Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích tình huống truyện độc đáo trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.

Thứ bảy - 02/05/2020 13:08
DÀN Ý
- Hoàn cảnh sáng tác
+ Bối cảnh nạn đói:
* Không gian năm đói: Cái chết bao phủ cả bầu trời và mặt đất, cái chết hiện hình thành màu, thành mùi, thành từng tiếng thê lương.
* Con người năm đói: hiện lên qua từng gương mặt người, hình ảnh con người được so sánh với ma.
-> tái hiện nạn đói khủng khiếp năm 1945.
- Phân tích tình huống truyện:
+ Tình huống bất ngờ, vừa hài vừa bi:
* Tràng lấy được vợ, có vợ theo không về chỉ qua 4 bát bánh đúc và 1 câu hò về miếng ăn.           
* Hoàn cảnh "nhặt vợ”: -Tràng có vợ trong một nạn đói khủng khiếp, nhưng chỉ có lúc này Tràng mới lấy được vợ.
+ Tình huống éo le mà cấm động:
* Sau khi Tràng lấy vợ, cuộc sống của gia đình đó thay đổi tích cực:
+ Tràng: cảm nhận về một mái ấm gia đình.
+ Thị: xăm xắn quét dọn nhà cửa.
+ Bà cụ Tứ: vui vẻ khác ngày thường, nói toàn chuyện sung sướng về sau.
- Tác dụng của tình huống truyện: Bộc lộ tư tưởng chủ đề của truyện, góp phần làm sáng rõ tính cách nhân vật (như phần I) 

BÀI LÀM
Tình huống truyện là sự kết hợp, sắp xếp các sự việc, sự gặp gỡ giữa các nhân vật theo ý đồ của tác giả. Tình huống truyện có tác dụng góp phần thể hiện rõ đặc điểm tính cách từng nhân vật, làm sáng tỏ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Trong “Vợ nhặt”, tình huống truyện xoay quanh nhân vật Tràng và cô vợ của Tràng: tình huống nhặt vợ.

Kim Lân đã kéo người đọc vào cuộc sống thê thảm của người dân đồng bằng Bắc Bộ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu. Đó chính là hoàn cảnh diễn ra câu chuyện “Nhặt vợ” của Tràng. Không gian năm đói được miêu tả trên tầng cao với bầu trời đen sầm bóng quạ: "tiếng quạ trên mấy cây gạo cứ gào lên từng hồi thê thiết”, tầng thấp, bên đường, người ta thấy "ba bốn cái thây nằm còng queo”, không khí vẩn lên mùi tử khí. Nhà văn còn khắc họa chi tiết con người năm đói với hình ảnh những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình lũ lượt dắt díu nhau lên “xanh xám như những bóng ma” hay “bóng những người đói đi lại dật dờ như những bóng ma”... Không phải ngẫu nhiên mà tác giả hai lần ví con người như những bóng ma. Khi mà sự sống và cái chết đang nhập nhòa, khi mà trần gian mấp mé địa ngục thì con người chẳng khác gì thây ma và trần gian chẳng khác gì bãi tha ma khổng lồ. Cái đói, cái chết đã hiện hình thành màu, thành mùi, thành những tiếng thê lương. Xóm ngụ cư nơi hai mẹ con Tràng cư ngụ đang tối sầm lại vì đói khát, và đó là một cuộc sống đang đi dần về phía sự tàn lụi.

Trong khung cảnh đó, chuyện có vợ của Tràng trở thành một tình huống rất bất ngờ, vừa hài, vừa bi. Nhân vật chính: anh cu Tràng là một thanh niên nghèo, xấu xí "2 con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, cái đầu cạo trọc nhẵn. Đã thế anh lại là người ngớ ngẫn “có tật vừa đi vừa nói lảm nhảm, than thở” những điều hắn nghĩ. Khi bị bọn trẻ con trêu chọc, Tràng “ngửa mặt lên cười hềnh hệch”. Tràng chẳng khác gì nhân vật chàng ngốc trong các câu chuyện cổ tích. Đã thế, Tràng lại là dân ngụ cư - loại người bị coi khinh trong xã hội lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh bình thường chắc hẳn anh cu Tràng không thể lấy được vợ, vậy nên việc Tràng có vợ theo về  thực sự là điều bất ngờ cho tất cả mọi người, và cả cho Tràng nữa.

Thời buổi đói khát ấy lo nuôi thân còn không xong vậy mà Tràng lại dám lấy vợ, thậm chí “nhặt” được vợ mà không cần mai mối, đưa đám, tiền treo, tiền cưới. Đây quả là một tình thế bất ngờ với tất cả mọi người. Mọi người trong xóm bàn tán xôn xao. Chuyện có vợ của Tràng xảy ra như một chuyện đùa, không biết tên tuổi, gốc gác, không biết tính cách phẩm hạnh, chỉ gặp nhau giữa đường giữa chợ vậy mà nên đôi lứa. Đúng là Tràng đã nhặt được vợ chỉ với một câu hò về miếng ăn, chỉ bốn bát bánh đúc ấy là nên duyên vợ chồng. Tràng bán tín bán nghi trên cả con đường đi về: “việc ấy xảy ra thật hắn cũng không ngờ”, thậm chí nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, hắn vẫn còn ngờ ngợ. Đến tận sáng hôm sau khi hai người đã thành vợ thành chồng, hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Với bà cụ Tứ - mẹ Tràng, ngạc nhiên đến mức “đứng sững lại” khi thấy bỗng nhiên có một người đàn bà lạ đứng ở đầu giường con mình và chào mình bằng u. Hạnh phúc đến từ trong đói khát, cái mầm hạnh phúc được nảy nở từ chính nơi mấp mé địa ngục ấy.

Đó còn là tình huống truyện éo le mà cảm động. Theo truyền thống của dân tộc ta, việc lấy vợ lấy chồng là một trong những chuyện hệ trọng của đời người. Việc Tràng lấy vợ hay nói đúng hơn là nhặt vợ liệu có hấp tấp quá chăng? “Tỏ tình” qua vài ba câu tầm phào, đùa mà thật, chứ trong hoàn cảnh binh thường chắc gì thật mà có được vợ? Nhưng đằng sau cái hài ấy là một hiện thực rớt nước mắt. Cái đói đã đẩy người đàn bà xa lạ thành vợ Tràng. Cái đói đã tàn phá dáng vẻ thị: “quần áo rách như tổ đỉa”“trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Kim Lân chưa đến mức miêu tả con người bị tha hóa về nhân hình, nhân tính trước miếng ăn như Nam Cao nhưng cái đói rõ ràng đã làm xộc xệch cả ngoại hình lẫn tính cách của thị. Cái đói đã đẩy lùi nhân cách sĩ diện của thị khiến thị bám riết lấy Tràng. Cô theo Tràng không phải bằng những câu ca dao về tình yêu đôi lứa mà bằng một câu ca dao về miếng ăn: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Nghe thấy thế thị chạy lại đẩy xe cho Tràng, liếc mắt và cười tít rất tình tứ. Khi Tràng mời trầu, thị đã gợi ý sát sạt để được ăn “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Và thị đã sà xuống ăn thật, “thị cắm đầu ăn một chặp 4 bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì”. Rõ ràng cái đói khủng khiếp năm 1945 đã làm cho giá trị con người trở nên rẻ rúng, bèo bọt. Khái niệm người vợ trong tác phẩm được định nghĩa bằng ba cách khác nhau mà cách nào cũng thật thảm hại: Với xóm ngụ cư, thị này là “đèo bòng”, với bà cụ Tứ thì là “1 miệng ăn”, với Tràng thì là “món nợ đeo lưng”. Và như vậy, “hạnh phức đã trở thành một tai hoạ”, sau lấy nhau về họ sẽ sống như thế nào là một câu hỏi lớn khi mà cái chết đói luôn luôn đe dọa trên đầu. Người ta lấy vợ trong lúc gia đình ăn nên làm nổi, Tràng có vợ càng khiến cái đói cái chết cận kề hơn, điều đó làm bà cụ Tứ không thể giấu được những giọt nước mắt chua xót, tủi hờn. Kim Lân đã từng giải thích: “nhặt có nghĩa là nhặt nhạnh, nhặt một cách vu vơ... Trong hoàn cảnh đói khát lúc bấy giờ, người ta có thể có vợ theo về chỉ nhờ có 4 bát bánh đúc. Cái giá của con người thật rẻ rúng biết bao”.

Tình huống nhặt vợ trở thành tình huống éo le mà cảm động. Cái đói đã đẩy người đàn bà xa lạ đến với Tràng. Việc thị thẹn thùng đi bên cạnh Tràng đã khiến cái xóm ngụ cư đang tối sầm lại vì đói khát bỗng tươi vui trong chốc lát. Còn Tràng, anh vui sướng đến ngỡ ngàng vì có vợ. Không phải ngẫu nhiên mà chi tiết về nụ cười cứ trở đi trở lại trên gương mặt Tràng. Hắn luôn tủm tỉm cười nụ một mình: “Một cái gì mới mẻ, lạ lắm... nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt”. Dẫu có lúc Tràng gợn lên nỗi lo: “thóc gạo này đến cái thân mình chẳng biết có nuôi nỗi không lại còn đèo bòng” thì diễn biến tâm lý của nhân vật này chủ yếu là hạnh phúc. Hạnh phúc khơi gợi ý thức trách nhiệm với gia đình, với những người thân yêu nơi con người Tràng: “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ”. Hạnh phúc đã đánh thức và thực sự hồi sinh trong tâm hồn con người nghèo khổ ấy.

Với người vợ nhặt: Thị rõ ràng như người chết đuối vớ được cọc khi gặp được Tràng. Trước, thị là người đàn bà chao chát chỏng lỏn, bám vào Tràng để có miếng ăn nên khi nhìn thấy túp lều dúm dó của mẹ con Tràng, cái ngực gầy lép của thị nhô hẳn lên nén một tiếng thở dài. Nhưng sự đối đãi của Tràng và bà cụ Tứ đã mang đến sự đổi thay rất lớn trong tâm hồn, tính cách, cuộc đời người đàn bà. Bây giờ thị lễ phép chào hỏi, hiền thục, đúng mực, đảm đang, chu tất: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đứng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. Hạnh phúc đã có sức mạnh hồi sinh bản năng nữ tính nơi người đàn bà đã bị cái đói làm cho chai lì.

Bà cụ Tứ thì vừa mừng cho con mà cũng vừa tủi cho con, mừng cho dâu mà cũng tủi cho mình. Bà cụ mừng cho con có vợ nhưng lại lo cho cuộc sống trong những ngày sắp tới. Đó là tấm lòng của một người mẹ, lo lắng cho con mà bất lực không biết phải làm gì. Nhưng vào buổi sáng hôm sau, niềm vui lại ngời lên trên gương mặt bà cụ. Suốt bữa ăn, bà toàn nói những chuyện vui, những chuyện sung sướng về sau. Niềm vui, niềm hạnh phúc đã thực sự chiến thắng cái đói, cái nghèo, cái chết chóc.

Qua câu chuyên có vợ của Tràng, Kim Lân đã phản ánh cuộc sống thê thảm của người dân lao động trước cách mạng khi số phận con người nằm trên ranh giới của sự sống và cái chết, con người ngang hàng con vật, thân phận rẻ rúng vô cùng. Từ đó nhà văn đã gián tiếp lên án, tố cáo chính sách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Điều đặc biệt là trong hoàn cảnh đó, Kim Lân đã phát hiện nét đẹp tâm hồn của người lao động: đó là khát vọng sống mãnh liệt, luôn khát khao hạnh phúc, luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà văn đã chỉ rõ: những xộc xệch về nhân hình, nhân tính của người nông dân là do hoàn cảnh sống chi phối chứ không phải bản tính cố hữu của họ. Câu chuyện mở ra vào thời điểm chiều tối nhưng kết thúc tươi sáng bằng hình ảnh lá cờ của Việt Minh, thể hiện khát vọng đổi đời và niềm tin của người lao động.

Qua tình huống truyện bất ngờ mà cảm động này, chúng ta thấy được biệt tài miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của Kim Lân, qua đó góp phần thể hiện chủ để của tác phẩm: đó là tình người bất diệt cho dù hoàn cảnh sống có ngột ngạt đến mức nào.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây