Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Macxen Pruxt: Đối với nhà văn cũng như đối vời nhà họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn...

Thứ hai - 11/01/2021 08:17
Anh/chị hãy bình luận ý kiến sau: Đối với nhà văn cũng như đối vời nhà họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; bởi đó là một sự khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận nếu không do nghệ thuật đem lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến. (Macxen Pruxt)
Văn học nghệ thuật - sự tổng hòa của thế giới hiện thực khách quan và thế giới tâm hồn của nhà văn - kết tinh trong khả năng sử dụng ngôn ngữ, câu từ của người nghệ sĩ. Một tác phẩm văn chương thực sự đi vào lòng người khi cho ta cảm nhận được toàn bộ hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, khi nó bộc lộ rõ tấm lòng, tâm tư tình cảm của người cầm bút, và đặc biệt phải giúp người đọc lưu lại trong tâm khảm một ấn tượng thực sự về phong cách nhà văn. Bàn về phong cách, Macxen Pruxt có nhận xét: Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn. Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; bởi đó là một sự khám phá về chất, chỉ có được trong cách cảm nhận về thế giới, một cách cảm nhận nếu không do nghệ thuật đem lại thì mãi mãi sẽ không ai biết đến.

Một quan niệm hoàn toàn đúng đắn của Macxen khi đề cập đến vấn đề phong cách. Có thể nói, phong cách nghệ thuật là một phẩm chất trong văn chương, là chỗ riêng biệt độc đáo mang giá trị thẩm mĩ cao, kết tinh trong sự sáng tạo của nhà vàn. Nhận xét của Macxen có thể xem như một đánh giá về sự tổng hòa giữa cảm quan nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của người cầm bút.

Đối với nhà văn cũng như đối với nhà họa sĩ, phong cách không phải vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề cái nhìn, vấn đề kĩ thuật mà Macxen đưa ra liệu có liên quan đến phong cách nghệ thuật? Trong nghệ thuật, kĩ thuật chỉ đóng vai trò rất nhỏ, bởi vì đó đơn giản chỉ là những thao tác của đôi bàn tay. Kĩ thuật hữu ích cho những công việc không đòi hỏi tính nghệ thuật. Tuy nhiên, sự xuất chúng trong kĩ thuật cũng góp phần tạo nên một giá trị trong nghệ thuật nói chung. Đối với nghệ thuật hội họa, vấn đề kĩ thuật của người nghệ sĩ góp phần quyết định mức độ thành công của một tác phẩm. Trong trường phái hội họa lập thể, tố chất kĩ thuật được đánh giá rất cao. Song vấn đề cái nhìn của người nghệ sĩ mới là điều quan trọng nhất. Cái nhìn có thể hiểu là những điều mà người làm nghệ thuật quan tâm. Nó là sự trăn trở, là quan niệm, là đánh giá, chọn lọc, là sự rung cảm của tâm hồn, trí óc. Đây chính là yếu tố quyết định như Macxen Pruxt nói: Làm nên giá trị và phong cách của nhà văn. Cái nhìn quyết định sự riêng biệt trong nghệ thuật chứ không phải trong kĩ thuật. Xem tranh của Pablo Picasso không hề thấy một sự cầu kì, kiểu cách hay lành nghề nào mà ta vẫn thấy toát lên một tầm vóc, một tư tưởng lớn lao. Nhà văn cũng vậy. Phong cách được hình thành không chỉ bởi kĩ năng viết văn, đặt câu, gieo vần, phối thanh... mà lại là do yếu tố cái nhìn quyết định. Song cái nhìn trong văn học không đơn thuần là sự quan sát hiện thực để rồi sao chép lại một cách nô lệ mà theo Macxen phải là một cái nhìn mang tính khám phá về chất. Để có được sự khám phá trong cái nhìn đối với văn đòi hỏi một quá trình lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc và hiệu quả mà “người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp”. Sự khám phá ấy không thể là do ghì ép hay khiên cưỡng hay dửng dưng, hời hợt. Nhà thơ Tây Ban Nha Gacxia Lotea đã từng nói Thơ ca không chấp nhận trạng thái bàng quan. Tất cả đòi hỏi ở những người làm nghệ thuật nói chung phải có một cái nhìn thực sự đúng đắn, sắc sảo, một cái nhìn phải mang tính khám phá về chất. Chỉ có điều đó mới làm cho phong cách của nhà văn thực sự in dấu ấn trong lòng người đọc. Sự khám phá về chất ấy có thể xem như một khả năng đột phá vào hiện thực của nhà văn, bởi trước tiên nhà văn phải khám phá và nắm bắt được một cách thực sự sắc sảo những gì thuộc về bản chất nhất của cuộc sống. Một đòi hỏi nữa về phía người nghệ sĩ, tức là sự nhìn nhận ấy phải thực sự mới mẻ, độc đáo, phải ấn tượng và giàu tính thẩm mĩ. Phong cách được đo bởi khả năng sàng lọc chất liệu cuộc sống của nhà văn. Tuy nhiên một nhà văn phải nhìn nhận, phải cảm hiểu được những gì nóng bỏng, bức xúc nhất của cuộc sống, những vấn đề trung tâm của thời đại, có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc nhất đến cuộc sống con người. Ấy là lúc các nhà văn đạt độ chín trong phong cách. Nhiều khi chỉ cần nhắc đến đề tài, đến một vấn đề nào đó trong lịch sử xã hội và văn chương, người ta sẽ hình dung ra trọn vẹn chân dung của nhà văn viết về đề tài ấy. Ví dụ nhắc đến chiến tranh, người ta nghĩ ngay đến L.Tôn-xtôi với Chiến tranh và hòa bình.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, mấy ai nhớ về mùa thu lại quên được Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu nổi tiếng? Nhắc đến người nông dân là trong tâm trí mọi người nhớ đến Nam Cao. Đó là những nhà văn có phong cách nghệ thuật đặc biệt rõ nét. Đến với văn chương của Nam Cao, qua một loạt truyện ngắn của ông về đề tài người nông dân như Lão Hạc, Chí Phèo, Nửa đêm, Lang Rận... ta có sự nhận thức sâu sắc về những vấn đề cốt lõi nhất của cuộc sống con người ở nông thôn Việt Nam những năm trước cách mạng. Trong trang viết của Nam Cao là đói, là rét, là đau thương, bi phẫn... nỗi thống khổ về cuộc sống cơm áo đã chất lên như núi theo ngòi bút Nam Cao. Vấn đề bản chất được nhà văn phát hiện ra chính là sự đen tối, lầm than, bế tắc không lối thoát của người nông dân trong đói nghèo, trong lao khổ. Nam Cao chở phát hiện đó của mình bằng một ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt song đầy sinh động, có sức hấp dẫn cao. Có khi người nông dân hiện lên là một anh canh điền nghèo khổ bị tha hóa thành con quỷ dữ, có khi lại là một lão cố nông nghèo hèn, khắc khỏi, có lúc chuyển mình thành một tay đầu trộm đuôi cướp, thành tay mõ bị mọi người hắt hủi, bỏ rơi. Sự đa dạng trong bút pháp ấy khiến ta luôn cảm thấy một cái gì đó vô cùng mới mẻ, đa dạng trong trang sách của Nam Cao. Sự mới mẻ ấy còn được thể hiện một cách đầy đủ qua giọng văn của Nam Cao. Tuy sắc lạnh, tỉnh táo song ông luôn tỏ ra yêu thương vô hạn đôi với người nông dân. Lúc thì ông miêu tả bằng những câu từ dữ dội, có lúc lại hết sức tự nhiên, dí dỏm. Tất cả lưu lại trong tâm hồn người đọc một nét riêng rất Nam Cao mà ta không tìm thấy ở Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói nhất ở Nam Cao là sự phát hiện độc đáo, mang tính nhân văn rất cao, một vấn đề lớn lao của thời đại. Đó là ông khám phá về bản chất tâm hồn của con người trong xã hội đầy những khổ đau và biến động. Đến với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao không chỉ tô đậm chân dung một kẻ không tài sản, không thân thích, một kẻ đói nghèo, cực khổ, quằn quại trong men rượu và máu, bị người đời ghê tởm, hắt hủi. Ông không những cho ta thấy một điển hình nhất của mọi kiếp khổ đau mà còn đi sâu vào truy tìm và khám phá tận cùng của những nỗi đau kia. Ở đoạn văn miêu tả Chí Phèo vừa đi vừa chửi: Mẹ kiếp! Thế này thì có phí rượu không? Thế này thì có khổ hắn không? Nam Cao vô tình hay hữu ý xoáy sâu vào lòng người đọc một câu hỏi lớn: Chí Phèo uống rượu để say sưa hay uống rượu để mượn tiếng chửi làm phương tiện giao tiếp với đời, điều gì đã làm nên một chân dung kì dị và méo mó đến vậy? Nam Cao tiếp tục xây dựng: không ai ra điều. Rõ ràng, người ta không chỉ xa lánh hắn mà còn cố tình coi như không hề có sự tồn tại của hắn trên đời. Nỗi đau khổ của Chí Phèo là đáp lại lời hắn chỉ có mấy tiếng chó sủa. Người ta không còn là đồng loại của Chí nữa. Nam Cao đã hữu ý làm nổi bật lên một mảnh đời vật vờ, lăn lộn trong bi kịch khủng khiếp của cuộc đời: bi kịch bị đồng loại ruồng bỏ. Nam Cao đã khám phá ra rằng: Nỗi đau lớn nhất của con người không phải là nỗi đau về vật chất, về đói rét ốm đau, bị người khác bóc lột, đè nén mà bi kịch khủng khiếp nhất chính là sống trơ trọi một mình, bị đồng loại coi khinh, từ bỏ. Đó mới chính là đỉnh cao của nỗi đau con người. Còn gì ghê gớm hơn trong nỗi đau đơn độc và bê tắc. Qua đó, Nam Cao muốn khẳng định một triết lí mang tính nhân văn sâu sắc về con người.

Không chỉ có vậy, ta còn thấy bản tính dã man của xã hội thực dân phong kiến, không chỉ bóc lột, vơ vét của cải đẩy con người xuống bùn đen đau khổ mà còn tước đi nốt tài sản cuối cùng, đáng giá nhất của con người, đó là linh hồn. Bản án tố cáo được nhà văn vạch lên một cách đanh thép, bằng máu, bằng nước mắt, xương thịt của biết bao kiếp lao khổ, lầm than! Những vấn đề mà ông đề cập đến có một sức nặng ghê gớm, tạo nên một ám ảnh khôn nguôi trong lòng người đọc bởi vì nó đề cập đến một vấn đề nóng bỏng, bức xúc nhất của thời đại, đồng thời thấm đẫm giá trị nhân văn cao cả, một tầm triết luận sâu sắc về giá trị của con người. Tất cả lại được tài năng nghệ thuật bậc thầy thể hiện đã làm thành một dấu ấn sâu đậm trong phong cách của Nam Cao. Đó là một bước nhảy vọt trong quá trình tiếp cận và khám phá hiện thực của nhà văn, một sự sàng lọc chất liệu cuộc sống rõ nét. Phong cách của Nam Cao được hình thành là thế, muốn thế hệ bạn đọc vẫn yêu và nhớ Nam Cao là vì thế. Quả thật, Macxen Pruxt đã rất có lí khi nhìn nhận về những yếu tố làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn: Đó là một sự khám phá mà người ta không thể làm một cách cố ý và trực tiếp; bởi đó là một sự khám phá về chất. Phải có một tầm nhìn và kiến thức sâu rộng, Macxen mới tổng kết được một ý kiến có giá trị nghệ thuật và giá trị thực tiễn đồng thời mang đậm tính chân lí đến vậy.

Raxun Gamzatov từng nói: Qua giọng hát, ta nhận ra người hát. Phong cách khi trở thành máu thịt của nhà văn sẽ tạo nên một sắc điệu thẩm mĩ riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất kì ai. Lấy cảm hứng từ chính thế giới hiện thực khách quan, từ thiên nhiên, vũ trụ, song mỗi nghệ sĩ lại hình thành một phong cách khác nhau. Có nhà thơ là tiếng kèn xung trận, có nhà thơ là tiếng sáo véo von, có người lại là dòng thác lũ xô đẩy (Nguyễn Đình Thi). Điều gì làm nên sự khác biệt trong phong cách mỗi nhà văn? Cùng uống chung suối nguồn hiện thực song mỗi nhà văn, nhà thơ lại là một thế giới riêng, một tâm hồn riêng, một vũ trụ riêng. Cảm quan của mỗi người khác nhau sẽ chi phối tầm nhìn hiện thực, tài năng nghệ thuật khác nhau quy định mức độ biểu hiện hòa những thứ đó làm nên sự khác biệt trong phong cách nghệ thuật của mỗi người. Song, tựu chung lại, một nhà văn chỉ thực sự có phong cách khi họ nhìn nhận thế giới một cách sắc bén, đồng thời phải có một sự cảm nhận mang đậm tính nghệ thuật mà theo Macxen phải là một cách cảm nhận do nghệ thuật đem lại. Nghệ thuật của văn chương chính là nghệ thuật ngôn từ.

Ngôn ngữ nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ kết cấu thẩm mĩ của tác phẩm văn chương. Nó là sự gạn lọc một cách nghiêm ngặt từ mỏ quặng của ngôn ngữ đời sống để chắt lọc những ngôn ngữ tinh tế nhất, giàu sắc thẩm mĩ nhất để rồi qua bàn tay xây dựng, sắp xếp của nhà văn, ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm hơi thở của cuộc sống và cả nhịp đập trái tim của nhà văn. Công phu của nhà văn nằm ở nghệ thuật nắm bắt và xử lí các ngôn từ. Phong cách nhà văn từ đó mà được nâng lên một tầm cao hơn. Nghệ thuật của văn chương theo ý Macxen vừa nằm ở nghệ thuật ngôn từ, vừa nằm ở lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Những vẻ đẹp của cuộc sống, những quan niệm về cái đẹp, về nghệ thuật, về cuộc sống cũng là một yếu tố làm nên phong cách nghệ thuật của nhà văn. Nó không những làm nên sự riêng biệt độc đáo trong cách biểu hiện của phong cách mà nhiều khi còn hình thành cả một trào lưu, một dòng văn học có chung ý tưởng thẩm mĩ. Vai trò của nghệ thuật ngôn ngữ, tính chất gợi hình tượng của ngôn ngữ và cảm quan thẩm mĩ của người cầm bút là điều quan trọng nhất của phong cách. Nó cũng không tách rời sự say mê và khả năng nghệ thuật thực sự của nhà văn. Nhà văn có phong cách bao giờ cũng là nhà văn lớn. Tìm đến Nguyễn Tuân, một con người thực sự độc đáo trong văn chương và trong cả con người, hành trình văn chương của ông là hành trình rong ruổi đi tìm cái đẹp của một con người hết mực tài ba, nghệ sĩ. Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân hết sức độc đáo. Cái đẹp không chỉ bản thân nó toát ra tính thẩm mĩ mà trong nội tại của cái đẹp phải toát lên một bài học nhân sinh nào đó có ích cho con người. Một bông hoa không những đẹp trong con mắt Nguyễn Tuân mà ông còn nhìn thấy đằng sau vẻ đẹp của đóa hoa là một sự hoạt động âm thầm không mệt mỏi của bộ rễ cái, rễ con tận sâu trong lòng đất. Hay khi cầm viên ngọc trai trên tay, nhà văn vừa giúp ta cảm một cách trọn vẹn về vẻ đẹp của một món trang sức tự nhiên vừa giúp ta hiểu rằng, đó là kết quả của một quá trình mà đầu này là một nỗi đau, đầu kia là vẻ đẹp muôn màu. Không chỉ có vậy, quá trình miêu tả cái đẹp của Nguyễn Tuân cũng đầy công phu, tỉ mỉ. Ông luôn đặt sự vật lên một bàn xoay để khám phá một cách trọn vẹn sự vật đó dưới con mắt của những ngành nghệ thuật khác nhau. Không phải tự nhiên mà người ta gọi Nguyễn Tuân là người thợ kim hoàn về ngôn ngữ hay như ông tự gọi mình là chuyên gia tiếng Việt. Rõ ràng, sự ý thức về tài hoa của mình cũng làm nên một cung bậc độc đáo trong hệ thống phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Người đọc sẽ nhớ mãi một nhà văn làm cho tiếng Việt thêm giàu đẹp, thêm phong phú, thêm trữ tình. Xuân Diệu cũng vậy. Thơ ông luôn mang hơi thở nồng nàn của cuộc sống. Vạn vật trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nảy nở, hoạt động một cách hăng say, hết mình, linh hồn của tạo vật như căng đầy sức sống của tuổi đôi mươi đầy hăng say, nhiệt huyết và niềm khao khát yêu đời, yêu cuộc sống. Nó khiến cho thơ ông luôn hối hả, luôn gấp gáp, luôn cuống quýt và say sưa trong tình ái, trong thiên đường trần gian. Đọc thơ Xuân Diệu, ai mà chẳng thấy lòng mình thêm nồng nàn, thêm rạo rực, thêm khát khao và thơ Xuân Diệu nhắc nhở, thúc giục người đọc một cách thường xuyên, trực tiếp về sự trôi chảy, hữu hạn của thời gian. Thường trực trong mỗi vần thơ ông là nỗi phập phồng, lo âu đến hãi hùng về cuộc đời hữu hạn.

Thế giới thơ Xuân Diệu quả thực là đầy mới lạ và trẻ trung đối với người đọc. Bất cứ ai ở lứa tuổi đôi mươi cũng tìm thấy một chút gì đồng điệu trong hồn thơ của Xuân Diệu. Người ta nhớ Xuân Diệu là thế, suy tôn ông là “ông hoàng thơ tình”; là nhà thơ mới nhất cũng là thế.

Dường như đối với mỗi người cầm bút, mức độ thành công của tác phẩm văn học nghệ thuật nằm ở khả năng in dấu ấn của tác phẩm và bản thân người nghệ sĩ.

Nhiều nhà văn chỉ cần một tác phẩm song tên tuổi của họ sống mãi. Chỉ cần một Độc Tiểu Thanh kí, một Truyện Kiều cũng giúp cho Nguyễn Du trở nên bất tử. Vấn đề tài năng nghệ thuật quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách nhà văn. Song tài năng ấy mà không phát hiện ra được điều gì mới mẻ, không đề cập đến những vấn đề mang tính chất quy luật của cuộc sống thì sẽ chỉ là những dấu ấn tức thời, gây một ấn tượng nho nhỏ, rồi sẽ trôi vào quên lãng. Như vậy đối với nhà văn, vấn đề rèn luyện tài năng là yêu cầu thường xuyên, liên tục. Nhưng điều cần nhất là phải có cái tâm trong sáng, hướng thiện, biết yêu thương con người, có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống, thì văn chương cùng tên tuổi của nhà văn mới sống được. Nguyễn Du từng nói Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Suy cho cùng, phong cách nhà văn cũng nằm trong những phẩm chất thẩm mĩ của văn học nghệ thuật nói riêng và trong nghệ thuật nói chung. Phong cách giúp cho văn chương và nhà văn có chỗ đứng mãi mãi trong lòng mọi người, làm lung linh thêm thiên chức cao quý của văn chương.

Macxen Pruxt đã đưa ra một cái nhìn có tính khám phá về chiều sâu của một tác phẩm văn chương và cả đối với những người làm nghệ thuật văn chương. Tầm lí luận của nhận định có thể xem xét là cơ sở để đánh giá giá trị nghệ thuật và cống hiến của nhà văn đối với trào lưu văn học và cho cả cuộc sống tâm hồn con người. Từ lời nói của Macxen ta có thể lập một thước đo cho giá trị của văn học. Và xét đến cùng, lời nhận xét ấy cũng là thước do cho tâm hồn người đọc, cho khả năng tiếp nhận và thẩm định văn chương, vấn đề người đọc là chúng ta sẽ tìm ra vẻ đẹp gì, những bài học gì để làm cho tâm hồn bản thân giàu đẹp, thêm nhân ái, bớt ích kỉ, độc ác, cho bản thân thêm hữu ích cho đời. Câu trả lời thuộc về phía người đọc.
 
Lê Thuý Hương Trường THPT chuyên Sóc Trăng
Bài đạt giải Nhất kì thi Chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây