Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Anh (chị) hãy phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn ở người phụ nữ trong tình yêu.

Thứ tư - 01/01/2020 09:13
Hướng dẫn làm bài
1. Giới thiệu
- Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu của lớp những nhà thơ trẻ xuất hiện trong kháng chiến chống Mĩ, một gương mặt thơ rất đáng chú ý của văn học Việt Nam hiện đại. Là một nhà thơ nữ viết về phụ nữ, Xuân Quỳnh không những đã viết nhiều mà còn viết rất hay về giới mình.
- Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967, in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968). Viết vào thời kỳ cuộc chiến tranh đang nổ ra ác liệt song âm vang của bom đạn chiến tranh không làm thay đổi nhịp đập của trái tim người phụ nữ đang yêu. Bài thơ Sóng như một bông hoa tình yêu nở dọc chiến hào trong những năm đánh Mĩ.
- Trong thơ ca, đã có nhiều tác giả mượn sóng để nói chuyện tình yêu song Sóng của Xuân Quỳnh vẫn đem đến một vẻ đẹp riêng, độc đáo. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ những khát khao sôi nổi, mãnh liệt mà cũng rất chân thành của trái tim phụ nữ trong tình yêu. Sóng chính là hoá thân của cảm xúc, của rung động tình yêu trong trái tim phụ nữ. Qua hình tượng sóng, người đọc thấy được những vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong thời đại mới.
2. Phân tích
a. Hình tượng sóng
a.1. Hình tượng sóng mang trong nó những trạng thái đối lập: “dữ dội”“ồn ào” là phút trào dâng nồng nhiệt, dào dạt của sóng về phía bờ, giao cảm hết mình cùng bờ cát, “dịu êm”“lặng lẽ” là trạng thái của sóng rút ra xa bờ để tự đối diện với chính mình. Hai trạng thái đối lập mà song song tồn tại làm nên vẻ lạ lùng của con sóng quen thuộc, làm nên nét phong phú đầy bí ẩn của những trạng thái cảm xúc trong tình yêu.
a.2. Sóng khát khao tự tìm hiểu chính mình: từ không gian chật hẹp của sông, sóng đã tìm về biển lớn bởi chỉ ở biển cả sóng mới bộc lộ mình trọn vẹn nhất ở mọi giới hạn, mọi trạng thái - mạnh mẽ đến tận cùng và lắng sâu đến thăm thẳm đầy bí ẩn. Khát vọng tìm mình luôn là khát vọng thương trực, là khát vọng đẹp đẽ vì nó nâng tầm vóc trí tuệ cũng như tâm hồn cho chủ thể. Tìm mình là tự hiểu biết cả về khát vọng cũng như giới hạn của bản thân. Khi chủ thể tự biết chính mình, nó sẽ trở nên mạnh mẽ (sông không hiểu nổi mình. Sóng tìm ra tận bể).
a. 3. Sóng luôn tồn tại như một tất yếu tự nhiên và cũng là điều tất yếu đầy bí ẩn bởi không ai biết được nơi khởi nguồn của sóng, cũng như không ai biết được trọn vẹn quá trình hình thành cũng như khả năng tồn tại vĩnh hằng mà đầy biến hoá của sóng. Tuy nhiên, điều quan trọng là sóng vẫn tồn tại bất biến “ngày xưa” cũng như “ngày sau” trong biển lớn.
a.4. Dù ở dạng tồn tại nào thì mọi con sóng đều thống nhất trong đích hướng tới: hướng về phía bờ. Đích hướng tới ấy cũng là mục đích tồn tại của sóng, là ý nghĩa sự tồn tại của sóng. Đó là một quy luật tất yếu. Do đó, sóng có thể vượt qua mọi thử thách, mọi khoảng cách không gian, thòi gian để hướng về phía bờ, để khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của chính mình. Cũng như anh là tình yêu của em, hướng về anh là hướng về tình yêu của em, hướng về mục đích của tâm hồn em. Con sóng cũng như tình yêu đã say đắm, hết mình và trọn vẹn.
a. 5. Sóng chỉ tồn tại nếu sóng ở giữa biển khơi. Sự tồn tại của biển là vĩnh cửu nên khi hoà mình vào biển lớn sóng sẽ trở thành vĩnh cửu, bất diệt.
b. Khái quát vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu
b.1. Sóng là hoá thân của em, là ẩn dụ tâm trạng người con gái đang yêu. Vì thế, qua hình tượng Sóng em đã giãi bày những cảm xúc, tâm trạng của mình. Những đặc điểm của sóng là sự phản chiếu những đặc điểm của tâm hồn em. Như con sóng tìm ra bể rộng, tâm hồn đang yêu tự nhận thức về những biến động khác thường của lòng mình và khát khao tìm đến những miền bao la vô tận, vượt ra khỏi những giới hạn chật chội của cá nhân để hoà mình vào với cuộc đời rộng lớn (sông - chật hẹp, biển - cuộc đời rộng lớn). Khát vọng đó là khát khao vĩnh hằng muôn thuở của nhân loại mà trước hết là của tuổi trẻ. Cũng như sóng, em đà tự nhìn nhận lại mình, tìm lời giải đáp cho những câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu. Nhờ thế, em đã phát hiện ra một quy luật sâu xa của tình yêu – điều mà Xuân Diệu trước kia tổng kết như một chân lí “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” thì Xuân Quỳnh lại phát hiện ra bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình như một lòi thú nhận thành thực, hồn nhiên mà ý nhị, sâu sắc. Tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ cũng gắn liền vói nỗi nhớ: nỗi nhớ bao trùm cả không gian (phía Bắc - phía Nam), chiếm cả tầng sâu và bề rộng (lòng sâu - mặt nước), khắc khoải trong mọi thời gian (ngày - đêm) nó choán đầy cõi lòng (ý thức – tiềm thức, đi cả vào giấc ngủ - cái “thức” của giấc mơ là sự thật của nỗi lòng). Việc bày tỏ mạnh bạo, chân thành khát khao và nỗi nhớ trong tình yêu là điều rất mới mẻ trong đời và cả trong thơ: đó là khát khao một tình yêu hết mình, quên mình, nó cũng đòi hỏi sự duy nhất, tuyệt đối và luôn đi liền với khát khao về mái ấm gia đình, về sự gắn bó lâu bền, chung thuỷ. Tâm trạng ấy được thể hiện sóng đôi qua “em” và Sóng”, sóng nhớ bờ cả ngày lẫn đêm, em nhớ đến anh cả trong giấc mơ, em ở nơi nào cùng hướng về anh thì sóng lại thực hiện niềm ao ước ấy “Con nào chẳng tới bờ. Dù muôn vời cách trở”. Người phụ nữ bên cạnh những xúc cảm chân thành nồng nhiệt vẫn ý thức về sự hữu hạn của thời gian đời người và sự mong manh khó bền chặt của hạnh phúc. Những ý thức lo âu ấy đã dẫn tới một cách ứng xử tích cực: Sống hết mình, mãnh liệt trong tình yêu để có thể vượt qua và thắng được cái hữu hạn của thời gian mỗi đời người. Để sống hết mình với tình yêu, để vĩnh viễn hoá nó, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã hoà tình yêu nhỏ trong tình yêu lớn, hoà mình vào cuộc đời rộng lớn như con sóng hoà vào biển cả để vĩnh hằng cùng biển lớn - cuộc đời.
b.2. Sự song hành của sóng - em đã làm bật lên một vẻ đẹp vừa giản dị đời thường, vừa thiêng liêng cao quý, vừa truyền thống lại vừa hiện đại của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: đó là niềm khát khao hạnh phúc, niềm mong nhớ khôn nguôi luôn cồn cào cháy bỏng, là sự hướng tới một tình yêu chung thuỷ, duy nhất, đó cũng là sự chân thành, sôi nổi và mãnh liệt trong những giãi bày, thổ lộ những cảm xúc của tình yêu - đây là điều chưa từng có trong văn chương truyền thống.
4. Kết luận
- Sóng là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ, giọng thơ Xuân Quỳnh, một hồn thơ đằm thắm, thiết tha trong những cơn giông bão của cuộc đời, của đất nước. Hình tượng sóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo thể hiện sức sống, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ nói riêng.
- Đến với Sóng, người đọc bắt gặp những câu hỏi, những vấn đề muôn thuở trong tình yêu của muôn người, đồng thời cũng thấy rõ dấu ấn riêng của một tâm hồn đa cảm, luôn dằn vặt trăn trở, luôn khát khao hi vọng, tràn đầy niềm tin và sự hồn hậu bao dung, một tâm hồn luôn nhớ nhung da diết, nồng thám yêu thương và luôn đắm chìm trong những suy tư sâu lắng. Đó chính là những nét nổi bật ở hồn thơ Xuân Quỳnh và là nét riêng tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ Sóng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây