BÀI LÀM:
Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng dựa trên hình tượng Cao Bá Quát, một nhà nho yêu nước đồng thời cũng nổi tiếng về cái tài viết chữ đẹp. Tuy vậy, Huấn Cao luôn là nhân vật đẹp nhất đời văn của Nguyễn Tuân bởi hình tượng nhân vật này là công sức sáng tạo của nhà văn.
Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa, có tài viết thư pháp. Người viết chữ đẹp xưa nay đâu có hiếm, nhưng được tôn thờ nhờ tài viết chữ đến mức thần thánh thì hiếm vô cùng. Chữ Huấn Cao quí giá không chỉ vì được “viết rất nhanh và rất đẹp”, không chỉ vì “đẹp lắm vuông lắm” mà quan trọng hơn đó là “những nét chữ vuông, tươi tắn nó nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người”. Nguyễn Tuân không tả những nét chữ Huấn Cao mà dùng bút pháp gợi, chủ yếu miêu tả cái thần thái tỏa ra từ những nét chữ đó. Nhà văn không trực tiếp giới thiệu cái tài đó mà thông qua lời ngợi khen của viên quản ngục và thây thơ lại: “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm... Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời”. Cả đời ông Huấn mới cho chữ có ba lần cho ba người bạn thân, vậy mà tiếng tăm của ông đã nổi danh khắp cả, đến viên quan cai ngục của một huyện cũng nghe tiếng Huấn Cao như sấm động bên tai. Chi tiết Huấn Cao “viết chữ rất nhanh” mở ra một ông Huấn uyên bác, trí tuệ còn chi tiết viết chữ "rất đẹp” lại cho ta ấn tượng về những nét chữ vừa mềm mại uyển chuyển "như phượng múa rồng bay” lại vừa có cái phòng túng tự do trong hoài bão. Quan trọng hơn, nét chữ đó có khả năng lay động trái tim con người, khiến cho quản ngục tự bao giờ đã có cái mong muốn: “một ngày kia treo ở nhà riêng mình một câu đối do chính tay ông Huấn Cao viết”. Chính cái tài của Huấn Cao đã nuôi dưỡng một ước mơ rất đẹp nơi quản ngục. Như vậy tài năng của Huấn Cao được đối phương công nhận và ngưỡng mộ, đó là một tài năng chân chính.
Huấn Cao còn mang vẻ đẹp của một trang anh hùng dũng liệt. Nơi người tử tù đang đợi ngày ra pháp trường đó là biết bao hoài bão tung hoành. Mở đầu truyện Huấn Cao xuất hiện gián tiếp thông qua cuộc nói chuyện của viên quản ngục và lời kể của thầy Thơ lại: viết chữ đẹp và có tài bẻ khóa vượt ngục khiến cho Quản ngục cũng phải kính nể, kiêng dè. Thậm chí, Huấn Cao chưa xuất hiện nhưng đã khiến quản ngục phải "cắt đặt thêm lính canh”, bảo lính quét dọn buồng giam, "cấm mấy thằng thập đánh bạc” và "băn khoăn ngồi bóp thái dương”. Như vậy, khí phách của Huấn Cao đã được gián tiếp miêu tả qua tâm lý căng thẳng, hồi hộp của quản ngục.
Sáng hôm sau, Huấn Cao trực tiếp xuất hiện thông qua một chi tiết: “dỗ gông”. Mặc cho mấy tên lính áp giải, ông Huấn vẫn lạnh lùng thúc mũi gông xuống đất đánh thuỳnh một cái, khiến cho trên nền đá điểm những chấm nâu nhạt của rệp. Huấn Cao đã cho thấy việc gì ông muốn là làm, và hoàn toàn có thể làm được, bất chấp nó khó khăn đến đâu và có được phép hay không. Và từ đó, Huấn Cao cứ thế đi đến cuối truyện trong tư thế ung dung, đĩnh đạc đường hoàng.
Trong thời gian ở tù, Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu, thịt coi đó là cái việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh. Thậm chí, khi Quản ngục ngỏ ý muốn biệt đãi ông, Huấn Cao đã trả lời Quản ngục bằng những lời “khinh bạc đến điều”. Tất cả những chi tiết ấy cho chúng ta thấy Huấn Cao đúng là con người chọc trời khuấy nước và việc vào nhà tù tỉnh Sơn chỉ giống như việc anh hùng “chạy mỏi chân thì hẵng ở tù” (Phan Bội Châu). Đặc biệt chỉ ngày mai phải vào kinh lĩnh án tử hình, đêm nay tại trại giam quê hương, ông vẫn ung dung cho chữ mà không hề để ý đến cảnh ngộ của bản thân.
Điểm đặc biệt nhất khiến Huấn Cao trở thành nhân vật đẹp nhất đời văn Nguyễn Tuân chính là: ông là người có “thiên lương” trong sáng, cao đẹp. Điều này thể hiện rõ ở phản ứng của ông trước những người xin chữ: “Ta không vì vàng ngọc hay quyền thế mà viết chữ bao giờ” vậy nên cả đời Huấn Cao mới cho chữ ba lần cho ba người bạn thân của ông mà thôi. Ông Huấn đúng là một người quân tử mà quyền thế không thể khuất phục, giàu sang không thể mua chuộc mà để làm được điều đó phải có cái tâm trong sáng, vững vàng, bất biến. Khi Ngục quan bước vào buồng giam, ông đã mắng bằng những lời lẽ kiêu bạc nhưng khi nghe tâm sự và nguyện vọng xin chữ của Quản ngục ông vô cùng xúc động. Bởi vậy không đắn đo suy tính, khi đã hiểu tấm lòng Quản ngục ông nhận lời ngay: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có sở thích cao quý như vậy Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Điều này làm cho hình tượng Huấn Cao trở nên trọn vẹn hoàn hảo. Một con người cả đời kiêu bạc như ông Huấn, những tưởng không khuất phục một ai vậy mà lại mềm lòng trước một tấm lòng.
Sự thống nhất của cái tài, cái tâm và khí phách anh hùng ở hình tượng Huấn Cao được hội tụ trong cảnh cho chữ ở cuối tác phẩm. Không còn hình tượng một người tử tù mà chỉ còn hình tượng Huấn Cao - một người nghệ sĩ đang say sưa trổ tài viết chữ đẹp, đang khai sinh cái Đẹp: “một người tử tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ”. Không chỉ vậy, ông còn để lại cho quản ngục những lời dí huấn thiêng liêng về đạo lí làm người: “Tôi bảo thực đấy, thầy quản nên thay chốn ở đi, ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững rồi ra nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Cái đẹp ở Huấn Cao là cái đẹp tổng hòa của tài năng, nhân cách, khí phách, một cái đẹp đạt đến mức lí tưởng.