Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) để làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng tác phẩm.

Thứ tư - 01/01/2020 08:43
Hãy phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) để làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng tác phẩm.
Hướng dẫn làm bài
1. Giới thiệu
- Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân và là tác phẩm được đánh giá rất cao trong nên văn xuôi hiện đại Việt Nam. Cơ sở của sự đánh giá đó là sự độc đáo trong xây dựng tình huống và sự sâu sắc trong ý nghĩa tư tưởng của nhà văn.
Thông qua tình huống nhặt vợ, Kim Lân đã thể hiện một cái nhìn có chiều sâu về ý nghĩa cuộc sống và bản chất của con người.
2. Phân tích
a. Khái niệm tình huống và tình huống trong truyện Vợ nhặt
- Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống mà nhà văn mô tả trong tác phẩm. Tại sự kiện đó, nhà văn đã làm sống dậy một tình thế bất thường có tính chất éo le và gây bất ngờ trong quan hệ giữa các nhân vật. Tại sự kiện đó, tính cách nhân vật được bộc lộ sắc nét, ý tưởng mà nhà văn định gửi gắm cũng hiện hình khá trọn vẹn. Đối với việc viết truyện ngắn, việc xây dựng một tình huống mới lạ, hấp dẫn là diếu có ý nghĩa then chốt.
- Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện vừa lạ lùng, vừa éo le, lại vừa cảm động: đó là sự kiện nhặt vợ của anh Tràng.
b. Phân tích tình huống
b.1. Tình huống lạ lùng
- Biểu hiện của cái lạ lùng:
+ Trong hoàn cảnh cái đói, cái chết đang vây bọc, nhu cầu thông thường là miếng ăn để đảm bảo sự tồn tại. Vậy mà anh Tràng lại lấy vợ, xây dựng gia đình ngay trong bối cảnh tăm tối và đói khát đó.
+ Một người như Tràng - hội tụ đầy đủ những điều kiện để ế vợ (nghèo hèn, xấu xí...) bỗng nhiên lại có người theo không về làm vợ.
- Ý nghĩa, tác dụng của cái lạ lùng: Tạo ra tâm trạng ngạc nhiên của tất cả mọi người.
+ Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên vì sự hiện diện của một người đàn bà lạ, ngạc nhiên vì “giời đất này còn đi rước cái của nợ đời về”.
+ Bà cụ Tứ ngạc nhiên vì không được chuẩn bị về tâm lí để đón nhận sự kiện này, ngạc nhiên vì có người đàn bà lạ trong nhà, vì người đàn bà ấy chào bà bằng “u”, ngạc nhiên đến mức không tin vào những gì đã nghe thấy, nhìn thấy.
+ Tràng là người tạo ra sự việc này cũng ngạc nhiên. Anh không hiểu hết ngay chính bản thân mình và không dám tin vào điểu đã xảy ra. Thậm chí đến tận sáng hôm sau, Tràng vẫn chưa hết bàng hoàng “việc nhặt vợ đến hôm nay hắn còn ngỡ như không phải”.
b.2. Tình huống éo le
- Biểu hiện của sự éo le là những điều trắc trở, trái với lẽ thường.
+ Lấy vợ vốn là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cái hạnh phúc bình dị ấy lại tương phản với hoàn cảnh đói khát hiện tại nên trở thành rất mong manh.
+ Lấy vợ là tạo lập gia đình, xây dựng nền móng cho tương lai song nó lại diễn ra khi sự sống đang tắt dần và tương lai thì mờ mịt “năm nay rồi đói to đấy”.
+ Lấy vợ là việc trọng đại, thiêng liêng của đời người song trong cảnh đói khát nó diễn ra thật nhếch nhác, thảm hại.
- Ý nghĩa, tác dụng của sự éo le là tạo ra những nét tâm lí rất phức tạp của cả người trong cuộc cũng như người ngoài cuộc.
+ Lo lắng trở thành cảm giác chung của tất cả mọi người.
+ Cảm giác buồn tủi, xót xa, cay đắng là cảm giác nổi bật của những người trong cuộc. Kim Lân đặc biệt chú ý miêu tả nỗi buồn tủi, xót xa trong lòng người mẹ qua hình ảnh giọt nước mắt và những ý nghĩ khổ đau cay đắng của nhân vật này. Nhà văn đã nhập giọng kể vào giọng nói bên trong của nhân vật để cùng nhân vật trải nghiệm đến tận cùng mọi nông nỗi đắng cay.
b.3. Tình huống đầy cảm động
- Biểu hiện của sự cảm động:
+ Cách cư xử của con người với nhau: người dân xóm ngụ cư chia sẻ với Tràng và với nhau niềm vui giản dị. Tràng rất trân trọng người vợ mới và trân trọng cuộc hôn nhân này (việc mua dầu tháp sáng). Bà cụ Tứ rộng lòng đón nhận người con dâu mới.
+ Không khí đầm ấm, tràn đầy tình thương và niềm vui sống khi trong cảnh tối sầm lại vì đói khát, Tràng vẫn thắp lên một ngọn đèn, bà cụ Tứ nói đến tương lai và mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng vun vén cho cuộc sống chung.
- Ý nghĩa, tác dụng: Tạo nên sự thay đổi theo hướng tích cực của cả ngườ2i trong cuộc và người ngoài cuộc.
+ Người dân trong xóm ngụ cư cảm nhận được một điều mới mẻ “có cái gì lạ lùng tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát tăm tối đó của họ”
+ Bà cụ Tứ trở nên tươi tỉnh hơn trong nét mặt, nhanh nhẹn hơn trong cử chỉ và vui vẻ hơn, tin tưởng hi vọng hơn vào cuộc sống tương lai.
+ Chị vợ trở nên hiền hậu đúng mực và đầy vẻ tần tảo, chịu thương chịu khó.
+ Tràng vui vẻ hơn, hào hứng hơn. Đặc biệt, lần đầu tiên anh có được những cảm xúc rất hạnh phúc, những suy nghĩ sâu sắc đúng đắn và ý thức nghiêm túc về tư cách con người của bản thân mình.
c. Đánh giá của tình huống
c.1. Là bài ca về tình nghĩa
- Tình mẫu tử: Việc Tràng lấy vợ gây cho bà cụ Tứ những phản ứng tâm lí trái ngược nhau (vui và buồn tủi, thương và lo...). Song mọi tình cảm đó đều xuất phát từ cái gọi là lòng mẹ thương con.
- Tình người là điều có thể nhận thấy rất dễ và rất rõ ở mọi mối quan hệ con người được mô tả trong tác phẩm. Nó khiến con người đứng cao hơn hoàn cảnh, không bị hoàn cảnh nhấn chìm.
c.2. Bài ca về những khát vọng chân chính của con người
- Đề cao, khẳng định khát vọng hạnh phúc của con người: Trong một tình cảnh bi thảm, con người vẫn có thể tạo dựng được hạnh phúc. Người nhặt vợ và người vợ nhặt khi đến với nhau lại tạo thành một gia đình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ấy lớn lao, thiêng liêng đến mức nó làm thay đổi tất cả mọi người, khiến con người trở nên người hơn.
- Khẳng định mạnh mẽ khát vọng sống, niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống, vào tương lai: Những hành động như lấy vợ, mua dầu, thắp đèn của Tràng đều là biểu hiện của niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống. Đặc biệt, Kim Lân đã để cho một bà cụ gần đất xa trời nói rất nhiều về tương lai - cái nghịch lí này tự nó hàm chứa một cái lí sâu sắc: Người già còn nói nhiều về tương lai đến vậy thì niềm tin, niềm hi vọng tương lai ở lớp trẻ sẽ càng mạnh mẽ, mãnh liệt hơn.
3. Kết luận
- Tình huống truyện đặc sắc, độc đáo là biểu hiện tài năng viết truyện ngắn của Kim Lân. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà văn chân chính khác, cái tài ấy gắn liền với cái tâm - đó là lòng thương người, niềm tin vào con người và sự thấu hiểu những ước mơ, khát vọng của họ.
- Qua truyện ngắn, đặc biệt là tình huống truyện, Kim Lân đã nêu bật một chân lí cuộc sống: “sự sống chẳng bao giờ chán nản”.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây