BÀI LÀM:
Trọn đời cống hiến cho cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dồn hết bút lực để tạo nên “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” bằng bút pháp đối lập, tương phản của chủ nghĩa lãng mạn.
Cảnh cho chữ, trước hết là sự chiến thắng của ánh sáng với bóng tối.
Khung cảnh ấy diễn ra vào lác đêm khuya - đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao ra pháp trường lĩnh án. Cái tối bao trùm lên cả trại giam tỉnh Sơn, nó len vào ô cửa nhà tù “một buồng tối chật hẹp”. Trong cái tối tăm của gian phòng giam giữ Huấn Cao có cái tăm tối của chế độ xã hội lúc bấy giờ, nó khiến những người anh hùng như ông Huấn phải đứng lên chống lại cái triều đình mà ống căm ghét, khinh bỉ. Nhưng bóng tối không là một ám ảnh với người đọc như trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam bởi nó nhanh chóng bị đẩy lùi bởi ánh sáng khi Huấn Cao cất bút. Một không gian rực sáng đến chói loà “không khí toả như đám cháy nhà” bởi “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu”. Đến tận khi viết xong bức châm, ánh sáng ấy vẫn còn giữ nguyên độ nóng: “lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo”. Như vậy, ánh sáng đã ngự trị suốt cảnh cho chữ còn và là phông nền chất liệu để hình ảnh con người xuất hiện. Ánh sáng toát ra từ cạnh cho chữ còn là ánh sáng của “tấm lụa trắng tinh căng trên tấm ván”. Những ánh sáng hiện diện trong cảnh này đều những gam màu nóng, thanh khiết và nó hoàn toàn đẩy lùi bóng tối bao trùm vũ trụ.
Cảnh cho chữ là sự đối lập giữa không gian cho chữ vói hoàn cảnh cho chữ.
Nghệ thuật thư pháp là một thú chơi thanh cao của người xưa. Nó thường được tổ chức ở những nơi thanh tĩnh, trong thư phòng lộng ngát hương hoa hay mỗi dịp tết đến xuân về. Vậy mà ở đây nó lại diễn ra trong một phòng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất đầy phân chuột, phân gián”. Đây là cái nhơ bẩn của chốn giam tù và nó hoàn toàn không xứng đáng với một cuộc cho chữ của ông Huấn, càng không xứng đáng bởi đây là những nét chữ cuối cùng của đời ông. Nguyễn Tuân đẩy nhân vật đẹp nhất đời văn của mình vào một tình thế éo le song chính vì thế mà nhân cách và tấm lòng cọn người càng tỏa sáng.
Dù xung quanh có bẩn thỉu thì nơi thu hút cái nhìn của ba con người là “phiến lụa óng”: Hiện thân của cái đẹp, trong sáng, thuần khiết, trinh bạch. Trên tấm lụa ấy nổi bật “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”- nó là tấm lòng và khí phách của ông Huấn. Cả không gian cho chữ tràn ngập trong mùi thơm của hồ, của chậu mực; “thỏi mực thầy mua ở đâu mà thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?”. Hương thơm, ấy đã xua tan đi sự hôi hám vốn có nơi phòng giam người tử tù. Nó cũng là biểu tượng của cái đẹp, cái tinh khiết đối lập với cái nhơ bẩn, phàm tục... tư thế của người cho chữ >< người đì xin chữ.
Trên bình diện xã hội, họ là hai cọn người đối lập nhau, một người là tử tù, một người là cai ngục nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm tri kỉ của nhau. Xuất hiện trong cảnh cho chữ là một ông Huấn trong tư thế đĩnh đạc “đang dậm tô nét chữ” còn quản ngục “khúm núm”, thơ lại "run run”. Uy quyền và sự tự tin của công chức mẫn cán trong xã hội cũ đã bị tâm quyền, cái đẹp làm cho nao núng, khuất phục, tất cả đã tạo nên một cuộc đảo lộn ghê gớm đang diễn ra trong vị thế của các nhân vật. Không những thế, khi viết xong nét chữ, Huấn Cao còn ban cho quản ngục những lời di huấn thiêng liêng về đạo lý làm người. Hai lần trong một câu thoại, Huấn Cao khuyên quản ngục “nên thay chốn ở đi”, “thầy hãy tìm về quê đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ” cho thấy, điều mà người nghệ sĩ này mong mỏi là quản ngục được sống trong môi trường đúng với cái thiên lương của mình. Còn ngục quan thì “cảm động, vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào; kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Đó là giọt nước mắt của sự thành tâm, kính phục, tâm phục, sự phục thiện như đóa sen thơm giữa bùn lầy nơi con người quản ngục. Nó khiến cho nhân vật này trở nên cao cả hơn, giống như cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (cả đời ta chỉ biết cúi lạy trước một loại hoa, đó là hoa mai). Cả hai nhân vật đã xích lại gần nhau hơn và cư xử với nhau theo nguyên tắc của cái Đẹp, đang hành xử theo đạo tri kỉ: ông Huấn trong những giây phút cuối cùng đã tìm thêm cho mình một tri kỉ ở đời còn quản ngục đã dám cởi bỏ lối sống “xanh vỏ đỏ lòng” để thật sự là mình. Ta có thể tin tưởng rằng Huấn Cao sẽ mỉm cười mãn nguyện trước khi lĩnh án, còn quản ngục sẽ thay chốn ở, tìm về quê, sống một cuộc sống thuần hậu để gìn giữ cái tâm. Cuộc gặp gỡ này trở thành cuộc hạnh ngộ với cả hai người.
Sự đối lập trong bản thân Huấn Cao:
Huấn Cao viết trong trạng thái “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” >< “đang dậm tô nét chữ”. Cái Tâm đang chi phối Tài, và cái Tài đang phụng sự cái Tâm. Đáng trân trọng hơn cái đẹp ấy nằm trong một khí phách hiên ngang bất khuất.