Nếu sáu câu thơ trên tác giả tập trung vào hình tượng người nghệ sĩ Lorca thì mở đoạn thơ tiếp theo lại là Tây Ban Nha thay vì Lorca hát nghêu ngao. Lorca luôn dùng cây đàn ghi ta của mình, phổ nhạc cho các sáng tác ca ngợi đất nước và con người Tây Ban Nha yêu dấu. Trên xứ sở mà nhà thơ sinh sống đó có những bông hoa tử đinh hương tím ngát, có những đồng cỏ bờ sông, có những cô gái Di gan với nước da nâu gợi tình, có cả âm nhạc dân gian vang lên mọi nẻo... Lorca gắn bó và yêu say đắm đất nước quê hương mình và đó chính là nguyên nhân khiến Thanh Thảo sử dụng nghệ thuật hoán dụ, nó cho thấy tầm vóc tiếng hát, tiếng thơ Lorca có thể đại diện cho cả một dân tộc. Từ láy nghêu ngao đã xóa mờ đi sắc thái trang trọng của nhạc thính phòng và làm rõ hơn sắc thái dân gian cho nghệ thuật của Lorca, đưa Lorca gần hơn với cuộc đời, với những đồng cỏ, dòng sông. Lorca là nhà thơ của cuộc sống và nghệ thuật Lorca gắn bó chặt chẽ với đất nước nhân dân Tây Ban Nha.
Hai câu sau là cảm giác bi phẫn và kinh hoàng: “bỗng kinh hoàng/ áo choàng bê bết đỏ/ Lorca bị điệu về bãi bắn/ chàng đi như người mộng đu...” Đã tự khoác lên mình áo choàng đỏ của người thách đấu, thậm chí từng trăng trối: khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn, đồng nghĩa với việc Lorca đã tự xác nhận cho mình những khó khăn thậm chí là hy sinh trên con đường tranh đấu... song cái chết đến với Lorca lại quá bất ngờ. Từ láy “bê bết” điệp dày thêm sắc đỏ của máu, đem lại cho ta niềm đau thương trước cái chết bi tráng của người anh hùng. Hai câu thơ tiếp theo miêu tả cảnh Lorca bị hành hình. Câu thứ nhất là câu bị động miêu tả cảnh Lorca bị bọn phát xít đưa ra pháp trường thì câu thơ thứ hai với cấu trúc chủ động cho thấy, người nghệ sĩ Lorca dường như đang theo đuổi với những ước mơ, khát vọng của mình, đang phiêu diêu, đang mộng du vớ những vầng trăng, đồng cỏ, những đóa hoa tử đinh hương... mà không để ý đến họng súng kẻ thù.
Đoạn thơ là thể nghiệm thành công của Thanh Thảo trong việc vận dụng trường phái thơ tượng trưng, siêu thực vào trong thơ hiện đại Việt Nam. Cả bài thơ không một chữ viết hoa giống như những dòng ghi chép của mạch cảm xúc, của cái tôi đa ngã. Cốt truyện là câu chuyện kể về cái chết của Lorca nhưng bị gián đoạn bởi mạch cảm xúc. Cấu trúc bài thơ giống như 1 bài thơ viếng phương Đông: mở đầu là khí Lorca còn sống, những đóng góp, những thông điệp về nghệ thuật, cái chết và sự bất tử của Lorca, nhưng nó giống như bản giao hưởng phương Tây với những luyến láy, những vĩ thanh...