diễn viên điện ảnh. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.
 
Nguyễn Tuân là nhà văn thực sự quý trọng nghề viết văn. Đối với ông, nghệ thuật là một sự “khổ hạnh” đúng nghĩa.
 
Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987, để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. Năm 1996 ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
 
2. Văn nghiệp
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1930, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tuỳ bút, bút kí có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941)...
 
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam.
 
Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập bút kí Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), một số tập kí chống Mĩ (1965 - 1975) và nhiều bài tuỳ bút về cảnh sắc và hương vị đất nước.
 
3. Phong cách
Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Mỗi trang viết của ông đều muốn thể hiện sự tài hoa uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được miêu tả dù chỉ là cái ăn, cái uống cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật. Ông thường đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lai và ông gọi là Vang hóng môt thời. Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại.
 
Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thẳm, thác ghềnh dữ dội...
 
Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu.
 
Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hoá nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả trong nhân dân đại chúng. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để dành cho kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội.
 
II. TÁC PHẨM: Người lái đò sông Đà
1. Xuất xứ
Là một trong số 15 bài được in trong tập tuỳ bút Sông Đà, xuất bản năm 1960. Đây là kết quả của nhiều dịp Nguyễn Tuân đến với Tây Bắc, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Tác phẩm này tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác sau Cách mạng tháng Tám của Nguyễn Tuân. Nó thể hiện “độ chín mới về tư tưởng và nghệ thuật” (Nguyễn Đăng Mạnh).
 
2. Bố cục
- Đoạn 1: Ông lái đò Lai Chân... với nhà đò”: Giới thiệu ông lái đò sông Đà.
- Đoạn 2: “Trên sông Đà... dòng nước sông Đà”: Hình ảnh con sông Đà và những cuộc vượt thác của ông lái đò.
Đoạn 3: “Tôi có hay tạt ngang qua... ở Tây Bắc”: Con sông Đà hiền hoà và cuộc sống tươi vui ở ven bờ.
 
3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
- Hình ảnh sông Đà
+ Con sông Tây Bắc hung hạo
Dòng sông rất dữ dội (bờ đá dựng vách thành, chẹt lòng sông Đà khiến nó hẹp lại, dòng sông như một cái hang, tối, sâu và lạnh).
 
Con sông luôn hung hăng, ưa gây sự. Nó luôn chờ chực và giáng tai hoạ bất kì lúc nào vào người lái đò sông Đà. (“Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè...”); dữ dội không chỉ ở trong lòng mà cả trên mặt sông (Mặt nước hò la vang dậy “ùa vào” như thổ “quân liều mạng”, “đánh những đòn hiểm độc nhất”,...).
 
Tính cách hung bạo của sông Đà được biểu hiện ở những dòng thác, những luồng cửa tử giăng vây, chặn đánh, tấn công tới tấp ồ ạt vào người lái đò. Quả là chẳng khác gì một loài thuỷ quái khổng lồ vừa nham hiểm và hung dữ “thành ra diện mạo và tâm địa của một thứ kẻ thù số một” của con người.
 
+ Con sông Tây Bắc trữ tình
Toàn cảnh con sông được ví như “một áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải” (“tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai”...).
 
Sông Đà có những “luồng êm” “dằm dịu” muôn đời “sông nước thanh bình”.
 
Sắc nước sông Đà mang vẻ đẹp đặc trưng: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ...”.
 
Sông Đà mang vẻ đẹp nguyên sơ: Cảnh ven sông ở thượng nguồn lặng tờ, bầy hươu an nhiên ngốn cỏ gianh đẫm sương, cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Có đoạn, có khúc sông “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử - Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.
 
Con sông ấy gợi nhớ cố nhân, gợi cảm xúc đặc biệt cho mỗi người khi tiếp xúc với tính cách trữ tình của nó: nó có chất Đường thi cổ điển, cái lặng tờ của nó gợi nhớ một quá khứ xa xăm từ thời Lí, Trần, Lê, nó “lững lờ nhớ thương”“đang lắng tai nghe” với dáng vẻ rất dịu dàng, thầm kín.
 
- Nhân vật người lái đò sông Đà
Người lái đò có một ngoại hình và những tố chất đặc biệt: Tuổi đã 70 mà trông rất tráng kiện: thân hình cao to, “gọn quánh như chất sừng, chất mun”. Tiếng nói át cả sóng nước. Ngực, vai có những vết chai như những củ nâu mà Nguyễn Tuân gọi đó là thứ “huân chương lao động siêu hạng”.
 
Hơn 10 năm cùng con thuyền xuôi ngược sông Đà, ông thông thuộc địa hình dòng sông như thuộc bàn tay mình.
 
Là một người tài trí: sẵn sàng đối mặt với thần sông, thần đá, chinh phục mọi cửa tử, cửa sinh. Dũng cảm đưa con thuyền “vút qua cổng đá cánh mở, cánh khép”, như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước... làm cho tên tướng đá “tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng...”. Có lúc bị luồng nước đánh đòn ác hiểm nhưng ông vẫn bình tĩnh, tỉnh táo điều khiển con thuyền thoát hiểm.
 
Rất “tài tử”. Sau một ngày dài đọ trí thi tài với con thuỷ quái, ông ung dung đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, nói về cá anh vũ, những hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Lúc ngừng chèo, ông chẳng hề bận tâm về chuyện vượt thác, chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ, quân tợn.
 
Nhân vật người lái đò là một hình tượng đẹp về người lao động mới. Xây dựng nhân vật này, Nguyễn Tuân muốn phát biểu một quan niệm: người anh hùng không phải chỉ có trong chiến đấu mà còn có cả trong cuộc sống lao động thường ngày.
 
b. Nghệ thuật
Người lái đò Sông Đà thể hiện phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác, độc đáo trong thể tuỳ bút của Nguyễn Tuân. Nhiều biện pháp đã được sử dụng tài tình như: nhân hoá, so sánh, những ẩn dụ, từ tượng thanh, từ tượng hình,...
 
Tiếng nói đời thường sông nước, ngôn từ nhà bình luận thể thao, điện ảnh... được ông vận dụng để miêu tả thác ghềnh, gây ấn tượng về sự dữ dội, hiểm trở, hùng vĩ của sông Đà.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây