Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận về đoạn Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc - Đặng Trần Côn).

Thứ ba - 17/09/2019 10:20
Bài làm 1
Chinh phụ ngâm khúc là một tác phẩm chữ Hán nổi tiếng của Đặng Trần Côn, được sống tác vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII, sau đó được dịch sang chữ Nôm và được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học trung đại Việt Nam. Chinh phụ ngâm khúc có nhiều bản dịch chữ Nôm nhưng tiêu biểu nhất là bản dịch của Đoàn Thị Điểm (?). Mượn khúc ngâm của người vợ có chồng ra trận, tác giả đã phản ánh được bi kịch tinh thần của con người trong chiến tranh, nhất là người phụ nữ. Qua đó làm nổi bật sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến Việt Nam khi đã ở giai đoạn suy tàn. Tâm sự của người chinh phụ cũng chính là lời tố cáo đanh thép chế độ xã hội đương thời loạn lạc và đau thương. Đây chính là sự kết hợp hài hoà giữa giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Chinh phụ ngâm khúc.
Về hình thức, thể loại ngâm khúc ở đây được sáng tác theo thể song thất lục bát, là một sáng tạo độc đáo của người Việt. Hình thức đặc biệt này đã giúp cho tác phẩm có khả năng diễn tả những tâm trạng sầu bi dằng dặc, triền miên của con người và cũng chính là của thời đại. Đọc tác phẩm, ta có cảm giác như đang được nhìn thấy những đợt sóng cảm xúc ào ạt, khi lên khi xuống, khi nhanh khi chậm, vừa có độ lắng, vừa có sự lan toả, liên tiếp nối nhau tưởng chừng không bao giờ dứt.

Đoạn trích diễn tả nỗi sầu bi của người vợ sau khi tiễn chồng ra trận. Có thể coi đây là một trong những đoạn hay nhất thể hiện chủ đề tác phẩm cũng như tiêu biểu nhất về nghệ thuật của một khúc ngâm nói chung và của tốc phẩm nói riêng, về nghệ thuật, phải kể tới sự điêu luyện của nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ vừa có tính gợi hình, vừa giàu khả năng biểu cảm (cõi xa mưa gió, buồng cũ chiếu chăn, mây biếc, núi xanh,...). Các cặp hình ảnh đối nhau cũng được sắp xếp rất linh hoạt: đối trong từng câu (Tuôn màu mây biếc/ trải ngàn núi xanh), đối giữa hai câu (chàng còn ngoảnh lại/ thiếp hãy trông sang), ở cuối đoạn thơ xuất hiện điệp ngữ liên hoàn (từ ngữ cuối dòng trên được lặp lại ở đầu dòng dưới).

Đặc biệt, trong đoạn trích này, nhà thơ đã sử dụng thành công nghệ thuật vịnh cảnh ngụ tình (tả cảnh để bộc lộ tâm trạng nhân vật). Tất cả góp phần diễn tả tâm trạng của người vợ sau lúc tiễn chồng ra trận. Đó là nỗi buồn li biệt, là sự trống trải cô đơn, là mối sầu thương khắc khoải. Nỗi sầu này có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, đồng thời thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ.

Bài làm 2
Bài thơ có ba khổ. Mỗi khổ cổ 4 dòng: dòng 1 và 2 đều 7 tiếng; dòng 3 có 6 tiếng và dòng 4 có 8 tiếng.

Như vậy song thất là 2 dòng đều 7 tiếng; lục bát có dòng trên 6, dòng cuối 8 tiếng.
Cách hợp vần (qua khổ cuối):

Chữ cuối câu 7 trên (thay) vần với chữ thứ 5 câu 7 dưới (mấy). Chúng đều vần trắc.

Chữ cuối câu 7 dưới (dâu) vần với chữ cuối câu 6 dưới (màu). Chúng đều vần bằng.

Cách nói tương phản đối nghĩa: Chàng thì đi... / Thiếp thì về...: thực trạng chia li đã diễn ra trong hai cảnh đối lập nhau: chàng: cõi xa mưa gió / thiếp: buồng cũ chiếu chăn. Sự cách ngăn ấy thật khắc nghiệt khiến cho nỗi sầu chia li bao phủ cả không gian cảnh vật: tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh. Câu thơ như trải dài ra, cùng với hình ảnh mây biếc, núi xanh gợi lên cái độ mênh mông, cái tầm vũ trụ của nỗi sậu chia li đó.

Nỗi sầu đó được tô đậm thêm trong khổ hai: Tiếp tục dùng cách nói tương phản, đối nghĩa: Chàng còn ngoảnh lại / Thiếp hãy trông sang cùng với hình thức điệp từ và đảo vị trí của hai địa danh Hàm Dương, Tiêu Tương (chú ý: Chốn Hàm Dương thành cây Hàm Dương, bến Tiêu Tương để tiếp tục diễn tả nỗi sầu chia li trong độ tăng trưởng (ở khổ trên, mới nói đến sự cách ngăn, ở khổ thơ này, sự cách ngăn đã là mấy trùng).

Nỗi sầu đó được tiếp tục nâng cao trong khổ cuối:

Vẫn tiếp tục cách nói đối nghĩa, điệp từ, điệp ý nhưng âm điệu câu thơ ở đây như day dứt hơn khi nỗi sầu chia li đã được dâng lên đến cực độ: Cùng trông lại/ cùng chẳng thấy, chỉ còn một màu xanh mênh mông của ngàn dâu xanh xanh đã chuyển thành xanh ngắt như đọng lai trong nỗi sầu của người chinh phụ. Chữ sầu trong câu thơ cuối đã trở thành khối sầu, núi sầu của cả đoạn thơ mà dư vị, vang của nó vẫn còn lan tỏa mãi không thôi...

Cần lưu ý kiểu điệp từ ở khổ cuối. Nó tiêu biểu cho sự phong phú, đa dạng của điệp từ trong Chinh phụ ngâm khúc.

Lặp trong một câu:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, (tiếng 1 và 5)
Lòng Chàng ý Thiếp ai sầu hơn ai? (tiếng 5 và 7)

Đặc biệt là lặp giữa các câu:

Chữ “thấy” cuối câu 1 lặp chữ đầu câu 2.

Hai chữ “ngàn dâu” cuối câu 2 lặp hai chữ đầu câu 3 người ta thường nói đây là kiểu lặp tiếp nối cho thấy tâm trạng sầu chia li cứ dằn dặc, liên tục không thể nguôi quên được. Vì thế mỗi lúc một đau đớn, héo hon.

Có thể thấy thêm ở từ xanh xanh câu 2 ở vị trí tiếng 2, 3 lặp với từ xanh ngắt ở câu 3 vị trí tiếng 3, 4 của câu thơ 6 tiếng.

Các vị trí lặp rất đa dạng cho thấy tâm trạng đau buồn cũng rất phức tạp. Những nỗi sầu muộn này đã giày vò người chinh phụ từ nhiều phía. Ở bất cứ thời gian nào, nhìn bất cứ sự vật nào lòng người cũng tái tê, rớm lệ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây