Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bàn về chức năng của văn học nghệ thuật, Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật

Thứ bảy - 09/01/2021 08:50
Nghị luận văn học: Bàn về chức năng của văn học nghệ thuật, Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản. (Báo Văn nghệ, số 44). Anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Có nhà thơ từng nói:
Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi
Văn chương, ấy là mẹ, là cha của tâm hồn con người, là khí trời, là cơm ăn, là nước uống, nghệ thuật cứ bình dị, lặng lẽ như dòng sông bồi đắp phù sa cho hồn người. Nếu một ngày nào đó, văn chương biến mất trên cõi đời này thì tâm hồn sẽ trông trải đến nhường nào. Bởi vậy, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản. 

Văn chương đã ra đời tự bao giờ và làm bạn với những nỗi buồn vui, đau khổ của con người tự bao giờ? Chỉ biết rằng trên hành trình kiếm tìm, vươn tới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ lại tìm cho mình một định nghĩa, một chuẩn mực để đánh giá văn chương, nghệ thuật. Có người cho rằng giá trị cao nhất của văn chương là vì con người; Văn học là nhân học (M.Gor- ki). Có người lại quý văn chương ở sự đồng điệu tri âm: Thơ ca giúp ta đi từ chân trời một người đến với chân trời triệu người. Có người lại coi văn chương, nghệ thuật là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn (Thạch Lam). Còn Nguyên Ngọc đã góp phần tạo ra một cái nhìn mới mẻ về văn chương, nghệ thuật. Với ông, nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người. Đó có thể coi là một trong những lời đánh giá cao nhất về chức năng của văn học. Ông đã nâng văn học lên thành một yêu cầu thiết yếu, một nhu cầu không thể thiếu của con người. Con người cần nghệ thuật như con chim cần bầu trời tự do, như con cá khát vẫy vùng bể lớn. Con người sẽ không thể sống được nếu một mai kia chẳng còn văn chương. Nếu thiếu vắng văn chương, tâm hồn con người sẽ khô cằn, chai sạn đến chừng nào. Văn chương cho ta được là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa, với đầy đủ những ý nghĩa cao đẹp, thánh thiện, bởi nó giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên, bởi con người không phải là thánh, không thể hoàn hảo như một ông thánh. Con người ấy là sự giao tranh giữa phần CON và phần NGƯỜI. Văn chương không tôn người ta thành những ông thánh vô bổ vô duyên, những kẻ nhạt nhẽo chẳng có chút khiếm khuyết nào. Văn chương chỉ thực hiện thiên chức cao đẹp là nâng đỡ hồn người, thanh lọc tâm hồn làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn. Văn chương níu giữ tâm hồn, khiến con người không sa xuống tầm thường, nhỏ nhen, thành những quái vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ. Văn chương giữ cho ta được là mình, được là CON NGƯỜI ngẩng cao đầu giữa cuộc đời. Yêu văn, đọc văn, mỗi người đều phải nâng mình lên để xứng với tầm của những giá trị cao đẹp. Tuy văn chương không thể biến ta thành những ông thánh nhưng cũng bồi đắp tâm hồn ta khiến nó ngày một đẹp đẽ, thanh cao hơn.

Tự bao giờ đến giờ, từ Hô-me, Kinh thi đến ca dao, dân ca... thơ sinh ra từ những buồn vui đau khổ của con người và sẽ làm bạn với con người đến ngày tận thế. Câu nói này của tác giả Thi nhân Việt Nam khẳng định một chân lí: văn chương nghệ thuật là người bạn đồng hành của con người. Thơ ca sinh ra từ những nụ cười đầu tiên, giọt nước mắt đầu tiên của con người và sẽ còn trường tồn cùng với những buồn vui đau khổ của con người. Đã từ bao thế kỉ nay, thi ca là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi va chạm với hiện thực cuộc sống. Như đứa trẻ thơ cất tiếng gọi đầu đời là tiếng gọi mẹ, thì tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của hồn thơ với cuộc đời là tiếng gọi nghệ thuật.

Con người đã đem niềm vui, đem nỗi đau của mình trải lên những trang văn. Bởi vậy mà bao thế kỉ sau ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bi thiết của những Khuất Nguyên, những Ức Trai, Nguyễn Du... Trong hàng triệu những giọt nước mắt của biết bao thế hệ thì những giọt nước mắt của họ vẫn còn ướt đến hôm nay. Những nỗi niềm bi thiết, họ chẳng biết tỏ cùng ai, chỉ còn biết trút vào những trang văn thấm đầy máu và nước mắt. Khuất Nguyên xưa mang nặng trong lòng một nỗi niềm cô trung độc tỉnh giữa một nước Sở mà đâu đâu cũng họ Thương quan, khắp nơi nơi đều là sông Mịch La, chỉ còn biết dồn nỗi đau vào những vần thơ Li tao thanh nhã. Còn Nguyễn Trãi thì hàng trăm năm sau đọc thơ ông, người ta còn thấy dáng ngồi lặng lẽ lều vắng canh khuya ngồi với nỗi buồn, còn thấy nỗi đau bi thiết của ông:

Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

Hay:
Một tấm lòng son người lửa luyện
Mười năm thanh chức ngọc hồ băng.

Những câu thơ rắn rỏi tỏa ra từ chất hồn của một con người trung hiếu, nhưng đọng lại sau mỗi câu thơ ấy lại là một nỗi niềm đau đớn khôn nguôi. Con người từng viết những câu văn hào sảng rung chuyển cả đất trời trong Bình Ngô đại cáo cũng là tác giả của những câu thơ đầy tràn trở nỗi đời:

Phượng những tiếc cao diều hãy lượn
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi.

Đã hơn một lần con người với tâm hồn sáng tựa Sao Khuê ấy phải đau đớn mà thốt lên rằng: Bui một tấm lòng ưu ái cũ hay Bui một tấm lòng trung với hiếu. Trong cảnh đời bon chen đầy những kẻ xúc xiểm ấy, Ức Trai tiên sinh đã hơn một lần phải thốt lên tiếng kêu trung hiếu để tỏ nỗi mình. Con người ấy đã có một cuộc đời oai hùng dậy tiếng gươm khua nhưng lúc về già, chứng kiến thói đời ấm lạnh đã phải tuyệt vọng mà cất lên tiếng kêu trung nghĩa để tỏ cùng nhật nguyệt. Những câu thơ của ông trăn trở một nỗi đời, cứ đằm lên buốt nhói. Con người ấy đã đi nhiều, trải nhiều, thấu hiểu những cái đẹp đẽ tài hoa thường bị dập vùi còn những gì tầm thường, vô ích lại nhởn nhơ: Phượng hãy tiếc cao diều hãy lượn / Hoa thường hay héo cỏ thường tươi. Đằng sau câu thơ ẩn chứa một nỗi đau đớn của con người khám phá ra cái nghịch lí của cuộc sống. Bầu trời cao rộng kia giờ chẳng còn chỗ cho những cánh chim bằng sải cánh bay nghìn trùng mà chỉ thấy bóng diều bóng cú. Cho nên, cánh chim hạc khát bay cao là Nguyễn Trãi phải giấu mình nơi núi rừng Côn Sơn để ngày ngày làm bạn với cây cỏ, chim hoa, với cái thú suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn? Con người ấy lui về sống với non xanh nước bạc, bầu bạn cùng với văn chương, dồn hết những nỗi niềm khắc khoải của mình vào những trang thơ nặng tình đời. Bởi vậy, hơn năm thế kỉ rồi, đọc thơ Nguyễn Trãi ta vẫn thấy vòi vọi một nỗi lo âu điển hình. Hơn năm thế kỉ rồi, thơ Nguyễn Trãi không bao giờ ngủ, Nguyễn Trãi vẫn thức trong thơ của ông. Những nỗi đau đời của Nguyễn Trãi, thuở còn sống ông chỉ biết gửi gắm vào trong thơ. Nỗi niềm ấy đã vượt qua khoảng cách hơn 500 năm để đến với chúng ta hôm nay. Những tiếng thơ kêu xé lòng của ông còn đó, những nỗi đau đời của người anh hùng tráng trí ngất trời còn đó. Văn học đã làm được một nhiệm vụ vĩ đại là bất tử hóa những tâm hồn cao khiết. Ngày nay, đọc lại thơ Nguyễn Trãi, ta nghiêng mình kính phục trước một tâm hồn lớn, một nỗi đau lớn như ông.

Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người. Nguyễn Trãi đã lấy văn chương làm tri kỉ để tỏ mình, để dồn tụ mọi nỗi đau. Trước đó 700 năm, một nhà thơ với nỗi niềm thương đời cũng từng mượn văn chương để tỏ nỗi lòng tha hương da diết của mình:

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
Thành Bạch chày vang bóng ác tà.
(Đỗ Phủ)

Mỗi câu thơ từng lời từng chữ đều được dệt nên từ nỗi đau thương của thi nhân. Nhà thơ của những nỗi đời đã mượn văn chương để tỏ nỗi niềm tha hương. Lời thơ đằm sâu, trữ tình mà tha thiết. Năm trước thu về, cúc nở ta đã khóc. Năm nay thu về, ta lại khóc. Dòng lệ năm nay đã khác dòng lệ năm xưa. Giọt lệ xưa buồn thương thì giọt lệ nay còn buồn thương da diết hơn. Thời gian xa quê đã được tính bằng năm. Thêm một lần cúc nở là thêm một năm trời đằng đẵng tha hương. Cúc thì cứ thế, cứ vô tình nở rồi lại tàn, chỉ có lòng người quặn thắt nỗi đau thương. Trong thơ Đỗ Phủ, hình ảnh con thuyền cứ trở đi trở lại như một ám ảnh nghệ thuật. Hình ảnh ấy đã theo vào trong nỗi đau cuối cùng của thi nhân. Ông đã chết trên một con thuyền giữa dòng sông vắng, những câu Thu hứng tha hương thuở nào vẫn còn đau đáu xót thương. Có lẽ thi nhân đã đem vào trong văn chương những dự cảm về nỗi đau đang chờ đợi mình. Câu thơ trĩu nặng một nỗi buồn, một tâm tư. Giữa cảnh người quây quần trong buổi chiều tà ấy, có người lữ khách xa quê gửi nỗi lòng mình vào những vần thơ. Tiếng thơ ấy dẫu chẳng thể đưa thi nhân vượt bao cách trở để trở về với tiếng chày đập vải thân thương chốn quê nhà nhưng cũng phần nào làm dịu nỗi sầu trong tâm hồn thi nhân lúc ấy và gọi dậy những nỗi niềm đồng điệu tự mai sau.

Có lẽ nghệ thuật là điểm tựa vững chắc cho hồn người. Những lúc con người cô đơn đến tuyệt đỉnh thì văn chương trở thành người bạn tâm tình và sẻ chia. Thời đại càng điêu tàn thì văn chương càng nở hoa bởi khi ấy con người chỉ còn một điểm tựa là văn chương, nghệ thuật. Văn chương nâng con người lớn dậy, thanh lọc tâm hồn người. Bởi vậy, hành trình đến với văn chương là hành trình kiếm tìm, vươn tới. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Nghệ thuật là một hành trình đòi hỏi con người phải tự vượt mình để vươn tới những giá trị tốt đẹp.

Xét đến cùng, hành trình của một đời người hay hành trình của một tác phẩm văn chương cũng để tìm tới con đường Chân - Thiện - Mĩ.

Tính người - đó là hai từ mà Nguyên Ngọc dùng để chỉ những gì đẹp đẽ nhất của hồn người. Con người! Hai tiếng ấy thật cao cả. Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao! (M.Gor-ki). Được là con người đã là một niềm kiêu hãnh nhưng nghệ thuật còn thúc đẩy ta vươn tới những giá trị cao cả hơn. Câu nói của Nguyên Ngọc đã khẳng định nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp của hồn người: SỐNG ĐẸP - NGHĨ ĐẸP - TÂM HỒN ĐẸP; đó là một triết lí mĩ học về con người. Nghệ thuật níu giữ tính người cho con người nhưng đồng thời cũng nâng đỡ bồi đắp hồn người. Chỉ có nghệ thuật với sức mạnh nâng đỡ tâm hồn con người mới có thể khiến cho Pu-skin viết nên những câu thơ đẹp đến vậy.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

R.Gam-da-tốp từng viết: trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trải tim vĩ đại tôi quỳ gối. Đọc câu thơ của Pu-skin, tôi quỳ gối ngưỡng mộ. Còn câu thơ nào đẹp hơn, trong sáng hơn, thánh thiện hơn những câu thơ ấy. Tôi yểu em là bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hồn người, là sự hướng về, sự vươn tới cao nhất của tính người. Còn có sự hi sinh nào cao cả hơn sự hi sinh của chàng trai Pu-skin? Yêu là khiến cho người mình yêu được hạnh phúc. Yêu có nghĩa là hi sinh. Chàng trai trong bài thơ từng sống trong tình cảm yêu đương sôi nổi, bồng bột nhất, đã từng rụt rè, lại có lúc hậm hực lòng ghen nhưng rồi anh đã tự nguyện rút lui với ước vọng cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Tôi yêu em ấy là bài ca về tình yêu hay bài ca về vẻ đẹp của hồn người, là sự vươn tới tột đỉnh cái cao thượng của tính người? Chỉ có nghệ thuật mới làm được cái điều vĩ đại là níu giữ và nâng đỡ hồn người, khiến nó không sa xuống tầm thường, nhỏ nhen mà lấp lánh ánh sáng thánh thiện. Ước vọng cuối cùng của người con trai đẹp vô ngần. Tôi nghĩ không ai có thể yêu người con gái trong bài thơ một cách trong sáng tuyệt vời đến vậy. Với bài thơ Tôi yêu em, Pu-skin đã vươn tới sự cao thượng tột đỉnh. Có lẽ điều làm nên sức hấp dẫn của bài thơ đối với bao thế hệ người yêu nhau là ở sự trong sáng thánh thiện tuyệt vời, là sự níu giữ, vươn tới vẻ đẹp CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa.

Chức năng của văn học, nghệ thuật là thanh lọc hồn người, làm cho nó trong sáng hơn, sự biểu hiện ở nghệ thuật là tính nhân đạo, là lòng yêu thương con người. Nếu coi thứ nghệ thuật cao đẹp nhất là thứ nghệ thuật vì con người thì tình cảm cao thượng nhất là tình cảm yêu thương con người. Văn học, ấy là tiếng nói yêu thương, tri âm, đồng điệu. Đọc văn, con người biết sống yêu thương người hơn. Tự bao đời nay, tình cảm yêu thương đã trở thành một tình cảm lớn của loài người và những tác phẩm lớn vượt qua khỏi mọi giới hạn, mọi bờ cõi là những tác phẩm cất lên tiếng gọi yêu thương. Nhìn ra văn học thế giới, những tác phẩm Những người khốn khổ (V.Huy-gô), kịch Hăm-let của Sêc-xpia... còn trường tồn cùng với nhân loại là bởi tinh thần nhân đạo thống thiết trong từng trang văn hiện thực. Những tâm hồn lớn như V. Huy-gô, Sêc-xpia... đã cúi xuống mảnh đời của những con người khôn cùng nhất, để mà đau mà thương nỗi đau của cả nhân loại để rồi cất lên những lời ca bi thiết về những giá trị người cao đẹp. Những tác phẩm ấy đã vượt qua giới hạn bờ cõi một quốc gia để trở thành tiếng nói yêu thương chung của triệu người trên thế giới. Nhưng những tình cảm yêu thương ấy phải xuất phát từ một trái tim nặng nỗi đau đời, một trái tim day dứt vì cuộc đời. Ấy là trái tim đau đời của người nghệ sĩ. Nói như Na-dim Hit-met thì Trái đất nứt ra làm đôi - vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ, tất cả những nỗi đời, tất cả những nỗi thống khổ bi thiết của cuộc đời đều chạm tới trái tim nhạy cảm của nhà thơ trước nhất. Người nghệ sĩ là người giàu tình yêu thương bởi vậy tác phẩm của họ nặng giấc những kẻ cùng đường tuyệt lộ. Trong văn học Việt Nam có một tác phẩm lớn còn sống với muôn đời: ấy là giọt nước mắt vĩ đại của Nguyễn Du, là một tiếng kêu xé lòng trong hàng triệu tiếng kêu xé lòng: Đoạn trường tân thanh. Làm nên giá trị cao đẹp nhất của tác phẩm là tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Nguyễn Du, tình yêu ấy đã tràn qua đầu ngọn bút khiến từng câu như có máu chảy trên đầu ngọn bút. Truyện Kiểu của Nguyễn Du thao thức một tình yêu, một tấm lòng nghệ sĩ suốt nghìn đời để đến hàng trăm năm sau, những dòng thơ:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

còn khiến người đọc ở những thê hệ sau xúc động. Câu thơ hay không phải vì bút lực thần kì mà bởi cái tình của người viết trào dâng. Ấy là tiếng nói của yêu thương muôn đời. Nhà thơ Trường Trào (Trung Quốc) từng có câu thơ ca ngợi cái tình của con người: Một chữ TÌNH để duy trì thế giới - Một chữ TÀI để tô điểm càn khôn. Nguyễn Du và Trường Trào đã gặp nhau ở quan niệm về chữ TÂM, chữ TÌNH. Chỉ có cái TÂM lớn, cái TÌNH sâu mới là những tình cảm muôn đời để duy trì thế giới này, để nó mãi trong sáng, tốt đẹp. Nguyễn Du đã dùng tình yêu lớn của mình để bao bọc mọi kiếp chúng sinh trong bể nước mắt trầm luân. Ông mượn tiếng nói yêu thương của nàng Kiều để nói những nỗi thương người, thương đời của mình, ông bao bọc tất cả bởi một tình thương không đẳng cấp trong văn chiêu hồn. Trái tim vĩ đại ấy không chỉ trùm phủ nỗi đau của nàng Kiều mà còn trùm phủ nỗi đau của mọi kiếp tài hoa. Tình yêu thương lớn ấy đã vượt ra ngoài giới hạn của một quốc gia, một thời đại để cất lên tiếng nói tri âm, đồng điệu với số phận nàng Tiểu Thanh.

Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như. 

Đọc thơ Nguyễn Du ta thấy nỗi niềm đồng điệu với người tài hoa, những người cùng một thanh khí. Nỗi đau của nàng Tiểu Thanh ba trăm năm sau đã có một Nguyễn Du than khóc. Ông tự nhận là người khách thơ tự mang lấy cái án phong lưu, tự vận lấy những nỗi đau của bao kiếp người thuở trước. Nỗi đau của nàng Tiểu Thanh năm xưa đã sống dậy trong nỗi đau của Nguyễn Du hôm nay, cả hai con người ở hai thời đại khác nhau nhưng lại mang trong mình nỗi đau muôn đời của những kiếp người tài tình đa truân. Trong tiếng khóc nàng Tiểu Thanh có tiếng khóc cô đơn của Nguyễn Du. Liệu ba trăm năm nữa có còn ai khóc ông như ông khóc Tiểu Thanh hay người ta chỉ còn nhớ về ông qua một tập sách mỏng? Nỗi niềm tự thương ấy làm bừng sáng cả bài thơ. Nguyễn Du đã nhân đạo đến tuyệt đích khi đưa vào trong văn chương nỗi niềm tự thương của mình. Còn gì có thể nhân đạo hơn, yêu thương hơn nỗi niềm tự yêu thương, xót xa cho mình. Người ta chỉ có thể có được một trái tim lớn bao dung mọi người bằng một tình yêu vô bờ bến khi người ta biết sống là mình, biết nói những tiếng nói yêu thương, xót xa của riêng mình. Trong Truyện Kiều, chính Nguyễn Du cũng bộc lộ tình cảm tự xót thương mình qua nỗi đau của nàng Kiều:

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Lời khẳng định của Nguyên Ngọc: Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân bản đã khái quát những giá trị to lớn của nghệ thuật. Với người nghệ sĩ, nghệ thuật là sáng tạo, là được bộc lộ những tình cảm của mình và kiếm tìm sự tri âm, đồng điệu. Với độc giả, nghệ thuật là sự hướng về những giá trị cao đẹp, là sự tự nâng mình lên xứng với tầm của nhà văn để mà tri âm, mà đối thoại. Nghệ thuật đã bất tử hóa tâm hồn con người tới ngàn đời. Trước cái chết của nhà văn, nhà thơ, ta nghĩ tới sự bất tử của người nghệ sĩ. Nghệ thuật đã khiến cho những tâm hồn lớn giàu yêu thương mãi bất tử cùng sông núi, để họ sống mãi trong lòng người đọc.

Nhưng, phải chăng lời khẳng định giá trị nghệ thuật của Nguyên Ngọc mâu thuẫn với quan điểm của Lép: Nếu có một phép lạ làm cho tất cả những tác phẩm văn chương biến mất thì trái đất này cũng chẳng mất đi gì cả. Những nghệ sĩ lớn suốt cả một đời trải qua bao nỗi đau đớn, dằn vặt nên đã có lúc thốt lên những lời đắng cay, chua xót. Nhưng vẫn phải khẳng định rằng văn học có vị trí lớn lao với việc bồi đắp hồn người. Nếu thiếu vắng văn học thì thế giới này sẽ mất đi rất nhiều thứ. Nhiều thế kỉ sau ta vẫn có thể khẳng định văn học sẽ trường tồn cùng con người.
 
Huỳnh Minh Trí Trường THPT chuyên Tiền Giang
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh, năm 2018

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây