Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nhân vật A Phủ

Thứ năm - 30/04/2020 10:39
DÀN Ý
- Hoàn cảnh sáng tác.
- Giới thiệu nhân vật:
+ A Phủ được miêu tả trong cuộc đánh nhau với A Sử, bị bắt về nhà thống lý PáTra.
+ Lai lịch: nghèo khổ, mổ côi, 10 tuổi phải đi làm thuê kiếm sống...
- Phân tích:
+ Thân phận bất hạnh: chịu cảnh làm đầy tớ gạt nợ cho nhà Pá Tra.
+ Tính cách ngang tàng, bướng bỉnh, khát vọng sống mãnh liệt.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
+ Giá trị, ý nghĩa: Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.
BÀI LÀM
Tô Hoài đã để A Phủ xuất hiện trong tác phẩm khá đột ngột, thông qua cuộc đánh nhau với A Sử, bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn ở nhà thống lý Pá Tra rồi mới quay ngược thời gian để kể lại lai lịch của A Phủ.

Đó là một người có số phận bất hạnh. Vì nghèo đói, cả gia đình A Phủ đã chết trong một trận đậu mùa khủng khiếp. A Phủ mồ côi bị người ta bắt đem bán cho một người Thái ở bản dưới. Trốn về những bản vùng cao, mới 10 tuổi, A Phủ đã phải đi ở làm thuê để kiếm sống. A Phủ học đủ thứ nghề: “biết đúc lưỡi cày lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”. Ngoài cái vòng vía đeo trên cổ, A Phủ không có bạc, không có ruộng. Rồi vì đánh A Sử mà A Phủ bị buộc phải làm người ở gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Ta thấy như A Phủ đã bị buộc phải điểm chỉ bằng cả bàn tay của mình vào bức văn tự bán chính cuộc đời của mình, sự sống của mình, hơn thế nữa, còn bán cả cuộc sống của những kiếp con, kiếp cháu mình cho bọn nhà giàu để trở thành người ở gạt nợ. Từ đó A Phủ phải làm việc quần quật đủ các công việc nặng nhọc và nguy hiểm như cày ruộng, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa, quanh năm suốt tháng chỉ có một mình. Rồi vì để hổ bắt mất bò, A Phủ bị đánh, bị trói. Kiếp sống của A Phủ không đáng giá bằng kiếp sống cửa một con bò. Để mất một con bò, A Phủ lại bị thống lý Pá Tra trói đứng vào cột chờ chết. Sức phản kháng bị tê liệt đến mức thống lý Pá Tra bắt A Phủ tự đóng cọc, tự mang dây để hắn trói A Phủ vào cọc. A Phủ chỉ còn biết làm theo thống lý, A Phủ không nghĩ được gì hơn. A Phủ cam chịu và chấp nhận cảnh ngộ của mình. "Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ mà Mị vô tình nhìn thấy chính là tột cùng cho sức chịu đựng của nhân vật này, A Phủ vốn là một người thanh niên khỏe mạnh mà giờ đây đang từng ngày từng giờ đối diện với cái chết. Cuộc đời của người nông dân nô lệ ở Hồng Ngài hình như đều kết thúc với cái cọc trong nhà thống lý, khi mọi cố gắng đều trở nên bất lực.

Nếu Mị được miêu tả là một người có sức sống mãnh liệt thì A Phủ được tập trung khắc họa ở tính cách bướng bỉnh, ngang tàng, một con người khao khát sống tự do. Đây cũng là vẻ đẹp tâm hồn của chàng trai lao động miền núi mà Tô Hoài đã phát hiện và trân trọng.

A Phủ sống giữa núi rừng, anh làm được nhiều nghề đến nỗi con gái trong làng vẫn nói: "Đứa nào có được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy mà giàu”, vì A Phủ rất giỏi bẫy hổ, săn bò tót lại biết đúc lưỡi cày, đi săn cái gì cũng làm phăng phăng... A Phủ nghèo không thể lấy nổi vợ nhưng vẫn có đời sống phóng khoáng, hồn nhiên yêu đời, "đang tuổi chơi trong ngày tết đến dù chẳng có quần áo mới như những trai làng khác, A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng vía trên cổ cũng cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, con quay và quả pao đi tìm người yêu ở các làng trong rừng. A Phủ cũng là chàng trai bướng bỉnh, ngang tàng khi không chịu được bất công, anh "chạy vụt ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sở... A Phủ đã cộc tới nắm cái vòng cổ, kẹp giựt đầu xuống xé vai áo đánh tới tấp”. Sự bướng bỉnh, gan góc thể hiện ở chi tiết A Phủ không khóc lóc van xin mà "quỳ xuống chịu đòn, chỉ im như tượng đá”. Nhân vật này cũng khao khát tự do đến mức dù mệt và đói, nhưng được Mị cởi trói thi A Phủ cũng vùng thoát chạy đi. Dẫu cho trong đêm tối họ chưa biết đi đâu nhưng thoát ra khỏỉ nhà thống lý nghĩa là đã thoát được cái địa ngục trần gian. Cuối cùng A Phủ và Mị đã tìm đến khu du kích Phiềng Sa, tìm đến tự do. Từ đấu tranh tự phát, họ đã tiến tới đấu tranh tự giác. Có thể nói: ở A Phủ là vấn đề tìm đường nhận đường, và đó là bài ca ca ngợi quá trình đấu tranh của con người để tìm đến tự do.

Nếu ở nhân vật Mị, Tô Hoài đã thể hiện những diễn biến nội tâm sâu sắc, thể hiện bút pháp miêu tả tâm lý bậc thầy thì ở A Phủ, nhà văn tập trung xây dựng nhân vật qua hành động mang tính chất bộc trực, khẳng khái. Điều đó góp phần thể hiện tính cách nhân vật.

Nhân vật A Phủ trở thành biểu tượng cho quá trình giác ngộ, cho sự đấu tranh mạnh mẽ của những người nông dân miền núi nói chung. Cùng với Mị, A Phủ tượng trưng cho số phận những con người từ trong bóng tối của cuộc đời cam chịu, tủi cực, đã vươn tới ánh sáng của tự do, ánh sáng của cách mạng. Giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm được thể hiện sâu sắc qua hình tượng nhân vật A Phủ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây