Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phát biểu cảm nghĩ về cây tre

Thứ ba - 03/03/2020 08:09
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...”
(Nguyễn Duy - Tre Việt Nam)
Từ nghìn đời nay, cùng với hình ảnh cây đa giếng nước sân đình cổ kính, thân quen của làng quê Việt Nam thì hình ảnh thân thương bình dị của những khóm tre làng cũng đã khắc sâu vào tâm hồn mỗi người con đất Việt. Dường như trong tâm thức người Việt, tre chiếm một vị trí thật quan trọng. Tre là biểu tượng vô cùng cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tự bao giờ, cây tre đã có mặt ở khắp các nẻo đường quê bé nhỏ, đã gắn bó thủy chung với dân tộc Việt Nam kiên cường bất khuất. Có lẽ đã tự nghìn đời nay, tre vẫn ở đây, vẫn âu yếm dịu dàng ôm ấp làng quê, vẫn từng ngày nhẹ nhàng truyền cho mỗi người dân bao tình cảm gẫn gũi, ấm áp mà vô cùng thiêng liêng. Dáng tre cao, bé nhỏ, vươn thẳng lên bầu trời xanh. Phải chăng chính cái dáng gầy nhỏ nhắn vươn cao ấy của tre đã tượng trưng cho đức tính ngay thẳng, trung thực, chất phác của người Việt Nam ta? Những cành tre nhỏ xinh, yếu ớt, những chiếc lá kim nhọn xanh tươi, mỏng manh đã cùng thân tre âm thầm lặng lẽ vươn lên, vượt qua tất cả để rồi kiên cường sống với ý chí mãnh liệt và lòng kiên nhẫn đáng quý? Tre khiêm nhường mà dịu dàng mang trên mình bộ áo xanh mộc mạc, giản dị. Tre kiên cường sống nhờ đất mẹ, bám rễ ăn sâu vào lòng đất mẹ. Hình như, ẩn giấu dưới sự mỏng manh, dẻo dai là đức tính kiên cường bất khuất của tre - của con người Việt Nam. Trước bao phong ba bão táp, tre vẫn hiên ngang, cứng cáp, bền bỉ, không chịu khuất phục để trường tồn và phát triển, để tiếp bước truyền thống “Tre già măng mọc” của cha ông. Trước phong ba bão táp, tre vẫn vươn cao mình, đứng thẳng, đoàn kết thành lũy, thành rừng chở che, bao bọc từng mái nhà ngõ xóm...

Cây tre xanh mộc mạc đã vô cùng gần gũi, thân thiết với làng quê và dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Khi có giặc ngoại xâm, gậy tre, chông tre, rừng tre đã tạo nên thành lũy cùng nhân dân giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,... Trong hòa bình, tre vẫn thủy chung giúp người dựng nhà, dựng cửa,... Chúng ta, từ lúc sinh ra đã gắn bó với tre, đã được nằm trên chiếc nôi tre êm ái để chìm vào giấc ngủ trong tiếng ầu ơ của mẹ. Lớn thêm một chút, trẻ nhỏ có những niềm vui bình dị là những đồ chơi bằng tre. Hồi tuổi thơ, ai chưa từng nghe khúc nhạc đồng quê - khúc nhạc tre - vi vu trong gió? Ai chưa từng một lần ngồi dưới gốc tre xanh? Đến tuổi dựng vợ gả chồng, tre làm bàn, làm ghế cho những căn nhà “hạnh phúc”. Tuổi già có võng tre, điếu cày tre làm bạn. Và khi nhắm mắt xuôi tay, tre lại thủy chung đưa ta đến giấc ngủ vĩnh hằng...

Yêu và nhớ biết bao những ngày ấu thơ xưa, được vui đùa thỏa thích bên những khóm tre làng rợp mát. Nhớ những khi nắm tay nhau thành vòng tròn, vừa hát vừa chạy quanh khóm tre. Nhớ những khi thả diều trên đê, tiếng sáo diều vi vút hòa với tiếng vi vu của tre tạo nên một bản nhạc êm đềm, say đắm.
Có thể bây giờ, làng quê Việt Nam đã vắng đi nhiều bóng tre xanh giản dị, nhưng có lẽ trong tôi, tre mãi còn đó, mãi là người bạn thân thiết, thủy chung của dân tộc. Mỗi khi phải xa quê, xa đất nước Việt Nam yêu dấu thì hình ảnh lũy tre làng thân yêu sẽ mãi gợi ta nhớ đến một làng quê Việt Nam mộc mạc, một dân tộc Việt Nam giản dị mà vô cùng chí khí.

Lê Huyền Trang (Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây