Tên trộm đi rồi.
Còn bên cửa sổ
Một vầng trăng soi.
(Ryokan)
Vị thiền sư Nhật Bản và vầng trăng đã gặp nhau trong một hoàn cảnh hết sức lạ lùng: sau khi bị trộm, Ryokan đã mất gì đây? Không, ông được rất nhiều. Chẳng nói một lời, thế mà con người đã bước vào thế giới của trăng, của thi ca - cái đẹp vĩnh cửu và hoàn mĩ. Văn chương muôn đời là vậy. Nó sinh ra từ tâm hồn con người nhưng lại luôn làm con người phải sửng sốt, ngạc nhiên. Bàn về văn chương, có ý kiến cho rằng: Thơ văn mang trong mình tất cả các yếu tố của các ngành nghệ thuật khác. Nó như đồng thời sử dụng không tách rời phương thức của tất cả các loại hình nghệ thuật riêng biệt. Thơ văn chính là toàn bộ nghệ thuật (Biê-lin-xki).
Nhận định của Biê-lin-xki đã khái quát được một trong những đặc trưng cơ bản nhất của văn học. Phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống theo quy luật của cái đẹp, văn học ra đời nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mĩ vô cùng phong phú và đa dạng. Nhưng nó cũng là một môn nghệ thuật tồn tại bên cạnh âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh... bởi thế, nó mang trong mình tất cả các yếu tố của các ngành, nghệ thuật khác. Bacon cho rằng: Nghệ thuật là con người thêm vào tự nhiên và người nghệ sĩ dù quan tâm miêu tả bất cứ hiện tượng nào trong đời sống thì cái đích mà họ hướng tới vẫn là con người: Chung một con đường, một lí tưởng, sáng tác nghệ thuật làm đẹp cho cuộc sông, ngợi ca những phẩm chất cao cả của con người nên người nghệ sĩ dễ dàng tìm được những tiếng nói chung, các ngành nghệ thuật cũng vì thế mà có sự giao thoa, gắn bó mật thiết với nhau. Văn học có những đặc trưng riêng nhưng người ta cũng dễ dàng nhận thấy bóng dáng của các ngành nghệ thuật khác trong các tác phẩm văn học. Nó như đồng thời sử dụng không tách rời phương thức của tất cả các loại hình nghệ thuật riêng biệt. Đó chính là sự kết hợp hài hòa, tương xứng giữa văn chương và các bộ môn nghệ thuật khác. Thơ văn chính là toàn bộ nghệ thuật hay thơ văn là sự tổng hòa từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau.
Người xưa thường nói “thi trung hữu họa”. Đó chính là khẳng định mối quan hệ giữa văn chương và hội họa. Hội họa lấy những đường nét thô sơ hay uyển chuyển, những gam màu đậm nhạt, sáng tối khác nhau để mô tả hiện thực đời sống. Bởi thế, nó có khả năng tác động mạnh mẽ đến thị giác người xem, mở được cửa sổ tâm hồn con người. Hội họa có ưu thế trong việc đem lại những xúc cảm thẩm mĩ mới mẻ, tinh tế. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nó đòi hỏi phải tái hiện được bức tranh đời sống giàu có và sinh động. Nhưng ngôn ngữ văn chương lại mang tính phi vật thể, vì vậy, muốn tác động trực quan đến người đọc, ngôn ngữ ấy phải giàu có về hình ảnh, phong phú về màu sắc, đường nét. Và những yếu tố trên đã tạo ra chất hội họa trong văn, làm hiển hiện trước mắt người đọc bức tranh tươi đẹp về cuộc sống. Những lúc ấy, nhà văn giống như người nghệ sĩ tài ba đem ngôn ngữ, những đường nét và gam màu tinh tế để vẽ nên những tuyệt tác bằng ngôn từ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những bậc tao nhân mặc khách ngày xưa thường hay chơi tranh chữ. Đó không phải là tranh cũng không phải là chữ đơn thuần mà là ý tứ văn chương lồng trong những nét bút rồng bay phượng múa. Sự kết hợp giữa họa và văn đã làm thỏa mãn cả con mắt và cái tâm của người thưởng thức. Mới hay sự kết hợp ấy đôi khi nâng cả họa cả văn lên đến đỉnh cao. Chất họa đi vào văn chương qua bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ được thể hiện bằng những bút pháp riêng như chấm phá, phác họa, điểm nhân, tả cảnh ngụ tình... tạo nên sự sống động cho tác phẩm.
Sự kết hợp giữa văn chương và hội họa đã tạo nên vẻ đẹp cho biết bao tác phẩm nghệ thuật mà khởi đầu là những sáng tác dân gian:
Gió đưa cành trúc la dà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Bức tranh Hồ Tây được cảm nhận vào thời điểm tinh khôi của ngày mới. Thiên nhiên yên lặng đến tuyệt đối. Không có tiếng gió, lời chim hay sự lao xao của cành lá. Tất cả thiên nhiên dường như vẫn còn say nồng. Trong sự huyền ảo chỉ còn hiện lên một cành trúc - cành trúc Hồ Tây đẹp như bao cành trúc trong ca dao Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Bức tranh Hồ Tây không có màu sắc nào rực rỡ lung linh, không có đường nét nào đậm sắc rõ ràng nhưng tất cả đều hài hòa êm dịu. Tuy nhiên không vì thiếu vắng những âm thanh của thiên nhiên mà cảnh sắc thiếu đi sức sống. Cành trúc vẫn lay động nhẹ nhàng, mặt hồ mờ trong sương khói đang biến đổi thành tấm gương sáng khổng lồ. Khung cảnh hài hòa trong nét thực và nét ảo. Nghệ thuật phác họa qua bàn tay người nghệ sĩ dân gian đã biến cả một vùng Hồ Tây sương khói thành một bức tranh thủy mặc. Tâm hồn người nghệ sĩ dân gian như thả tan vào cái thân thương, huyền ảo của cảnh vật. Ý tình cứ thế theo những nét vẽ tinh tế mà dào dạt, đắm say.
Trong thơ có họa, họa làm cho cảnh sống động có hồn, thi nhân lại mượn cảnh để ngụ mối tình riêng:
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
(Đỗ Phủ)
Mượn một hình ảnh nghệ thuật tiêu biểu về mùa thu - hoa cúc - cảnh thu đã chuyển thành tình thu sâu thẳm, vấn vương. Mượn một hình ảnh con thuyền cô lẻ xúc cảm về mùa thu đã hóa thành nỗi nhớ quê hương. Nỗi xót xa khi xa quê uất kết lại không nói thành lời mà hiển hiện trong bức tranh thu buồn thương ôm nặng mối sầu thiên cổ. Mượn chất họa để khắc sâu chất tình nhưng vẻ đẹp của những áng văn giàu chất họa đôi khi lại hiển hiện qua một nét chấm phá tài tình:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Trong bản dịch thơ, người dịch đã dịch thoát ý, cái tài của tác giả ở chỗ câu thơ không hề nói “tối” nhưng người ta vẫn nhìn ra thời gian “tối” qua bao ngọn lửa hồng. Mượn sắc hồng của lò than để làm nổi bật thời gian chiều tối, đó chính là nghệ thuật chấm phá tài tình. Chữ hồng là nhãn tự của cả câu thơ khiến cả không gian như bừng sáng, đêm tối không còn đáng sợ. Cuộc sống con người trở nên ấm áp thân thương. Chỉ một ánh lửa hồng, hội họa đã tạo ra cả ánh sáng và sức nóng cho trang thơ. Chất văn lồng trong chất họa tạo ra niềm vui ấm áp lan tỏa trong lòng người.
Văn là họa, bởi vậy, đi vào thế giới văn chương cũng là đặt chân vào một thế giới tràn đầy đường nét, rực rỡ sắc màu, đẹp và sinh động như chính cuộc đời thực tại. Nhưng làm nên thơ văn không chỉ là họa mà còn là nhạc. Âm nhạc với những thanh âm, giai điệu, tiết tấu... luôn có khả năng cuốn hút, gọi dậy những xúc cảm trong lòng người. Nhưng nhạc tính không chỉ thuộc quyền sở hữu của âm thanh mà còn ở trong thơ văn như một phần đặc biệt. Đọc văn, ta luôn cảm nhận được một sự réo rắt gợi lên từ những câu chữ âm vần. Từ xưa đến nay các nghệ sĩ đã khai thác các đặc tính này góp phần không nhỏ vào việc chuyển tải nhịp điệu của cảm xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác độc giả. Thế giới âm thanh vì thế mà thả sức ùa vào khuôn khổ câu từ chật hẹp. Thế giới âm thanh cũng là sự biểu đạt khá rõ nét thế giới tâm hồn và nhịp cảm xúc của chính người nghệ sĩ. Thơ ca là nhạc của tâm hồn (Vônte). Vậy thì tiếp cận thế giới tràn đầy âm thanh, khuôn nhạc trong mỗi tác phẩm văn chương cũng là một cách tiếp cận, nắm bắt những xúc cảm mà nhà thơ, nhà văn mang lại. Bên cạnh hội họa, âm nhạc vì thế mà đem một sức gợi, một linh hồn cho tác phẩm văn chương. Văn có họa nhưng trong văn cũng đầy nét nhạc. Một thanh trầm bình đặt cuối Hoàng hạc lâu cũng đủ làm cho tình điệu bài thơ chùng xuồng, ngút ngàn buồn, trĩu nặng mối sầu nhớ tiếc:
Yên ha giang thượng sử nhân sầu
Lắng nghe khúc tì bà của người ca nữ trên bến Tầm Dương, ta thấu tỏ mọi cung bậc, âm sắc, cao độ, trường độ của tiếng đàn. Những nốt dạo đầu thoảng qua chậm rãi, phút cao trào dồn dập bởi giọng thơ gấp mà nhanh, lúc thăng hoa buông thả như tiếng xé lụa. Tiếng đàn qua giai điệu, tiết tấu thơ bỗng trở nên sinh động, có hồn đến lạ. Kết hợp các vần bằng để lại trong thơ một cảm giác chơi vơi, bất định, một nốt đàn dìu dặt, êm ru:
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư năng lòng lên chơi vơi.
(Xuân Diệu)
Hòa âm các thanh trắc để gợi lên trong lòng người cái khó nhọc, uất ức, nghẹn ngào:
Tài cao phận thấp chí khí uất
(Tản Đà)
Cũng có khi sử dụng cách ngắt nhịp tài tình tạo ra yếu tô họa như trong thơ Quang Dũng:
Ngàn thước lên cao / ngàn thước xuống.
Câu thơ gập đôi như làm hiển hiện trước mắt người đọc hai không gian hùng vĩ, một cao vời vợi, một sâu thăm thẳm của thế núi dốc đứng hai sườn đầy nguy hiểm.
Nhạc tính không phải là độc quyền của thơ. Ngay trong văn xuôi người ta cũng tìm thấy những câu đầy chất nhạc: Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió (Nguyễn Tuân). Những vế câu ngắn, gọn, nhanh, dứt khoát với cấu trúc lặp lại như tạo ra sự vận động dữ dội, mạnh mẽ và những cuộc đuổi bắt ngoạn mục của nước, của đá, của gió sông Đà. Và trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân bằng những câu văn chậm, buồn đã tái hiện lại cả không khí trầm mặc, cổ kính của một thời xưa cũ...
Còn rất nhiều, rất nhiều những tác dụng của nhạc tính trong văn chương. Chỉ biết rằng nếu thiếu đi chất nhạc, văn chương sẽ mất đi một nguồn năng lượng sống dồi dào.
Là môn nghệ thuật thứ bảy, bên cạnh hội họa và âm nhạc, điện ảnh cũng có những đóng góp nhất định cho các tác phẩm văn chương. Người ta hay vì những nhà thơ, nhà văn như những nhà quay phim tài ba, khéo léo nhất đó là khi họ chớp được những pha thần tình trong cảm xúc, hành động của nhân vật, ghi lại những sự kiện, cảnh huống nóng bỏng nhất của thời đại xã hội, những vấn đề đáng được đưa lên phim ảnh. Khi Nguyễn Đình Thi viết những câu thơ kết lại bài Đất nước:
Súng nổ rung trời, giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
có thể thấy ông đã ghi lại những thước phim tư liệu chân thực về một thời oanh liệt đã qua. Bốn câu thơ có thể coi như những cảnh quay hoành tráng, mang tầm vóc, quy mô lớn. Nó dựng lại được không khí ác liệt, hào hùng của cả một thời đại. Những cảnh quay lúc ra xa, lúc đưa về gần đã tái hiện lại bức tranh chiến trận khá toàn diện và sinh động. Giữa khung cảnh rộng lớn, có âm thanh tiếng súng, có hình ảnh người lên, có ánh sáng rực rỡ của lửa cháy... tất cả đều ở trong thế vận động đi lên từ bóng tối ra ánh sáng, từ nỗi buồn tới niềm vui, từ nô lệ đến tự do, hạnh phúc. Có thể xem đó như cuộn phim ghi lại cả một quá trình chiến đấu và chiến thắng của dân tộc.
Hay khi Nam Cao mở đầu tác phẩm Chí Phèo bằng hình ảnh hắn vừa đi vừa chửi thì đó cũng là một thủ pháp của điện ảnh: đi thẳng vào vấn đề trung tâm. Điện ảnh thường chớp lấy những pha gay cấn nhất mở đầu cho bộ phim, những cảnh tiếp theo mới quay lại lí giải và phát triển tiếp pha ban đầu đó. Cũng như thế, ngay đoạn đầu tác phẩm, Nam Cao để Chí Phèo xuất hiện bằng tiếng chửi, từ đó người đọc đã phần nào cảm nhận được bi kịch cay đắng của Chí Phèo.
Nghệ thuật điện ảnh xuất hiện trong văn chương tạo ra sự sống động và những cảm giác mới mẻ cho người đọc. Là sự tổng hòa với nhiều ngành nghệ thuật, văn chương còn kết hợp với điêu khắc để tạo ra những cảm nhận phong phú cho độc giả. Văn học tái hiện đời sông bằng hình tượng nhưng đó không phải là những hình tượng thực có thể tác động trực tiếp đến giác quan người đọc. Do vậy, ngôn ngữ văn học phải có khả năng khắc tạc những hình tượng đậm nét, cụ thể để người đọc có thể hình dung, tưởng tượng ra nó một cách rõ nét. Nghệ thuật điêu khắc với những đặc trưng về mảng, hình khối dễ dàng kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của độc giả. Sử dụng nghệ thuật điêu khắc một cách tài tình, Huy Cận đã dựng nên cả một thế giới nhà Phật vô cùng đặc sắc:
Có vị mắt giương mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn.
Bàn tay người nghệ sĩ như bàn tay của người thợ cả tài hoa chạm khắc tỉ mỉ từng nét một. Những pho tượng vô tri bỗng trở nên có hồn khi người nghệ sĩ tạc trên gương mặt họ những nét quằn quại, khổ đau, những nếp nhăn như tạo sóng, từng thớ gỗ hằn in như mạch máu đang sôi. Ngôn ngữ tạo hình phát huy tất cả những tác dụng của nó, đem lại những cảm giác vừa mạnh mẽ, vừa dữ dội, người đọc như có thể chạm vào những hình khối ấy. Những pho tượng La Hán hiện lên như một công trình nghệ thuật tôn giáo bởi dáng vẽ điêu khắc đầy tính thẩm mĩ và ý nghĩa cao siêu đầy bí ẩn tồn tại trong nó. Chính nghệ thuật điêu khắc đã phủ lên tác phẩm một không khí cổ kính, thiêng liêng.
Thơ văn là toàn bộ nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật kiến trúc. Nói tới kiến trúc là nói tới tính lập thể, sự cân xứng, hài hòa. Nghệ thuật kiến trúc có một ảnh hưởng quan trọng tới văn chương. Mỗi một tác phẩm văn chương đều có một kiến trúc riêng của nó. Nó giống như một ngôi nhà mà người nghệ sĩ phải là một kiến trúc sư có tài để thiết kế nên kiến trúc của ngôi nhà. Đó chính là bố cục, kết cấu của tác phẩm. Mỗi tác phẩm phải là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất toàn vẹn, với bố cục kết cấu rành mạch, với hệ thống ý tứ, ngôn từ có tổ chức cao, giữa các phần luôn phải có sự liên hệ chặt chẽ, thể hiện được sự hài hòa, cân đối. Tùy theo các thể loại văn học, nghệ thuật kiến trúc có ảnh hưởng khác nhau. Đối với thơ ca, người ta chú ý nhiều đến mối liên hệ giữa các đoạn, các khổ thể hiện những cung bậc trạng thái cảm xúc khác nhau. Với truyện ngắn, cái quan trọng là giữa các đoạn, các phần, các mổc trong cuộc đời nhân vật phải có sự nhất quán cao độ. Với tác phẩm kịch, người ta tổ chức nó theo các màn, các lớp... Chính hệ thống ý và ngôn ngữ có tính hệ thống cao đã tạo ra một kết cấu hoàn chỉnh và cân đối, đem lại khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Như vậy, không thể phủ nhận tác dụng to lớn của nghệ thuật kiến trúc đối với văn chương.
Thơ văn là sự tổng hòa của các ngành nghệ thuật, đó là sự kết hợp hài hòa của các ngành, nghệ thuật trong việc tái hiện thế giới và con người. Sự giao thoa, kết hợp ấy tạo ra sự phong phú, đa dạng cho nghệ thuật biểu hiện của văn chương, có khả năng tác động mạnh mẽ đến các giác quan, tư tưởng, tình cảm của bạn đọc. Mặt khác, nó lí giải việc một số bài thơ được phổ nhạc thành lời hát, có những kịch bản phim chuyển thể từ tác phẩm văn chương. Đó là mối quan hệ qua lại giữa văn chương và các ngành nghệ thuật khác nhằm phục vụ hiệu quả hơn nữa cho cuộc sống và con người.
Nhưng thơ văn cũng có những đặc trưng riêng biệt. Văn chương lấy chất liệu là ngôn từ, ngôn ngữ văn chương là ngôn ngữ đã được chọn lọc, mang tính thẩm mĩ cao. Bằng ý nghĩa, khả năng gợi hình, gợi thanh, ngôn ngữ tạo ra hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hình khối... một cách gián tiếp, từ đó tạo ra chất nhạc, chất họa,... trong văn khiến trang văn trở nên đẹp đẽ và sông động.
Suy rộng ra, nhận định của Biê-lin-xki còn bàn đến vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà văn, nhà thơ phải là nghệ sĩ của ngôn từ, phải thổi hồn vào câu chữ để tạo ra cả một thế giới trong sáng và rực rỡ trong sáng tác của mình. Làm nghệ thuật không phải là điều đơn giản bởi người nghệ sĩ muốn cho ra đời những tác phẩm đích thực thì cần có một trái tim, một tâm hồn, một trí tuệ nhạy bén. Người nghệ sĩ phải cảm thấu được linh hồn của hình tượng, phải cảm thấu được sức sống của thế giới hiện thực vào câu chữ để nó hóa thành một giá trị tư tưởng nào đó đôi với người đọc, khi đó nhà văn mới trở thành một nghệ sĩ chân chính.
Từ vai trò của nhà văn trong việc sáng tạo nghệ thuật, người ta ngẫm tới vai trò của bạn đọc đối với việc tiếp nhận văn chương. Độc giả phải luôn trau dồi vốn sống, trí tưởng tượng và khả năng nắm bắt một cách nhạy bén những thông điệp thẩm mĩ của nhà văn thông qua những tín hiệu nghệ thuật và những con chữ im lìm. Văn chương chỉ sổng khi có sự sáng tạo của chủ thể tiếp nhận. Khi người đọc cảm nhận văn chương bằng tất cả tâm hồn và trí tuệ thì mới thực sự bước vào và sống trong thế giới văn chương, thế giới của âm thanh, hình sắc, của nhạc và họa.
Một tác phẩm nghệ thuật đích thực phải là một chiếc vỏ ốc nhỏ bé mong manh song lấp lánh sắc màu và từ đó ngân lên những tiếng thì thầm của đại dương sâu thẳm, ngân lên những khúc ca về cuộc sống, tình yêu và khát vọng muôn đời.
Phạm Văn Thanh Trường THPT chuyên Bạc Liêu
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018