Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Thứ năm - 30/04/2020 10:43
- Hoàn cảnh sáng tác
- Khái quát về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo
- Phân tích:
* Giá trị hiện thực:
Cuộc đời của A Phủ và Mị: Nạn nhân của cái nghèo, của món nợ truyền kiếp.
+ Mị phải chịu cảnh làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lý Pá Tra, bị đày ải về thể xác và tê liệt cả tinh thần.
+ A Phủ từ thân phận tự do trở thành đầy tớ gạt nợ cho nhà thống lý, làm việc quần quật quanh năm suốt tháng nhưng cuối cùng bị trói đứng vào cột đợi chết vì để hổ bắt mất bò.
-> Cuộc sống tăm tối của người dân lao động miền núi trước cách mạng tháng Tám, tố cáo chế độ cường quyền và thần quyền chà đạp lên cuộc sổng con người.
* Giá trị nhân đạo:
- Cảm thông cho số phận của Mị và A Phủ.
- Phát hiện vẻ đẹp tâm hồn ở hai nhân vật này, họ (đặc biệt là Mị) có sức sống  tiềm tàng, khát vọng sống mãnh liệt.
- Mở ra hướng giải thoát cho con người: chạy trốn khỏi nhà thống lý, theo cách mạng.        
-> Bài ca về tự do của những người dân lao động.
-> Tô Hoài là nhà vấn nhân đạo chủ nghĩa
 
BÀI LÀM
Một tác phẩm có giá trị là thông qua việc phơi bày chân thực về cuộc sống, số phận của con người, tác phẩm đó lên án, tố cáo các thế lực chà đạp lên quyền sống của con người, đồng cảm với ước mơ, khát vọng chính đáng của con người, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của con người và, mở ra hướng giải quyết cho con người thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Những tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc thể hiện góc nhìn tinh tế và nhạy bén, cũng như tấm lòng của nhà văn hướng về con người và cuộc đời.

Thông qua cuộc đời, số phận của Mị và A Phủ, cuộc sống của con người miền núi hiện lên thê thảm, nhưng điều đáng quý trong họ là dù có lúc bị bóc lột, chà đạp thì lòng yêu đời và khát vọng sống vẫn âm ĩ sục sôi, chỉ chờ cơ hội là bùng phát mãnh liệt. 

Bức tranh hiện thực trong “Vợ chồng A Phủ” trước hết là bức tranh về cuộc đời tăm tối của người nông dân miền núi khi cách mạng chưa giải phóng. A Phủ và Mị hiện lên thân phận những con người đầy tủi nhục. Họ đều là nạn nhân bi thảm của cái nghèo truyền kiếp, của những món nợ truyền kiếp.

Với Mị, từ đời cha mẹ đã không có bạc để cưới nhau, phải đi vay nặng, lãi nhà thống lý Pá Tra mới có thể cưới nhau được. Món nợ ấy theo suốt cuộc  đời cha mẹ Mị và mỗi năm cũng chỉ trả được phần lãi là một nương ngô. Mẹ Mị chết, món nợ vẫn còn đó. Mặc dù không muốn, Mị vẫn bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra. Mị trở thành nạn nhân của món nợ truyền kiếp ấy. Cả cuộc đời Mị chỉ là sống để trả cho xong món nợ kia.

Còn với A Phủ, số phận cũng có hơn gì. Vì nghèo đói, cả gia đình A Phủ đã chết trong một nạn dịch. Cũng vì cuộc sống nghèo khổ mà A Phủ mới bị người ta bắt đem bán cho một người Thái ở bản dưới. Trốn về những bản vùng cao, mới 10 tuổi, A Phủ đã phải đi ở làm thuê để kiếm sống. Ngoài cái vòng vía đeo trên cổ, A Phủ không có bạc, không có ruộng. Cho nên mặc dù con gái trong làng vẫn nói: “Đứa nào có được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”, vì A Phủ rất giỏi bẫy hổ, săn bò tót mà A Phủ bị buộc phải làm người ở gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Ta thấy như A Phủ đã bị buộc phải điểm chỉ bằng cả bàn tay của mình vào bức văn tự bán chính cuộc đời của mình, sự sống của mình, hơn thế nữa, còn bán cả cuộc sống của những kiếp con, kiếp cháu mình cho bọn nhà giàu để trở thành người ở gạt nợ. Đó là chi tiết gợi một ấn tượng khủng khiếp đối với số phận con người.  Thế là A Phủ đã trở thành nạn nhân, cũng của một món nợ truyền kiếp. Thống lý Pá Tra như từ trong một cõi âm phủ tuyên cái “án” hết sức rùng rợn đối vối A Phủ: “Đời mày, đời con mày, đời cháu mày nếu không trả hết nợ sẽ còn phải ở mãi với tao”... cho đến bao giờ hết nợ mới thôi.

Chẳng những thế, Mị và A Phủ sống trong địa ngục trần gian ấy trước hết bị bóc lột một cách hết sức dã man. Tiếng là con dâu nhưng Mị cũng như những người đàn bà trong nhà ấy sống như trâu ngựa, mà còn không được bằng trâu ngựa vì “Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”, quanh năm đầu tắt mặt tối bị buộc vào công việc. Còn A Phủ cũng suốt năm ở ngoài rừng, khi phá rẫy, làm nương, khi chăn bò, chăn ngựa, khi bẫy hổ...không mấy khi được về làng. Ngay cả về mặt tinh thần, những con người khốn khổ ấy cũng bị đè nén đến mức không còn sức phản kháng. Mị lúc nào cũng “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, Mị như quen với cái khổ. Mị như kẻ cam chịu vì là con trâu con ngựa thì chỉ có thể thay từ tàu nhà này sang tàu nhà khác. Trong căn buồng chật hẹp, tối tăm, Mị không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết ngay trong chính cái tối tăm ấy.

Đối với A Phủ cũng vậy, kiếp sống của A Phủ không đáng giá bằng kiếp sống của một con bò. Để “mất” một con bò, A Phủ lại bị thống lý Pá Tra trói đứng vào cột chờ chết. Sức phản kháng bị tê liệt đến mức thống lý Pá Tra bắt A Phủ tự đóng cọc, tự mang dây để hắn trói A Phủ vào cọc. A Phủ chỉ còn biết làm theo thống lý, A Phủ không nghĩ được gì hơn. A Phủ cam chịu và chấp nhận cảnh ngộ của mình. Bọn thống trị mới ác độc làm sao khi chúng không chỉ bóc lột sức lao động của con người mà còn đày đoạ, đè nén tinh thần con người đến mức tê liệt như vậy. Chúng biến họ hành một thứ công cụ lao động biết nói (như Mác từng nhận xét).

Thông qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ, Tô Hoài đã làm nổi bật giá trị tố cáo của tác phẩm bởi chính cuộc đời của Mị và A Phủ trong cái kiếp sống trâu ngựa trong xã hội ấy đã là một bản cáo trạng hết sức hùng hổn về tội ác của giai cấp thống trị lúc bấy giờ, là nhân chứng sống để phơi bày cái tàn bạo của một xã hội mà giai cấp thống trị đè nén, áp bức, chà đạp lên cuộc sống của con người như thời trung cổ. Đồng thời trong mảng đời sống viết về Hồng Ngài những ngày cách mạng chưa giải phóng còn làm hiện lên những bộ mặt quỷ dữ của bọn thống lý Pá Tra, của bọn quan lang thống quán, xeo phải đã bằng bạo quyển và thần quyền, bằng những luật lệ hà khắc mà áp bức người nông dân một cách hết sức dã man. Bọn chúng ngỡ như có thể ăn sống nuốt tươi những con người nghèo khổ như A Phủ và Mị. Chúng ngang nhiên đánh người, bắt người một cách vô tội vạ, cuộc xử kiện của bọn quan lang đối với A Phủ thật rùng rợn... Tác phẩm đã làm nổi bật những tội ác vô cùng khủng khiếp của chúng để làm đậm thêm bức tranh hiện thực, tăm tối của xã hội thực dân phong kiến ở một vùng núi cao.

Viết "Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã phản ánh sự vận động của tính cách (từ cam chịu đến vùng đứng lên) của số phận gắn liền với sự vận động của đời sống xã hội để khẳng định qui luật tất yếu: có áp bức, có đấu tranh. Cái lôgic tất yếu của cuộc đấu tranh ấy là đi từ tự phất đến tự giác. Nhưng Tô Hoài không phản ánh cái quy luật, cái lôgic tất yếu kia bằng những triết lý khi than mà bằng sự vận động của hình tượng nghệ thuật.

Mị và A Phủ đã bị dồn xuống con đường cùng. A Phủ nếu không được Mị cứu thì chắc đã chết trong cảnh bị trói đứng rổi. Mị cứu A Phủ bằng cả một tấm lòng nhân hậu của mình, bằng niềm cảm thông của những người cùng cảnh ngộ. Mị không nghĩ tới việc bỏ trốn bởi Mị sẵn sàng chịu trói thay vào đó cho đến chết. Nhưng khi cứu được A Phủ, cái bản tính cứng cỏi của một cô Mị năm nào đã trỗi dậy mạnh mẽ, cái sức sống tiềm tàng ở cái giây phút bị thử thách quyết liệt nhất đã bật dậy thành niềm khao khát tự do, thành sức mạnh để Mị vượt qua tất cả những ràng buộc của luật lệ hà khắc mà vùng lên tự giải phóng mình, mà chạy theo A Phủ để thoát khỏi cuộc sống tăm tối suốt bao nhiêu năm Mị đã phải chịu đựng. Bởi thế hành động của Mị đã diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Tô Hoài đã chuẩn bị cho hành động này của Mị ngay từ khi cô nói với người cha của mình để không bán cô cho nhà giàu, để cô có thể tự tay mình trồng ngô trả nợ thay cho bố mẹ. Cái sức mạnh ấy ngỡ đã chìm đi, đã lụi tàn nhưng rồi nó được hồi sinh, được lớn lên cùng với sự nhận thức về cuộc sống đầy đau khổ của mình và trở thành hành động trong đêm cứu A Phủ như ta đã thấy.

Cuộc vùng dậy với sức mạnh quật khởi của Mị cũng là cuộc vùng dậy của những người nông dân miền núi khi bị giày xéo một cách tàn khốc. Nhưng họ không chỉ vùng dậy để chống lại cái ác, cái tàn bạo, cái dã man để giải phóng cho riêng mình. Thời đại đã mở cho họ một chân trời tự do, đó là các vùng giải phóng. Cho nên con đường mà Mị và A Phủ đến với khu du kích Phiềng Sa hiển nhiên là con đường tất yếu. Nhân vật của Tô Hoài không thể rơi vào cảnh ngộ bế tắc (“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một điển hình). Mị và A Phủ đã tự tìm đến khu du kích Phiềng Sa, mới đầu cũng không phải là đi tìm cách mạng nhưng về sau, được giác ngộ bởi phong trào du kích ở Phiềng Sa, bởi “người Đảng”, Mị và A phủ đã đến với kháng chiến, đến với cách mạng, trở thành những quần chúng tích cực. A Phủ còn trở thành đội trưởng đội du kích tham gia trực tiếp, vào cuộc chiến đấu tiêu diệt đồn Bản Pe, giải phóng quê hương.

Với cuộc đời và số phận của 2 nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã thể hiện một cảm quan nhân đạo hết sức mới mẻ và sâu sắc. Tô Hoài đã trân trọng, nâng niu những con người, những cuộc đời, những số phận đầy đau thương ấy.

Ở nhân vật Mị, người con gái nghèo khổ này mặc dù là nạn nhân của cái nghèo truyền kiếp nhưng Mị vẫn là một bông hoa tươi thắm nhất của núi rừng. Mị chẳng những xinh đẹp mà còn tài hoa. Mị chẳng những có tâm hồn phóng khoáng, có tình yêu mãnh liệt với cuộc sống tự do mà còn là một người có tài thổi sáo, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, Mị còn là cô gái có bản lĩnh, một bản lĩnh cứng cỏi, gan góc. Mị sẵn sàng chọn lấy cái chết để không phải sống nhục, sống đau khổ trong chốn địa ngục trần gian. Khi bị đè nén đến cùng cực, sức sống tiềm tàng của Mị cũng không hề bị lụi tàn. Ngược lại, sức sống ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn để giúp cho Mị giải thoát số phận của mình và sau này đến với kháng chiến. Mị trở thành biểu tượng cho sức sống, cho vẻ đẹp của những người thiếu nữ vùng cao. Tô Hoài đã trân trọng, đã nâng niu từng bước đi trong sự thay đổi trong số phận của người con gái nghèo khổ này.

Với A Phủ cũng vậy, Tô Hoài đã đem đến cho nhân vật này những màu sắc tươi đẹp nhất khi vẽ chân dung cậu bé nghèo khổ đã trở thành người ở gạt nợ một cách hết sức phi lý, cũng chính là người có tấm lòng hào hiệp, là người mà con gái trong lòng ai cũng ao ước: “Đứa nào có A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”. A Phủ được thể hiện một cách đậm nét nhất ở quá trình đến với cách mạng sau này. Nhân vật A Phủ trở thành biểu tượng cho quá trình giác ngộ, cho sự đấu tranh mạnh mẽ của những người nông dân miền núi nói chung. Khắc hoạ một nhân vật như thế, ngòi bút của Tô Hoải đã thể hiện một tinh thần nhân đạo mới, tinh thần nhân đạo cộng sản: vừa yêu thương, vừa trân trọng những con người lao động nghèo khổ, lại vừa mở ra cho họ con đường giải phóng. Từ cuộc đời và số phận của hai nhân vật này, nhà văn muốn khẳng định những giá trị lớn lao của cuộc sống mới, cuộc sống kháng chiến đối với cuộc đời của những con người từng chịu bao đau khổ trong xã hội cũ.

Qua cuộc đời, tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân, Tô Hoài đã tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội miền núi trước cách mạng với chế độ thống trị khắc nghiệt, với những phong tục tập quán lạc hậu đã chà đạp, đè nén, vùi dập con người, cướp đi quyền hạnh phúc của con người, biến mỗi kiếp người trở thành kiếp trâu, kiếp ngựa. Đồng thời tác giả cũng bộc lộ niềm cảm thông sâu sắc, chân thành trước cuộc đời của những con người có số phận bất hạnh. Tô Hoài còn trân trọng, nâng niu những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động miền núi ở cả Mị và A Phủ, đó là sự trân trọng sức sống tiềm tàng của cả hai nhân vật này.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây