Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ về bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Thứ ba - 17/09/2019 10:23
Đèo Ngang (thuộc dãy núi Hoành Sơn) là một đề tài quen thuộc đối với các thi nhân Việt Nam xưa nay. Tuy nhiên, trong hàng loạt tác phẩm (Đăng Hoành Sơn của Cao Bá Quát, Quá Hoành Sơn của Nguyễn Khuyến, Hoành Sơn xuân vọng của Nguyễn Thượng Hiền,... ) có lẽ bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được đánh giá là hay nhất, thành công nhất.
Chỉ bằng những nét phác hoạ có tính ước lệ mà rất có hồn, tác giả đã vẽ nên bức tranh về cảnh Đèo Ngang trong buổi chiều tà thật sống động. Nào là cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa, nào là hình ảnh vài chú tiều lom khom dưới núi, mấy nhà chợ lác đác bên sông,... Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Bà Huyện Thanh Quan tả Đèo Ngang trong buổi chiều tà. Liên hệ với một số sáng tác khác của bà, ta sẽ thấy bà rất hay nói tới khoảng thời gian này. Đó là bông tịch dương trong bài Thăng Long thành hoài cổ, đó là bóng hoàng hôn trong bài Chiều hôm nhớ nhà. Cái khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm ấy hình như thường gieo vào lòng người cảm giác buồn man mác, nhất là đối với một người phụ nữ đang trong hoàn cảnh xa nhà, dừng chân nơi đất khách quê người như Bà Huyện Thanh Quan.

Đặc biệt, trong bài thơ này, nhà thơ đã khéo léo mượn cảnh để tả tình, dùng nghệ thuật chơi chữ đồng âm (con quốc quốc - nhớ nước, cái gia gia - thương nhà) để gửi gắm nỗi niềm hoài cổ của mình. Tâm sự hoài cổ ấy đã thấm đẫm trong từng ý thơ và đọng lại ở hình ảnh kết thúc bài: Một mảnh tình riêng, ta với ta. Trong buổi chiều tà, người nữ sĩ ấy đối mặt với trời, non, nước chốn Đèo Ngang để rồi quay trở lại với chính lòng mình, lẻ loi, cô độc, không có người tri âm để giãi bày, tâm sự.

Về hình thức nghệ thuật, bài thơ được đánh giá là một tác phẩm đạt tới mức độ chuẩn mực của thơ Đường thất ngôn bát cú (chuẩn mực trong đề tài, bố cục, trong cách dùng từ ngữ, hình ảnh ước lệ), tạo nên vẻ đài các, trang nhã. Bên cạnh đó, nhà thơ đã chủ động khai thác sự phong phú đặc sắc của ngôn ngữ tiếng Việt qua hệ thống các từ láy tượng hình, tượng thanh, cách chơi chữ đồng âm,...

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây