Xuất phát từ những cái đã có, đã biết, người Mường muốn tìm hiểu và lí giải ngọn nguồn của vũ trụ, trời đất, cỏ cây, thiên nhiên và cuộc sống xã hội của con người.
Theo quan niệm của người xưa, vũ trụ được hình thành thật đơn giản:
“Ngày xưa sinh trời trước
Dưới đất chưa có đất
Trên trời chưa cỏ trời
Trên trời chưa có ngôi sao xanh đỏ
Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh
Đất còn nên pạc lạc
Nước còn nên pời lời
Trên trời còn nên puổng luổng”...
Vũ trụ còn trống không, mông lung, mịt mùng. Đất chưa có đất, nước chưa thành nước... Tất cả là một cõi hỗn mang, mịt mù, lộn xộn. Các điệp ngữ “chưa có”, “chưa nên” lặp đi lặp lại trong suốt đoạn trích chính là để tô đậm thêm tính chất hỗn độn chưa hình thành ấy. Trong cõi hỗn mang này, cái gì cũng chưa có. Sông thì chưa có sông, mó thì chưa có mó, chưa có nước trong sông, trong mó. Chưa có đồi núi, chưa có các loài cây, chưa có muông thú. Cuộc sống và xã hội loài người cũng chưa có bởi vì chưa có con người.
Cách giải thích của người xưa thật đơn giản nhưng cũng thật biện chứng. Họ nhận thấy rõ sự vận động và ràng buộc lẫn nhau của các sự vật trong trời đất, thiên nhiên, cuộc đời con người. Mọi cái đều là tiền đề, là nguyên nhân và là kết quả của nhau: chưa có nước nên chưa có sông, có mó, các loài cây “muốn dậy” nhưng chưa có những điều kiện cần thiết để dậy, để thành cây, các loài vật, các sự vật, đồ vật cũng chưa có, vì chưa có đủ điều kiện cho sự hình thành. Những điều kiện cần cho việc hình thành muôn loài, muôn sự được nêu trong sử thi đều là những đặc điểm nổi bật của giống loài hay của loại sự vật ấy:
“Dây sắn muốn dậy néo vò
Nhưng chưa nên néo vò
... Trống gà, trống công, trống khôn muốn dậy nhưng chưa có mào
...Cá chuối, cả gáy muốn dậy nhưng chưa có mang, có váy
Con nhà, con người muốn dậy nhưng chưa có mặt mũi”.
Tất cả mọi vật, mọi loài đều chưa xuất hiện, chính là vì chưa hoàn chỉnh, chưa có tiền đề và chưa có đủ hệ thống:
“... Trâu muốn dậy nhưng chưa có bò
... Khiêng cơm muốn dậy nhưng chưa có khiêng rượu”...
Chỉ cần có đủ điều kiện, đủ tiền đề, đủ hệ thống thì lập tức tất cả sẽ trỗi dậy, sẽ tạo thành vũ trụ, thành muôn loài, thành thiên nhiên, cỏ cây, thành con người và xã hội.
Sự hình thành thế giới theo quan niệm của người xưa thật đơn giản nhưng cũng thật lô-gíc. Cõi hỗn mang dù hỗn độn, mù mịt vẫn nuôi trong mình mầm mống của sự sống, của vũ trụ. Và trong trời đất, mọi vật đều có mối quan hệ, liên lạc ràng buộc lẫn nhau để cùng hình thành và phát triển.
Đoạn trích “Đẻ đất đẻ nước” cho ta thấy cách lí giải hồn nhiên và giàu hình tượng, giàu cảm xúc của người Mường cổ xưa về thiên nhiên, vũ trụ. Có thể nói, đó là một bài thơ về cỏi hỗn mang, bài thơ về nguồn gốc của thiên nhiên tạo vật.
Bí quyết để làm nên sự hấp dẫn của bài thơ ấy là các tác giả dân gian đã khai thác mối quan hệ biện chứng giữa các sự vật, hiện tượng. Dân gian đã khéo léo xoá nhoà ranh giới giữa trời và đất, giữa vật nọ với vật kia, trong một quan hệ đồng nhất kì lạ.
Qua “bài thơ triết lí này”, chúng ta nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của người Mường cổ xưa một cách nhìn hồn nhiên với tâm hồn trong sáng, trí tưởng tượng phóng túng và giàu biện chứng.