Chủ thể của lời thơ là "tiếng ghi ta”, âm thanh toát ra từ nhạc cụ thân thuộc của Lorca và trở thành sinh mệnh của Lorca. Điệp ngữ "tiếng ghi ta” cùng một loạt hình ảnh giàu liên tưởng gợi lên những cung bậc sắc thái khác nhau trong cảm xúc về cuộc đời, sự nghiệp và cái chết của Lorca.
Đây là đoạn thơ thể hiện đóng góp của Thanh Thảo trong trường thơ thực, mang đậm sắc thái tượng trưng. Hai câu thơ đầu liên tiếp ba hình ảnh: tiếng ghi ta nâu – bầu trời - cô gái ấy. Thanh Thảo sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đưa đến màu nâu với nhiều sắc thái liên tưởng: đó là màu của đất, của những con đường ngập đá, là thân của cây đàn ghi ta hay là màu của làn da, mái tóc, ánh mắt của người con gái xinh đẹp Anna Marira? Tiếng ghi ta mang tình yêu với đất nước, với nghệ thuật và với người con gái thân yêu. Tiếng ghi ta đặt trong trường liên tưởng đến bầu trời Tây Ban Nha tự do, nơi đó in đậm hình ảnh cô gái thủy chung như hình ảnh cuối cùng chàng nghệ sĩ thấy trước khi từ giã cuối đời?
Hình ảnh thơ thứ hai: tiếng ghi ta lá xanh biết mấy là một hình ảnh ẩn dụ: lá xanh luôn là biểu trưng cho tuổi trẻ, sự sống. Đây là một danh từ được tính từ hóa, nhà thơ thể hiện niềm cảm thông sâu sắc và niềm ngưỡng mộ của mình với sức sống trẻ trung, trong tiếng thơ, trong nghệ thuật của Lorca; Nghệ thuật của Lorca đã trở thành bất diệt nhưng sao người sáng tạo ra cái đẹp đó lại đoản mệnh? Cấu trúc câu cảm thán vừa khẳng định vừa mang sắc thái xót xa của nhà thơ Thanh Thảo hướng tới người nghệ sĩ quá cố của đất nước Tây Ban Nha.
Hình ảnh thơ thứ ba: tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan: Từ “tròn” gợi ra âm thanh của tiếng đàn ghi ta thánh thót rơi trong không gian; Nó cũng gợi hình ảnh của bọt nước, gợi lên cái ngắn ngủi, mong manh, bạc mệnh. Nó vỡ tan: đột ngột, bất ngờ, kinh hoàng và đau đớn.
“Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”: tiếng ghi ta chảy ra thành máu, thành nước mắt như một sinh thể nghệ thuật có hồn. Cái Đẹp bị hủy hoại, người tạo ra cái đẹp bị hi sinh thảm khốc.
Đoạn thơ đã sử dụng phép điệp, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, sử dụng từ láy, nghệ thuật tượng trưng để miêu tả cái chết của Lorca, bằng 2 cảm hứng: ngưỡng mộ, ngợi ca, tiếc thương, căm phẫn.
13 câu cuối: Thanh Thảo đã thể hiện những suy ngẫm về cuộc đời, sự nghiệp và cách ra đi của Lorca.
Hai câu đầu: là hình ảnh tiếng đàn, sự nghiệp nghệ thuật và khát vọng đổi mới của Lorca sau khi nhà thơ mất:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang”
điệp ngữ “tiếng đàn” đã xuất hiện bốn lần trong khổ thơ thứ ba nhằm khắc sâu, nhấn mạnh những suy ngẫm của Thanh Thảo xuất phát từ di vật của Lorca. Hai chữ “chôn cất” đã làm cho tiếng đàn như cũng có cuộc đời, số phận, hình hài cụ thể. Ý thơ “không ai chôn cất tiếng đàn” có khi được hiểu là chế độ độc tài phát xít không thể thủ tiêu được tiếng đàn của Lorca, cũng có thể hiểu là người đời vì quá mến mộ tài năng của ông mà không làm theo di chúc của Lorca. Có thể vì quá ngưỡng mộ Lorca, hoặc vì hiểu chưa đúng, chưa đủ di chúc của Lorca, nên hậu thế đã đưa nghệ thuật của Lorca lên bệ thờ, gián tiếp ngăn cản sự sáng tạo nghệ thuật. Đó không phải Lorca phủ định quá khứ mà muốn hướng tới một tương lai rực rỡ hơn, vượt qua và vẫn tồn trong quá khứ, đó là sự cách tân đúng đắn mà Lorca muốn hướng những người đương thời và hậu thế. Vì “không ai chôn cất tiếng đàn” nên “tiếng đàn như cỏ mọc hoang. Hình ảnh so sánh này đã làm nổi bật sự sống mãnh liệt, sự lan toả và ảnh hưởng rộng lớn của tiếng đàn Lorca. Cái đẹp mà Lorca để lại là cái đẹp hoang dại, nguyên sơ, thuần khiết, bền bỉ mà dai dẳng không thể nào dập tắt được. Nhưng dòng thơ này còn bộc lộ cả nỗi lòng đau đớn, xót xa của Thanh Thảo khi thấy sự nghiệp cách tân của Lorca còn dang dở, không có người nối tiếp.
Nỗi đau đớn, xót xa trước việc Lorca bị kẻ thù sát hại bất ngờ, phi lý, trước khát vọng cách tân còn dang dở như đã hoá thân thành 2 dòng thơ rất đẹp và hàm súc:
“giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Nếu “giọt nước mắt” là hiện thần của sự đau đớn thì “vầng trăng” lại là biểu tượng về cái đẹp. Cặp từ láy “long lanh” cũng diễn tả rất tinh tế một vẻ đẹp lóng lánh ánh sáng; Qua cảm nhận của Thanh Thảo, giọt nước mắt như vầng trăng, và vầng trắng cũng giống như giọt nước mắt khổng lồ nơi đáy giếng. Đó là sự hoà quyện giữa cái đẹp và nỗi đau. Ngoài ra, hình ảnh “vầng trăng”- “long lanh trong đáy giếng” còn gợi lên hình tượng thiên nhiên bao la, rộng lớn. “Vầng trăng chếnh choáng” theo bước chân chàng kỵ sỹ cô đơn phiêu lãng trên những nẻo đường đất nước Tây Ban Nha nay lại xuất hiện trong sự dồn tụ đau thương của trời đất. Cả thiên nhiên vũ trụ bao la cũng đang tiếc - thương trước sự ra đi của người anh hùng, người nghệ sĩ vĩ đại Lorca.
Nếu khổ thơ thứ 4 vừa ngợi ca sự bất tử của Lorca, vừa bộc lộ nỗi đau xót khi sự nghiệp cách tân của Lorca còn dang dở thì 2 khổ thơ cuối lại tập trung thể hiện những suy ngẫm của Thanh Thảo về sự lựa chọn của Lorca trong cách giải thoát:
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc”
Xuyên suốt hai khổ thơ là những hình ảnh tương phân phi đối xứng: đường chỉ tay nhỏ bé đối lập với “dòng sông rộng vô cùng”, lá bùa mỏng manh cuộn cuộn trong “xoáy nước” dữ dội... Tất cả gợi lên cái ngắn ngủi, hư vô của kiếp người giữa sóng gió cuộc đời. Chiếc ghi ta màu bạc là vẻ đẹp và sắc màu lóng lánh của cây đàn ghi ta khi đã sang cõi khác. Qua cảm nhận của Thanh Thảo, cây đàn giống như một con thuyền giúp Lorca vượt qua dòng thời gian để đến với cõi bất tử. Hoạt động “Lorca bơi sang ngang” trên dòng sông rộng lớn với hai bờ sinh tử cho thấy chàng đã chủ động cách giã từ nhanh nhất với cuộc đời. Chàng sang thế giới bên kia mang theo cây đàn ghi ta thân yêu khiến nó chỉ còn bàng bạc một màu khiến hậu thế chỉ còn biết trông nhìn như một ảo ảnh.
“chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt”
Cả 4 dòng thơ ở khổ cuối đã tạo thành 2 câu thơ có hình thức cấu trúc và ý nghĩa hoàn chỉnh được thể hiện theo kiểu lối thơ vắt dòng. Điệp từ “chàng ném” được lặp lại hai lần như là một biểu tượng về sự từ bỏ mạnh mẽ và dứt khoát của Lorca với cuộc đời. Hình ảnh “lá bùa cô gái Digan” chính là biểu tượng về số mệnh, còn “trái tim” là biểu tượng về sự sống. Khi lá bùa đã được ném vào xoáy nước trên dòng sông thời gian, dòng sông số phận, khi trái tim đã được ném vào cõi lặng yên cũng là khi sự sống của chàng không còn. Các hành động “ném lá bùa”, "ném trái tim” như thế đều có ý nghĩa của những hoạt động biểu tượng chỉ sự giải thoát, sự giã từ.
Chuỗi âm thanh “li-la...” từng xuất hiện ở đầu tác phẩm đã được trở lại một lần nữa trong dòng thơ kết. Nó giúp lời thơ rất giàu nhạc tính, đồng thời lam cho tiếng đàn ghi ta cứ vang vọng mãi trong tâm trí của mỗi người. Sự nối tiếp của 3 từ “li-la” như cũng gợi hình ảnh những tràng hoa, chuỗi hoa nối tiếp, giăng hàng. Đó có thể là những tràng hoa mà người đời, người thơ Thanh Thảo kính viếng hương hồn Lorca, cũng có thể là những đóa hoa của sự sống đang nảy nở từ chính cái chết đau thương, ngang trái của người nghệ sĩ thiên tài. Câu thơ gợi cho người đọc nhớ tới một ý thơ của Chế Lan Viên: “Mọc chùng hoa trên đá, mùa xuân không lụi tàn”.
Thanh Thảo đã thành công trong việc thể hiện một phong cách thơ hiện đại nhuốm màu sắc thơ siêu thực và tượng trưng. Cả bài thơ là nối tiếp những câu thơ không viết hoa chữ đầu câu; có sự kết hợp giữa thơ, nhạc và họa, giữa những thi ảnh của Lorca và những thi ảnh của chính nhà thơ Thanh Thảo, giữa chất giao hưởng phương Tây với màu sắc thơ phương Đông... cùng những biện pháp so sánh, liên tưởng, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác... Tất cả tạo nên màu sắc riêng của Thanh Thảo trong nỗ lực cách tân nghệ thuật trên con đương đổi mới.