Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận về bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến

Thứ ba - 17/09/2019 10:28
Bài thơ luật Đường thất ngôn bát cú này có điều gì đặc sắc? Trước hết, nó như là những câu nói tự nhiên buột ra khi gặp bạn tới nhà. Những câu nói quen thuộc thông thường mà bất kì một người chủ nhà nào ở làng quê cũng có thể nói với bạn mình khi đến chơi. “Đã bấy lâu nay, bác tới nhà” giản dị như lời chào khi gặp nhau. Cụ Nguyễn Khuyến hình như không phải nghĩ ngợi xem phá đề, thừa đề thì nói gì, viết gì. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, cứ nôm na nói ra mà lại thành thơ, như là “xuất khẩu thành chương” vậy.
Nhà thơ gọi bạn là bác, một cách gọi vừa nể trọng vừa thân mật tao nhã (ta nhớ đến Dương Khuê một người bạn thân thiết của thơ. Khi ông mất, mở đầu bài thơ khóc bạn, Nguyễn Khuyến cũng viết “Bác Dương thôi đã thôi rồi”). Một người bạn quý đến chơi, mà rõ ràng người bạn này ít đến chơi vì “đã bấy lâu nay”. Có thể là bận việc, mà cũng có thể là do xa xôi cách trở đò giang. Chúng tôi cứ ngỡ rằng bạn của nhà thơ phải khác làng, khác tổng, chứ nếu bạn láng giềng thì bận mấy cũng vẫn có thể đến chơi chốc lát thường xuyên. Vả lại, nếu bạn ở gần hẳn không phải lo ngay đến cái chuyện “ăn uống”, đem nó ra nói ngay với bạn sau lời chào hỏi mừng rỡ. Vậy là, một người bạn thân, một người bạn ít khi đến thăm nhau được, một người bạn vượt đường sá xa xôi đã đến thăm/ Quý vô cùng. Nhưng éo le thay, những người có thể giúp đỡ việc bếp núc thì đều không có ở nhà để sai bảo nhờ mượn. Chợ búa thì cũng xa, không thể “ù” một loáng ra mua đồ ăn thức nhắm. Vậy nên cuộc gặp gỡ hiếm hoi này không thể làm cho đàng hoàng được theo ý chủ nhân. Đành phải tiếp bạn chỉ bằng những thứ “cây nhà lá vườn”.

Không đi chợ được thì dùng những thực phẩm tự nuôi trồng. Cá và gà cũng không phải là loại thức ăn xoàng “cơm gà cá gỏi” vẫn là món sang. Than ôi lại rủi thay:

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Làm sao mà bắt cá được khi chẳng những ao sâu còn thêm nước cả! Không có cá thì gà. Nhưng vườn rộng đã khó đuổi, lại còn thêm rào thưa. Thành ra món gà cũng đành chịu. Không có thực phẩm chủ lực thì “rau dưa” vậy. Lại cũng không may nốt:

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Về hai câu thơ này nhà thơ Xuân Diệu cảm thụ và bình luận thật tinh tế: “Hai câu 5 và 6 cùng nằm trong mạch văn “xin bạn thông cảm ấy” nhưng tách nó đứng riêng ra (...) bỗng nhiên nó vượt phạm vi một mâm cơm mà có một thi vị bao trùm như thơ Pastorale (thơ đồng áng) nổi tiếng ngày xưa của văn học thế giới, đó là cái hồn xanh của vườn tược: các thứ rau, đậu, quả... mới nhú, vừa nụ, rụng rốn, đang hoa... tất nhiên có đất xới, có hơi ẩm, có ánh nắng, có hương bay, có kiến leo, có ong đến.

Vẻ độc đáo của những câu thơ phần thực và phần luận này là ở chỗ nào? Chính là ở chỗ: nhà thơ nói có đủ thứ để tiếp đãi bạn nhưng lại là không có một cái gì cả.

Có cá nhưng không bắt được cá, thành ra không có.
Có gà nhưng không đuổi được gà, thành ra không có.

Có đủ các loại rau, nhưng còn chưa dùng được thành ra không có. Đây là cách nói hóm hỉnh, cách nói “sang” chứ không có ý than, nghèo hay kể túng. Nghĩa là chủ nhân có đủ mọi thứ và sẵn sàng hào phóng đãi bạn, nhưng hiềm vì các “lí do” hết sức chính đáng nên không thực hiện được ý định.

Câu thơ tiếp theo:

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Anh bạn đồng hương Hà Nam Ninh của chúng tôi bảo rằng đây không phải là “không có trầu” mà phải hiểu rằng mọi thứ đều không có, riêng “trầu không” thì có. Tức là phải ngắt nhịp câu thơ khác đi: trầu không - có. Nghĩa là cái để tiếp khách duy nhất chỉ có “trầu không”. Trầu không có thể hiểu là danh từ chỉ trầu mà cũng còn có thể hiểu chữ “không” có độc một món trầu. Toàn bộ lời thơ có thể diễn nôm ra là: mọi thứ để tiếp bác đều có cả nhưng không lấy được, không dùng được, duy chỉ có thứ trầu suông, xin bác dùng tạm rồi ta hàn huyên trò chuyện. Anh bạn lập luận: Nếu không hiểu là không có trầu, tức là cái tối thiểu nhất mà cũng không có thì chẳng hoá ra nhà thơ quá nghèo túng, và như vậy sẽ “lộ” ra cái sự nghèo, và những lí do rất hợp lí ở trên bỗng nhiên thành ra không đáng tin nữa!

Vùng quê Hà Nam Ninh có nhiều nơi gọi trầu là trầu không. Cách hiểu của anh bạn rõ ràng khá sáng tạo bất ngờ nên lí thú. Song chúng tôi vẫn thiên về ý cho rằng câu thơ nói “không có trầu” và hiểu như vậy mới đúng với tinh thần của cả bài thơ. Thứ nhất, tất cả tên các thứ cây trong bài đều dùng từ đơn để gọi: cải, cà, bầu, mướp, trầu. Mặt khác câu thơ trên đều trình bày theo một góc độ: có đấy mà không có đâu. Vì sao có mà không đều nêu ra các lí do hợp lí . Riêng câu thơ này trình bày khác hẳn: trầu không có. Không hề giải thích vì sao không có. Một cách trình bày có dụng ý. Té ra, những chuyện trên chỉ là nói cho sang, cho vui vậy thôi. Trầu không, thứ rẻ tiền nhất phổ thông nhất “Ba đồng một mớ trầu cay”, ấy vậy mà còn không có thì làm sao mà tin được rằng sẽ có đủ các thứ cao sang nói ở hai câu 3 và 4. Cái cười ý vị bật ra từ chỗ đó.

Thứ hai, như đã nói, người bạn đến chơi là một người bạn thân thiết, người “đồng thanh đồng khí” chứ có phải ai xa lạ đâu mà nhà thơ phải giấu cái nghèo đi. Có phải nhà thơ nghèo đến mức không có trầu ngay cả khi tiếp bạn hiền hay không? Đôi người căn cứ vào câu đối khóc vợ “nhà chỉn cũng nghèo thay...” câu thơ trong bài Chốn quê: “Sớm trưa dưa muối cho qua bữa - Chợ búa trầu chè chẳng dám mua”, và bài thơ nhận phần thịt cho của một người tốt bụng rồi “ôm mặt khóc” suy ra nhà thơ rất nghèo túng và cho rằng nhà thơ nói thật cảnh nghèo với bạn. Theo chúng tôi cái cách xem xét “kinh tế học” như vậy làm nghèo nàn sự cảm nhận văn chương đi nhiều lắm.

Thứ ba, cả mạch văn trình bày sự không có một tí gì về vật chất, ngay cả miếng trầu là thứ đơn giản nhất, ti thiểu nhất cũng không có chính là để chuẩn bị cho câu kết:

Bác đến chơi đây, ta với ta

Đâu cần gì phải có cá, gà hay rau dưa, trầu nước mới là vui, mới là sang, mới tỏ được thịnh tình và lòng mến khách của chủ nhà? Cao hơn cả mọi thứ vật chất, cao hơn cả mọi thứ nghi thức, chỉ nhìn thấy nhau là đủ sung sướng vui mừng. Nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét chính xác: “Cái ý của tác giả rất rõ: tình bạn tự nó đã là một bữa tiệc của tinh thần, cũng như Nguyễn Trãi đã, nói với bạn mình năm trăm năm trước: hai bữa mừng nhau một mặt không, vui sướng nhìn nhau cũng đủ no rồi”.

Chúng ta hãy dừng lại một chút để thưởng thức vẻ đẹp cách viết câu thơ kết: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Quả thật nếu nhà thơ viết “ta với nhau” thì sẽ giảm thú vị đi rất nhiều, ấy chưa kể đến việc bị lạc vần. Chữ “ta” là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, số nhiều trong tiếng Việt. Nhưng tiếng ta vốn không chặt chẽ về phạm trù “giống và số” như các nước châu Âu. Trong ca dao, trong thơ, “ta” được dùng khá linh hoạt. Khi thì chỉ ngôi thứ nhất số ít:

Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.

Khi thì chỉ ngôi thứ nhất số nhiều:

Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Nhưng có lẽ, hình như chữ “ta” thiên chỉ về ngôi thứ nhất số ít chăng, nên một số trường hợp để nhấn mạnh và cụ thể hoá số nhiều người ta nói thêm: hai ta, đôi ta, ba ta, chúng ta, Nguyễn Khuyến đã từng viết “ta” với cả hai ý nghĩa trên. “Ta” ngôi thứ nhất số ít:

- Đương say ta chẳng biết là hoa
(Tạ ơn người cho hoa)
- Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta
(Khóc Dương Khuê)
- Bóng người ta nghĩ bóng ta
Bóng ta ta nghĩ hoá ra bóng người.
(Bóng đè cô đầu)
“ta” ngôi thứ nhất số nhiều:
- Đôi lứa như ta được mấy người:
(Gửi bác Châu Cầu)
- Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.

(Nước lụt Hà Nam) Đặc sắc của việc viết “ta với ta” trong bài thơ này ở chỗ do tính mềm dẻo, uyển chuyển của đại từ này nên nó chỉ nhiều đấy nhưng lại là ít đấy, hai đấy nhưng lại là một đấy. Thêm, nữa ở đầu bài đã nhắc “trẻ thời đi vắng” chỉ có mình tác giả ở nhà. Một mình dễ cô đơn lẻ loi, may được bạn tới thăm thì thật là vui. Ta với ta, hai chữ ta tượng hình lên như hai người bạn sóng đôi, đối diện nhau qua chữ “với” khăng khít và hoà hợp tưởng như không tách ra được. Nếu có ai hiểu rằng ở đây ta chỉ ngôi thứ nhất số ít cũng không phải là không có cơ sở. Vì thật ra, có hai người: bạn và nhà thơ, nhưng hai người ấy, với tình cảm cao thượng và thanh khiết như vậy thì “hai” cũng là “một” đấy thôi!

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây