Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Kể câu chuyện dựa vào bài thơ: Sáo mượn lông công của La Phông-ten

Thứ hai - 02/03/2020 07:46
SÁO MƯỢN LÔNG CÔNG
Công thay lông. Sáo ta liền nhặt
Mượn lông kia. Sáo khoác vào mình
Nhập đàn công... lấy làm vinh
Nhởn nhơ khoe mẽ. mang hình mĩ nhân
Công có kẻ biết chân tướng Sáo
Cá đàn bèn nào nhạo, nào chê
Nào hầm, nào hứ, nào hè...
Vặt cho Sáo đến ê chề trụi lông
Tìm đồng loại. Sáo hòng lẫn trốn
Cũng bị xua, bị tống cổ đi
Hạng người như Sáo thiếu gì
Phong lưu bộ mặt, mượn khoe lốt người....
(Nguyễn Đình dịch)
Bài làm 1:
Ngày xửa, ngày xưa trong một khu rừng có đàn công đẹp tuyệt trần. Mỗi con trong đàn khoác lên mình một chiếc áo dệt bằng những sợi lông tuyệt vời nhất. Mọi loài vật trong rừng đều rất yêu quý bầy công xinh đẹp.

Mùa xuân đến, khu rừng mang sức sống mới, muôn vật sinh sôi, phát triển. Thời gian này, loài công cũng thay lông. Một con Sáo bay đi kiếm ăn, thấy đàn công thì dừng lại, đậu trên cây trầm trồ: “Ôi chao, thật tuyệt đẹp!’’. Trước mắt nó, đàn công đang múa những vũ điệu say đắm, làm xao động mọi tâm hồn. Chúng múa, còn những chiếc lông bị rụng bay lên không trung rồi nhẹ nhàng đáp xuống đất, một cơn mưa của những chiếc lông tuyệt đẹp. Mỗi cái lông công, theo làn gió xuân miên man thổi, bay đi một đoạn ngắn rồi đáp xuống đất. Con Sáo kia cứ ngỡ như mình đang mơ vậy. Nó chưa bao giờ thấy một cảnh nào đẹp như thế. Con Sáo ngắm mình và nghĩ thầm: “Thật là xấu hổ! Tại sao loài công lại có bộ cánh xinh đẹp thế còn Sáo thì quanh năm suốt tháng chỉ mặc một bộ áo đen đơn điệu? Thật là bất công”. Đợi cho bầy công đi hết. Sáo bay xuống, nó nhìn quanh và nhận thấy rằng, những chiếc lông công trên mật đất vẫn đẹp như mơ. Vậy thì tại sao lại bỏ phí chúng kia chứ? Nếu công không cần nữa thì quá tốt rồi! Trong óc nó chợt loé lên một ý tưởng hay nhất từ trước đến giờ. Nó vội vàng lấy càng nhiều lông công càng tốt và mang về. Nó đến nhà Nhện xin tơ và ở trong tổ suốt ba ngày, kết những chiếc lông công thành một chiếc áo lộng lẫy. Sáo choàng chiếc áo lông công ấy lên người, bước ra khỏi tổ. Toàn thân nó như lấp lánh hàng ngàn tia sáng rực rỡ lạ thường. Nó bước đi giữa những liếng xuýt xoa:

- Ôi, đẹp quá!... Ôi ước gì mình có bộ lông đẹp như vậy!... Ôi, bộ lông của cậu ấy giống lông của công quá!...

Sáo thấy mình hạnh phúc quá. Đúng là bỏ công cặm cụi kết áo! Nó soi mình xuống dòng sông rồi tự khen:

- Ôi, trên đời này liệu có con sáo nào đẹp và thông minh hơn mình không? Tất nhiên là không rồi. Bây giờ, giá trị bản thân mình đã sánh ngang với loài công cao quý! Vậy thì việc gì mà mình lại phải sống cùng những con sáo bẩn thỉu, xấu xí này cơ chứ!

Đúng lúc ấy, mấy bạn sáo của nó rù:

- Bạn có muốn cùng chúng mình đi kiếm mồi không? Ở cây quýt có nhiều sâu béo ngậy đấy!

Sáo ta lên giọng:

- Thôi, thôi đừng nói nữa, ta đau tai lắm. Ta thấy thương cho những con sáo đen sì như các ngươi. Từ nay trở đi, ta sẽ đến sống với bầy công cao quý. Có thế mới xứng với vẻ đẹp của ta chứ!

- Thật hách dịch... thật kiêu ngạo! – Cả đàn sáo bay đi, bỏ lại con Sáo kiêu ngạo ấy một mình.

Con Sáo khoác lông công bay đến chỗ bầy công đúng lúc công mở hội múa mừng mùa xuân. Nhờ bộ lông công và gặp lúc hội vui, đông đúc nên nó nhanh chóng hoà vào được với đàn công xinh đẹp. Lễ hội thật vui và náo nhiệt. Con Sáo cảm thấy đàn công mới chính là nơi nó thuộc về.

Đang lúc Sáo cùng bầy công nhảy múa tưng bừng thì bỗng một con công thét lên:

- Eo ơi, tại sao trong họ công nhà mình lại có kẻ đuôi đen gớm ghiếc thế kia! Cả đàn quay lại nhìn Sáo. Nó vội lấy bình tĩnh quát lại:
- Mang tiếng là công mà ngươi chả biết gì. Ta có cái đuôi đen nổi bật nhất đàn. Còn các ngươi nhìn lại mình xem, tất cả đều sặc sỡ giống nhau thì có gì mà đẹp.


Con công kia cũng không vừa, nó mắng lại:

Ngươi thật kiêu ngạo. Loài công chúng ta cao quý, thuần nhất chứ không lạc loài như ngươi... Mọi người ơi, chắc chắn đây là kẻ đội lốt rồi! Hãy tống cổ nó đi!

CẢ đàn công xông vào con sáo mắng nhiếc, có con giật cái áo lông công của nó. Sáo bị giằng co, tơi tả. Xấu hổ quá. Sáo lủi thủi trốn vào bụi cây. Cũng lúc ấy, nó ân hận, hiểu ra rằng mình chỉ có giá trị khi ở giữa đồng loại mà thôi. Nó bèn quay về cùng đàn sáo. Thế nhưng, đàn sáo cũng không chấp nhận kẻ đã chối bỏ nguồn gốc, đồng loại. Không con sáo nào chơi với nó nữa, nó sống trong nổi tủi nhục, ân hận.

Từ chuyện con sáo mà nghĩ đến những kẻ ở đời háo danh, sĩ diện, giả tạo.
Phạm Thuý Anh
(Trường THCS Trưng Vương)

Bài làm 2:
Sáo cùng bầy đàn đi du xuân, bay qua một khu rừng đúng dịp công thay lông. Sáo từ từ sà xuống, nhặt những chiếc lông công rụng và mang về tổ. Sáo tỉ mẩn kết những chiếc lông công ấy thành một chiếc áo lông công rực rỡ. Sáo khoác vào người rồi đứng trước gương, uốn éo. Ngắm mình, Sáo hài lòng, nghĩ rằng mình chẳng khác gì công. Nó tự nhủ: “Từ nay, mình không còn là một con sáo xấu xí nữa. Có chiếc áo này thì ai nhìn mình cũng phải kính nể cho mà xem”.

Nghĩ vậy, Sáo liền bay tới khu rừng đang mở hội. Chào mào bay qua, khen tấm áo của Sáo tuyệt đẹp. Rồi đến én, vàng anh,... con nào cũng tưởng Sáo là công. Thấy vậy, Sáo càng tự tin, nó nhập vào đàn công, cùng đàn công múa, đi dạo quanh rừng... Nhưng đội lốt công xinh đẹp, lộng lẫy chẳng được bao lâu thì Sáo bị phát hiện là kẻ giả dối, là Sáo đội lốt công. Cả đàn công nhiếc móc Sáo thậm tệ, có con còn túm lấy Sáo, vặt trụi cái áo lông công mà nó kì công khâu được... Cái áo lông công rụng đi, Sáo trở lại đúng dáng vẻ bé nhỏ, đen đủi của nó. Sáo xấu hổ, nhục nhã khóc. Nó chợt hiểu ra rằng: “Dù có khoác lên mình ngọc ngà châu báu hay bộ lông công rực rỡ thì thực chất nó vẫn chỉ là một con sáo mà thôi. Tốt nhất là nên sống đúng với bản chất của mình”. Sáo quyết định trở về với bầy đàn của mình. Thế nhưng, khi Sáo trở lại thì bầy sáo cũng không nhận kẻ phản bội đồng loại và giả dối. Thế là Sáo phải sống một cuộc đời cô đơn buồn tẻ.

Câu chuyện “Sáo mượn lông công” chính là bài học cho những kẻ sĩ diện, háo danh, không có tài nhưng lại thích phô trương.
Lê Kiều Anh
(Trường THCS Ngô Gia Tự)

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây