Bài làm 1:
Một người lao động mà em quen biết là bác thợ rèn ở quê em.
Bác thợ rèn cao lớn, cao lớn nhất vùng. Vai bác cuộn khúc, cánh tay ám đen khói lửa lò và bụi búa sắt. Bác có đôi mắt lọt trong khuôn mặt vuông vức, dưới rừng tóc rậm dày, đôi mắt trẻ to, xanh, trong ngời như thép. Quai hàm của bác rung lên với những tràng cười. Những tiếng thở rền vang như ngáy gống như nhịp thở phì phò của ông bễ.
Em được ngắm kĩ bác thự rèn lần đầu vào một buổi chiều trên đường đi học về. Bác đang rèn một cái lưỡi cày. Áo sơ mi phanh ra để lộ bộ ngực lực lưỡng mà mỗi hơi thở làm hằn lên những chiếc sườn của cái lồng như bằng sắt ấy. Bác ngửa ra sau lấy đà, rồi giáng búa xuống. Và cứ như thế, luôn luôn như thế, không lúc nào dừng, thân mình bác lắc lư uyển chuyển dưới sức thúc đẩy mãnh liệt của các cơ bắp. Bác quai những vòng tròn đều đặn, mang theo vô sô' tia lửa và để ánh chớp lại trên đe.
Anh thanh niên hai mươi tuổi, con trai bác, cặp thỏi sắt đỏ rực ở đầu kìm, và tự mình cũng đập liên hồi với những tiếng trầm trầm : “tốc, tốc, tốc”, nghe như lời người mẹ khuyến khích con trong buổi đầu bập bẹ. Những chiếc búa cứ nhảy múa, vung ra xung quanh những vảy vàng trên chiếc áo, và in gót trên cái lưỡi cày rèn dở, mỗi khi rời nó nhảy lên. Một ngọn lửa đỏ chói làm rõ những xương lồi của hai người thợ, trong khi bóng cao lớn của họ in dài trong những góc tối lờ mờ.
Bác thợ rèn là một người lao động thật khỏe mạnh !
Bài làm 2:
Hàng ngày đến trường, em đi qua một công trường đang xây dựng. Em thường bắt gặp ánh mắt vui tươi quen thuộc của chú Hùng làm nghề thợ xây.
Lần đầu tiên quen chú, em có cảm tình ngay với đôi mắt ánh lên niềm tự tin của con người giàu nghị lực. Với thân hình khá vạm vỡ, chú khoan thai bước lên giàn giáo, bắt tay vào công việc quen thuộc hàng ngày. Chú mặc một bộ quần áo công nhân màu xanh, đội chiếc mũ bảo hộ màu vàng. Chú cúi xuống xúc vữa, trải một lớp lên hàng gạch đã xây. Rồi chú cấn thận xếp từng viên gạch màu hồng tươi lên trên. Thỉnh thoảng gặp khoảng trống cuối cùng của một hàng gạch, không đặt vừa viên gạch, chú lấy lưỡi bay chặt bớt đi. Chú dùng cán bay gõ nhẹ nhiều lần để gạch được ngay ngắn và gắn chặt vào nhau. Chú cẩn thận lấy thêm vữa xây lấp đầy khe và làm kĩ để vữa không rơi vãi. Đôi tay thô, rám nắng của chú làm việc thật dẻo dai, đều đặn và chính xác. Chú chăm chỉ làm như quên hết tiếng động ầm ĩ xung quanh. Thỉnh thoảng, chú dừng xây, lấy dây dọi xem bức tường có thẳng đứng không. Khi gạch và vữa đều hết, chú ngồi nghỉ một lát rồi gọi vọng xuống :
- Gạch !
- Vữa !
Thế là gạch được liên tiếp quăng lên. Từ trên cao, chú nhanh nhẹn bắt lấy như một thủ môn lành nghề bắt bóng, vừa bắt chú vừa xếp từng viên một cách gọn gàng ngay ngắn. Một xô vữa nặng được kéo lên và chú tiếp tục làm. Mặt trời ngày càng lên cao và bức tường xây cũng mỗi lúc một cao. Chú cởi trần để lộ cái lưng to bè bóng nhẫy và hai cánh tay có bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Chú huýt sáo một điệu nhạc vui như muốn quên đi cái nắng gay gắt.
Nhìn chú làm việc khéo léo và vất vả, em ước mình là họa sĩ. Mình sẽ vẽ một bức tranh miêu tả sự khó nhọc và nguy hiểm của người thợ đã xây nên những ngôi nhà chọc trời, vững chãi, thách thức gió bão và thời gian. Chính những ngôi nhà ấy đã tạo nên biết bao tổ ấm gia đình, hạnh phúc cho mọi người, trong đó có cả em nữa. Em thầm biết ơn người thợ ấy và mong sau này có máy móc thay sức người để họ đỡ phải vất vả và nguy hiểm khi đứng trên tầng cao.
Bài làm 3:
Hôm nay là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Em chợt nhớ đến bác sĩ Hải, người đã trực tiếp chăm lo, săn sóc bệnh cho nội em hồi nội nằm điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Hải có dáng người cân đối khỏe mạnh, mái tóc thường chải ngược về phía sau để lộ vầng trán rộng điểm vài cọng tóc bạc. Bác sĩ có ánh mắt hiền từ và nét mặt luôn biểu lộ những nét tươi tỉnh. Cùng như các cán bộ y tế khác, bác sĩ Hải mặc một chiếc áo bờ lu trắng, đầu đội chiếc mũ trắng có dấu chữ thập đỏ.
Ngay buổi đầu tiên nội em nhập viện, bác sĩ Hải đã ân cần thăm hỏi bệnh tình của nội, đỡ nội nằm xuống giường. Rồi bác sĩ quay lại nói với cô y tá chuẩn bị dụng cụ do huyết áp cho nội. Dặn dò xong, bác sĩ sang giường bên cạnh để tiếp tục thăm khám cho bệnh nhân khác. Vừa khám và luôn hỏi han, động viên bệnh nhân. Cử chỉ thật ôn tồn thân thiết. Có lúc, em thấy nếp nhăn trên trán bác sĩ co lại hình thành những hằn sâu, chạy dài sang hai thái dương. Em nghĩ bác sĩ đang cố tìm, cắt nghĩa những diễn tiến của bệnh tình để có phương pháp diều trị đúng thuốc, đúng bệnh nên mới ưu tư đến như vậy.
- Khi nào bác thấy nhức mỏi trở lại, bảo y tá báo cho tôi biết.
- Cô hôm nay có đỡ hơn không ? Cô có ăn hết phần cơm không ?
Cứ ân cần, cẩn thận như thế, bác sĩ đi hết giường bệnh này đến giường bệnh khác. Cả phòng ai cùng nhìn bác sĩ với ánh mắt tin yêu, trìu mến. Em còn nhớ lúc quay lại giường nội, bác sĩ còn hỏi han việc học hành của em và dặn dò em lưu ý, động viên, an ủi nội.
Em rất cảm phục sự tận tình và tài giỏi của bác sĩ Hải. Em ước muốn sau này lớn lên em cũng sẽ cố gắng học ngành y để trở thành bác sĩ, đem tài năng và tình cảm của mình cứu giúp những người bệnh.