Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Raxun Gamzatov từng nói: Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt ...

Thứ hai - 11/01/2021 08:22
Trong Đaghextan của tôi, Raxun Gamzatov từng nói: Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt.
Còn Macxen Pruxt cho rằng: Thế giới dược tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập.
Anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.
BÀI LÀM
Mỗi một con người, trong nội tâm là một nhà thơ, chỉ khi nào người cuối cùng chết đi, thì mới mất đi nhà thơ cuối cùng (Si-mon Phrơt). Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới riêng biệt, bí ẩn và đầy khám phá. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời là sản phẩm của những quá trình chung đúc khác nhau mà ở đó, người nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo. Bàn về vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, Raxun Gamzatov từng nói: Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt. Còn Macxen Pruxt cho rằng: Thế giới dược tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thê giới được tạo lập.

Nhận định của hai tác giả trên dù được trình bày bằng hai cách diễn đạt khác nhau nhưng đều đề cao vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực đời sống được phản ánh trong văn chương ở nhiều chiều, nhiều phương diện khác nhau. Mỗi nghệ sĩ nhìn nhận hiện thực và xây dựng trong tác phẩm của mình những địa hạt riêng biệt và độc đáo. Điều này phụ thuộc vào cách nhìn, vào quan điểm, vào tư tưởng, vào nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đó là vấn đề “đôi mắt” đã được Raxun Gamzatov đề cập đến trong nhận định của mình. Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đánh giá cao vai trò của đôi mắt hơn là vai trò của đề tài. Đôi mắt là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định của một tác phẩm. Đề tài là phạm vi hiện thực được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Đề tài rất phong phú và đa dạng, bao nhiêu hiện tượng cuộc sống sẽ có bấy nhiêu đề tài. Nhưng hiện thực ấy được đưa lên trang viết như thế nào lại phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của người nghệ sĩ. Qua cách trình bày một hiện tượng, người đọc nhận ra quan điểm, lập trường, tư tưởng của người nghệ sĩ. Như vậy, vấn đề đôi mắt là vấn đề về cái nhìn, cách nhìn, là vấn đề quan điểm, lập trường, tư tưởng và cao hơn, nó biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đôi mắt quy định phạm vi hiện thực được biểu hiện trong tác phẩm. Trong Đaghextan của tôi, Raxun Gamzatov từng phát biểu: Ý nghĩ và cảm xúc là những cánh chim, đề tài là khoảng trời; ý nghĩ và cảm xúc là những con hươu, đề tài là cánh rừng; ý nghĩ và cảm xúc là những con sơn dương mà đề tài là núi; ý nghĩ và cảm xúc là những con dường và đề tài là thành phố mà những con đường sẽ dẫn đến và đưa đi xa. Ở đây, đôi mắt được thu hẹp lại trong hai khái niệm ý nghĩ và cảm xúc. 

Đó là hai khái niệm chi phối và quyết định đề tài. Sự có mặt của đề tài là bởi đôi mắt và vì đôi mắt; như bầu trời sinh ra để cho những cánh chim bay lượn, như núi đồi sinh ra để bầy hươu chạy nhảy tung tăng. Tôi chợt nhớ đến bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh:

Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con.

Rồi sau đó, mặt trời, cây cỏ, con đường, bà, mẹ... mới sinh ra cho trẻ con và vì trẻ con. Liệu có khập khiễng quá không khi ta ví đôi mắt người nghệ sĩ như bầy trẻ mà đề tài là những hoa, những cỏ, những bà, những mẹ... kia?

Sáng tạo nghệ thuật là một sáng tạo tinh thần phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người nghệ sĩ. Trong văn học, người ta phân biệt tác giả này là lãng mạn, tác giả kia là hiện thực đều phụ thuộc vào thiên hướng của nhà văn, phụ thuộc vào sự lựa chọn của họ. Như vậy, trong nghệ thuật và lựa chọn khuynh hướng, thể loại, thi pháp, cảm hứng bao giờ cũng do chủ quan người nghệ sĩ quyết định. Người nghệ sĩ luôn là chủ thể sáng tạo mà “đôi mắt” của anh ta là yếu tố đầu tiên thể hiện phẩm chất chủ thể ấy. Vũ Trọng Phụng trong bài phản hồi bài báo Dám hay không dám đã phát biểu: “Các ông quen nhìn một cô gái nhảy là một phụ nữ tân thời, vui vẻ trẻ trung, hi sinh cho ái tình hoặc cách mạng lại gia đình. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, chẳng có gì thi vị, lại hư hỏng, lại bất hiếu bất mục nữa, lại có nhiều vi trùng trong người nữa... Các ông có thể coi phong trào khiêu vũ là dấu hiệu tiến hóa mà các ông chủ trương. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một cách dâm bôn làm cho tăng số gái giang hồ, một tai họa cho nước nhà”. Chính xuất phát từ những đôi mắt khác nhau mà cùng viết về đề tài người phụ nữ, trong khi Nhất Linh của Tự lực văn đoàn xây dựng trong Đoạn tuyệt một cô Linh can đảm chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến tồn tại ở gia đình nhà chồng thì Vũ Trọng Phụng lại miêu tả trong Số đỏ một bà Phó Đoan dâm đãng, lố bịch, dốt nát và kệch cỡm. Những đôi mắt khác nhau đã hình thành nên ở những người nghệ sĩ nhiều phong cách khác nhau và hướng ngòi bút của họ tới những đối tượng, những đề tài khác nhau. Hoặc cùng viết về một đề tài nhưng cách nhìn nhận vấn đề của họ khác nhau. Như vậy, cái quan trọng không phải là anh viết về cái gì mà quan trọng hơn là anh viết như thế nào, anh viết để làm gì. Bởi cách anh sáng tạo nghệ thuật mới thể hiện tư tưởng của anh và hướng người đọc tới tư tưởng đó. Có người nghệ sĩ viết về cái tốt để ca ngợi cái tốt nhưng cũng có người nghệ sĩ muốn ca ngợi cái tốt lại viết về cái xấu, nói cái xấu để phê phán, để căm ghét và khơi gợi trong lòng người sự hướng tới cái tốt đẹp hơn. Tất cả đều phụ thuộc vào đôi mắt của người nghệ sĩ. Nếu nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn con người thì đôi mắt của người nghệ sĩ là cửa sổ tâm hồn của tác phẩm. Tư tưởng của họ, nhân sinh quan của họ được soi chiếu trong đó. 

Xét trên cơ sở này, lời nhận định của Macxon Pruxt cũng đồng quan điểm với phát biểu của Raxun Gamzatov. Macxen Pruxt cho rằng: Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Cảm quan của người nghệ sĩ, đôi mắt của người nghệ sĩ, tài năng của người nghệ sĩ đã tạo lập trong tác phẩm của mình một thế giới quan khác nhau. Thế giới được tạo lập không phải một lần. Hiện thực cuộc sống ở tác phẩm này không bao giờ là hiện thực cuộc sống ở tác phẩm khác. Hai tác giả sẽ có hai cách tái hiện cuộc sống khác nhau. Văn chương chân chính không có những lối mòn và người nghệ sĩ chân chính không bao giờ đi theo con đường của người khác. Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông (Nam Cao). Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Bởi vậy, mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới khác nhau và không thể thay thế nhà văn này bằng một nhà văn khác, nhà thơ này bằng một nhà thơ khác. Qua các tác phẩm, bức tranh hiện thực xã hội không chỉ được tái tạo mà còn được phản ánh sinh động, thể hiện tư tưởng, tình cảm, tài năng của người nghệ sĩ. Qua các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, người đọc nhận ra những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận ra những quan điểm nhân sinh sâu sắc về cuộc sống và con người. Cái độc đáo của người nghệ sĩ là sự sáng tạo, là sự riêng biệt trong cách khám phá hiện thực và đưa hiện thực vào trong trang viết. Người nghệ sĩ độc đáo là người nghệ sĩ có tài năng lớn. Thế giới được tạo lập chính là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ càng lớn thì thế giới được tạo lập trong tác phẩm của họ càng trở nên sâu sắc và thực sự trở thành bước ngoặt vĩ đại. Như ý của Ang-ghen về bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Ban-dắc: qua sáng tác của Ban-dắc, tôi hiểu được xã hội Pháp nhiều hơn qua tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế, chính trị, các nhà thống kê thời bấy giờ gộp lại. Văn học là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống mà mỗi chương của nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, không có chương nào giống chương nào. Cùng viết về đề tài người nông dân, trong khi Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan viết về sự đói nghèo, sự bần cùng thì Chí Phèo của Nam Cao lại khám phá hiện thực ở bi kịch con người bị cự tuyệt quyền làm người, phải tìm tới cái chết để đòi sự sống. Người ta cũng nhận ra sự khác nhau của chế độ phong kiến hà khắc, giữa làng Mùi trong A.Q chính truyện của Lỗ Tấn với làng Vũ Đại trong các tác phẩm của Nam Cao. Đó là sự khác nhau trong quá trình đầy đọa con người. Qua cách khai phá hiện thực, người ta nhận ra tư tưởng của nhà văn, nhận ra phong cách riêng biệt, độc đáo của người nghệ sĩ. Càng nhiều sự độc đáo thì nền văn học càng trở nên đa dạng. Văn học thế giới vẫn ca tụng một tình yêu bất tử giữa chàng Rô-mê-ô và nàng Giu-li-ét của đại thi hào sếc-xpia nhưng cũng không thể không rung động trước tình yêu thầm lặng, cao cả trong thơ Pus-xkin:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen 
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tỉnh như tôi đã yêu em.

Còn tôi, tôi nhớ mãi mối tình rụt rè, e ấp của chàng trai thôn Đoài với có gái thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Mỗi người nghệ sĩ xây dựng trong tâm hồn của mình, trong tác phẩm của mình một thế giới tình ái riêng biệt, không thể so sánh. Thơ là mở ra một cái gì đó mà trước nhà thơ đó, trước câu thơ đó còn bị phong kín (Nguyễn Tuân). Sức sáng tạo của con người là vô hạn. Bởi vậy, thế giới được tạo lập không phải một lần mà rất nhiều lần. Mỗi lần thế giới được tạo lập là một lần ta phát hiện thêm những điều mới mẻ về hiện thực cuộc sống. Cái thần của sáng tạo chính là cũng ở người ấy, việc ấy, cảnh ấy, ngòi bút người nghệ sĩ đã tìm ra những dáng vẻ riêng biệt trong khi ta trễ nải nhác qua, chẳng thấy khơi gợi được điều gì. Nhận định của Macxen Pruxt đã đề cao vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Cùng với nhận định của Raxun Gamzatov, nó đặt ra yêu (cầu về thiên chức người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Người nghệ sĩ phải có khả năng quan sát tinh tường, phải dấn thân nhập cuộc cố tìm mà hiểu để khám phá hiện thực và phản ánh một cách chân thực, khách quan vào trong tác phẩm. Nhưng sự phản ánh đó không bao giờ được bắt chước, được lặp lại. Văn chương không cần người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có (Nam Cao). Nghệ thuật phải góp phần cải tạo xã hội. Sáng tạo theo nghĩa đẹp nhất của nó là khám phá ra cái mới, cái lớn, cái đẹp của chính cuộc sống, của thời đại, của thế giới tình cảm con người. Người nghệ sĩ chân chính phải sáng tạo nên được thế giới mới mà mỗi tác phẩm là một phát mình về hình thức và một khám phá mới về nội dung. Như vậy, người nghệ sĩ không chỉ cần có đôi mắt hiện thực mà còn cần có đôi mắt tình thương. Mỗi tác phẩm viết ra phải là một bài ca về lòng thương, lòng nhân đạo, phải có khả năng cải tạo con người thanh lọc tình cảm (ý của Ari-xtốt) và hướng con người tới những gì là cao đẹp. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép những nhà văn chân chính sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt cho người khác một cách hào phóng nhất tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm tràn ngập trong chính tâm hồn nhà văn, vấn đề đôi mắt của Raxun Gamzatov và yêu cầu độc đáo của Macxen Pruxt đã trở thành những yêu cầu của văn học muôn đời. 

Trong văn học không thể có những nông trang tập thể. Mỗi nghệ sĩ cần có riêng cánh đồng và có riêng thửa ruộng của mình, cánh đồng đó, thửa ruộng đó là đôi mắt, là thế giới riêng của mỗi người nghệ sĩ. Nhưng thửa ruộng đó tạo nên bộ mặt của cánh đồng văn học nhân loại và đòi hỏi những thế hệ mai sau phải cày xới và chăm bón.
 
Trần Thị Diệu Trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi Toàn quốc năm 2017

 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây